Nữ phóng viên ảnh chiến trường Lynsey Addario

Trải nghiệm tồi tệ để nhớ điều đẹp đẽ

Thứ Ba, 21/04/2015, 10:57
Nữ phóng viên ảnh chiến trường Lynsey Addario (41 tuổi) vừa tung ra cuốn hồi ký It’s What I Do: A Photographer’s Life of Love and War. Cuốn hồi ký này lập tức là tác phẩm best-seller. Song điều đáng nói là nhiều hãng phim ở Hollywood đã giành nhau khốc liệt để có được bản quyền làm phim dựa theo cuốn sách này.

Cuối cùng, Hãng Warner Bros đã có được bản quyền làm phim. Nhà làm phim Mỹ lừng danh Steven Spielberg sẽ làm đạo diễn phim và vai chính do Jennifer Lawrence đảm nhiệm.

Vậy Lynsey Addario là người như thế nào và cuốn hồi ký của cô có gì hấp dẫn đến mức các hãng phim phải giành nhau bản quyền làm phim. Nhân dịp này, xin được giới thiệu sơ qua về Addario và cuốn hồi ký của cô.

Cuốn sách ghi lại sự thật cuộc chiến

Cuốn hồi ký đầy sức mạnh của Addario, It’s What I Do: A Photographer’s Life of Love and War không giải thích rõ ràng tại sao nhiều nhà báo lại liều mạng sống của mình cho một bức ảnh hay một câu chuyện, mà lại nói rõ tại sao cô lại làm những gì mà mình muốn, lại liều mình tới những khu vực nguy hiểm nhất thế giới để ghi lại sự thật của các cuộc chiến.

Đây là cuốn sách đầu tiên của Addario, được Nhà xuất bản Penguin phát hành vào ngày 5/2 vừa qua. Addario mở đầu cuốn sách với những gì cô chứng kiến ở Lybia trong cuộc nội chiến hồi năm 2011. Nhiều người thấy kinh hãi khi đọc đoạn cô mô tả một chiếc ôtô bị tấn công, thi thể người trên xe nát ra từng mảnh và rơi lộp độp ở ghế sau. Addario còn kể chân tay cô đã bị trói bằng dây giày và cô đã từng bị dọa giết như thế nào…

Addario sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Italy ở Westport, bang Connecticut. Năm 13 tuổi, cô được tặng một chiếc máy ảnh Nikon 35mm và bắt đầu nghề chụp ảnh của mình với bức ảnh chụp Madonna. Addario chụp ảnh chuyên nghiệp vào năm 1996 tại tờ nhật báo tiếng Anh Buenos Aires Herald ở Argentina. Sau đó, Addario là cộng tác viên của Hãng tin Associated Press.

Năm 2000, Addario  cầm máy đến Aghanistan và háo hức tìm hiểu vai trò của người phụ nữ sống dưới thời Taliban. Trong tấm áo choàng của phụ nữ Hồi giáo, cô đã có nhiều tuần thâm nhập thực tế để tìm hiểu về cuộc sống của phụ nữ Afghanistan và nhờ vậy mà cô đã hiểu được về một nền văn hóa mà ít người có thể thấy được. Vùng đất này chưa được chú ý đến mấy cho đến khi Mỹ gây chiến với Taliban sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9.

Phóng viên ảnh chiến trường Lynsey Addario ở Lybia hồi năm 2011, một thời gian ngắn trước khi cô bị bắt giữ.

“Chủ bút nhiều tờ báo bỗng nhiên muốn tìm kiếm các tin tức có giá trị về Taliban, về thân phận của người phụ nữ Pakistan, về những người tị nạn Afghanistan sống ở Pakistan. Tất cả những câu chuyện này tôi đã biết khi sống ở  Ấn Độ” - Addario viết trong hồi ký.

Trong thập kỷ đầy hỗn loạn, Addario ghi lại nhiều câu chuyện bằng hình ảnh các cuộc xung đột ở khắp Trung Đông và châu Phi cho những tờ báo có uy tín nhất thế giới, như New York Times, Time, Newsweek và National Geographic. Phần lớn các bức ảnh của cô xoáy đến những vấn đề về nhân quyền. Addario và đội ngũ của tờ New York Times đã đoạt giải Pulitzer năm 2009 về đưa tin quốc tế khi làm việc tại Waziristan.

Bị bắt giữ và bị đối xử tàn tệ khi đang mang thai

Xông pha cầm máy ảnh đi khắp các trận mạc, Addario đã gặp không ít rủi ro và tai nạn hãi hùng. Ngày 9/5/2009, Addario bị tai nạn ôtô khi đang trên đường từ một trại tị nạn trở về Islamabad. Hậu quả là cô đã bị gãy xương cổ, trong khi một nhà báo khác bị thương và người lái xe thì đã thiệt mạng. Addario là 1 trong 4 nhà báo của tờ New York Times bị mất tích ở Libya vào hôm 16/3/2011.

Ngày 18/3/2011, tờ New York Times đưa tin, Libya đã đồng ý trả tự do cho Addario và 3 đồng nghiệp khác. Đến ngày 21/3/2011, các nhà báo này đã được tự do. Addario kể cô đã bị đe dọa giết chết và liên tục bị quân Lybia quấy rối tình dục trong thời gian bị bắt giữ.

“Tôi thấy thời khắc mình được trả tự do ở Lybia giống như được nhận một món quà. Trong thời gian bị bắt giữ, chúng tôi luôn bị bịt mắt và bị trói. Ban đầu, tay và chân tôi bị buộc chặt sau lưng bằng dây buộc giày. Tôi bị bịt mắt suốt 3 ngày đầu, nhiều lần bị đấm vào mặt và bị sờ soạng. Tôi đã phải trải qua những ngày cực kỳ bạo lực và căng thẳng, bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi thực sự không thể mô tả nổi cảm xúc của mình và thành thực mà nói lúc đó tôi đờ người ra vì sợ” - Addario kể.

Tháng 11/2011, tờ New York Times đã nhân danh Addario viết một bức thư gửi Chính phủ Israel với những lời cáo buộc, nhiều người lính Israel tại khu vực Erez Crossing đã đối xử vô cùng tàn nhẫn với cô mặc dù họ biết cô đang mang thai. Addario thấy vô cùng nhục nhã và cay đắng bởi cô “chưa bao giờ bị đối xử tàn ác một cách trắng trợn đến như vậy”. Sau đó, Bộ Quốc phòng Isarel đã gửi thư xin lỗi cả Addario và tờ New York Times.

Người truyền thông điệp

Trong cuốn sách của mình, Addario liên tục nêu ra những chi tiết  hãi hùng, tuy nhiên cô vẫn trò chuyện với phụ nữ và truyền cảm hứng cho họ về những công việc của một phóng viên chiến trường, công việc vốn được xem là của phái “mày râu”, đặc biệt là ở những nơi mà nhiều phụ nữ chưa từng đặt chân tới.

Bức ảnh Addario chụp người lính khóc bên ngoài một bệnh viện ở Ras Lanuf, miền Đông Libya, khi nhiều người lính khác bị thương được cấp tốc chuyển vào viện.

Trong khi đứa con trong bụng cô đang lớn dần lên thì Addario tới Somalia, nơi nhiều trẻ em đã bị đói đến chết. Cô chấp nhận từ bỏ cuộc sống thoải mái để tới những vùng chiến sự, ghi lại bằng hình ảnh tàn bạo của chiến tranh. Cô đã chụp được nhiều hình ảnh cho thấy những gì tàn khốc nhất của một cuộc chiến và nhận được sự đánh giá cao của các đồng nghiệp nam.

Addario còn kể lại cái chết của một số đồng nghiệp, trong đó có cả Anthony Shadid của tờ New York Times, người từng cùng cô “tung hoành” ở Lybia. Shadid qua đời sau một cơn hen cấp tính khi đang rời khỏi Syria hồi năm 2012. Thật kinh ngạc là Addario vẫn cân bằng được giữa cuộc sống gia đình và công việc.

“Là một phóng viên chiến trường đồng thời là một người mẹ, tôi học được cách sống trong 2 thực tế hoàn toàn khác nhau… Tôi chọn cách sống trong hòa bình và là nhân chứng chiến tranh để đích thân trải nghiệm những gì tồi tệ nhất nhưng đồng thời để nhớ được những gì đẹp đẽ”. Có lẽ, cách mô tả chi tiết và xác thực về chiến tranh và cuộc sống đầy hy sinh của tác giả đã khiến cuốn hồi ký này trở nên hấp dẫn hơn.

Tại cuộc triển lãm quy mô, mang tên In Afghanistan, được tổ chức ở Trung tâm Nobel Hòa bình ở Oslo (Na Uy), những bức ảnh Addario chụp người phụ nữ Afghanistan được trưng bày cạnh các bức ảnh Tim Hetherington chụp lính Mỹ ở Thung lũng Korengal. Ống kính của Addario đã chớp được những khoảnh khắc bạo lực hết sức dã man và nỗi đau tột cùng của người dân.

“Mọi người đã sai lầm khi hỏi tôi, tại sao tôi lại tới những nơi này. Đối với tôi, một câu hỏi khó trả lời không phải là ta có tới Ai Cập, Iraq hay Afghanistan hay không, mà vấn đề là tôi không thể ở 2 nơi này cùng một lúc. Các phóng viên chiến tranh luôn tham lam một cách bản năng. Chúng tôi luôn muốn có được nhiều hơn những gì đang có” - Addario viết trong cuốn hồi ký.

Nhiều lần suýt mất mạng, song Addario nhận thấy các nhà báo hoạt động ở tiền tuyến hiện nay thậm chí còn gặp nhiều rủi ro hơn từ các nhóm khủng bố như phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Mặc cho nạn bắt cóc nhà báo đang hoành hành, Addario hiện vẫn xông pha trên các chiến trường, ghi lại bằng hình ảnh các cuộc chiến và xung đột. Song cô thừa nhận cô không dám mạo hiểm như trước bởi phải nghĩ đến cậu con trai 3 tuổi của mình. Các bức ảnh của Addario vô cùng dữ dội song cũng mang tính khơi gợi, như mở cánh cửa đưa người xem vào một thế giới mà họ chưa từng biết đến. Tuy nhiên, Addario khẳng định công việc của cô là ghi tài liệu bằng hình ảnh, chứ không mang tính phán xét.

“Công việc của tôi là chụp ảnh và đưa các hình ảnh tới lượng công chúng lớn hơn thông qua bất cứ ấn phẩm nào mà tôi đang cộng tác. Công việc của tôi thực sự là một người truyền thông điệp và đó là những gì mà tôi đang làm”.

Phúc Quyên
.
.