Vụ sát hại Nghị sĩ phản đối Brexit: Chia rẽ trong lòng nước Anh
- Một nghị sĩ Anh trả giá bằng mạng sống cho vấn đề Brexit
- Brexit - Khởi đầu cho một quá trình phức tạp lâu dài
- Nếu chiến thắng trưng cầu dân ý, Brexit sẽ đẩy tương lai Anh về đâu?
“Ngôi sao đang lên” của Công Đảng đối lập bị sát hại trên đường khi bà đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri tại làng Birstall, hạt West Yorkshire. Cái chết của bà khiến cả “xứ sở sương mù” bàng hoàng và thương tiếc, bởi người dân trân trọng lòng vị tha và sự nghiệp chính trị không tì vết của người phụ nữ này.
Vụ tấn công nhằm vào bà Cox - một trong những nghị sĩ đầu tiên lên tiếng ủng hộ Anh ở lại EU - khiến hai phe ủng hộ và phản đối Brexit quyết định hoãn tất cả chiến dịch vận động. Cho dù chưa có kết luận cuối cùng về động cơ gây án của hung thủ, nhưng cái chết của chính trị gia có quan điểm gắn kết Anh với EU ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của London cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong lòng quốc đảo mù sương về vấn đề có hay không ở lại EU.
Và điều quan trọng hơn, vụ việc này đang làm dấy lên nỗi lo sợ về sự trỗi dậy của tư tưởng phát xít mới khi hung thủ từ lâu có quan hệ mật thiết với những tổ chức phát xít, và tàng trữ nhiều cuốn sách hướng dẫn tự lắp ráp súng đạn.
Tư tưởng phát xít trỗi dậy
Báo chí Anh đưa tin thủ phạm là công dân Anh 52 tuổi Tommy Mair, được miêu tả là người ít nói và sống ẩn dật. Nhân vật này không bao giờ thể hiện quan điểm chính trị, nhưng hay bị ám ảnh bởi những tư tưởng lệch lạc.
Tommy Mair đã “ủng hộ lâu năm” nhóm tân phát xít gọi là Liên minh Dân tộc - một nhóm người sống ở Mỹ coi người da trắng là ưu việt nhất – từ năm 1999. Mair đã đặt mua tài liệu trị giá 620 USD của nhà in thuộc về tổ chức này, trong đó có những cuốn cẩm nang về cách chế tạo vũ khí tự chế, từ bom cho đến súng ống.
Chưa hết, Mair từng đăng ký mua một tạp chí từ Nam Phi trong vòng 10 năm của Câu lạc bộ Tê giác trắng - một nhóm ủng hộ tư tưởng phân biệt đối xử với người da màu. Nhiều báo Anh dẫn lời các nhân chứng nói rằng, thủ phạm - vốn là kẻ ủng hộ Brexit - đã liên tiếp nhắc lại câu nói: “Nước Anh là trên hết!” khi giết hại bà Cox.
Nhiều nguồn tin khác cũng tiết lộ, một người đàn ông khác bị bắt hồi tháng 3 vì đã gửi những tin nhắn đe dọa tới bà Cox - người ủng hộ một nước Anh đa văn hóa và phát triển bao trùm trong bối cảnh tư tưởng thù địch đối với những người di cư đang khiến chiến dịch chống Liên minh châu Âu (EU) dâng cao hơn.
Trong bối cảnh này, đảng chính trị cực hữu có tên Britain First (Anh quốc trên hết), đã vận động từ nhiều năm đòi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nói rằng đảng không “dính líu” đến vụ tấn công nhắm vào nhà lập pháp thân EU, và ban lãnh đạo đảng đã lên án vụ tấn công.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron và lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn cùng thể hiện thái độ gay gắt trước vụ sát hại bà Cox, coi đây là “đòn tấn công vào nền dân chủ”, gây thù địch và chia rẽ sự đoàn kết, đồng thời châm ngòi cho nguy cơ bùng nổ những tư tưởng phát xít mới. Các chính trị gia Anh đều nhận được cảnh báo phải thận trọng hơn sau khi vụ tấn công xảy ra, cùng cẩm nang “Đi tìm sự an toàn”.
Cái chết của bà Cox đã phủ một bóng tối lên cuộc vận động trưng cầu dân ý về EU. Bà là thành viên quốc hội đương nhiệm đầu tiên bị ám sát kể từ khi các đảng viên Cộng hòa Ireland sát hại một chính trị gia bảo thủ kỳ cựu vào năm 1990.
Vụ sát hại bà Cox cho thấy, nghị sĩ là một công việc nguy hiểm. Kết quả của một nghiên cứu gần đây chỉ rõ, cứ năm nghị sĩ Anh thì có một người bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công. Các nghị sĩ Anh được bảo vệ chặt chẽ tại quốc hội, nhưng ở tại các đơn vị bầu cử của họ thì không được như vậy. Các nghị sĩ phải tham gia những buổi gặp gỡ thường xuyên với cử tri để nắm bắt các vấn đề họ quan tâm.
Một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào các nghị sĩ Anh là vụ đâm nghị sĩ Công đảng Stephen Timms năm 2010. Khi đó, ông Timms bị đâm hai nhát vào bụng khi tiếp xúc cử tri ở khu vực Đông London, khiến ông mất nhiều máu và bị nhiễm trùng đến mức nguy hiểm tính mạng. Kẻ tấn công được xác định là nữ sinh viên 21 tuổi Roshonara Choudhry mang tư tưởng cực đoan, muốn giết vị cựu bộ trưởng vì ông này ủng hộ chiến tranh Iraq.
Được hay mất?
Sự kiện nữ nghị sĩ Jo Cox bị sát hại trong lúc vận động cử tri ủng hộ việc Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đã làm chấn động dư luận. Vấn đề trở nên căng thẳng và phức tạp đến mức cả phe ủng hộ cũng như phản đối việc Anh rời EU (Brexit) đã đình chỉ chiến dịch vận động.
Ngay sau vụ này, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rất khó đoán kết quả khi sự ủng hộ dành cho hai phe sít sao và phía theo Brexit nhỉnh hơn một chút. Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo, dù kết quả cuối cùng thế nào thì chính trường và xã hội Anh cũng sẽ bị chia rẽ sâu sắc. Với sự nổi lên của các lực lượng cực đoan, nước Anh có thể sẽ phải đối diện với các nguy cơ bất ổn an ninh mới, mà vụ nghị sĩ Cox bị sát hại đang gây ra nhiều nghi ngại.
Với sự nổi lên của các lực lượng cực đoan, nước Anh có thể sẽ phải đối diện với các nguy cơ bất ổn an ninh mới, mà vụ nghị sĩ Cox bị sát hại đang gây ra nhiều nghi ngại. |
Người dân Anh từ lâu đã có xu hướng tách khỏi châu Âu, khi coi Anh là một đảo quốc có những truyền thống và bản sắc khác biệt. Những người ủng hộ Brexit có những “con át chủ bài” riêng, trong đó lòng tự tôn dân tộc của một đế quốc Anh hùng mạnh, mối liên kết vốn dĩ lỏng lẻo giữa Anh và EU cùng những hạn chế ngày càng lộ rõ của “ngôi nhà chung” 28 nước thành viên trong một thế giới đang biến đổi không ngừng, đang được tận dụng triệt để.
Một bộ phận người dân cho rằng, mối quan hệ với EU không mang đến lợi ích và thậm chí còn khiến nước Anh phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề người nhập cư. Không ít ý kiến hướng tới viễn cảnh: một nước Anh tự do và tự chủ hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác hay có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác.
Không phải ngẫu nhiên mà hiện tâm lý muốn từ bỏ EU đang gia tăng ở nhiều nước thành viên EU khác ngoài Anh. Ngay cả ở nước “đầu tàu” EU như Đức, cũng có tới 1/3 người dân muốn nước này rời khỏi Liên minh. Mặt khác, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tiếp tục len lỏi vào tư tưởng của một số thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron cũng như người dân nước Anh.
Điều này tạo nên sự chia rẽ sâu sắc ngay trong chính nội bộ đảng cầm quyền, ảnh hưởng đến số phận chính trị của Thủ tướng David Cameron và đảng Bảo thủ. Trong ngắn hạn, ông Cameron phải đối diện với những rắc rối chính trị, và áp lực từ người dân cùng nội bộ đảng cầm quyền nhiều khả năng sẽ buộc ông Cameron phải từ chức. Điều này dẫn tới nguy cơ đảng Bảo thủ Anh phải cải tổ nội các và chọn ra một thủ tướng mới, thậm chí có thể nước Anh phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, thảm kịch của nghị sĩ Jo Cox đã làm thay đổi tâm lý cử tri và tăng cơ hội để nước Anh tiếp tục là thành viên EU. Từ đây, nhiều lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Anh ở lại EU, nhằm ngăn chặn một vụ “ly dị” đầy rắc rối khiến cả xứ sở sương mù, EU và kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả lớn. Thậm chí lãnh đạo nhiều cường quốc như Mỹ hay Nhật Bản cũng lên tiếng thuyết phục người dân Anh không rời khỏi “ngôi nhà chung”.
Giới phân tích nhận định, sự lựa chọn “có” trong cuộc trưng cầu ý dân là cú đánh trực diện nhằm thẳng vào sự tự tin và địa vị quốc tế của EU, tạo lỗ hổng lớn trong ngân sách chung bởi Anh là nước đóng góp nhiều thứ ba cho ngân sách, khiến Liên minh này đi chệch khỏi mục tiêu trở thành một nền kinh tế cởi mở và giàu tính cạnh tranh hơn.
Chính EU cũng đang phải tính đến một kịch bản với sự xáo trộn đáng kể khi thiếu vắng tiếng nói của một thành viên vốn được coi là chủ chốt lâu nay. Tuy nhiên, kết cục có ra sao thì tình hình hiện nay ở cả Anh và EU đều cho thấy hai bên cần phải cùng điều chỉnh nếu muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”…