Trước khúc ngoặt lớn nhất của đời người
Thi thoảng có người bạn hỏi tôi dạo này thế nào, tôi cười và nói "gần hơn với phần mộ của mình''. Nghe tôi trả lời như vậy, nhiều người rùng mình kêu lên: ''Sao lại nói thế''. Cái chết là một sự thật hơn mọi sự thật khác mà ai cũng phải đi qua và không ai chống lại được kể cả các hoàng đế quyền lực nhất thế gian. Mỗi ngày thức dậy, chúng ta lại đến gần phần mộ của mình thêm một chút nữa.
Còn đoạn đường từ lúc chúng ta đang nói với nhau về nó cho tới phần mộ của mỗi người sẽ dài ngắn khác nhau mà chẳng ai biết được chính xác nó dài ngắn bao nhiêu. Nhưng tất cả ngay khi đang sống ai cũng đều muốn chọn cho mình một cái chết. Tôi đã viết về cái chết của tôi như sau:
''Thế là tôi đã rời bỏ thế gian này ra đi. Những người thân yêu và bạn bè quây quanh chiếc giường tôi đang nằm. Lúc đó, tôi đứng ở cách xa mọi người và quan sát tất cả. Tôi nằm trên chiếc giường cạnh ô cửa sổ lớn mở ra vườn. Bên cạnh tôi một cuốn sách đọc dở. Tôi không nhớ đó là cuốn sách gì. Nhưng là một cuốn sách mỏng. Có lẽ là một tập thơ của một nhà thơ nào đó.
Mùa đông, mực và giấy dó (tranh Nguyễn Quang Thiều). |
Một người bạn đã già của tôi từ từ mở hai cánh cửa sổ để ánh sáng mùa thu lùa vào nơi tôi nằm. Tôi thấy ngoài vườn gió đang reo vang trong những vòm lá. Một con chim có cái đuôi đỏ quét đất đang nhìn về phía tôi và hót vang. Tiếng hót của nó giống tiếng tiêu mà khi sống tôi vẫn thổi. Trên cành cây hồng trứng ở góc vườn rực rỡ những chùm quả. Tôi gọi những quả hồng chín là những ngọn đèn của mùa thu.
Tôi không nhớ rõ mặt người bạn mở cánh cửa sổ cạnh giường tôi. Có thể là Lương Tử Đức, Trịnh Hữu Sỹ, Lê Phương Chung, Đỗ Văn Hiểu hay Chu Lượng. Chắc chắn không phải A Sáng vì A Sáng còn trẻ mà người mở cửa sổ râu tóc bạc phơ. Còn Nguyễn Quyến thì không phải rồi. Vì lúc đó Nguyễn Quyến đang đọc một bài thơ của tôi viết như một lời chào cuối cùng để ra đi.
Tôi mỉm cười mãn nguyện. Vì khi còn sống, tôi ước sẽ được ra đi vào một ngày mùa thu trong ngôi nhà ông nội tôi xây đã 150 tuổi và tôi muốn Nguyễn Quyến là người đọc bài thơ tôi viết về ngày tôi ra đi. Giọng Nguyễn Quyến đọc thơ quả là quyến rũ vẫn như thời Nguyễn Quyến ngoài 20 tuổi. Tôi vô cùng mãn nguyện vì đã cầu được ước thấy. Người ta có thể xin được nhiều thứ nhưng xin được ra đi vào một ngày mình muốn và có những người thân yêu cùng bạn bè bên cạnh quả là một lời cầu xin quá xa xỉ và ít được chấp nhận.
Khi Nguyễn Quyến vừa đọc bài thơ xong thì một đoàn người đi vào sân nhà tôi. Đó là những nhạc công phường bát âm làng Chùa. Toàn là những người thân quen. Một trong những loại nhạc tôi mê đắm chính là những bản nhạc của phường bát âm.
Tôi đã viết hai bài thơ về âm nhạc này. Mỗi lần tiễn đưa những người trong làng, tôi thường đi cạnh phường bát âm. Tiếng nhạc vang lên làm cho tôi nhìn thấy con đường vô hình từ thế gian về tới Cõi Thiên thu. Đẹp, da diết, mênh mang và lộng lẫy.
Mọi người trong nhà tất bật chuẩn bị mọi thứ cho tôi. Một ai đó nhấc chiếc túi hành lý cho chuyến đi cuối cùng của tôi rồi nói: "Nhẹ quá, sao lại mang ít thế nhỉ". Một người khác: "Ông ấy mang cái gì thế". Tôi mỉm cười thích thú vì biết rằng chẳng ai đoán được tôi mang gì theo đâu. Bí mật mà. Nhưng thực ra chỉ là mấy cuốn sách. Một số người khóc nức nở bên tôi. Tôi không thích như thế. Chuyến ra đi của tôi đẹp như thế sao lại khóc.
Tôi ra đi ở cái tuổi không có gì phải nuối tiếc. Ra đi trong một ngày thu đẹp. Người thân và bạn bè đông đủ. Thơ chào tạm biệt đã viết xong cả một năm trước đó. Và còn gì thú vị hơn khi được nằm thanh thản trên chiếc giường cạnh cửa sổ mở ra vườn và mùa thu đang tràn ngập khắp nơi và nghe bài thơ của chính mình''.
Tất cả chúng ta đều biết trước chúng ta sẽ chết. Tôi tin cái chết chỉ là một hình thức khác của sự sống chứ không phải là sự kết thúc. Tôi nghĩ đơn giản giống như một cái hạt cây mọc lên một cái cây, rồi ra hoa, kết trái và hạt lại rụng xuống và sinh ra cây. Thế thì sao chúng ta lại khiếp sợ cái chết đến như thế. Và chúng ta lao vào giành giật mọi thứ có thể khi đang sống.
Nhưng trước khúc ngoặt lớn nhất cuộc đời, chúng ta mới kinh hãi và tuyệt vọng cùng với sự ân hận muộn mằn và vô ích rằng: vì sao chúng ta lại cho phép mình làm những điều vô nghĩa, tham lam, độc ác như thế trong suốt phần đời của chúng ta. Có người cho đến trước khúc ngoặt này mới nhận ra sự phù phiếm mà con người đó theo đuổi với toàn bộ mưu kế và ngờ vực của mình.
Người đó mỉm cười như tự mình ban cho mình một món quà của sự ''nhận biết'' và đi qua khúc ngoặt thanh thản. Nhưng có những người trước khi đi qua khúc ngoặt ấy toát mồ hôi lạnh vì sợ và tiếc nuối đống tài sản mà người đó đã làm mọi cách để có được hoặc tiếc nuối những hưởng lạc của dục vọng thấp hèn.
Không ai có đủ ''thức ăn'' để nuôi con ''thú cưng'' của mình là lòng tham. Với con thú này, càng cho nó ăn nó càng đói. Bởi thế mà có những kẻ tiền chất đầy phòng làm việc, chất đầy nhà, chất đầy các tài khoản bí mật ở ngân hàng nước ngoài mà con thú lòng tham ngày đêm vẫn gào thét kinh khủng vì đói. Có những kẻ khi lâm bệnh hiểm nghèo, lâm vào vòng lao lý thì ngày đêm cầu xin thần phật giúp cho mình tai qua nạn khỏi. Sao những kẻ như thế lại tăm tối đến như vậy.
Mấy hôm nay, cả xã hội theo dõi xét xử một vụ đại án, nơi mà một vị cựu bộ trưởng bị tuyên án tử hình. Khi nghe tin đó, lòng tôi chao đảo với muôn vàn cảm xúc. Rất có thể, ông ấy không còn thời gian để làm lại bất cứ điều gì nữa. Chính ông đã đọc bản án đau đớn và hổ nhục nhất cho cuộc đời ông. Lòng tham đã giết chết con người ông.
Ông sẽ bước vào khúc ngoặt như tất cả con người sinh ra trên thế gian này. Nhưng ông không biến mất. Ông bắt buộc phải sống trong sự khinh bỉ và thương hại của cuộc đời này sau khi chết. Và sau này, trong những ngày giỗ ông, khi hương khói bay lên thì bản án dành cho ông lại hiện ra trong lòng chính con cháu ông, cho dù chẳng ai muốn thế. Than ôi, kiếp người…!
Hỡi tất cả những người đang mang lòng tham vô độ được che giấu dưới những từ ngữ mỹ miều và những hành vi giả dối, các người hãy một lần tự hỏi xem với số của cải nhiều như nước sông mà các người kiếm được một cách không chính đáng sẽ mang lại cho các người những gì trước khi các người bước đến cái chết. Không có gì khác ngoài sự khinh bỉ và nguyền rủa. Cho dù con đường đen tối của những đồng tiền chảy vào túi các người dư luận không biết, pháp luật chưa biết thì vẫn có những kẻ khác biết và kẻ biết rõ nhất chính là các người.
Còn nếu tự đáy lòng các người không có lấy một lần day dứt trước khi bước qua khúc ngoặt cuộc đời về những gì các người đã làm thì các người đúng là chưa từng được sống trong danh nghĩa một con người cho dù các người đạo mạo với những bộ trang phục thơm tho. Các người có thể nhận về vô số vật chất và quyền lực, nhưng các người không có khả năng tiếp nhận một thứ quan trọng nhất của con người: Văn Hóa. Chỉ khi một sinh linh tiếp nhận được văn hóa thì sinh linh ấy mời được gọi là Người. Còn những sinh linh không tiếp nhận được Văn Hóa thì sẽ ở một loài khác cho dù hình thức giống nhau.
Tất cả mọi con người hiện hữu trên mặt đất này đều biết cuối cùng mình sẽ bước đến khúc ngoặt lớn nhất của đời mình. Khúc ngoặt từ đời sống sang cái chết. Thế nhưng hầu hết chúng ta nghĩ đến cái chết quá nhiều với đầy sợ hãi mà lại ít nghĩ đến sự sống của chính mình. Chúng ta tìm mọi cách để chống lại cái chết hay nói cách khác là kéo dài sự sống.
Chúng ta ăn mọi thứ mà chúng ta cho là rất bổ dưỡng, chúng ta uống đủ loại thuốc mà chúng ta cho là sẽ ngăn cản bệnh tật, chúng ta theo đủ các trường phái dưỡng sinh, khí công để chữa bệnh và bảo tồn hơi thở. Tất cả những hành động đó chỉ là để chăm sóc thân xác chúng ta. Nhưng cuối cùng tất cả đều bước tới khúc ngoặt lớn nhất của đời người và thân xác chúng ta cho dù được chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng cũng biến mất vào cát bụi.
Mọi người đều mơ một cái chết đẹp cho mình, thế nhưng chẳng ai chịu chuẩn bị cho cái chết của mình. Chuẩn bị cho cái chết của mình không phải là chuẩn bị đất để xây phần mộ, không phải chọn loại đá ngọc nào xây phần mộ, không phải chọn một người viết điếu văn cho mình thật hoành tráng, thật xúc động, thật sáng láng, không phải chuẩn bị vàng bạc, châu báu mang theo… mà chuẩn bị cho cái chết nghĩa là chuẩn bị sống cho tử tế và thanh thản ngay từ khi mình nhận thức được mình đang sống và mình sẽ chết.
Thị xã Hà Đông, một ngày cuối đông.