Từ bất công đến suy thoái

Thứ Hai, 26/12/2016, 07:07
Chính việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ bị thao túng bởi lợi ích, bởi động cơ cá nhân đẻ ra vô vàn những nghịch lý, gây tâm lý bất mãn với người khác, đặc biệt là những người tâm tài toàn vẹn nhưng luôn cam chịu phận “ôm cây đợi thỏ”.

Từ tư tưởng ức chế, bất mãn đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn khoảng cách xa, thậm chí có thể dẫn tới những hành động chống đối nguy hiểm.

Hai dấu hiệu suy thoái đầu tiên về đạo đức, lối sống được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ gồm: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

Tại dấu hiệu thứ 8, đó là: Thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Những dấu hiệu này có điểm chung: vì vụ lợi cá nhân, bất chấp quy định luật pháp, vi phạm trong công tác cán bộ. Trong phần phân tích nguyên nhân, Nghị quyết cũng chỉ ra có nguyên nhân quan trọng về công tác cán bộ: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”.

Với những đánh giá và xác định dấu hiệu suy thoái đạo đức, lối sống nói trên, Đảng ta đã nhận thấy thực trạng và tính nguy hiểm của những vi phạm, suy thoái biểu hiện trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay. Đó là việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tại nhiều nơi không còn đi theo trục luật định (phẩm chất + năng lực + yêu cầu công tác) mà bị điều khiển bởi những trục lợi ích đan xen.

Chính vì việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ bị thao túng bởi lợi ích, bởi động cơ cá nhân đẻ ra vô vàn những nghịch lý như: “cậu nhóc” chưa hề có kinh nghiệm công tác bỗng dưng được bổ nhiệm làm lãnh đạo trong khi những “già làng, trưởng bản” bao năm cống hiến, phẩm chất, năng lực có thừa vẫn “ôm cây đợi thỏ”; chuyện thăng tiến “nhanh hơn Thánh Gióng” (lời của một cán bộ lão thành) khi liên tục có các quyết định thăng chức; rồi lãnh đạo đông gấp bội nhân viên, như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương có 44 lãnh đạo chỉ có 2 nhân viên. Tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ đang diễn tiến chỗ âm ỉ, chỗ công khai, trắng trợn và dù bằng phương thức nào thì hệ quả của nó vô cùng khó lường...

Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Điều nhận thấy và tác động trực diện rõ nhất chính là sự bất công, vi phạm pháp luật này sẽ gây tâm lý ức chế, bất mãn đối với người khác, đặc biệt là những người có kinh nghiệm, có trình độ, có phẩm chất, năng lực, cống hiến nhưng không được trọng dụng, đề bạt. Từ tư tưởng ức chế, bất mãn đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn khoảng cách xa, thậm chí có thể dẫn tới những hành động chống đối nguy hiểm.

Thời gian qua, dư luận sục sôi chuyện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ ở độ tuổi “vắt mũi” nhưng việc tới nay xử lý chưa dứt điểm. Như việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi làm Vụ phó Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đây là điển hình của việc bổ nhiệm tùy tiện.

Vị trí Vụ phó, Vụ trưởng và tương đương theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương là phải người có kinh nghiệm, trình độ, phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Vũ Minh Hoàng đi học nước ngoài từ phổ thông, học hết thạc sĩ về nước đã 24 tuổi.

Học ở nước ngoài thì chưa có kiến thức về lý luận chính trị Mác – Lênin (một yêu cầu bắt buộc của việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ, Cục, nhiều nơi áp dụng ngay từ cấp phòng). Không có chữ nào về Mác – Lênin lại đảm đương Vụ phó (trong khi quy định phải có trình độ cao cấp lý luận), điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, quy định bổ nhiệm. Thứ hai, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là Ban của Đảng, có nhiệm vụ rất trọng yếu nhằm đảm bảo an ninh chính trị, kinh tế, quốc phòng tại địa bàn Tây Nam Bộ. Bổ nhiệm người vào ban này vì vậy đòi hỏi khắt khe về phẩm chất, năng lực, về kinh nghiệm công tác.

Hầu hết những người giữ vị trí lãnh đạo ở đây đều là cán bộ có thâm niên, kinh nghiệm công tác nhiều năm. Vậy mà bất ngờ xuất hiện một “cậu nhóc” 9x làm Vụ phó ở Ban Chỉ đạo quan trọng như vậy của Đảng.

“Tôi với ông Chiến cùng là lãnh đạo ban và không dự họp để có ý kiến bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm Vụ phó nhưng chúng tôi lại có tên trong biên bản. Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết là ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh không họp nhưng cũng có tên. Họ đã tự ý ghi tên tôi, việc làm này là sai nguyên tắc” – Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bức xúc nói.

Ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng rất bức xúc. Ông nói: “Cậu này quê quán ở Bắc Ninh, chưa sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì hiểu gì về kinh tế, xã hội ở khu vực này? Hiểu gì về yêu cầu của Đồng bằng Sông Cửu Long mà kêu gọi các doanh nghiệp ở nước ngoài về đầu tư? Cán bộ công tác hơn 20 năm ở đây còn chưa hiểu hết. Chưa kể người ta có cương vị, chức vụ từng trải ở đây mà khi mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài chưa thành công huống gì cậu thanh niên ấy”.

Ông Xuân hài hước, ở Việt Nam có hai trường hợp được bổ nhiệm thần tốc, đó là Thánh Gióng trong truyền thuyết và Vũ Minh Hoàng chứ trên đời này làm gì có chuyện một cậu thanh niên được nhận về, không làm việc ở cơ quan, không nhận lương mà được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng nhanh đến thế! 

Xin viện dẫn thêm vài điển hình về “tuổi trẻ ghế cao” gây sóng dư luận gần đây: vụ nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai Vũ Quang Hải làm lãnh đạo Sabeco. Đầu năm 2015, con trai ông khi đó mới 28 tuổi được điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó Tổng Giám đốc.

Trước đó, khi 25 tuổi, Hải đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính dầu khí (PVFI). Hồi cuối năm ngoái, báo chí từng sục sôi với sự kiện tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh khi mới 30 tuổi.

Đầu tháng 3-2016, Bộ Giao thông - Vận tải “khuấy động” bằng quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng tuổi 33: Ông Nguyễn Xuân Ảnh, sinh năm 1983, giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ. Ở cấp độ lãnh đạo tỉnh, hiện Chủ tịch UBND tỉnh trẻ nhất thuộc về ông Đặng Duy Khánh, 40 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

Điều được lạm bàn, đó là chức tước của họ đặt trong mối liên hệ với gia đình: Ông Lê Phước Hoài Bảo, SN 1985, con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh; Vũ Quang Hải, SN 1986, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; ông Nguyễn Xuân Ảnh, SN 1983, nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng, em trai Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; ông Đặng Duy Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu… 

Cần nhìn nhận khách quan: Nếu lấy năng lực làm trọng, bất kể con ai cũng có quyền được hưởng chức tước bởi tài năng của mình. Nếu “con quan” mà lại tài năng, đó càng là ưu thế. Bố mẹ giữ chức vụ cao, lo được cái chung thì cái riêng là con cái mình, nếu có trình độ, sự thăng tiến cũng là lẽ thường, cũng như cây mẹ tươi tốt thì cây non dễ bề phát triển. Trẻ hóa cán bộ cũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trẻ nhưng phải luôn gắn với yêu cầu bắt buộc: phẩm chất + năng lực chứ không phải lợi dụng để làm bừa.

Đối với những vị trí như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nói trên, thêm yêu cầu bắt buộc nữa là kinh nghiệm công tác và lý luận chính trị (cao cấp). Sức nào gánh việc đó, tuổi nào ứng chức đó, đừng vì uy quyền gia đình, bố mẹ mà dồn cho con sự đặc quyền, ngồi ghế quá rộng.

Ban cho đặc quyền quá sớm và quá sức suy cho cùng không phải là cái lợi dưới bất cứ góc nhìn nào, ngay chính con cái họ rất có thể vì cái quyền quá lớn ấy mà ảo tưởng tài năng, ảo tưởng sức mạnh, thay cho việc tu chí lao động bằng lối sống sa đọa, làm hại chính họ và gia đình, tiếp đó là gây hại cho tập thể và đất nước.

Nếu không được xử lý nghiêm, sự bất công được dung túng, được ngụy biện bởi các cá nhân sẽ dẫn tới tư tưởng, tâm lý bất mãn với người khác, ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn tới suy thoái niềm tin chính trị, đó là nguyên nhân dẫn tới sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4.

Lần này, Nghị quyết đã xác định giải pháp “Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Nghị quyết đã ban hành, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc xử lý kiên quyết, triệt để từ những vụ việc bức xúc, nổi cộm như thế này, làm gương răn đe, phòng ngừa chung, có ý nghĩa trực tiếp để ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

An Nhi
.
.