Trung Quốc và sự trỗi dậy hòa bình: Vẫn chỉ là “quyền lực một phần”

Thứ Ba, 23/12/2014, 15:40
Trong bài viết với tựa đề “Chuyện những nỗi sợ: Tại sao Trung Quốc không muốn trở thành số 1” đăng trên trang Eurasia Review, Phó giáo sư Kai He - một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học bang Utah (Mỹ) - thẳng thắn cho rằng không có sự cai trị nào bằng vũ lực có thể kéo dài.

Bản thân Trung Quốc, muốn vươn lên vị trí siêu cường, thì cần phải bỏ đi những tranh chấp nhỏ nhặt ở Biển Đông. Điều đáng tiếc là Trung Quốc vẫn chưa nhận thức hết mức độ tổn hại đến quan hệ với các nước láng giềng do thái độ của mình gây ra.

Dựa trên những ấn phẩm nội bộ, chuyên gia này đã đề cập tới những nhân tố tâm lý để giải thích vì sao Bắc Kinh xác định những yêu cầu chiến lược cụ thể và tập trung phát triển một số hệ thống trong thập kỷ qua để tăng cường sức mạnh quốc phòng. Biết được nỗi sợ hãi và quan ngại của quân đội Trung Quốc, có thể nhận diện được kế hoạch quân sự của Bắc Kinh, từ đó các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia sẽ có những lựa chọn chiến lược thành công nhất.

Ảo tưởng sức mạnh

Tình trạng ảo tưởng về sức mạnh của Trung Quốc bị chi phối bởi chỉ số GDP. Con số này từng đưa Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa bằng 1/3 so với Mỹ, và về quyền lực mềm, Trung Quốc không “ăn thua” gì so với Mỹ. Trung Quốc vẫn chưa phải là một quyền lực mang tính toàn cầu thực sự mà chỉ là “quyền lực một phần”.

Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ vẫn như vậy. Ảo mộng “Trung Quốc là số 1” sẽ khiến Trung Quốc rơi vào “cái bẫy ngôn từ” theo cách đánh giá của thế giới bên ngoài. Đây thực chất là chiến lược thuyết phục người khác bằng cách áp đặt một vai trò xã hội cho họ, để từ đó họ sẽ có khuynh hướng hành xử cho thích hợp. Nếu Trung Quốc không thực hiện được vai trò đó, Bắc Kinh sẽ bị chỉ trích gay gắt và trở thành “kẻ xấu” trong mắt các quốc gia khác.

Không khó tưởng tượng nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, sẽ ngày càng có nhiều câu hỏi và áp lực đặt lên chính phủ. Nhưng một nền “ngoại giao yếu” không phù hợp với giấc mơ “nước giàu và dân mạnh” trong người dân Trung Quốc. Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ không đồng ý công bố kết quả dự báo về Trung Quốc, và từ chối vị trí là nền kinh tế số 1 thế giới để có thể trốn tránh nhiều trách nhiệm lớn.

Với dân số khổng lồ và một nền tảng kinh tế năng động, có đủ lý do để tin rằng đến một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế vượt trội chưa hẳn là sự đảm bảo cho vị trí siêu cường. Ngay cả khi Trung Quốc vươn lên “làm trùm” của nền kinh tế thế giới, chưa chắc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất.

Tình trạng ảo tưởng về sức mạnh của Trung Quốc bị chi phối bởi chỉ số GDP.

Tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng đã làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Trung Quốc trong và ngoài khu vực. Trung tâm của tranh chấp Biển Đông là yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố là được thừa hưởng từ chính phủ Quốc Dân Đảng và chỉ mới được Trung Quốc đệ trình chính thức lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vào năm 2009.

Vì đường lưỡi bò không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào và không có tọa độ địa lý cụ thể, Trung Quốc luôn đưa ra những cách giải thích không nhất quán. Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền chiếm đến 80% diện tích Biển Đông trong khi Trung Quốc chỉ quản lý 15% khu vực đó.

Hơn nữa, bản đồ mới phát hiện được vẽ từ năm 1904 vào thời nhà Thanh lại không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ ra rằng đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc. Thế nên, đường lưỡi bò bây giờ lại giống như một miếng xương trong cổ họng của Trung Quốc, “nhổ ra không được còn nuốt thì chẳng trôi”.

Sự cứng rắn hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông đang dần dần làm xói mòn hình ảnh tích cực của Bắc Kinh trong mắt các nước láng giềng ASEAN về sự trỗi dậy hòa bình của nước này. Chừng nào Trung Quốc không thể duy trì được mức độ tin cậy nhất định và tình hữu nghị với các nước láng giềng, thì vị thế siêu cường toàn cầu có thể mãi mãi chỉ là một ước vọng viển vông.

Việc Trung Quốc đơn phương khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình trên Biển Đông đã tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình mà Trung Quốc đang rất cần để trở thành một siêu cường toàn cầu. Nếu xung đột nổ ra, nó có thể gây ra tác động bất lợi, lâu dài và lan rộng đến môi trường kinh tế và an ninh của toàn bộ khu vực.

Bản thân Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì gần 80% lượng dầu nhập khẩu và phần lớn hàng hóa, cả xuất và nhập khẩu của họ, đều đi qua eo biển Malacca và các tuyến hàng hải khác trên Biển Đông. Tuy nhiên, lợi ích từ sự trỗi dậy hòa bình thực sự của Trung Quốc đã vượt xa khỏi phạm vi của các nước láng giềng và ranh giới trên Biển Đông.

Gót chân Asin

Từ năm 2008, các nước láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông đã nhận thấy một sự hiện diện ngày càng lấn lướt của Bắc Kinh thông qua lực lượng Hải cảnh (Hải giám, Ngư chính) và các tàu hải quân trên hai vùng biển này. Cùng thời gian đó, các quan chức Trung Quốc cũng đưa ra những tuyên bố đầy khiêu khích, về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Điển hình là những sự cố liên quan đến bãi cạn Scarborough với Philippines, việc Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hay tranh chấp xung quanh nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản. Điều này cho thấy rõ: chiến lược cắt lát xúc xích của Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể, tạo ra những thách thức đáng lo ngại với các nước láng giềng.

Cần khuyến khích và hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân như là một ưu tiên hàng đầu cho an ninh quốc gia.

Thực lực quân đội Trung Quốc đang được cải thiện, nhưng vẫn còn “chưa đủ độ” như lời nhận định của Phó giáo sư Kai He. Mối lo ngại chính là, nếu một cuộc khủng hoảng thực sự leo thang, thì Trung Quốc sẽ không thể duy trì khả năng điều khiển các lực lượng trong thời gian diễn ra trận đánh đầu tiên, mà thường là trận quyết định. Duy trì khả năng điều khiển bao gồm cả việc triển khai những vũ khí gọi là “sát thủ tiễn”, và làm cho kẻ địch mất thăng bằng ở điểm trọng yếu, hay tăng tốc độ đánh chiếm những mục tiêu then chốt trước khi tình hình ổn định trở lại.

Bắc Kinh cũng tính tới khả năng dễ bị tổn thương khi bị tiến công trên bộ trong tương lai, thậm chí xác định một số quốc gia là những kẻ xâm lược tiềm tàng. Trung Quốc đã vạch kế hoạch chiến dịch đối phó với những tình huống bị xâm lược khác nhau trong cuốn Điều lệ huấn luyện chỉ sử dụng trong quân đội. Hay những thay đổi gần đây về cơ cấu lực lượng Quân giải phóng Nhân dân dường như nhằm nâng cao khả năng chống xâm lược Trung Quốc trên bộ.

Các học giả Trung Quốc cũng quan ngại những nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị ở xung quanh vùng biển của nước này sẽ bị các cường quốc bên ngoài khai thác vì sự yếu kém của lực lượng hải quân Trung Quốc. Nhiều học giả đã đề cập đến việc dễ bị tổn thương của các tuyến đường lưu thông trên biển, đặc biệt là tuyến đường giao thông dầu mỏ huyết mạch ở eo biển Malacca. Họ cho rằng Trung Quốc phải “chuẩn bị ô trước khi trời mưa”. Lời biện hộ này dường như muốn ám chỉ ưu tiên chuyển từ một lực lượng hải quân với các tàu ngầm làm trung tâm sang một lực lượng hải quân với các tàu sân bay làm trọng tâm.

Nhận diện được những yếu điểm này, Phó giáo sư Kai He đã gợi ý một số giải pháp (mà ông cho là thiết thực) để có thể chống lại thủ đoạn cắt lát xúc xích của Bắc Kinh. Theo đó, các nước cần khuyến khích và hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước mình như là một ưu tiên hàng đầu cho an ninh quốc gia.

Mục đích của sáng kiến này là gia tăng số lượng tàu cá “phi Trung Quốc” ở Biển Đông và Hoa Đông, nhằm đối phó hiệu quả với lực lượng chức năng bán quân sự của Trung Quốc. Sự hiện diện của lực lượng tàu cá sau này cũng sẽ có giá trị chứng minh cho việc thực thi và bảo vệ yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trước hoạt động xâm nhập của tàu Trung Quốc...

Trần Quân
.
.