Lữ hành là trường đời

Thứ Năm, 23/07/2020, 10:42
Tôi cho rằng phần lớn bạn bè bây giờ coi tôi là người tự tin biết sống độc lập và biết mình muốn gì trong đời. Nhưng tôi đã khác hẳn vào thời thiếu niên khi còn sống ở quê mình. Đó thực sự là một thời kỳ khó khăn, đau đớn biết bao! Khi suy ngẫm lại, giờ tôi hiểu rõ rằng thời bấy giờ tôi đã rơi vào khủng khoảng về bản thể.

Sau những năm tháng vô tư lự ở trường tiểu học, tôi bước vào trường trung học ở tuổi 14 mà không chuẩn bị tinh thần để đối diện với môi trường hoàn toàn mới lạ. Ở tuổi teen, tâm lý của các bạn cùng trang lứa của tôi chuyển dịch theo những hướng mà tôi chưa kịp hiểu hay chưa sẵn sàng chấp nhận.

Ngày càng nhiều, họ bắt đầu nuôi một tinh thần dễ cáu, hay nổi loạn và phản nghịch. Họ coi thường việc học tập và ngày đêm thích la cà ngồi cà phê tán gẫu về các vấn đề linh tinh của giới teen.

Trong khi đó, tôi mê nhạc cổ điển và đọc ngấu nghiến các tiểu thuyết kinh điển Nga, thậm chí viết một vài tiểu thuyết mà tôi không cho ai đọc. Đầu óc hiếu kỳ của tôi ngày càng khát khao kiến thức về thế giới ngoài kia, tôi muốn biết cái gì nằm ở phía sau cuộc sống hàng ngày tầm thường của tôi. Khoảng cách giữa tôi và các bạn cùng lớp ngày càng rộng ra và tôi chìm vào trầm cảm và cảm giác bất lực.

Nhờ xe ở Thổ Nhĩ Kỳ khi mới 18 tuổi.

Tôi bắt đầu tin rằng tôi là một kẻ lập dị không biết thích ứng và không có cùng những giá trị với đám đông ngày càng xa lạ. Và song song với cảm giác đó, tôi bắt đầu xa lánh mọi người và khép cửa lòng mình.

Trong thời điểm thanh niên, tôi chỉ là một kẻ tự ti lạc lối mò mẫm trong bống tối, thiếu kỹ năng sống và chẳng biết cách để kết nối với người khác hay xây dựng một cuộc sống ý nghĩa.

Tôi cố tìm một vài cách để chạy trốn thực tế. Ngoài việc đọc và viết sách, tôi bắt đầu quan tâm đến chủ đề du lịch. Dần dần và từng bước một, tôi bắt đầu du lịch theo cách tự túc, với một bạn khác hay một mình. Sau một vài chuyến đi trong nước, tôi quyết định thử thách bản thân và đi du lịch ở nước ngoài.

Ở tuổi 18, tôi mang ba lô lên và với chỉ 50 euro trong túi, tôi đi nhờ xe từ quê mình (Serbia) tới thành phố Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó thực sự là một bước tiến nhảy vọt trong đời tôi! Bỗng nhiên, tôi mạo hiểm dấn thân vào một cuộc hành trình đầy thử thách và tôi phải cặm cụi tìm cách để xử lý các vấn đề trên đường.

Tìm vị trí tốt trên đường cao tốc ở ngoài thành phố rồi giơ ngón tay cái và đứng dưới trời nắng chờ đợi đến khi một tài xế dừng lại...

Sau đó giao tiếp với tài xế cho đến khi xuống xe ở đoạn đường tiếp theo. Đối với tôi của thời đó, đi nước ngoài bằng cách nhờ xe đòi hỏi lòng can đảm và ít nhiều kỹ năng như khả năng đánh giá tình huống hay khả năng giao tiếp với người lạ.

Cảm giác khi, sau hai ngày chật vật, tôi rốt cuộc tới thành phố Istanbul thực sự đắc thắng biết bao! Với dân số 15 triệu dân, Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên hai châu lục Á - Âu. Tôi đã rất tự hào khi băng qua eo biển Boshorus bằng phà và đặt chân trên bờ thuộc châu Á.

Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng thế giới này rất bao la đa dạng mà tôi có thể tận hưởng khám phá nếu dám bước ra khỏi vùng quen thuộc của mình. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi có thể thở thoải mái. Tại Istanbul, tôi cảm thấy mình thật tự do, không ai đàn áp, phán xét hay dè bỉu tôi.

Ngược lại, người dân Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra hết sức nhiệt tình và muốn biết nhiều hơn về cuộc sống của tôi, điều giúp tôi khôi phục lại lòng tự tin về giá trị bản thân. Bất ngờ làm sao, tôi không còn thấy xấu hổ vì mình khác biệt hay kỳ lạ. Tôi nhận ra rằng việc kết bạn trở nên dễ dàng hơn nhiều khi ta có tinh thần cởi mở hiếu kỳ.

Vậy, tôi bắt đầu sống theo phương châm: ''Không có thứ gì gọi là 'người lạ', chỉ có bạn bè mà ta chưa gặp mà thôi''. Ở mọi thành phố, tại mọi khách sạn hay tàu hỏa, tôi cố gắng bắt chuyện và làm quen với những người bản địa hay những du khách lạ mặt đến từ nhiều nơi và văn hóa khác nhau. Sự giao thiệp này thực sự là một kinh nghiệm quý giá vì nhiều lý do.

Thứ nhất, nó giúp tôi cải thiện đáng kể kỹ năng giao tiếp. Trong nhiều trường hợp, tôi phải giao tiếp bằng những ngôn ngữ mà tôi biết rất kém hay thậm chí sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Khi tôi giao tiếp với một nông dân ở Nga hay với một tin đạo Hồi giáo ở Trung Đông, hay với một thầy tu ở Tây Tạng, hay với một tài xế ở Ấn Độ, tôi phải tìm cách để thích ứng với nền văn hóa của họ và tìm những chủ đề phù hợp.

Sau này, kỹ năng này sẽ giúp tôi trong việc giao tiếp với các học sinh tiếng Anh của mình ở Việt Nam. Thứ hai, thông qua kinh nghiệm đó, tôi tìm hiểu và tích lũy nhiều kiến thức về nhiều nước và văn hóa trên thế giới và qua đó, mở rộng sự hiểu biết tổng quát.

Những ''bước đi'' đầu tiên.

Ví dụ, lần đầu tiên tôi nghe về Việt Nam là lúc tôi còn học cấp ba, khi tôi làm quen với một lãng tử người Anh. Chàng trai đó đã kể cho tôi nhiều câu chuyện về chuyến đi xuyên Việt Nam, về những sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam, thời tiết... Mười lăm năm sau, tôi vẫn nhớ một số chi tiết của các câu chuyện đó.

Cuối cùng, việc tiếp xúc nhiều người nước ngoài đi du lịch khắp thế giới và các câu chuyện tuyệt vời mà họ kể về các đất nước xa xôi đã châm ngòi trí tưởng tượng và lòng hiếu kỳ của tôi. Tôi bắt đầu ước mơ mình sẽ cũng có dịp đến và tận mắt khám phá những địa điểm đẹp nao lòng của hành tinh này. Tôi bị dính vào người cái gọi là ''travel bug'' - con bọ lữ hành.

Tôi cũng muốn làm như họ! Tôi bắt đầu đào bới trên mạng Internet để tìm hiểu về nhiều đất nước, tiết kiệm mỗi xu, tìm kiếm mỗi cách để đi du lịch với ít tiền. Tôi mê man nhìn vào bản đồ thế giới và mơ về các vùng đất cách tôi hàng nghìn kilômét. Tôi hay trằn trọc, mơ mộng cả đêm vì ngọn lửa đam mê. Tôi chẳng có nhiều điều kiện tài chính nhưng tôi có lòng kiên trì và sự quyết tâm vững vàng. Tôi hết lòng tin vào phương châm cổ tích ''không có gì là không thể''.

Vậy, trong chỉ vài ba năm, từ một chàng trai tự ti, nhút nhát và không kiên định, tôi đã biến thành một người say sưa và quả quyết, một Tây ba lô thích mạo hiểm phiêu lưu và không ngại trước bất cứ trở ngại nào. Như một phép lạ, trong những năm tiếp theo tôi đã ''chinh phục'' hết vùng này đến vùng khác, mỗi lần đi xa hơn và lên đường lâu hơn thêm chút. Tôi không ngại điều gì và tôi rất tự tin trong việc theo đuổi các ước mơ của mình.

Trong những chuyến đi kéo dài mấy tháng liền, tôi liên tục phải đối mặt với những tình huống mới và học cách ''sống sót'' mọi ngày với ít tiền trong túi. Bởi vì khi người ta không có nhiều tiền, đi du lịch giống như trải nghiệm sinh tồn. Đã có lần, tôi đã phải ngủ ngay ở ngoài phố hay đã phải nhờ người bản địa tiếp đón tôi ở nhà họ! Đã có lần, tôi đã phải nhịn đói cả ngày hay đi bộ nhiều giờ liền để tiết kiệm! Tôi đã phải xoay xở vượt qua nhiều thử thách trên đường, học cách xử lý các tình huống một cách độc lập, nhanh nhẹn và vững chắc.

Điều này đã dạy cho tôi khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường mới, kỹ năng rất hữu ích khi tôi sang Việt Nam xây dựng một cuộc sống mới ở nước lạ. Cuối cùng, những chuyến phiêu lưu khó nhọc kéo dài đã giúp tôi củng cố hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng.

Trong mười năm tiếp theo kể từ khi tôi đến Istanbul, tôi đã đặt chân ở một phần ba đất nước trên thế giới. Thay vì theo đuổi sự giàu có hay thành công trong sự nghiệp, tôi đã dành phần lớn tuổi thanh xuân để đi du lịch quanh thế giới. Trong thời điểm đó, tôi đã không tiết kiệm nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng và không sắm những vật chất đắt tiền. Nhưng tôi đã kết bạn với những người xuất sắc ở khắp mọi nơi và tôi đã tích lũy một kinh nghiệm khổng lồ dạy cho tôi nhiều kỹ năng và bài học về cuộc đời, và để lại trong tâm trí của tôi những ký ức tuyệt đẹp mà tôi sẽ nhớ đến cả phần đời còn lại.

Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)
.
.