125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015)

Trọng dụng hiền tài

Thứ Hai, 11/05/2015, 09:30
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém, vì vậy, Đảng ta phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Cần phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta.

1. Mùa thu năm 1941, đồng chí Đàm Quang Trung (Thượng tướng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) vinh dự được gặp Bác cùng với bốn anh em nữa ở bản Nà Nghiềng. Bác thay mặt Trung ương cử các đồng chí này đi học. Đồng chí Đàm Quang Trung kể lại chuyện được Bác cử đi học: “Tôi nhớ mãi những lời căn dặn của Bác trước lúc lên đường. Bác nói đại ý: Muốn đánh đuổi thực dân Pháp, phátxít Nhật ra khỏi đất nước, giành độc lập thì mình phải có quân đội. Có quân đội rồi còn phải có vũ khí, lương thực. Phải có những người cầm quân giỏi. Các chú đi học lần này là học quân sự, để trở thành những người cầm quân giỏi, những chỉ huy của quân đội…”.

Căn dặn cán bộ, đảng viên chú tâm rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, chống thói quan liêu, hách dịch, xa dân, Bác dùng những hình ảnh, sự vật gần gũi nhưng đều hàm chứa những bài học sâu sắc. Năm 1952, đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị cán bộ trung, cao cấp, Bác đề nghị đố chữ và anh em háo hức hưởng ứng. Bác cầm một cái que, lần lượt vẽ các vạch ngang trên mặt đất rồi hỏi: “Chữ gì nào?”. Cả lớp hò lên: “Thưa Bác, chữ nhất, chữ nhị, chữ tam ạ”. Bác khen giỏi rồi lại gạch một gạch nữa dưới chữ  tam: “Chữ gì nào?”. Anh em loay hoay không biết là thế nào, chữ Pháp thì không phải còn tiếng Hán chữ “tứ” viết khác. “Thế nào, các nhà Mácxít?” – Bác hỏi tiếp rồi lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch thứ tư như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...

Tất cả đều căng ra suy nghĩ nhưng không ai trả lời được. Bấy giờ, Bác để que xuống đất, đứng dậy nói: “Các chú biết cả đấy! Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả, hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học thì các chú lại ít làm...”. Nghe Bác nói, ai nấy đều thấm thía.

2. Đất nước ta đang trên đường phát triển hội nhập và chất lượng cán bộ đóng vai trò quyết định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng. Bác dạy: “Việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém, vì vậy, Đảng ta phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Cần phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Bác cho rằng, cần phải chuẩn bị nhiều cán bộ tốt để lựa chọn và sử dụng, bởi “một người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người”.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, cần phải thường xuyên đánh giá cán bộ một cách công tâm để thấy rõ họ làm được gì và chưa làm được gì, có tạo được uy tín với cơ quan, đơn vị hay không. Trong công tác cán bộ, cần phải cất nhắc cán bộ cho đúng, phải dùng người đúng chỗ, đúng việc, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không và phải xem người ấy xứng với việc gì…

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, tháng 3/1961.

Bác chỉ rõ, việc sử dụng cán bộ là một nghệ thuật, Đảng phải sử dụng cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây quý báu. Phải bố trí cán bộ thích hợp, tuỳ tài mà dùng người, họ có tài mà không dùng đúng cái tài của họ thì không được việc. Bác lấy ví dụ, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đã thành công. Những người lãnh đạo khéo thì tài nhỏ hoá tài to, lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá ra tài nhỏ. Khi đã bố trí cán bộ đúng vị trí lại phải vì phẩm chất, tài năng, vì công việc, vì sự lớn mạnh của tổ chức mà cất nhắc cán bộ, kiên quyết không vì yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang mà đề bạt cất nhắc cán bộ…

Bác dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Những lời dạy của Người về tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là vấn đề trau dồi đạo đức, phẩm chất của người cán bộ thời kỳ nào cũng giữ nguyên giá trị thực tiễn.

3. Lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Nghiên cứu vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, với trách nhiệm người đứng đầu Nhà nước và lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng, quy tụ quanh mình những học trò, những cộng sự, những nhà lãnh đạo tiêu biểu như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Hùng và nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Đó là những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức của Đảng.

Có thể thấy rõ quá trình đào tạo và bố trí cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược mà Bác thực hiện được thể hiện qua mấy vấn đề chủ yếu gồm: Thứ nhất, lấy tâm, đức làm gốc, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thứ hai, trình độ lý luận, trí tuệ, học vấn, tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh… Thứ ba, năng lực tổ chức thực tiễn, xử lý đúng đắn các mối quan hệ cơ bản cuộc sống thực tiễn đặt ra, chẳng hạn như mối quan hệ “đổi mới - ổn định - phát triển”, hay “tăng trưởng kinh tế với đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị”…

Tư tưởng và những quan điểm của Người về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ chiến lược đã được Đảng ta thể hiện rõ qua nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ.

Năm 1997, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.

Hiện nay, Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà một trong những nội dung trọng tâm là “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đã thảo luận về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Theo Ban Tổ chức Trung ương, đến nay, cả nước có trên 110 nghìn lượt cán bộ được quy hoạch cho các chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó, bao gồm cán bộ quy hoạch cho các chức danh diện Trung ương quản lý; lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, chỉ huy trưởng trong quân đội, công an; lãnh đạo cấp huyện và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại các hội nghị tiếp theo.

Về vấn đề này, phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. “Đây là công việc có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước” - Tổng Bí thư khẳng định.

An Nhi
.
.