Tương lai EU trong sức ép toàn diện
- EU cảnh báo chiến binh IS có hộ chiếu thật để vào châu Âu
- Vẫn "cay cú" Nga, EU kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế
- EU thành lập lực lượng bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ
Trong bối cảnh này, báo chí và giới nghiên cứu chính trị đã đưa ra dự báo về xu hướng phát triển trong tương lai của toàn khối EU. Theo đó, sự gắn kết chặt chẽ về chính trị kinh tế và an ninh xã hội vẫn tiếp tục làm nền tảng để EU khắc phục tàn dư của năm 2015 và vượt qua những giông bão trong năm 2016. Hi vọng rằng, năm 2016 sẽ là một năm tươi sáng hơn rất nhiều với một Liên minh châu Âu hùng mạnh, đánh dấu cho sự trưởng thành vượt bậc của liên minh non trẻ, trên con đường trở thành một khối thống nhất thực thụ.
Cán cân quyền lực bị… nghiêng
Liên minh châu Âu khởi đầu năm mới sau khi phải hứng chịu nhiều sức ép từ hàng loạt các vấn đề như cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga và những vụ khủng bố đẫm máu diễn ra ở Paris. Bên cạnh đó, dòng người nhập cư đông đảo từ Syria và Trung Đông, cùng với việc nền kinh tế EU cũng đang vật lộn với khó khăn khi nguy cơ giảm phát vẫn treo lơ lửng trên đầu, trở thành nỗi ám ảnh của các nhà lãnh đạo. Không một quốc gia hay nền kinh tế nào phải hứng chịu nhiều biến cố dữ dội như EU. Tuy vậy, liên minh này đã chứng minh sự lớn mạnh và kiên cường chống chọi với khó khăn, để về cơ bản trì hoãn nguy cơ tan vỡ.
Để tiếp tục con đường “vá” lại những “lỗ hổng” và trở thành một tổ chức đoàn kết hơn trước, EU sẽ phải thận trọng trước những xu hướng khó dự đoán. Trước hết, EU cần tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào nước Đức.
Nhiều chuyên gia nhận định, Đức sẽ trở thành trung tâm của Liên minh châu Âu trong năm 2016, định hình nhiều chính sách quan trọng của lục địa già. Vai trò và vị thế của Berlin ngày càng vượt trội kể từ sau cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015. Dòng người tị nạn đến từ Syria và Trung Đông đã được giải quyết một cách êm thấm đến không ngờ là nhờ việc Đức chấp thuận nhận phần lớn người nhập cư, dù tồn tại một số bất đồng giữa các quốc gia EU trong việc phân bổ số người nhập cư.
Không thể phủ nhận rằng, Đức có vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập của toàn khối, cung cấp và đảm bảo các nguồn lực (nhất là ngân sách cho EU), cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn của những nước thành viên khác. Thế nhưng, chính điều này sẽ khiến EU ngày càng trở nên dựa dẫm nhiều hơn vào Đức, đồng thời thúc đẩy sự chia rẽ giữa các thành viên liên minh trở nên sâu sắc hơn. Chẳng quốc gia nào muốn bị chi phối bởi vai trò dẫn dắt của Đức, họ phản đối việc Đức sẽ gây ảnh hưởng phần lớn đến những quyết sách của khu vực cũng như bất đồng từ chính phong cách lãnh đạo.
Bối cảnh hiện tại cho thấy, gần như Đức là quốc gia duy nhất có thể đứng ra làm trụ cột cáng đáng mọi việc, trong khi Pháp và Italia ngày càng suy giảm sức mạnh kinh tế, còn Anh đang lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại EU. Việc Đức trở thành “đầu tàu” châu Âu sẽ diễn ra tích cực và có lợi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, liên quan tới những diễn biến chính trị nội bộ nước Đức, cũng như sự đồng thuận của các nước thành viên EU trước vai trò đầu tàu của Đức. Khi ấy, các lãnh đạo EU phải biết cách dung hòa và cân bằng giữa các quốc gia thành viên, nếu không muốn cán cân quyền lực bị nghiêng hẳn về một phía.
Chủ nghĩa dân tộc thắng thế
Ngay cả khi đảm bảo “sự bình đẳng quyền lực” giữa các thành viên, Liên minh châu Âu chưa thể yên ổn phát triển khi tiếp tục phải đối mặt với chủ nghĩa dân tộc nảy sinh từ bên trong xã hội các quốc gia thành viên. EU sẽ chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn quyền đòi tự trị của một số khu vực, sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương hóa, thậm chí là ly khai. Những gì đã và đang diễn ra trong phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Scotland là một ví dụ.
Lực lượng này ở Scottland nhìn thấy những lợi ích từ việc chia tách khỏi Vương quốc Anh để tự tham gia vào EU, thay vì là một phần của nước Anh. Nếu không có EU, những người theo chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ không quyết tâm trong việc đòi chia tách khỏi Vương quốc Anh như hiện nay.
Các quốc gia thành viên EU hiện nay có xu hướng tự quyết thay vì trông chờ vào EU. Những diễn biến ở Scotland đã làm nảy sinh lo ngại về sự thắng thế và nở rộ của chủ nghĩa dân tộc trên toàn châu Âu, khiến liên minh giữa các quốc gia ngày càng trở nên suy yếu. Tất nhiên, các nước lớn trong Liên minh châu Âu sẽ khó chấp nhận kịch bản Scotland “tự do”, bởi vì hậu thuẫn Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ mở đường cho các khu vực khác như xứ Catalan (Tây Ban Nha) tiến hành ly khai. Một viễn cảnh tồi tệ hơn là làn sóng đòi độc lập, tự trị sẽ bùng nổ - điều mà các nước lớn trong khu vực không ủng hộ ở thời điểm hiện nay.
Một vấn đề khác cũng đang trở nên cấp bách hơn là việc Vương quốc Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sẽ ở lại hay rời khỏi EU. Thủ tướng David Cameron dự kiến sẽ trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016, để người dân nước này quyết định có nên tiếp tục duy trì tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Anh hay không. Chính cuộc khủng hoảng Hy Lạp hiện nay làm tăng khả năng Anh sẽ rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua một quyết định tổ chức bầu cử sớm. Triển vọng về một cuộc trưng cầu ý dân như vậy đang gây tâm lý bất ổn định cho dư luận, đe dọa phá vỡ sự tồn tại của EU.
“Bài toán” di cư nan giải
Làn sóng di cư không thể kiểm soát từ Trung Đông và châu Âu lên tới hàng triệu người đã và đang đặt ra bài toán nan giải cho EU trong việc duy trì một đường biên giới chung - điều được xem là giá trị cốt lõi của một liên minh thống nhất. Tình trạng này buộc Liên minh châu Âu phải nhanh chóng thích ứng, tìm ra biện pháp đối phó. Bởi vì làn sóng di cư ồ ạt đã làm xuất hiện tư tưởng bài ngoại và khiến nhiều quốc gia “thay đổi cách nhìn”. Hungary đã lập hàng rào ngăn chặn người tị nạn ở biên giới; còn Thụy Điển, vốn nổi tiếng với mô hình xã hội công bằng, cũng đã ban hành nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát ở biên giới. Chính phủ Đan Mạch thậm chí còn có dự án tịch thu trang sức và các đồ có giá trị khác của người nhập cư, với lý do bù lại phần nào chi phí đón tiếp họ.
Các cuộc di cư quy mô lớn để tránh chiến tranh khiến cho hàng triệu người đổ vào châu Âu gây ra những vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng. Chưa hết, những nguy cơ “chết người” không thể dự đoán trước từ cuộc khủng hoảng nhập cư cũng sẽ tăng lên. Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu gây ra hiệu ứng lan tỏa, khiến nỗi sợ hãi bao trùm toàn bộ người dân.
Làn sóng di cư là “món quà từ trên trời rơi xuống” khi nhiều quốc gia EU đang ở trong tình trạng giảm tỉ lệ sinh và thiếu nhân lực do già hóa dân số. |
Các nhà lãnh đạo buộc phải xem xét khả năng chấm dứt hoặc tạm ngưng Hiệp ước Schengen, trong đó quy định người dân các nước EU được tự do di chuyển giữa các quốc gia mà không cần kiểm soát. Các biện pháp đối phó của châu Âu chỉ có thể giảm được phần nào làn sóng nhập cư, và trong năm 2016, vấn đề di dân vẫn là một trong những hồ sơ gai góc đối với châu Âu.
Tuy nhiên, làn sóng di cư không hoàn toàn mang đến ý nghĩa tiêu cực. Điều này rất có thể sẽ hỗ trợ cho quá trình hội nhập của EU trong khi bản sắc quốc gia và dân tộc sẽ bị phai nhạt dần.
Theo tính toán, châu Âu vẫn còn có đủ khả năng nhận thêm người nhập cư mà không gặp vấn đề gì. Bất kể một số gánh nặng tài chính ban đầu mà chính phủ các nước thành viên EU sẽ phải bỏ ra để thu xếp ổn định cho những người nhập cư, thì về lâu dài đây được xem là một bộ phận quan trọng có thể thúc đẩy kinh tế nước EU tăng trưởng. Khá nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu đang trong tình trạng giảm tỉ lệ sinh và thiếu nhân lực do già hóa dân số, và số người nhập cư đến đúng lúc này là một “món quà từ trên trời rơi xuống”. Châu Âu sẽ ngày càng giống nước Mỹ hơn khi dòng người nhập cư là không thể ngăn cản được (về mặt địa chính trị), trong khi cũng lại cần thiết (về mặt dân số và kinh tế).
Bất kể những sóng gió dữ dội đến liên tục, Liên minh châu Âu vẫn tỏ ra là một khối thống nhất với những tiềm lực và sức chịu đựng gần như vô hạn. Về lâu dài, tình hình chính trị - xã hội sẽ còn có nhiều thay đổi, cùng với sự dịch chuyển dân số và nảy sinh nhiều vấn đề mới trong khu vực hay trên thế giới. Suy cho cùng, chỉ có sự đoàn kết và hội nhập mới giúp EU duy trì vị thế, cũng như tận dụng được sức ảnh hưởng của toàn khối trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt như hiện nay…