Xuân xa xứ
Ở lại nơi xa xứ, nơi văn hóa nước sở tại không có khái niệm tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt có cách riêng để tết ấm lòng, nặng tình một cội như gặp gỡ giao lưu, gói bánh chưng, cắm hoa đào giấy, tổ chức văn hóa, văn nghệ với những ca khúc về quê hương, đất nước. Ở một góc sâu lắng hơn, nhiều doanh nhân, kỹ sư, công nhân, học viên... lại trở thành thi sĩ khi tình yêu, nỗi nhớ đất Mẹ xao động trái tim ở thời khắc thiêng liêng nhất của đất trời...
Rét ngọt đã về trên phố quen
Thương sao những cây bàng lá đỏ
Gió buốt lạnh cồn cào nỗi nhớ
Hà Nội lặng lẽ giấc mùa đông
Nắng hanh hao, đôi má trẻ ửng hồng
Ta trìu mến gửi về quê hơi ấm
Nụ đào khoe môi cười chúm chím
Xuân rất gần gọi những đứa con xa...
Đỗ Thị Hoa Lý (Ukraine)
Từ Plauen, CHLB Đức, chị Hằng Nguyên thao thức với Hà Nội bởi những ký ức sâu lắng năm xưa với chợ hoa Quảng Bá, nụ đào Nhật Tân, ven đê cải ngồng, khoảng màu những bức tranh gốm sứ... lại ùa về:
Câu hỏi cũ nhắc lời hứa đã xa xôi
Ao ước muộn đi chợ hoa Quảng Bá
Ngắm nụ đào phai lòng bồn chồn lạ
Sắp tết rồi... Anh có về với em không?
Lời xin lỗi rơi vào chốn mênh mông
Từng khoảng màu những bức tranh gốm sứ
Ven sông Hồng kể chặng dài lịch sử
Cầu Long Biên già cỗi bởi tháng năm.
Nước phù sa ngầu đỏ sóng triền song
Lở bồi ven đê vườn cải ngồng quá lứa
Bước chân người mỏi mệt đời lữ thứ
Về không anh... đường Cổ Ngư lối cũ đợi chờ...
“Mùa tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, dịch COVID-19 đang lan mạnh ở châu Âu khiến mọi hoạt động của xã hội đều bị ngưng trệ. Các hội đoàn đều thực hiện giãn cách xã hội, không khí tết cũng lắng xuống. Điều đó càng làm cho những người con xa quê như tôi thêm nhớ nhà, nhớ cái không khí Nguyên đán ấm áp và rực rỡ của quê hương khi tết đến, xuân về” - chị Tú Oanh (CHLB Đức) bày tỏ.
Talk show trực tuyến “Gặp mặt đầu xuân” dành cho người Việt Nam tại Hà Lan. |
Chị kể, xa quê đã lâu, tuổi cũng đã gần tới ngưỡng U60 và cũng bao nhiêu năm rồi không được hưởng những cái tết trọn vẹn đúng nghĩa của ngày xưa. Nơi sinh sống bây giờ không ăn tết cổ truyền như người Việt, ngày tết mọi người vẫn phải đi làm bình thường, gắng lắm thì mỗi nhà cũng chỉ sắm được vài cặp bánh chưng mua ở siêu thị Việt, một lọ hoa đào nhỏ và một mâm cơm làm vội với những món đơn giản để cúng chiều 30, rồi cả nhà quây quần bên nhau trong chốc lát mừng năm mới, mừng tuổi cho trẻ nhỏ, vậy là hết tết. Hôm sau trở lại công việc, học tập bình thường. Không có các thủ tục, lễ nghi, kiêng kị theo tập quán. Cứ thế dần dà, cái từ Nguyên đán cũng xa xăm dần trong tất bật mưu sinh...
Ấy vậy mà ký ức về những cái tết xưa thì chẳng thể nào nhạt phai trong ký ức, nhất là mỗi dịp xuân về. Chị bồi hồi: “Tôi còn nhớ những cái tết ngày ấy thật vui, thật náo nức. Cái náo nức rộn ràng bao trùm lên cả ngôi làng nhỏ bé nghèo nàn của tôi. Ngôi làng với những mái nhà tranh, vách đất, mốc meo, bụi bặm, bỗng dưng như được thay áo mới, bừng lên một sắc tươi vui đầy sức sống. Một cổng chào làm bằng những tàu lá dừa với dòng chữ “Chúc mừng năm mới” được dựng lên ở đầu làng, những hàng cây trong làng được quét vôi trắng gốc. Nơi cầu ao rôm rả tiếng cười nói của người rửa lá bánh. Tiếng chày giã gạo, tiếng nồi chậu vang lên xủng xoảng ở những gia đình có cối xay...
Người dân quê tôi vốn vậy, làm lụng quanh năm vất vả, tiền gom góp được chỉ đổ dồn vào sắm sửa cho no đủ trong mấy ngày tết, phải mua quần áo mới cho trẻ, phải mừng tuổi cho trẻ con và người già, dẫu sau ngày tết phải ăn vay, ăn dè... Tất cả những cái đó tạo nên một văn hóa, một phong vị tết rất riêng biệt, khó phai, ở mảnh đất làng nơi tôi đã sinh ra”...
Anh Nguyễn Hoài Bắc (Canada) viết rằng, tết này, nhiều người con xa quê, họ rất muốn và rất mong về nhà nhưng đại dịch COVID-19 ngày một nguy hiểm hơn, nhiều quốc gia tiếp tục bế quan, tỏa cảng, đường bay quốc tế hạn chế tối đa và các thành phố nơi có đông bà con Việt kiều sinh sống bị “lockdown”. Nơi xa ấy, “tôi biết họ đang gửi hồn về quê hương, họ đang hoài niệm về những cái tết đã qua, tết này đành lỗi hẹn, nơi ấy có mẹ, có cha và những người dấu yêu”.
Không chỉ bằng những vần thơ, đoạn văn thể hiện nỗi lòng xa xứ, năm 2020 với hàng loạt thách thức từ dịch bệnh, thiên tai, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã bằng các hành động cụ thể, chung tay giúp đỡ đồng bào trong nước. Chủ tịch Hội Aurore Ánh sáng (Pháp) Trần Thu Dung cho hay, biết là nhiều nơi đã giúp đồng bào lũ lụt nên quà tặng của hội rải ra một vài chỗ để tránh dồn cục, không công bằng. Số lượng ủng hộ tuy không nhiều, mỗi trường chỉ được 2 thiết bị, kèm vở, chăn, sách, bút cùng với số tiền giúp đỡ học sinh khó khăn nhưng nói lên tấm lòng của những người con xa xứ luôn hướng về Tổ quốc.
“Mong trời đừng giông bão, lũ đừng về, để miền Trung sớm hồi sức khắc phục hậu quả. Cảm ơn những tấm lòng vì miền Trung. Cám ơn những người bạn trên chuyến tàu DK491. Mong sớm hết COVID-19 để chúng tôi có dịp trở về quê hương, thăm địa danh xa xôi nhưng giờ đây trở thành gần gũi với những cái tên Hải Lăng, Cẩm Xuyên, Đình Bản, Thạch Hà, Triệu Độ, Đakrông...” - chị bày tỏ.
Bà con người Việt tại Macau (Trung Quốc) biểu diễn văn nghệ chào mừng xuân Tân Sửu. |
Tết xa xứ nhưng vòng tay kiều bào, chung lòng hướng về Tổ quốc vẫn luôn ấm áp, rộn ràng. Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania tổ chức buổi gặp mặt mừng xuân Tân Sửu 2021 với sự tham dự của cộng đồng, doanh nghiệp Việt Nam ở sở tại và toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán. Buổi gặp mặt tại Tanzania được tổ chức với các món ăn đậm đà hương vị Việt truyền thống và giao lưu văn nghệ với nhiều bài hát ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước. Còn tại Thụy Sĩ, do không thể tổ chức tết cộng đồng như truyền thống hằng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã đổi mới hình thức mừng tết cổ truyền bằng cách gói bánh chưng. Nhờ hệ thống bưu điện Thụy Sĩ hoạt động hiệu quả, chính xác, những chiếc bánh đầy tình cảm tri ân sâu sắc đã được chuyển đến tận tay bà con cộng đồng người Việt trên khắp mọi miền đất nước vốn là thương hiệu đồng hồ. Còn tại Lào, Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn tổ chức chương trình “Gói bánh chưng, gói trọn tình quê hương”, mừng Đảng, mừng xuân Tân Sửu 2021 với sự tham dự của đông đảo bà con người Việt tại đây.
Theo phóng viên tại Canada, trong bối cảnh quốc gia Bắc Mỹ này đang nỗ lực kìm hãm làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại bờ Tây của đất nước rộng lớn thứ hai thế giới chọn cách đón tết đặc biệt - tết online. Đây không chỉ là biểu hiện của tình đoàn kết, hướng về quê hương đất tổ với phong tục ăn tết cổ truyền quây quần bên gia đình, người thân và bạn hữu mà còn phản ánh ý thức kỷ luật, tôn trọng pháp luật địa phương và bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Còn tại Australia, Đại sứ quán Việt Nam tại Canberra đã tổ chức Tết Cộng đồng mừng xuân Tân Sửu 2021 với sự tham gia của đông đảo bà con người Việt, bạn bè Australia và quốc tế. Tại Nga, tham dự buổi gặp mừng xuân có các cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok, các thành viên trong đội tình nguyện với nòng cốt là sinh viên thuộc 2 trường đại học đóng trên địa bàn thành phố gồm Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (DVFU) và Đại học Hàng hải Quốc gia Nhevenskoy. Đội tình nguyện đã thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của cộng đồng người Việt trong phòng chống dịch COVID-19 và đã nhận được sự ghi nhận của bà con tại Primorye.
Năm 2020, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều hoạt động đối ngoại lớn, khẳng định thành tựu của đất nước, nhất là nỗ lực vượt khó luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của 5,3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài. Ðảng và Nhà nước luôn trân trọng những đóng góp trên tất cả các lĩnh vực, về đầu tư, thương mại, chuyển giao tri thức, công nghệ, trong đó có việc quyên góp gửi về nước gần 80 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật cho phòng, chống dịch COVID-19 và khắc phục mưa lũ tại miền Trung. Tổng lượng kiều hối gửi về trong 5 năm đạt gần 75 tỷ USD.
Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”!