Túc cầu trên quy mô toàn cầu

Thứ Ba, 11/07/2006, 08:00

Có thể nói không ngoa rằng, giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2006 đang diễn ra tại CHLB Đức là một ngày hội lớn của toàn thế giới. Môn túc cầu thực sự có ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt hoạt động của nhân loại, không chỉ trong thể thao, kinh tế mà thậm chí cả chính trị...

Quốc hội Bồ Đào Nha mới đây đã tạm hoãn việc thảo luận dự thảo luật quân sự chỉ để cho các ông bà nghị sĩ tĩnh tâm tập trung vào việc theo dõi các cuộc đọ sức trên đấu trường World Cup.

Kéo xa lại gần

Theo tư liệu của trang web Washprofile, có hẳn một lý thuyết cho rằng, bóng đá thể hiện rõ rệt nhất tính cách dân tộc. Tác giả của lý thuyết này là Simon Kuper, tác giả cuốn sách "Túc cầu chống giặc". Theo Kuper, phong cách duy lý được duy trì suốt một thời gian dài trong lối chơi của các cầu thủ Đức thể hiện rõ tính kỷ luật và ngăn nắp của dân tộc Đức. Còn phong cách đá bóng đầy chất nghệ sĩ và khéo léo của đội tuyển Brazil là kết tinh của tinh thần vũ hội cùng các điệu múa và các môn võ dân tộc.

Tuy nhiên, năm 2003, Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố một bản báo cáo cho thấy, bóng đá là một trong những biểu tượng rõ rệt nhất của tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra không gì cưỡng nổi. Trong hơn một năm qua, số lượng những cầu thủ đi "du diễn" tại các CLB ngoại quốc đã gia tăng đến mức kỷ lục. Khá nhiều CLB ở những nước châu Âu trên thực tế là tập hợp của rất nhiều quốc tịch khác nhau từ nhiều lục địa khác nhau. Thực trạng này giúp cho làng túc cầu thế giới ngày càng trở nên gần gụi nhau hơn và nhiều đội tuyển trước đây vẫn bị coi là "đội sổ" ngày càng tiến lại gần hơn chuẩn mực quốc tế. Kết quả thi đấu tại World Cup 2006 cũng cho thấy, trên các sân cỏ ở Đức không có đội quá yếu và không có đội quá mạnh.

Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Kofi Annan gần như đã phải "thở dài" khi dẫn ra số liệu sau: trong thành phần Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) hiện có 240 thành viên, hơn cả LHQ (191)! FIFA liên kết hơn 300 nghìn CLB và khoảng 240 triệu cầu thủ (trong số này có 30 triệu là phụ nữ). FIFA là một tổ chức phi thương mại nhưng mỗi năm có thu nhập tới 700 triệu USD. 96% số lợi nhuận này FIFA có được nhờ các trận thi đấu, trong đó hoạt động mang lại lợi nhuận cao nhất là các World Cup. Nhìn chung, các World Cup không chỉ là cơ hội hái ra tiền cho riêng FIFA mà cho cả các nước chủ nhà. Nền kinh tế toàn cầu cũng phát triển tốt hơn nếu thị trường bóng đá hoạt động tốt.

Chính trị và bóng đá

Bóng đá từng tác động không nhỏ đến nền chính trị thế giới. Lịch sử đã từng chứng kiến sự bùng phát của cuộc chiến tranh mà lý do ban đầu chỉ là một trận đấu loại World Cup. Tại nhiều quốc gia lắm khi bóng đá đã được sử dụng để đạt những mục đích chính trị. Trong tuyển tập các bài phân tích "Bóng ma và các nhà vô địch: Văn hóa bóng đá, tư tưởng dân tộc và Giải vô địch thế giới ở Mỹ" xuất bản năm 1994, các tác giả sách trên nêu hàng loạt những ví dụ cụ thể đã chứng minh rằng, nhiều nước sử dụng môn túc cầu như một công cụ để thổi bùng lên ngọn lửa ái quốc cũng như để nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Năm 1990, đội tuyển Đức giành được ngôi vô địch thế giới. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tại World Cup chỉ có một đội tuyển duy nhất của người Đức thi đấu chứ không phải hai đội tuyển tới từ CHLB Đức và CHDC Đức nữa. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính bóng đá đã là chất keo hàn gắn chặt hơn hai nửa nước Đức từng bị phân ly.

Cây bút Franklin Foer, tác giả cuốn sách "Bóng đá diễn giải thế giới như thế nào", cũng đưa ra một ví dụ tương tự, cũng liên quan tới World Cup 1990. Theo ý kiến của Foer, nước Hà Lan, vốn bị phát xít Đức chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ hai, suốt một thời gian dài không sao khôi phục lại được hoàn toàn niềm tự hào dân tộc, vốn bị tổn thương vì quá khứ. Và sự khủng hoảng tâm lý đã bị loại bỏ hoàn toàn sau cú làm bàn tuyệt vời của Frank Rykard vào lưới của đội tuyển Đức (của đáng tội, kết thúc trận đấu, đội tuyển Hà Lan vẫn bị thua 2:1).

Năm 1973, nhà nhân chủng học người Mỹ Richard Sipes công bố trên tạp chí American Anthropologist bài báo, trong đó chứng minh rằng cả thể thao lẫn chiến tranh đều là biểu hiện tính hung hăng của con người. Tuy nhiên, thể thao là phương thức giải tỏa tính khí này một cách lành mạnh. Thể thao cũng thổi bùng lên những cảm xúc mạnh như chiến tranh nhưng lại làm giảm đi mức độ hung hăng của con người.--PageBreak--

Trong lịch sử bóng đá có khá nhiều những thí dụ về việc môn túc cầu đã giải quyết thành công những nhiệm vụ chính trị. Người ta hay nhớ tới trận đấu diễn ra trước lễ Giáng sinh năm 1924, khi chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu bùng nổ. Khi đó, binh lính Anh và Đức, đang cầm súng chống lại nhau trên lãnh thổ nước Pháp đã tạm hưu chiến và chơi bóng đá cùng nhau (người Đức thắng với tỉ số 3-2). Năm 1966, trong thời gian diễn ra chiến tranh ở Biafr (Nigeria), hai bên cừu thù cũng đã tạm hưu chiến để xem cho xong một trận đấu có sự tham gia của Pele. Năm 1999, đất nước Bờ Biển Ngà đang bị điêu đứng bởi những cuộc rối loạn chính trị, các phe phái "quân hồi vô phèng" và những cuộc nổi dậy sắc tộc. Thế nhưng, sau khi đội tuyển quốc gia giành được chiến thắng, các cuộc thương thuyết hòa bình đã được tổ chức. Mặc dầu đội tuyển Bờ Biển Ngà năm nay phải sớm rời nước Đức nhưng thứ bóng đá tích cực và khá hiệu quả mà các cầu thủ tới từ đất nước Phi châu này đã trình diễn có thể giúp cho người dân ở đó cảm thấy tự hào và thêm quyết tâm đoàn kết xây dựng quốc gia.

Giáo sư Daniel W. Drezner ở Trường Đại học Tufts, trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post đã chứng minh rằng, bóng đá không chỉ trở thành lý do để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình mà nhiều khi lại là nguyên cớ bắt đầu chiến sự. Sách sử còn ghi nhận về cuộc chiến tranh độc nhất vô nhị nổ ra giữa HondurasEl Salvador năm 1969. Khi đó, Honduras đang phải đối mặt với vô số những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và chính phủ nước này muốn dồn hết tội lỗi cho đội quân đông đúc người El Salvador nhập cư.

Tháng 1/1969, Chính phủ Honduras gia hạn hiệp ước điều chỉnh dòng người nhập cư với El Salvador. Cuộc khủng hoảng song phương đạt tới đỉnh điểm vào tháng 6, khi hai đội tuyển Honduras và El Salvador tham gia loạt trận đối đầu để xác định đội nào sẽ vào thi đấu tiếp trong vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới. Trong trận lượt về tại Honduras đã xảy ra những vụ mất an ninh nghiêm trọng và các nạn nhân là người El Salvador.

Hàng chục (theo một số nguồn tin, thậm chí hàng trăm) những người nhập cư El Salvador đã bị thiệt mạng; khoảng từ 60 tới 130 nghìn người phải bỏ của chạy lấy người khỏi Honduras; gia sản của họ để lại đều bị cướp phá. Hai tuần sau đó đã bùng nổ chiến tranh - quân đội El Salvador đã tràn vào lãnh thổ Honduras. Chiến sự đã làm thêm 2 nghìn người nữa phải bỏ mạng, chủ yếu là dân lành Honduras.

Năm 1990 đã bùng nổ thêm một cuộc "xung đột bóng đá" nữa. Lần này, đối thủ của nhau là những người Serbia và những người Croatia, khi đó vẫn cùng nằm trong thành phần của Liên bang Nam Tư cũ. Trận đấu giữa đội Ngôi sao Srvena tới từ Belgrad với đội Dinamo của Zagreb diễn ra tại thủ đô Croatia hai tuần sau khi người đắc cử Tổng thống Croatia là một chính trị gia mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, ông Franjo Tudman. Trận đấu đã diễn ra cực kỳ bạo liệt và không thể đi tới kết thúc. Trước nguy cơ bị một nhóm fan Croatia hành hung, đội bóng Serbia đã phải sơ tán bằng trực thăng ngay từ sân cỏ.

Những chuyện tương tự đôi khi cũng xảy ra ở những quốc gia vốn vẫn được coi là bình ổn và yên lành. Tại Scotland từ nhiều năm nay vẫn tồn tại tình trạng đối đầu gần như thù địch giữa hai CLB Glazgo và Celtic. Các cuộc gặp mặt giữa hai CLB này luôn gây nên căng thẳng vì Glazgo là của người theo đạo Tin Lành, còn Celtic là của các tín đồ Thiên Chúa giáo.

Trong nhiều trường hợp, sự cuồng nhiệt của các tín đồ "túc cầu giáo" bị lợi dụng cho những mục đích chính trị. Hai tác giả Eduardo Galeano và Mark Fried trong cuốn sách "Bóng đá dưới nắng và trong bóng râm" đã dẫn ra hàng loạt trường hợp kiểu này. Tại Italia, ông Silvio Berlusconi sở dĩ có thể đạt được nhiều thành công trên chính trường đến thế cũng vì những nỗ lực của các cổ động viên cho CLB Milan mà ông Berlusconi từng là chủ nhân.

Tại Iran, quốc gia vốn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cổ truyền của Hồi giáo, vì mê môn túc cầu nên phụ nữ đã dũng cảm đoàn kết lại với nhau đấu tranh đòi chính quyền cho phép họ được tới sân vận động xem bóng đá. Và họ đã thành công, dù trong nhiều vấn đề nữ quyền khác, họ đành bó tay thúc thủ để giới mày râu "áp chế"

Phương Trung
.
.