Trần Huyền Trân: Khói lửa bốc hoa tay kẻ sĩ

Thứ Ba, 06/09/2016, 04:02
Thi sĩ Trần Huyền Trân là nhân vật cuối cùng được Hoài Thanh – Hoài Chân “mời” vào chiếc chiếu “Thi nhân Việt Nam” sang trọng. Thế nhưng, thi sĩ Trần Huyền Trân chỉ được nhắc với đôi lời trân trọng mà không hề được trích một tác phẩm nào. Có lẽ, thời điểm ấy chân dung sáng tạo của Trần Huyền Trân chưa rõ nét.


Còn bây giờ, khi thời gian nghiêm khắc đặt mỗi cá nhân trở lại đúng vị trí, thì công chúng lại thấy Trần Huyền Trân là thi sĩ tiêu biểu nhất viết về sự thay đổi của thân phận người Việt trước và sau cột mốc 2-9-1945!

Mồ côi cha rất sớm, cậu thiếu niên Trần Đình Kim lăn lộn với đời để mưu sinh và để giúp mẹ nuôi em. Địa danh Cống Trắng mà Trần Huyền Trân thường viết thêm như một thứ lạc khoản cho mỗi bài thơ, chính là ngõ Văn Chương trên phố Khâm Thiên ngày nay. Tuy nhiên, thuở đó Cống Trắng chỉ quần cư những kẻ nghèo khó, và chính người mẹ đáng kính của Trần Huyền Trân cũng sống bằng nghề đánh giậm. 

Hơn một lần, Trần Huyền Trân nhắc đến Cống Trắng bằng tất cả niềm thương cảm: “Tôi ở lều tranh Cống Trắng này. Chạnh lòng cá nhảy với chim bay. Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức. Giăng phải hồn tôi một lưới đầy” và “Tôi về lều Cống Trắng. Với chiếc vó mẹ già. Văn chương càng cay đắng. Không nịnh hót ai mua?”.

Ngay tại phố Khâm Thiên nhiều gắn bó, bút danh Trần Huyền Trân đã xuất hiện. Cưu mang một cô gái họ Trần bất hạnh mang thai không được thừa nhận, gã lãng tử nhân hậu Trần Đình Kim đã chăm sóc cho mẹ tròn con vuông và đặt tên cho đứa trẻ là Trần Huyền Trân. Hai chữ Huyền Trân không phải bắt chước mỹ hiệu của một giai nhân, mà Huyền Trân cũng là Trần. 

Nghĩa là đứa trẻ được xác lập con chính thức của hai người họ Trần, như cách ông viết trong bài Cái thai hoang nhọc nhằn và tử tế: “Nào khác chi đời mẹ của con/ Ép khuôn cười khóc để người buôn/ Một đêm chung chạ bao hơi hướm/ Đến rạng mai ngày nát phấn son/ Thôi nói làm chi căm hận ta/ Đủ ngày gọi cửa mẹ con ra/ Mẹ con một kiếp vô thừa nhận/ Con cứ tìm ta: con với cha!”.

Bút danh Trần Huyền Trân còn gắn bó với phố Khâm Thiên ở một bài thơ nữa, đó là Sầu chung viết tặng nghệ sĩ Quách Thị Hồ. Người đàn bà hát xẩm tài hoa chìm nổi bước vào thơ Trần Huyền Trân như một tiếng thương và cũng như một tiếng đau: “Người ơi, mưa đấy hay xênh phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa”.

Diện mạo của thi sĩ Trần Huyền Trân nước da bánh mật, cặp mày xếch và ánh mắt thăm thẳm, ngay những ngày đầu đến với cách mạng đã được Nguyễn Đình Thi cảm nhận “nét mặt như của một người nơi ruộng đồng và nụ cười không ồn ào”. Khác với vẻ ngoài hắt hiu, trái tim Trần Huyền Trân ấm áp bởi câu thơ đầy sẻ chia với những cuộc đời lầm lũi. 

Thi sĩ Trần Huyền Trân qua nét vẽ của Hoàng Lập Ngôn.

Những dề rau muống cũng có nét duyên riêng khi Trần Huyền Trân gọi nó là rau tần: “Mây bay trắng lá rau tần/ Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa/ Có người về khép song thưa/ Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng”. 

Không gian sống ngỡ chừng ảm đạm cũng được Trần Huyền Trân phả vào sự mát lành trong trẻo: “Gió ngớt khua lau dưới gậm cầu/ Người về xóm lạnh bước thôi mau/ Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm/ Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau”. Ngay cả khi rời xa Cống Trắng, cảnh nghèo vẫn dâng đầy trong Trần Huyền Trân niềm lưu luyến: “Lá ơi từ độ lên đường/ Áo xanh đã mấy mùa sương bạc rồi!/  Có ai thấy lá vườn tôi/ Đốt giùm cho khói lên trời tôi trông!”.

Không từ nan bất kỳ nghề gì để tồn tại, Trần Huyền Trân thấu hiểu nỗi cơ cực của những trí thức khi dân tộc lầm than: “Đã có lần khói bếp không lên/ Vợ ngược con xuôi túi hết tiền/ Chồng gục cả lòng trên giấy mực/ Đen ngòm mặt đất tối như đêm”. 

Trong bài Say ca viết tặng hai người bạn thân thiết Thâm Tâm và Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân cũng không giấu được niềm thảng thốt: “Tối om kìa vận chúng mình/ Trai lành bỏ cỗi, gái trinh bỏ già/ Mật người nào khác gan ta/ Tưới bao nước mắt mới ra nụ cười”.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân có “cái thú của người đi đổi gió” khi đọc ở Trần Huyền Trân “những vần thơ hiền lành và ít nói yêu đương”. Tháng 11-1941, thì nói vậy, cũng không sai. Tuy nhiên, khoảng hai năm 1942-1943, Trần Huyền Trân viết khá nhiều thơ tình, và nhiều câu còn run rẩy độc giả sang thế kỷ sau. 

Ngoài bài thơ Tương tư được nhắc đến ở Thi nhân Việt Nam mang nhiều tâm sự: “Phải đây mùa nhớ thương nhau/ Chim ngoài ngọn gió hoa đầu cành mưa/ Biết yêu thì khổ có thừa/ Hình dung một thoáng tương tư chín chiều/ Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh”, thì chỉ với một mối tình vô vọng đã đủ để Trần Huyền Trân viết hai bài thơ Mười nămTrưa ấy qua rồi rất ấn tượng. Dùng hai thể thơ khác nhau, nhưng sự lỡ làng vướng mắc mỗi câu đều trực tiếp khẳng định một Trần Huyền Trân đa cảm và hào hoa. 

Hình bóng người con gái không trọn ước thề hiện diện trong Trưa ấy qua rồi bịn rịn: “Bây giờ năm tháng vô duyên quá/ Em đã theo chồng bến cát xa/ Đò đã sang sông chèo lái mới/ Sao còn khua sóng mãi thơ ta” tiếp tục phảng phất trong Mười năm nhung nhớ: “Tương phùng là để biệt ly/ Biệt ly là một lòng đi qua lòng/ Giờ thuyền em đã sang sông/ Anh nhìn khói sóng ngỡ trông mây đèo”.

Phẩm chất thi sĩ của Trần Huyền Trân đủ sức rung động người đọc khó tính nhất ở mảng thơ tình, nhưng ông dồn bút lực vào thơ thế sự vì ông khao khát thoát khỏi sự ủ dột những ngày Độc hành ca u uẩn: “Nghêu ngao cho sập bóng ngày/ Khề khà cho ráo hận đầy từng hơi/ Chiều nay nhấc chén lên môi/ Không dưng tưởng nhấp máu người tanh tanh/ Khóc nhau, ném chén tan tành/ Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ...”.

Ý niệm “nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ” trở thành một sứ mệnh thơ của Trần Huyền Trân. Những bài thơ viết trong hai năm 1942-1943 đều tập trung vào khuynh hướng này. 

Dẫu là một lần Xuống đò để tiễn em trai Trần Chi: “Nhà tan nước mất lệ thầm/ Mắt em cúi xuống cho gần lòng anh/ Mẹ nghèo rét miếng rau xanh/ Tiễn con lành rách bao tình thương con/ Thôi em khăn gói nước non/ Sóng dồn đò khuất anh còn ngó mây/ Mênh mông hạt cáy gió bay/ Chia ly vạn ngả thơ này theo em” hoặc một Đêm trừ tịch viết tặng học giả Giản Chi: “Muốn kêu hỡi núi hỡi sông/ Sông ngăn núi chặn cho lòng bơ vơ/ Muốn kêu hỡi những ngày xưa/ Cánh cò bay bổng tự do giữa trời”.

Tinh thần phản kháng trước cảnh nô lệ của Trần Huyền Trân không chỉ thể hiện trong từng bài thơ, mà còn phơi bày ở những dòng… chú thích cho mỗi bài thơ. Ví dụ, khép lại bài thơ Chiều mưa xứ Bắc gửi người xứ Nam giục giã: “Sao chưa chuyển lại trụ đời/ Chuyển trong tăm tối ra ngoài hào quang/ Cho vô duyên đỡ lầm than/ Cho muôn nghĩa lạ kết làm tình thân”, Trần Huyền Trân ghi thêm “Gửi bạn lạc đường dưới gót giày Đai Đông Á”.

Còn khi khép lại bài Chiều loạn hoang mang: “Nghĩa lớn ai mua bán chợ chiều/ Dập vùi hoa lá biết bao nhiêu/ Hãy cùng chiến địa chung trang giấy/ Cất bút cho dòng chữ kiếm reo”, Trần Huyền Trân viết thêm để nhắc nhở chính mình về những phút giây bi đát của đất nước “Những ngày Nhật chiếm đóng, Sài Gòn 1943”.

Tất nhiên, tư tưởng cách mạng của Trần Huyền Trân không chỉ nằm ở những lời than thân trách phận. Trần Huyền Trân kêu gọi hành động cụ thể: Bài thơ Đôi ta viết tặng Nguyễn Ngọc Kha cuối năm 1943 đã chứng tỏ một Trần Huyền Trân thao thức đánh tan áp bức bất công: “Đồng chí ơi/ Máu ta đã nhuộm với đời/ Lá cờ đỏ thắm giữa trời đã bay/ Ta còn, còn thế gian này/ Mất thì mất hết những ngày đau thương!/ Nắm tay nhau bước lên đường”. 

"Rau tần", tập thơ duy nhất của Trần Huyền Trân xuất bản khi ông còn sống.

Trần Huyền Trân gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, và khi tổ chức này phát hành tờ Tiên Phong số đầu tiên vào năm 1944 thì ông có bài thơ Chân trời đã rạng sục sôi: “Hốt nhiên những tiếng bất bình/ Thét lên trong đám lao sinh trễ tràng/ Bao nhiêu sắc mặt bủng vàng/ Còn bao nhiêu máu rỡ ràng bốc lên/ Máu bốc lên! Hỡi anh em!/ Chân trời đã rạng một nền tự do”.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Huyền Trân có bài thơ Bố về như một thông báo chính thức về sự dịch chuyển của đất nước và lòng người: “Vút từ quê ra chợ/ Vút từ biển vào non/ Một sớm tung cờ đỏ/ Bố về với súng gươm/ Mừng lau hàng lệ rỏ/ Mắt mẹ tan mù sương”. 

Cảm hứng ấy càng dạt dào hơn khi Trần Huyền Trân viết bài thơ Đi trên đường Hà Nội sau ngày Tuyên ngôn Độc lập 1945 tưng bừng: “Khói lửa bốc hoa tay kẻ sĩ/ Bốn phương về thảo chính khí ca”.

Sau năm 1945, thi sĩ Trần Huyền Trân đã kết hôn với diễn viên Hạc Đính (nổi tiếng với vai Thị Lộ trong vở kịch Lệ Chi Viên và vai Mai trong bộ phim Nửa chừng xuân) và đưa cả vợ con đi theo cách mạng, lập Đoàn kịch Tháng Tám và Đoàn chèo Lạc Việt. 

Ngay khi cuộc kháng chiến 9 năm vừa bùng nổ, Trần Huyền Trân đã có bài thơ Hải Phòng 19-11-1946 dài hơn 100 câu, với giọng điệu mới, khí thế mới: “Lửa nghi ngút từ lòng tham vô độ/ Tay đế quốc chủ băng chủ mỏ/ Đốt qua mờ nòng đại bác liên thanh/ Lửa nghi ngút từ tiệc hoa nhảy múa/ Từ làn môi cặp vú/ Đốt qua lòng mê muội lính viễn chinh… Hải Phòng cuồn cuộn dâng như biển/ Giặc Pháp mang thêm tội giết người/ Hải Phòng cuồn cuộn dâng như biển/ Đứng dậy hôm nay cả lớp người”.

Ngày 22-4-1989, thi sĩ Trần Huyền Trân qua đời ở tuổi 76, sau một giai đoạn trầm luân chịu đựng căn bệnh quái ác. Những bài thơ cuối cùng của Trần Huyền Trân, như Vô tận nguồn hương viết năm 1980, cũng bộc lộ thiết tha một tấm lòng thi sĩ với núi sông bờ cõi Việt Nam: “Hàng nghìn năm vua chúa/ Hàng trăm năm thực dân/ Những hồn thơ còn đó/ Còn lồng lộng như gương… Cho xanh gốc tự do/ Cho xanh trời độc lập/ Cho bông hoa nhỏ nhất/ Cũng thơm suốt đời hoa”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.