Viên phi công Mỹ cuối cùng bị bắt trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam
Biển tên bằng da, màu nâu đen, may đính trên áo bay, trên có hình hai cánh chim biểu tượng của không quân, hải quân Mỹ và dòng chữ: PA KIENTZLER, LDCR USN. Câu chuyện của gần 40 năm về trước được người cựu chiến binh này kể lại như mới hôm qua.
Sau những thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam và chiến công xuất sắc của chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp. Theo hiệp định này, Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đối với miền Bắc, Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện cuộc chiến tranh bằng không quân, hải quân. Hiệp định có hiệu lực từ 7h ngày 28/1/1973.
10h trước khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực, Mỹ - ngụy vẫn huy động mọi lực lượng trên không, trên bộ, dùng phi, pháo bắn phá, thực hiện lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Âm mưu phá hoại của địch đã bị bóc trần, chúng bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt. Một trong số các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại khu vực cảng Cửa Việt khi đó là Đại đội 1 "vận tải thuyền" của Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 320B. Tại đây, đại đội đã bắn rơi 1 máy bay F-4J và bắt sống viên phi công lái máy bay. Anh ta khai:
Họ tên: Kientzler, Phillip Allen.
Cấp bậc: Trung úy.
Sinh: Ngày 6/4/1940.
Quê: New Jersey, đã có vợ và hai con.
Số quân: FR 073302438.
Lái máy bay F-4J thuộc Phi đội 143, tàu CV-65.
Bị bắn rơi ở tọa độ: 165 129 N 107 102E.
Cùng bay có Đại úy hải quân Hall Harley Hubert.
Đêm ngày 27/1/1973, Trung úy hải quân Kientzler, Phillip Allen - sỹ quan ra đa cùng Đại úy hải quân Hall, Harley Hubert lái máy bay F-4J, số hiệu 155786, mật danh "Taproom 113" cùng với một máy bay F-4J khác, thuộc Phi đội 143, trên tàu sân bay tàu Enterprise (CV-65), được lệnh tiến hành phi vụ lần thứ hai trong ngày.
Đến địa điểm đã định, từ xa, Kientzler, Phillip Allen nhìn xuống mặt đất đã thấy những quầng đạn đỏ lừ vun vút bay lên. Đạn pháo 23mm, 37mm, 57mm, tên lửa phòng không vác vai… bắn lên dữ dội. Chưa kịp định hình để ném bom, chiếc "Taproom 113" đã bị trúng đạn cao xạ. Máy bay lảo đảo, buồng lái khói mù mịt, hai phi công tìm mọi cách lái máy bay ra biển chạy thoát thân. Nhưng không kịp, chỉ vài phút sau chiếc F-4J lại bị trúng thêm tên lửa vác vai A-72 vào cánh. Chiếc máy bay loạng choạng, mất phương hướng. Không cố được nữa, Kientzler, Phillip Allen bung dù…
Các phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt nam. |
Chiếc dù màu đỏ của Kientzler, Phillip Allen rơi trúng khu vực của Đại đội 1, đang làm nhiệm vụ tại đó. Cả Đại đội 1 hò nhau bắt phi công Mỹ nhảy dù. Viên phi công bị một viên đạn AK-47 găm trúng đùi trái. Hắn đau đớn, vật vã khi vừa chạm đất. Khu vực nơi phi công rơi xuống thuộc địa phận thôn Hà Tây, xã Triệu An.
Ngay lập tức, Kientzler, Phillip Allen được quân y cứu chữa. Họ nhanh chóng gắp viên đạn ra khỏi đùi, băng bó và tiêm thuốc cho viên phi công này.
Khoảng hơn một tuần, được chạy chữa, anh ta khỏe dần, vết thương lên da non, đã tập tễnh đi được. Trong thời gian viên phi công sống với anh em Đại đội 1, rất vui vẻ kể nhiều chuyện về bản thân và gia đình.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Vỵ kể tiếp: Tôi được lệnh dẫn giải viên phi công và tù binh ngụy bàn giao cho cấp trên tại Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Lúc đó là 15h ngày 7/2/1973. Kientzler, Phillip Allen cảm động nói: "Tôi thật cảm kích vì đã được quân giải phóng đối xử tử tế, cứu chữa, chăm sóc nuôi dưỡng trong thời gian qua bằng cả tấm lòng khoan dung, độ lượng. Tôi mong rằng, sau chiến tranh, một ngày nào đó tôi sẽ được gặp lại ông và những người lính quân giải phóng". Nói rồi, Kientzler, Phillip Allen trao cho tôi biển tên này làm vật kỷ niệm.
Trong đợt trao trả tù binh giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ, ngày 27/3/1973, Kientzler, Phillip Allen đã trở về Mỹ sống với vợ và hai con.
Chiến tranh lùi xa, nhưng ký ức về nó thì không thể nào quên, qua những hồi ký phim ảnh "Đối thủ của tôi và bạn của tôi" đó là tên một cuốn sách, do cựu phi công Mỹ Daniel Edwards Cherry thực hiện sau chuyến thăm Việt Nam, tham dự chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly". Năm 2008, "Câu chuyện hai người lính" được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam đã cuốn hút hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ.
Nhưng có một chi tiết còn ít người biết: Sau chương trình truyền hình trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh, tướng Dan Cherry đã tới Hà Nội, thăm ngôi nhà nhỏ của cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ ở phố Cầu Đất (ngoài đê sông Hồng). Tròn một năm sau, vào tháng 4/2009, Dan Cherry đã tổ chức mời Nguyễn Hồng Mỹ sang thăm Hoa Kỳ.
Ông Mỹ là người Nghệ An. Năm 1965, khi ông đang học năm thứ nhất Đại học Kinh tế ở Hà Nội thì có đoàn cán bộ không quân về tuyển phi công. Nhưng rồi ông đã có mặt trong số 120 thanh niên ưu tú của miền Bắc được gửi đi học lái máy bay ở Liên Xô đợt ấy. Và trong số 120 người học thì có 19 người tốt nghiệp lái MiG 21, trong đó có ông Mỹ vào tháng 3/1968. Khi về nước chỉ nghỉ tại chỗ 2 ngày, rồi về đơn vị chiến đấu luôn.
Ông Mỹ được gắn Huy hiệu Bác Hồ vào ngày 9/1/1972, sau khi bắn cháy chiếc F-101 trên bầu trời Nghệ An. Đó cũng là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên mà không quân Việt Nam bắn rơi trong năm 1972. Sáu năm chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc, ông Mỹ đã 2 lần bắn rơi máy bay địch. Về sự kiện ngày 16/4/1972, ông Mỹ kể: "Hôm đó tôi xuất kích lên chỉ thấy đầu tiên là 16 chiếc, sau thêm 8 chiếc nữa là 24. Có mấy đội nhưng ở sân bay khác, còn sân bay Nội Bài chỉ có tôi và đồng chí Khương. Lúc tôi phát hiện là cự ly khoảng 15km. Sở chỉ huy cho phép vào không kích, tôi hô để đồng chí Khương cảnh giới và tôi xông vào. Bởi vì thấy địch thì thời gian không có nhiều. Nó có 16 chiếc, của mình thì có hai anh em tôi xông vào mà đánh thôi.
Thế nhưng một thực tế là địch quá đông. Khi tôi vòng gấp vào thì đồng chí Khương nói: "Không nhìn thấy số 1 ở đâu". Tôi đang đuổi theo tốp phía trước thì bị đẩy mạnh đi. Tôi bảo thôi chết, mình bị dính đòn rồi. Cần lái không điều khiển được nữa. Chỉ huy sở hô nhảy dù. Khi cái dù ra khỏi máy bay thì nó bật 2 lưới bảo vệ, ốp lấy giữ chân tay. Nhưng lưới bảo vệ không hoạt động nên vừa ra thì tôi bị gãy hết 2 tay. Đầu thì chỉ đạo tay điều khiển dù nhưng chả thấy đâu cả. Tôi đành rơi tự do xuống một vùng rừng".
Sau khi điều trị vết thương, người phi công Mỹ đã nằng nặc xin cấp trên cho trở lại bầu trời chiến đấu nhưng như ông nói, "bay một thời gian thì hai cánh tay gãy luôn cả nẹp sắt" nên đến năm 1974 ông đã phải chuyển ngành.
Ông Nguyễn Hồng Mỹ sau chiến tranh cũng là một người khá đặc biệt. Ông sống cảnh gà trống nuôi con suốt 24 năm, kể từ lúc con gái đầu của ông chỉ mới 4 tuổi, con gái sau 2 tuổi. Sau khi chương trình chiếu qua những hình ảnh và đưa thêm các thông tin về gia đình, con cái của Cherry, ông Mỹ cũng bộc bạch luôn hết hoàn cảnh hiện nay của mình. Hai người con gái của ông giờ đây đều đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. "Con gái út làm ở bộ phận khách hàng của Vietnam Airlines, năm ngoái cháu vừa đi Atlanta, Vietnam Airlines mới mở đường bay thẳng đi Mỹ mà", ông Mỹ hồn nhiên nói.
Tại trường quay, lần đầu tiên hai cựu phi công bắt tay nhau. Họ nhắc lại quá khứ để khép lại quá khứ. Ông Mỹ nói: "Trận đó tôi đã thua ông". Buổi gặp gỡ đã diễn ra rất xúc động, ông Cherry đã rơi nước mắt khi người dẫn chương trình đề cập đến gia đình ông và gia đình ông Mỹ. Ông Mỹ mời ông Cherry và các bạn ông này đến thăm nhà ông và hứa sẽ đưa đi tham quan Hà Nội. Ông Cherry nồng nhiệt cám ơn và mời ông Mỹ sang thăm Hoa Kỳ trong một thời gian thích hợp. Họ đã trở thành bạn bè…
Đoạn tiếp theo của câu chuyện trên, bài viết của tác giả Wlilliam R.Levsque cho hay: Ông Dan Cherry đã bay đi Tampa, tiểu bang Florida để gặp người bạn mới của mình, đưa bạn đi thăm như một người hướng dẫn du khách. Ông dự trù là sẽ đưa bạn đi Disney World và tham dự một buổi biểu diễn máy bay ở Lakeland.
Ít ai gặp mà có thể đoán được sự tương đồng giữa hai người du khách này. Trước hết, hai người đến từ hai phương trời cách biệt, xa lắc xa lơ. Họ không nói cùng ngôn ngữ hay có chung nền văn hóa. Và trong lúc một trong hai người đã đi trọn sự nghiệp của mình và về hưu với cấp bậc sau cùng là Thiếu tướng không quân, thì người kia chấm dứt sự nghiệp của mình như một nhân viên bán bảo hiểm.--PageBreak--
Nhớ lại gần bốn mươi năm trước, ngày 16/4/1972, khi viên phi công Dan Cherry của chiếc chiến đấu cơ F-4 Phantom đang đuổi theo chiếc MiG-21 của đối phương vào một vùng mây trên vùng trời Bắc Việt trong một phi vụ săn tìm "quân ăn cướp" thù địch. Viên phi công của không lực Hoa Kỳ mất dấu chiếc MiG trong đám mây. Nhưng vừa khi phi công Cherry vừa ra khỏi đám mây, viên phi công phụ "Bò non" (Baby Beef) la lớn: "Hai giờ phía trên. Nó ở ngay trên đầu anh, Dan".
Cherry cho nổ thêm máy phụ để kéo gần khoảng cách giữa hai chiếc chiến đấu cơ và cố phóng một hỏa tiễn tìm nhiệt. Không có gì xảy ra. Cherry bấm cò thêm lần nữa và lần nữa. Vẫn không có gì xảy ra. Hệ thống phóng hỏa tiễn bị hỏng.
"Bò non" nhào vào để thanh toán chiếc MiG. Nhưng hệ thống phóng hỏa tiễn của anh ta cũng bị hỏng luôn. Cả hai ông phi công nổi cáu. "Cắt ra phía trái, Bò!". Cherry gọi trên máy vô tuyến.
"Vớt đẹp nó, Dan".
Khoảng hơn một cây số từ phía sau chiếc MiG, Cherry bấm cò trên trên hệ thống hỏa tiễn "sẽ sẽ", hy vọng chút chút. Lần này, ông bắn trúng mục tiêu. Hỏa tiễn từ chiếc Phantom F-4 bắn văng cánh phải của chiếc MiG.
"Trúng! Tôi bắn trúng!" - Phi công Dan Cherry la lớn một cách sôi nổi.
Chiếc MiG vừa đâm xuống đất vừa quay tròn như con quay, kéo theo sau là một vệt dài của lửa và khói. Và một chiếc dù bung ra chỉ vài trăm mét trước chiếc Phantom của Cherry. Ông buộc phải bẻ ngoặt hướng bay để tránh đụng nó.
Khi chiếc chiến đấu cơ của Cherry bay nhanh như hoả tiễn ngang chiếc dù, ông thấy viên phi công của chiếc MiG trong bộ đồ bay màu đen đang rơi lơ lửng xuống đất. Khó có thể biết được viên phi công kia bị thương hay chết.
Đó là một hình ảnh Cherry biết ông sẽ không bao giờ quên được.
Ông Cherry bay đã 185 phi vụ với chiến đấu cơ Phantom. Tuy nhiên, chiếc MiG này là chiếc chiến đấu cơ duy nhất của đối phương mà ông bắn rơi.
Cherry trở về nước và được giao nhiệm vụ mới như là một sĩ quan hành quân ở căn cứ không quân MacDill ở Tampa, tiểu bang Florida.
Về sau ông có được bổ nhiệm làm Phi đoàn trưởng Phi đoàn biểu diễn Thunderbirds của không quân Hoa Kỳ, đây là một sự bổ nhiệm rất danh dự cho một vai trò rất có thanh thế dành cho ông.
Ông về hưu năm 1988 với cấp bậc sau cùng là Thiếu tướng và ông dọn về Bowling Green, tiểu bang Kentucky. Thỉnh thoảng, có người hỏi ông về trận không chiến năm xưa. Nhưng hầu như, ông đã không nói gì về chuyện này.
Tháng 4/2004, Cherry và một nhóm bạn đi thăm Viện Bảo tàng không quân Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio. Và luôn tiện ghé thăm chiếc Phantom ông từng lái trước đây giờ được triển lãm ở VFW gần đó.
Một ngôi sao đỏ được sơn gần máy với hàng chữ ghi lại ngày ông Cherry bắn rơi chiếc MiG năm xưa: "16 APR 72". Chiếc Phantom giờ đây trông tồi tàn quá đỗi. Phân chim rơi tùm lum trên hai thùng xăng. Gỉ sắt tràn lan như chiếc máy bay bị chứng phát ban.
Trên đường về, có người gợi ý Cherry đi tìm người phi công chiếc MiG năm nào, nếu ông ta còn sống. Cherry đoán chừng đó là chuyện mò kim đáy biển.
Cuộc viếng thăm chiếc Phantom bỗng làm các thân hữu của ông Cherry có ý định tu bổ lại chiếc chiến đấu cơ này và đưa nó về trưng bày ở một nơi xứng đáng hơn ở Bowling Green.
Một hôm, ông Cherry gặp một người bạn hành nghề luật vốn quen biết nhiều ở vùng Á châu. Ông Cherry đề cập đến chuyện tò mò của ông, muốn biết số phận của viên phi công chiếc MiG năm xưa như thế nào.
Ông bạn luật sư này gọi cho những người bạn khác ở Hà Nội. Họ có một sáng kiến.
Có một chương trình truyền hình ở TP HCM có thể giúp được. Chương trình này có tên đại khái "Sự phân ly tuồng như chưa bao giờ hiện hữu". Chương trình này đặc biệt tường thuật về những trường hợp đoàn tụ của bạn bè hay gia đình sau một thời gian xa cách tưởng chừng như không còn gặp nhau lại được.
Vì tất cả các chương trình truyền hình là của Nhà nước, chuyện tìm viên phi công MiG trở nên đơn giản hơn ông Cherry tưởng nhiều.
Viên phi công chiếc MiG vẫn còn sống và được biết đang sống ở Hà Nội. Cherry được mời đến TP Hồ Chí Minh cho một chương trình hội ngộ được chiếu trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Ngày 5/4/2008, khi ông Cherry nhìn chằm chằm ngang qua phòng thâu hình của Đài Truyền hình thì một cư dân Hà Nội, dáng người khỏe mạnh, tóc hói, sải những bước dài có chủ đích về phía ông. Cherry cảm thấy an lòng khi thấy cái nhìn hiền hậu trên khuôn mặt của người kia.
Cherry và Nguyễn Hồng Mỹ bắt tay thật chặt với nhau. Hồng Mỹ biết nói chút tiếng Anh, nói qua một người thông ngôn rằng ông hy vọng hai người sẽ trở thành bạn tốt. Đề cập đến trận không chiến năm xưa, ông Hồng Mỹ mỉm cười và nói: "Anh thắng trận đó".
Ông Hồng Mỹ bị thương nặng trong lần rớt đó. Ông bị gãy cả hai tay, và bị chấn thương ở lưng. Ông không còn bay nhiều sau ngày đó. Sau chiến tranh, ông xin vào làm việc cho một công ty bán bảo hiểm.
Sau đó, Hồng Mỹ đưa Cherry về thăm nhà mình. Trong buổi ăn tối, có một ông láng giềng bước vào và bắt đầu nói về những tàn phá ở Hà Nội vì bị Mỹ đánh bom.
Hồng Mỹ lắc đầu, ngăn lại. Chính trị không được bàn đến ở đây.
Ngày hôm sau họ viếng thăm khách sạn Hilton Hà Nội (Hỏa Lò) cùng nhau, là nhà tù đã từng giam những phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc trong nhiều năm.
Cherry, giờ đã 70 tuổi, muốn đưa Hồng Mỹ, giờ cũng 63 tuổi, sang thăm Mỹ chơi cho biết. Những người tổ chức trong hội Sun'n Fun Fly-in ở vùng Lakeland giúp trả chi phí cho chuyến đi. Vào một hôm thứ ba, chỉ hai ngày trước ngày kỷ niệm lần thứ 37 cuộc không chiến kéo dài bốn phút của họ, Hồng Mỹ đến Bowling Green cùng với người con trai.
Họ cùng bay vào Tampa hôm thứ ba để dự một buổi biểu diễn máy bay và cùng viếng thăm Viện bảo tàng máy bay ở Hạt Polk.
Dan Cherry và Nguyễn Hồng Mỹ trước chiếc MiG-21 trong lần gặp nhau năm rồi ở Hà Nội. Lần đầu tiên hai bên gặp nhau là năm 1972, kéo dài chỉ bốn phút và chấm dứt sau khi Cherry bắn rơi máy bay của Hồng Mỹ, Cherry nói họ trở thành bạn của nhau nhanh chóng. Cuộc hội ngộ mang lại một vài gần gũi cho cả hai, theo Cherry. Ông thấy trong Hồng Mỹ có một phần của ông, và một phần của bất kỳ phi công lái chiến đấu cơ nào, những người đã từng bay. Ông thấy sự tự tin, thông minh và tính tiếu lâm.
"Tôi khám phá rằng Hồng Mỹ giống như phi công chiến đấu khác mà tôi đã từng biết", Cherry nói.--PageBreak--
Trước khi đến Hoa Kỳ, Hồng Mỹ nói về một chiến đấu cơ Hoa Kỳ bị chính ông bắn rơi chỉ một tháng trước khi ông có trận không chiến với Cherry. Và cũng giống như Cherry, ông Hồng Mỹ cũng đã luôn lấy làm thắc mắc về số phận của phi hành đoàn hai người của chiếc chiến đấu cơ đó.
Ông Cherry đã bỏ công tìm tòi và khám phá cả hai viên phi công đó vẫn còn sống sau chiến tranh, mặc dù giờ đây viên phi công chính đã qua đời. Nhưng ông Cherry tìm được người kia, là viên hoa tiêu ngồi đằng sau trong phi vụ bị bắn rơi đó.
Một lúc nào đó không xa, buổi hội ngộ lần thứ hai sẽ được thu xếp. Lần này Hồng Mỹ sẽ gặp người ông đã từng bắn rơi năm nào ở Việt Nam. Hồng Mỹ, Cherry và viên hoa tiêu đó dự định sẽ ăn tối cùng nhau.
Sau hàng chục năm, tình cờ hai người gặp lại nhau trong một chương trình truyền hình của Việt Nam. "Anh ấy bắt tay tôi thật chặt. Rồi anh ấy nói với tôi: Chào mừng anh tới đất nước của tôi. Tôi hy vọng chúng ta có thể là bạn" - Dan kể. Đó không phải là những lời nói suông. Rời đài truyền hình, Hồng Mỹ mời Dan về nhà ông và từ đó một tình bạn nảy nở.
Chỉ vài tuần trước, Hồng Mỹ đã tới thăm Dan tại nhà riêng của ông ở Bowling Green, Kentucky. Ngoài việc gặp gỡ nhau, chuyến đi còn phục vụ một mục đích nghiêm túc hơn. "Chúng tôi hy vọng có thể bỏ cuộc chiến lại sau lưng, hàn gắn sự cách biệt và thiết lập một tình bạn nhằm giúp đỡ các cựu chiến binh ở cả hai phía" - Dan nói.
Như để minh chứng cho lời của Dan, CBS cho biết trong chuyến đi mới nhất tới Mỹ, Hồng Mỹ đã gặp một con người đặc biệt khác, tên là John Stiles. Trong suốt 37 năm qua, John đã cố quên Việt Nam, do ông từng bị Hồng Mỹ bắn hạ khi đang thực hiện một chuyến bay do thám vào tháng 1/1972. Sau nhiều năm, John vẫn tỏ ra căng thẳng và ngại ngần về cuộc gặp kẻ thù cũ. Cuối cùng mọi việc diễn ra dễ dàng hơn ông tưởng. Ngay khi gặp Hồng Mỹ, John cho biết ông đã được giải thoát và cảm thấy "cựu thù" thực sự là một người bạn. "Tôi thấy mình như trút được gánh nặng khổng lồ. Nó đã hoàn toàn biến mất. Thật kỳ diệu, hoàn toàn kỳ diệu" - John nói.
Trong cuốn sách "Chúng tôi và MiG-17", tác giả Thủy Hướng Dương đã viết khái quát về chuyện cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ của Việt Nam khi sang thăm Hoa Kỳ đã được tôn vinh đặc biệt như thế nào:
Tại bang Kentucky (Mỹ) hiện có một danh sách gồm 29 nhân vật xuất chúng trên cả thế giới được đặt trang trọng ở Tòa thị chính của bang này. Danh sách này ghi tiểu sử những người nổi tiếng như: Tổng thống Lyndon B.Johnson (Mỹ), Thủ tướng Winston Churchill (Anh) hay John Glenn - người đàn ông Mỹ đầu tiên đi ra khoảng không được chỉ định trong khi di chuyển theo quỹ đạo trái đất để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình và đặc biệt, danh sách trên còn có cả một cựu phi công MiG-21 Việt Nam: Nguyễn Hồng Mỹ!
…Ngày 19/1/1972, phi đội của Nguyễn Hồng Mỹ được lệnh xuất kích lúc 10h. Bay số 2 cho anh lần này là Thượng úy Lê Minh Dương. Vừa lên tới độ cao 3.000 mét thì sở chỉ huy thông báo có địch, nên anh đã chỉ huy số 2 của mình cùng bay về hướng 230 độ đón đánh địch từ Thái Lan vào.
Đến vùng trời Hòa Bình, Nguyễn Hồng Mỹ phát hiện một tốp 8 chiếc F-4 bên trái khoảng 18km liền thông báo cho số 2 tiếp cận mục tiêu và đồng thời tăng tốc phát hiện thêm một chiếc F-4 đang cơ động phía trên.
Nguyễn Hồng Mỹ nói nhanh vào hộp thoại: "Số 2 cảnh giới cho tôi"! Rồi anh vào công kích luôn vì chiếc này gần hơn. Sau một loạt động tác cơ động, thì chiếc F-4 này lấy độ cao bay về hướng Thanh Hóa. Còn Mỹ không lấy độ cao ngay mà tăng tốc đuổi theo đến lúc cách mục tiêu còn khoảng 8km thì đèn trong buồng lái của anh báo dầu đỏ lên.
Nguyễn Hồng Mỹ báo cáo về Sở Chỉ huy tình hình của mình, nhưng Sở Chỉ huy lệnh cho anh quay về ngay. Tiếc vì mục tiêu đã gần mà nhiên liệu thì hết, anh phán đoán có thể tiếp cận địch nên tiếp tục công kích. Khi cự ly còn khoảng 4km anh kéo máy bay lên theo mục tiêu và khi cự ly còn 2.000 mét anh bóp cò, phóng một lúc hai quả tên lửa phụt lao thẳng vào mục tiêu, chiếc F-4 không kịp tránh bốc cháy và đứt làm hai phần, phần đuôi đánh sang trái, phần đầu, cánh lao xuống bên phải…
Do cự ly quá gần, máy bay của Nguyễn Hồng Mỹ lao vào vùng cháy, nên bị tắt máy cứ thế rơi tự do, xuống độ cao 3.500 mét anh mới bình tĩnh khởi động lại động cơ vừa lúc đèn báo dầu nhấp nháy liên hồi. Anh phải khẩn trương về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa, nạp dầu xong mới bay về lại Nội Bài trong niềm vui chào đón của lãnh đạo Quân chủng và đồng đội.
Sau trận không chiến đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Nguyên soái Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Bachisky đã đến rút kinh nghiệm động viên và biểu dương Biên đội anh tại đơn vị. Anh còn được Chủ tịch nước tặng "Huy hiệu Bác Hồ" - phần thưởng chỉ dành riêng cho những phi công bắn rơi máy bay Mỹ.
Lại nói về chiếc F-4 mà Nguyễn Hồng Mỹ đã bắn rơi ngày 19 tháng 1 năm 1972, mãi tới năm 2008 anh mới biết rằng hai phi công lái chiếc máy bay đó đã kịp nhảy dù trước khi chiếc máy bay bị bốc cháy hoàn toàn và được trực thăng Mỹ kịp thời đến cứu.
Và năm 2007, Tướng không quân Dan Cherry (Mỹ) sang thăm Việt Nam tìm gặp người phi công Việt Nam mà ông ta đã bắn trúng máy bay, khiến người phi công đó phải nhảy dù trong một trận không chiến giữa hai chiếc MiG 21 của Việt Nam với 24 chiếc F-4, F-105 của không lực Hoa Kỳ ngày 19/1/1972. Không ngờ người phi công Việt Nam đó chính là ông Nguyễn Hồng Mỹ.
Năm 2009, rất nhiều báo chí Mỹ đã đưa tin, viết bài về người phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972. Họ cho rằng năm đó người Mỹ đã rất tỉ mỉ công phu lập một kế hoạch lớn nhằm thôn tính Bắc Việt. Bộ Quốc phòng Mỹ đã rất tự tin và thường sử dụng một số lượng lớn máy bay hiện đại xuất kích, để hòng đàn áp vài chiếc MiG-21 nhỏ bé yếu thế của Việt Nam. Vậy mà chỉ trong vài trận đầu tiên của chiến dịch, không lực Hoa Kỳ đã bị tiêu diệt bởi Nguyễn Hồng Mỹ. Và việc Nguyễn Hồng Mỹ bắn rơi chiếc F-4 đầu tiên của chiến dịch, làm cho người Mỹ lúc đó vô cùng hoang mang, lo ngại không hiểu không quân Việt Nam có bí quyết gì? Điều đó đã khiến cho Lầu Năm Góc bất ngờ, lúng túng buộc họ phải đánh giá lại sức mạnh của không quân Việt Nam, thay đổi kế hoạch chiến dịch không kích đầu năm 1972.
Ngưỡng mộ về một con người xuất chúng như thế, tháng 4/2009, Tướng không quân Mỹ Dan Cherry đã mời bằng được Nguyễn Hồng Mỹ sang thăm Mỹ và dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bang Kentucky, đích thân Thống đốc bang đã trao quân hàm danh dự Đại tá cho cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ, cùng anh trồng cây lưu niệm trước tòa nhà Bowling Star - tòa nhà lớn nhất bang Kentucky.
Rồi đích thân Tướng Dan Cherry, cựu phi công F-4, Giám đốc Bảo tàng Không quân của bang Kentucky đã mời Nguyễn Hồng Mỹ cắt băng khánh thành Bảo tàng Không quân của bang này. Hình ảnh của Nguyễn Hồng Mỹ đã được Bưu điện Mỹ sử dụng làm con tem và báo chí Mỹ nhắc đến nhiều lần