Xuất khẩu giáo dục: Tại sao không?

Thứ Tư, 28/08/2019, 14:08
Về mặt truyền thống, Việt Nam vốn được xem là nước “nhập khẩu” giáo dục quốc tế. Dữ liệu hiện có cho thấy, trong những năm gần đây, trung bình Việt Nam có hơn 80,000 sinh viên du học tại khắp các nước trên thế giới. 

Đồng thời, cũng đang có hàng trăm chương trình du học tại chỗ, liên kết giữa các đại học nước ngoài với đại học trong nước đang được triển khai tại Việt Nam, thu hút hàng chục nghìn sinh viên theo học. 

Dù vậy, nhìn rộng ra, có thể thấy Việt Nam đang có một số thuận lợi nhất định trong việc có thể làm được chiều ngược lại, đó là “xuất khẩu” giáo dục, hay nói cách khác, là thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam.

Những con số

Nếu mở website của UNESCO thống kê toàn bộ số lượng sinh viên quốc tế đi - đến với từng nước (http://uis.unesco.org/en/uis-student-flow#slideoutmenu), nhiều người sẽ khá bất ngờ với việc Việt Nam trong năm 2018 có tới 4.162 sinh viên quốc tế đang học (toàn thời gian). 

Đứng thứ nhất là sinh viên đến từ Lào, với 3.077 người (chiếm 73.9%). Các nước thuộc top 3 còn có Campuchia (432 sinh viên, chiếm 10.4 %), Hàn Quốc (370 sinh viên, chiếm 8.9%). Khi nhìn những số liệu này, có thể ai đó trong chúng ta sẽ thốt lên “ồ, toàn Lào với Campuchia!”. 

Dù vậy, theo người viết, kể cả đó toàn là Lào, Campuchia hay những nước lân cận khác (như Trung Quốc hay Philippines) thì đây đều là những con số đáng khích lệ. Và nếu nhìn vào lịch sử các nước có truyền thống thu hút sinh viên quốc tế như Mỹ, Australia, Anh... thì hầu như những nước này luôn bắt đầu bằng việc thu hút thành công các sinh viên từ các nước láng giềng theo học (đối với Mỹ là Canada, Mexico; đối với Anh là Pháp, Ireland; đối với Australia là New Zealand). 

Thực tế, việc một sinh viên du học ngay tại nước láng giềng vẫn là hiện tượng phổ biến hiện nay. Điều này có nghĩa là, kể cả trong tương lai, khi chúng ta có thể thu hút được nhiều sinh viên quốc tế hơn thì sinh viên từ Lào, Campuchia hay Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ là những nguồn quan trọng của chúng ta.

Những nỗ lực từ cơ sở

Alex (tên thật đã được thay đổi) đến từ một đất nước châu Phi xa xôi. Anh sang Việt Nam học đại học cách đây khoảng 10 năm. Anh đến Việt Nam rất tình cờ.

Đầu tiên anh định sang một nước ở châu Âu du học nhưng khi phát hiện ra trường đại học của nước này có một chương trình liên kết tại Việt Nam và cũng để tiết kiệm chi phí, Alex đã đến Việt Nam học lấy bằng đại học trước rồi dự định sau đó sang Anh học tiếp thạc sĩ sau. 

Nhưng cuộc sống nhiều tình cờ khó biết trước, Alex quyết định ở lại Việt Nam làm việc cho chính chương trình liên kết của mình. Nhiệm vụ của anh hiện nay là tuyển sinh tại thị trường châu Phi, quê hương anh.

Việc Alex ở lại Việt Nam thì tình cờ nhưng việc thu hút được anh hay những người như anh sang Việt Nam thực tế là không tình cờ. Khi trao đổi với người phụ trách chương trình mà Alex đã học và hiện đang làm việc, tôi được biết họ đã có hẳn một kế hoạch dài hạn quốc tế hóa, bắt đầu bằng việc thu hút sinh viên từ một thị trường rất ngách: Châu Phi. 

Và để tăng tính hấp dẫn, những người có trách nhiệm đã sử dụng chương trình liên kết quốc tế làm điểm nhấn. Hiện nay, hằng năm, chương trình này vẫn thu hút được khoảng vài chục sinh viên đến từ châu Phi, bên cạnh một số sinh viên đến từ các nước khác trong khu vực.

Trường đại học nơi Alex đang làm việc không phải là trường hợp duy nhất đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Khảo sát gần đây của chúng tôi cho thấy một số kết quả khá thú vị. Ví dụ trong số 31 trường được khảo sát, có tới 18 trường đặt mục tiêu thu hút sinh viên quốc tế như một phần của kế hoạch chiến lược dài hạn. 

Trong đó, một trường tại miền Trung đã có kết quả thu hút sinh viên quốc tế rất khích lệ. Theo thống kê, trong khoảng hơn 4.000 sinh viên tại trường này thì có tới hơn 1.000 sinh viên quốc tế (chủ yếu là từ Lào). 

Có nghĩa là cứ 4 sinh viên trường này, sẽ có 1 sinh viên quốc tế (25%). Đây là tỷ lệ tương đối cao, ngay cả so với các nước trên thế giới. Qua tìm hiểu, được biết trường đại học này đã tận dụng rất tốt một số chương trình học bổng cấp chính phủ và cấp tỉnh để có một số sinh viên quốc tế đầu tiên và sau đó là thu hút thêm sinh viên tự túc.

Đa lợi ích

Thu hút được sinh viên quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho trường đại học. Trước tiên, đây là một nguồn thu nhập đáng kể cho nhà trường và địa phương. Sinh viên quốc tế không chỉ đóng học phí mà còn thuê nhà, chi tiêu, sinh hoạt tại địa phương. Thậm chí, họ (và gia đình họ) còn là những khách du lịch thường trực. 

Ở một số đại học trên thế giới, như tại Anh, Australia, sinh viên quốc tế thậm chí còn đóng góp đến 20-30% doanh thu của trường. Đây là một tỷ lệ đáng kể và quan trọng, nếu xét trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới hiện nay đang cắt dần ngân sách cho trường đại học, trong khi học phí dành cho sinh viên bản địa thì không thể thu cao.

Sự hiện diện của sinh viên quốc tế còn giúp nâng cao chất lượng của trường đại học. Không phải ngẫu nhiên một số bảng xếp hạng đại học trên thế giới như THE hay QS dùng chỉ số tỷ lệ sinh viên quốc tế như là một trong những tiêu chí đánh giá xếp hạng. 

Việc có sinh viên quốc tế học chung với sinh viên bản địa giúp thúc đẩy việc sử dụng ngoại ngữ, góp phần đa dạng văn hóa trong giảng đường.

Cuối cùng, sinh viên quốc tế còn được xem là một nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai cho nước sở tại. Trong nhiều sinh viên quốc tế đi học, sẽ có một số ở lại và tiếp tục làm việc. 

Singapore đã có cả một chiến lược dài hạn thu hút nhân lực trình độ cao thông qua việc thúc đẩy sinh viên quốc tế đến học tại các trường đại học ở nước này như NUS hay NTU. Tại Sillicon Valley, đã có một ước tính trong năm 2016 cho thấy, cứ 100 kỹ sư thì có đến 71 người sinh ra ở nước ngoài.

Sinh viên quốc tế giao lưu nhân dịp tết cổ truyền. Ảnh: L.G.

Cơ hội cho Việt Nam

Việc thu hút sinh viên quốc tế, hay còn gọi là xuất khẩu giáo dục với Việt Nam trước kia vốn được xem là việc xa vời. Nhưng, những điều kiện mới, bối cảnh mới đang đem đến cho chúng ta nhiều điều kiện để trở thành một điểm đến mới của sinh viên quốc tế.

Thứ nhất, chúng ta đang có lợi thế nằm ở một khu vực được xem là trung tâm mới của sinh viên quốc tế. Nhìn xung quanh, các nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Đồ thị... mô tả kết quả thu hút sinh viên quốc tế của các nước/vùng lãnh thổ kể trên.

Việt Nam, về mặt địa lý nằm ở chính giữa trung tâm mới của sinh viên quốc tế này. Và đây chính là cơ hội vàng cho chúng ta.

Thứ hai, xu hướng gần đây cho thấy hình thức du học cũng trở nên đa dạng hơn. Trước đây, sinh viên du học chủ yếu để lấy bằng, học một khóa dài (3-4 năm đại học hay 1-2 năm thạc sĩ), sinh viên ngày nay ngày càng nhiều có người có nhu cầu đi học ngắn hạn (một vài tuần cho đến 1 kỳ) với mục tiêu tăng cường trải nghiệm, giao lưu văn hóa là chủ yếu. 

Thậm chí, nhiều chính phủ như Australia hiện còn mở hẳn một chương trình (có tên gọi New Colombo) dành riêng cho sinh viên nước này đi học ngắn hạn tại các nước đang phát triển. Việt Nam, với lợi thế của một nước có điều kiện du lịch, nền văn hóa đặc biệt hoàn toàn có thể tận dụng xu hướng này.

Tuy nhiên, thu hút sinh viên quốc tế không nên xem là việc của từng trường đại học đơn lẻ mà nên nhìn điều này như một chiến lược cấp quốc gia. Bởi một sinh viên du học, không chỉ sống trong khuôn viên trường đại học suốt mấy năm du học. Họ còn là một người nước ngoài sinh sống tại thành phố/địa phương nơi trường đại học đặt địa điểm, dùng nhiều dịch vụ khác như ăn uống, giải trí, du lịch... 

Bởi vậy, mặc dù Việt Nam đã bắt đầu có cơ hội để xuất khẩu giáo dục quốc tế nhưng cơ hội đó có biến thành sự thật hay không còn phụ thuộc vào tầm nhín và ý chí của những nhà làm chính sách. 

Phạm Hiệp
.
.