“Trương Phi” Lê Thụy Hải với những khúc xạ về hai chiều thực giả

Thứ Năm, 10/05/2012, 15:00
Ông từ tốn bước từ đường hầm về phía khán đài C sân vận động Lạch Tray (Hải Phòng). Hàng loạt các CĐV quá khích từ trên khán đài hét xuống: “Ông hãy đi đi! Đi ngay đi!”. Một kẻ độc mồm nào đó còn gào lên: “Hãy cho tôi 100 triệu đồng/một tháng để mua sữa cho con, thay vì trả lương cho ông ấy!”. Thế là ông lập tức quay lưng về phía khán giả, chỉ tay lên vai mình rồi lẩm bẩm nói: “Cũng muốn đi lắm rồi đây, nhưng chả ai đuổi cả”.

Tính ông là thế. Không thích là bụp ngay, mà bụp một cách chua cay, một cách gai góc, thậm chí phảng phất mùi… chợ búa. Thế nên nhiều người ngại ông. Nhiều người tránh ông. Nhiều người ghẻ lạnh ông. Riêng với tôi, nói thật là tôi vừa không ưa ông, lại vừa thấy ở ông một cái gì… khoái khoái. Đừng tưởng tôi mâu thuẫn nhé, bởi ở đời, đôi khi người ta vẫn có thể không ưa những thứ giá trị mà… người ta khoái.

Sân Hàng Đẫy (Hà Nội) sau một trận đấu của CLB Ninh Bình năm 2010, ông Lê Thụy Hải bước ra từ phòng họp báo rồi nói oang oang vào mặt tôi cùng vài đồng nghiệp của tôi: “Tụi mày có biết tại sao tao về cầm quân Ninh Bình không? Tại vì thằng Phan Đăng đấy!”. Sợ mọi người không hiểu, ông cứ thế để cảm xúc và ngôn ngữ lên cơn: “Nó viết bài nói rằng cái giá 100 triệu đồng/một tháng mà Ninh Bình trả tao có thể chỉ là giá ảo. Đã thế, tao phải về Ninh Bình để nó thấy tao xứng đáng nhận 100 triệu đồng lắm chứ”.

Quả thật hồi ấy, khi làng bóng xuất hiện thông tin Ninh Bình sẵn sàng trả ông Hải một mức giá kỷ lục thì tôi, với cái đầu đa nghi vốn có của mình, đã viết bài trên báo Bóng Đá, đặt câu hỏi về việc cái giá ấy rốt cuộc có thật hay không. Lúc viết bài, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là đưa ra một câu hỏi để mọi người cùng suy nghĩ thế thôi, nào ngờ nó lại là câu hỏi khiến ông Hải “lên cơn”. Sau này, ông Hải còn nhắc đi nhắc lại câu chuyện này với nhiều phóng viên, nhất là cánh phóng viên truyền hình, và thông qua cánh tay phải của ông trợ lý HLV Nghiêm Xuân Mạnh, thì tôi biết ông “thù” tôi vụ này ghê gớm.

Hồi còn chưa “thù” tôi như thế, ông Hải từng tâm sự với tôi về chuyện ông không thích phóng viên này, không ưa phóng viên kia. Chẳng hạn, có lần ông nói về một phóng viên trong Nam: “Trước mỗi trận đấu, hắn đều gõ cửa phòng mình xin trước cái đội hình thi đấu, và mình luôn sẵn sàng giúp hắn. Thế mà khi một số việc không hay xảy ra, mình bị vạ lây thì hắn lại đánh mình tơi tả”.

Có một sự thật mà tôi biết, đó là phần lớn những phóng viên mà ông Hải không ưa, họ  cũng đều  chẳng ưa gì ông. Chuyện bình thường thôi mà, bởi con người có quyền tự do yêu - ghét, quyền tự do căm thù – ngưỡng mộ. Mất đi cái quyền tự do ấy, con người hoặc sẽ trở thành những nhà chính khách với năng lực diễn xuất bậc thầy, hoặc sẽ trở thành những con robot luôn cử động với những lập trình sẵn có.

Tôi khẳng định mình không bao giờ có tố chất của một chính khách, cũng chưa bao giờ có phẩm chất của robot. Thế nên tôi dám nói rất thật thế này: Ngay cả khi ông Hải “thù” tôi,  thì tôi cũng chỉ “không ưa” ông chút chút, chứ nhất quyết không thù lại ông. Và như đã nói ở đầu bài viết, ngay cả khi “không ưa” ông, thì tôi vẫn thấy ông…khoái khoái. Tại sao lại thế? Tại vì ông đã làm một việc mà không phải ai cũng làm được trong cái thế giới không hiếm gì sự giả dối và nặng nề toan tính này. Đó là dám nói thật, hành động thật với sự yêu ghét của mình. Khi “không thích thằng Phan Đăng”, ông đã nói rõ là “tao không thích thằng Phan Đăng” thay vì như ai đó, cứ giảo hoạt mà rằng “thằng đó hay đấy chứ”, hay chí it là “thằng đó cũng được được…”.

Nghĩ theo hướng này mà mới đây, khi ông Hải không chịu bắt tay Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ, và khi nhiều bài báo phê phán ông thiếu lịch sự thì tôi lại đã “bênh” ông chằm chặp. 24 giờ sau sự cố “ông Hải không bắt tay ông Đệ”, tôi điện thoại cho ông, hỏi rõ: “Tại sao chú làm như thế?”. Lần này thì ông không xưng “mày - tao” nữa, mà gọn lọn trả lời: “Vì mình không thích ông Đệ, Phan Đăng ạ”.

Tôi hỏi tiếp: “Vì sao chú không thích?”. Rất thật lòng, ông Hải kể lại những hành xử mà trong quan điểm của ông là không đẹp của bầu Đệ hồi ông còn dẫn quân Thanh Hóa. Từ việc bầu Đệ trước mặt ông cứ một câu “thầy Hải”, hai câu “thầy Hải” nhưng sau lưng thì lại không nói như thế, đến việc bầu Đệ quyết định sa thải vị trí HLV trưởng của ông mà lại thông báo cho truyền thông trước khi thông báo cho ông.

Ông Hải bảo: “Làm cái nghề huấn luyện này, mình đã xác định sẵn rằng mất việc là một chuyện rất bình thường. Nhưng người ta đuổi việc mình mà lại không thông báo cho mình thì đúng là đã không tôn trọng mình. Hồi ấy mình đã nói thẳng với bầu Đệ: “Hành xử của ông hèn lắm”.

Ông Hải nói rằng ngày ông rời Thanh Hóa, bầu Đệ đề nghị lấy xe của đội đưa ông về Hà Nội, ông đã từ chối thẳng, bầu Đệ mời ông đi ăn bữa cơm chia tay, ông cũng từ chối, bởi “mình không muốn chơi với những thằng hèn”. Sau khi kể lại một loạt những chuyện đã qua, ông Hải trở lại chuyện “không chịu bắt tay bầu Đệ”, rồi hỏi ngược tôi: “Một khi đã quá biết về nhau như thế, một khi đã không tôn trọng nhau như thế thì theo Đăng, có nên giả dối bắt tay nhau hay không?”.

Nghe ông Hải nói tôi chợt nhớ tới mấy cuốn sách mang tính chất đắc nhân tâm kiểu như “phải làm sao để vừa lòng sếp?”, “phải làm sao để đồng nghiệp yêu?”, “phải làm sao để trở thành nhà ngoại giao đại tài?” mà hồi mới lớn tôi cũng một vài lần tìm đọc. Đến khi đọc xong, và nhận ra rằng phần lớn những cuốn sách này đều dạy con người ta phải “khéo”, phải “diễn”, phải sống giả dối – sống không thật là mình thì sự thực tôi đã không bao giờ thèm đọc lại. Sau này, thì không phải là từ sách, mà từ chính những trang đời, tôi đã chứng kiến vô số những hành xử giả dối, những phát ngôn giả dối đến từ những mối quan hệ lợi ích. Cho nên khi thấy ông Hải không giả dối, mà thẳng thắn, hiên ngang với những cảm xúc yêu ghét của mình thì tôi khoái ông.

Nhưng có hai chi tiết mà với nó tôi lại thấy một cái gì đó hơi mâu thuẫn trong con người ông Hải. Chi tiết thứ nhất, đời thường ông là một người rất mê đọc sách binh pháp. Bởi theo giải thích của ông thì binh pháp giúp cho người ta biết phải làm gì để lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy vô đánh hữu. Chi tiết thứ hai, trong nghề huấn luyện, ông Hải nổi tiếng là một ông thầy lắm chiêu, nhiều mánh.

Cách đây độ 6 năm, ông từng cầm quân Bình Dương lên Pleiku đá với HA.GL trong ngày HA.GL bày đại tiệc chia tay Kiatisak, lần ấy Bình Dương bị ép sân và bị dẫn bàn từ rất sớm. Nhưng rồi ông Hải nổi đóa với trọng tài, đòi dừng trận đấu, và dân trong nghề nói rằng lúc ấy có thể ông cáu trọng tài thật, nhưng cũng có thể  đấy chỉ là một cách khiến trận đấu gián đoạn hòng làm “giảm nhiệt” đối phương. Sự thật là sau vài phút gián đoạn, khi trái bóng lăn trở lại cũng là khi HA.GL mất nhiệt, Bình Dương của ông Hải từ chỗ bị dẫn trước đã bất ngờ lật ngược thế cờ.

Đã rất nhiều lần, tôi tự hỏi mình: một người mê binh pháp và có thể ứng dụng binh pháp trong công việc một cách thuần thục như ông Hải liệu có thể là một con người thẳng thắn, không giả dối một cách đích thực hay không? Một đồng nghiệp của tôi trả lời: “Có những người chỉ láu cá trong công việc chuyên môn, chứ còn trở lại đời sống thì họ yêu ghét rõ ràng”. Một đồng nghiệp khác lại bảo: “Trong nhiều trường hợp, sự thẳng thắn, rõ ràng cũng chính là một cách diễn xuất của những bậc thầy diễn xuất”.   

Đau đầu trước cái mớ lý luận của các đồng nghiệp, tôi thử đơn giản hóa vấn đề thế này: Trong một cuộc sống mà nhìn đâu cũng thấy những sự bon chen, dối lừa, chỉ cần một khoảnh khắc thẳng thắn vút bay lên, bất luận đó là sự thẳng thắn đích thực, hay thẳng thắn diễn xuất thì nó cũng đáng quý lắm rồi. Và nó càng đáng quý hơn so với những kẻ mà ngay cả khi “diễn” cũng chưa bao giờ dám “diễn” một vai thẳng thắn, cương trực, mà chỉ chuyên diễn những… vai hèn.

Nghĩ như thế nên dẫu ai nói gì, bàn tán gì thì trước sau như một, tôi vẫn khoái ông Lê Thụy Hải, dù trước sau như một, tôi vẫn nói rằng: Tôi chẳng ưa ông Hải!

Phan Đăng
.
.