Từ 5 tỷ dự kiến của một ông bầu

Thứ Tư, 07/01/2015, 15:30
Trong tư cách Phó chủ tịch tài chính VFF, VPF ông Đoàn Nguyên Đức thừa nhận những khó khăn trong việc kiếm tiền tài trợ cho V.League. Nhưng trong tư cách ông chủ CLB Hoàng Anh Gia Lai thì ông lại tự tin nghĩ đến cái điều chưa từng có trong lịch sử BĐVN: một đội bóng có thể làm ăn sinh lời.

Tiền V.League...

Ngân hàng Eximbank chính thức không tài trợ V.League - đấy có phải là một thông tin sốc? Câu trả lời là không, vì chẳng phải đến bây giờ, mà ngay từ lễ tổng kết mùa giải năm ngoái, ông Lê Hùng Dũng (khi ấy là PCT tài chính VFF và là chủ tịch HĐQT Eximbank) đã manh nha nói đến chuyện này. Mất một nhà tài trợ “ruột”, V.League sẽ mất một nguồn thu vào khoảng 30 tỷ đồng/năm, và để tìm kiếm, kêu gọi các nhà tài trợ bù vào khoảng trống này VPF, VFF đã hoạt động với công suất tối đa trong hàng tháng qua.

Những thông tin mới nhất từ TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cho hay, bất luận trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì khả năng tổ chức này phải gom cùng lúc hàng loạt nhà tài trợ nhỏ lẻ theo đúng kiểu “tích tiểu thành đại” là rất thấp. Thay vào đó VPF vẫn tin tưởng sẽ có một nhà tài trợ chính sẵn sàng đổ vào V.League một khoản tiền tương đương với khoản tiền trước đây của Eximbank. Ông Viễn nhấn đi nhấn lại rằng người hâm mộ và các đội bóng thành viên không phải quá lo lắng tới việc V.League sẽ mất tài trợ, hoặc chỉ được tài trợ theo kiểu hình thức, chiếu lệ.

Thực ra với sự hiện diện cùng lúc của những “chuyên gia kiếm tiền” như chủ tịch Lê Hùng Dũng và PCT tài chính Đoàn Nguyên Đức, đúng là cả VFF lẫn VPF đều không phải lo lắng tới viễn cảnh “mất trắng” nhà tài trợ. Vấn đề là những nhà tài trợ sẽ đến theo những kênh nào, và rồi sẽ gắn bó với V.League như thế nào?

Khỏi nói ai cũng biết, trước đây Eximbank đến với bóng đá Việt Nam thông qua tầm ảnh hưởng cá nhân của ông Lê Hùng Dũng, và những thông tin từ hậu trường làng bóng cho hay một nhà tài trợ mới khả năng cũng sẽ đến thông qua những mối quan hệ của ông Dũng, ông Đức. Dĩ nhiên, ở thời điểm đói kém hiện nay thì cứ có tiền là tốt, nhưng nhìn một cách sâu xa, chiến lược thì cũng nên tự đặt ra câu hỏi: khi tiền được đổ vào từ những quan hệ kiểu này, chứ không được đổ vào vì giá trị tự thân của một giải đấu thì nó có phải là những đồng tiền đáng tự hào hay không?

Trong vấn đề này, ông Đức đã có một nhận định rất chí lý: “V.League cũng giống như một món hàng. Nếu hàng tốt thì được trả giá cao, hàng rẻ thì bị trả giá thấp”. Và có lẽ cũng cần mở rộng thêm một mệnh đề nữa: nếu món hàng chán quá, nhạt quá, èo uột quá thì nó thậm chí còn không được trả tiền nếu như người bán hàng không “gõ cửa” những mối quan hệ cá nhân của mình khi làm việc.

...Tiền Hoàng Anh

Trong khi ông Đức đang nhìn thấy rất nhiều hạn chế trong việc “mời hàng” và “bán hàng” V.League thì với CLB chủ quản của mình, ông lại rất tự tin về vấn đề này. Ông bảo, với việc đôn cả một lứa U.19 triển vọng lên đội 1, Hoàng Anh Gia Lai ở mùa giải 2015 sẽ là một đội bóng “hút hàng”. Vì “hút hàng” nên tiền bán vé, tiền tài trợ đổ về dự kiến sẽ vào khoảng 20 tỷ đồng.

Trong khi đó với mức lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng cho những cầu thủ mình ươm trồng suốt 7 năm qua (những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Đông Triều...), lại không phải trả tiền lót tay lên tới hàng tỉ đồng/người như những gì các đội bóng khác đã và đang phải làm, ông Đức cho biết nguồn chi dự kiến của CLB chỉ vào khoảng 15 tỷ đồng.

15 tỷ đồng có nghĩa bằng đúng một nửa con số tối thiểu (30 tỷ đồng) mà VPF đưa ra cho các đội dự V.League. 15 tỷ đồng cũng có nghĩa sau khi cân đối thu chi, dự kiến CLB Hoàng Anh Gia Lai sẽ lãi khoảng 5 tỷ đồng. Nhắm mắt lại cũng biết 5 tỷ là một khoản lãi quá đỗi khiêm tốn, và so với hàng chục triệu USD mà bầu Đức bỏ ra để tạo nên cả một thế hệ U.19 đầy hy vọng thì khoản lãi bước đầu ấy chẳng khác gì muối bỏ bể. Nhưng 5 tỷ tiền lãi trong bối cảnh hiện nay sẽ mang lại hai tác động đầy tích cực.

Thứ nhất, nó cho thấy nếu chịu đầu tư các lứa trẻ một cách bài bản, khoa học, và đến một ngày nào đó có thể sử dụng các cầu thủ do mình đầu tư, thay vì cứ phải vung tiền mua cầu thủ bên ngoài thì một CLB Việt Nam làm ăn sinh lời là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và thứ hai, trong bối cảnh nhiều đội bóng khai tử, nhiều cầu thủ bị nợ lương, thưởng, tiền lót tay và nhiều doanh nghiệp đang tìm cách rút chân khỏi bóng đá thì việc một CLB làm ăn có lãi sẽ tạo nên những tác động tinh thần đầy to lớn.

Với một lứa U.19 đầy hy vọng, bầu Đức tin tưởng CLB Hoàng Anh Gia Lai sẽ làm ăn sinh lời! Ảnh: H.M.

Bao giờ có một chân đế bền vững?

Tất cả đều hiểu, sau 14 năm khoác lên mình chiếc áo “bóng đá chuyên nghiệp” thì các đội bóng Việt Nam đều chưa thể làm ra tiền. Những khoản lương thưởng, lót tay kếch xù lên tới hàng chục tỷ đồng mà các cầu thủ nhận được, những mức đầu tư có lúc lên tới cả trăm tỷ đồng mà một CLB được đổ vào trong một mùa giải phần lớn đều đến từ tiền tài trợ của những doanh nhân. Và sau khi đổ cả núi tiền vào một đội bóng địa phương thì những doanh nhân này được địa phương “đáp trả” bằng những miếng đất vàng, những dự án vàng theo kiểu “cả anh cả tôi cùng có lợi”.

Đến một lúc nào đó, khi các doanh nhân thấy chiến lược làm ăn của mình hoặc đã toại nguyện, hoặc không như mong muốn trước đây thì họ cũng tìm cách rút chân khỏi bóng đá. Và thế là sinh ra hàng loạt những bi kịch cho đội bóng, cho cầu thủ.

Một khi các CLB bóng đá cứ phải ký sinh trên những mối quan hệ và những toan tính làm ăn như vậy thì nó luôn tồn tại một cách phập phù, bập bõm. Một khi các giải đấu bóng đá luôn phải sống nhờ mối quan hệ cá nhân và những tác động cá nhân của một vài lãnh đạo thì giải đấu ấy cũng luôn phải chịu đựng những phán quyết không phải lúc nào cũng có lợi cho đại cuộc. Chỉ khi nào một CLB nói riêng và một giải đấu nói chung có thể làm ra tiền để tự nuôi sống mình thì bóng đá chuyên nghiệp mới có một chân đế bền vững để đi lên.

Nhìn nhận như vậy sẽ thấy khoản lãi dự kiến 5 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai, của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là một con số đầy khích lệ!

Những người đi ngược quy luật

Nếu nói đến chuyện lời lỗ từ bóng đá thì có lẽ những CLB tiêu tiền kiểu như Bình Dương sẽ là một trong những CLB thất thu nhất V.League. Cứ sau mỗi mùa giải CLB này hoặc lại xới tung đội hình, hoặc lại vung tiền mua cả một loạt ngôi sao. Mới đây nhất, khi lãnh đạo Bình Dương mua Công Vinh thì chính GĐKT Lê Thuỵ Hải đã phản ứng với lý lẽ: “Trên hàng tiền đạo, chúng ta đã có một loạt các cầu thủ xuất sắc, vậy thì thêm Công Vinh để làm gì?”.

Với những CLB thích mua bán, và coi mua bán là sự sống như thế này thì dĩ nhiên mục tiêu chuyên môn không phải là mục tiêu hàng đầu, mục tiêu phát triển bền vững cũng chẳng phải là mục tiêu hàng đầu. Và nếu V.League vẫn có những CLB chấp nhận đi ngược quy luật kiểu Bình Dương - cái ngược mà với nó, một vài nhân vật nào đó lại gặt được nhiều cái lợi thì hy vọng vào một nền bóng đá chuyên nghiệp đích thực luôn chỉ là những hy vọng hão huyền.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.