Tổng thống Dalia Grybauskaité: Bà đầm thép vùng Baltic

Thứ Hai, 03/08/2015, 11:59
Khi những căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có lối thoát thì vừa qua, Lithuania tuyên bố sẽ trở thành nước đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Đây được coi là tuyên bố gây sốc mới nhất do chính Tổng thống Lithuania - bà Dalia Grybauskaité phê chuẩn, tuy nhiên lại không gây quá nhiều bất ngờ với truyền thông. 

Bởi lẽ, nữ chính khách này đã rất nổi tiếng với hàng loạt phát ngôn “lạ” trong suốt nhiều năm qua. Bà không ngừng lớn tiếng chỉ trích Nga là “kẻ xâm lược” như ở Ukraine, bất chấp Lithuania có chung đường biên giới với Nga và mọi phương diện về dân số và quốc phòng của Nga đều vượt trội Lithuania. Chẳng những thế, bà so sánh Tổng thống Nga Vladimir Putin với Josef Stalin và Adolf Hitler, gọi Nga là “nhà nước khủng bố”, rồi cảnh báo rằng sự gây hấn của Nga “có thể trải khắp châu Âu và xa hơn nữa”.

Cứng rắn với Nga

Lãnh đạo một quốc gia với dân số chỉ bằng 1/40 so với Nga, nhưng không vì thế mà nữ Tổng thống Dalia Grybauskaité chịu nhún nhường trước người đồng nhiệm Vladimir Putin. Với tấm bằng Tiến sĩ Xã hội học và chiếc đai đen karate, nữ Tổng thống Grybauskaité không ngại chạm trán bất kì đối thủ nào, kể cả khi đó là “cửu đẳng huyền đai” judo - ông chủ Điện Kremlin đầy quyền lực.

Theo ghi nhận của Tạp chí Politico (Mỹ), kể từ khi nhậm chức tổng thống vào năm 2009, nhà lãnh đạo được mệnh danh “Bà đầm thép vùng Baltic” này luôn tỏ thái độ cứng rắn với các chính sách của Nga, đặc biệt là vấn đề Ukraine, điều mà không nhiều lãnh đạo châu Âu dám làm.

Một số ý kiến cho rằng người phụ nữ này sẽ được phương Tây dùng làm mũi giáo chống Nga, vì so với Tổng thống Ukraine Poroshenko bà còn có thái độ chống Nga mạnh mẽ hơn nhiều. Trong khi phần còn lại của châu Âu chỉ trợ giúp Ukraine “bằng miệng” (tức là những lời nói tinh thần), bà Grybauskaité đi xa hơn tất cả khi hứa với ông Poroshenko rằng Lithuania sẽ tặng cho Ukraine vũ khí vào tháng 11/2014.

Trong khi các lãnh đạo châu Âu khác đều không có ý kiến gì về vụ MH-17, thì bà Grybauskaité lại tuyên bố chính Nga là thủ phạm sử dụng tên lửa phòng không bắn cháy máy bay dân sự của Malaysia trên bầu trời miền Đông Ukraine, bất chấp cuộc điều tra đang được tiến hành chưa có kết quả. Chính sách cứng rắn với Nga giúp bà Grybauskaité rất được lòng người dân Lithuania. Bà dễ dàng đắc cử nhiệm kì thứ hai trong cuộc bầu cử tháng 5/2014, và trở thành Tổng thống Lithuania đầu tiên tái đắc cử từ sau khi nước này tách khỏi Liên Xô năm 1991.

Nữ Tổng thống từng cam kết “sẽ tự mình cầm súng để bảo vệ đất nước”. Lithuania dưới thời bà Grybauskaité luôn muốn chứng minh với NATO rằng nước này có khả năng tự phòng vệ. Vừa qua, “bà đầm thép vùng Baltic” tuyên bố sẽ áp dụng lệnh triệu tập nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Ngoài ra, Chính phủ Vilnius mới đây cũng đã phát hành trên khắp lãnh thổ Lithuania một bản cẩm nang chiến tranh, hướng dẫn người dân nên làm gì trong trường hợp chiến sự nổ ra.

Chất “thép” của Tổng thống Dalia Grybauskaité đã và đang biến chính bà cũng như Lithuania trở thành tâm điểm của sự chú ý một cách không cần thiết. Bà từng gây xôn xao dư luận quốc tế khi chỉ trích Nga là “một hình thái nhà nước khủng bố đã lựa chọn đối đầu, xâm lược và xem xét lại cấu trúc hòa bình thời hậu chiến”.

Người dân phần đông ủng hộ bà Tổng thống, nhưng không phải chính trị gia nào cũng cho rằng chọc giận Nga là hành động khôn ngoan, bởi Lithuania hiện đang đối mặt với nguy cơ tấn công thông tin hay cuộc chiến trên mạng. Tuy nhiên với bà, thái độ sống và quan điểm chính trị này đã là một phần của chân dung vị lãnh đạo không gia đình và không đảng phái chính trị hậu thuẫn.

Đáp lại tuyên bố về nhà nước khủng bố của bà Grybauskaité, Bộ ngoại giao Nga mỉa mai rằng bà nên “kéo ra khỏi đầu cái sừng Komsomol”, ám chỉ bà từng là một thành viên nhiệt tình của Đoàn thanh niên Cộng sản dưới thời Liên Xô. 

Điều này nói lên một thực tế rằng bà Grybauskaité thường xuyên giấu nhẹm thông tin của mình dưới thời Liên Xô còn tồn tại, khi đó bà là sinh viên ở Leningrad (nay là St. Petersburg), một công nhân trong nhà máy sản xuất lông thú và cuối cùng là một giảng viên tại Vilnius (thủ đô của Lithuania). Tất cả những điều này đã tạo nên vô số tin đồn xung quanh đời tư của bà trước đây, rộng mở cho chỗ của những thuyết âm mưu thời thượng nhất mà người ta có thể nghĩ ra. 

Năm ngoái, một cuốn sách bí ẩn mang tên Red Dalia (Dalia đỏ) được gửi đến hộp thư của tất cả 751 nghị sĩ ở Lithuania, cáo buộc rằng bà Grybauskait đã từng cộng tác với Ủy ban An ninh nhà nước Liên Xô (KGB). Ngay lập tức “Bà đầm thép” bác bỏ cáo buộc từ cuốn sách và cho rằng việc phát tán nó là một hành động bôi nhọ bà của Nga.

Độc lập là trên hết

Dù tiếng tăm của bà Dalia Grybauskaité được nhiều người biết đến, nhưng nữ Tổng thống Lithuania lại có một cuộc sống riêng tư tương đối khép kín. Thế giới thường ca ngợi bà là “Hoa mộc lan thép”, nhưng có lẽ hình ảnh hoa mộc lan cô đơn hợp với bà nhất.

Không được như nhiều nữ chính khách khác, Grybauskaité đâu có một người chồng ngồi đợi ở nhà để rót sẵn một ly whisky chào đón bà trở về sau một ngày làm việc căng thẳng. Con đường chính trị của bà cũng mang dấu ấn là cuộc độc hành.

Nữ Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cha mẹ bà đều đã qua đời, bà Tổng thống không có anh chị em hay họ hàng thân thích. Thậm chí khi ra tranh cử lần đầu tiên, bà còn bị gán cho mác “người đồng tính” và vẫn là người phụ nữ độc thân cho đến tận bây giờ. Bà cũng không hề có đảng phái chính trị nào đứng sau, và mọi hoạt động tranh cử của bà đều được thực hiện độc lập. Đã có nhiều người khuyên bà nên xây dựng đảng phái riêng để củng cố quyền lực cũng như gia tăng tầm ảnh hưởng, nhưng bà đều từ chối.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Grybauskaité cho biết tính cách nghiêm khắc và kỷ luật cao của bà hình thành từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng mang tính sống còn. Bà không xuất thân từ gia đình giàu có, cũng không dựa vào sự hỗ trợ hay nâng đỡ của bất kỳ ai. Bà đã lựa chọn môn karate để rèn luyện tinh thần và bản lĩnh “thép” cho một chính khách.

Ngay sau khi nhậm chức vào ngày 12/7/2009, bà Grybauskaité đã sa thải cùng lúc tới 5 bộ trưởng trong nội các vì những bê bối vô trách nhiệm và tham nhũng. Đây chính là “phát súng mở đầu” báo hiệu cuộc chiến không khoan nhượng với nạn tham nhũng. Dalia Grybauskaité dần nổi tiếng như là một chính trị gia dám nói thẳng nói thật, không vòng vo lấp liếm đề cập trực tiếp tới những vấn đề gai góc nhất.

Trên bước đường công danh bà từng gặp các đối thủ đáng gờm, không hiếm người tỏ thái độ thù hằn hay vu oan giá họa, rằng trong quá khứ Grybauskaité vốn là điệp viên của KGB, do bà từng theo học tại Liên Xô và lấy bằng Tiến sĩ Xã hội học ở đó. Nhưng quan điểm nhất quán của nữ chính khách là “làm gì cũng được, miễn sao có lợi cho quê hương tổ quốc”.

Người phụ nữ sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động này dù trải qua nhiều trọng trách quan trọng lại không nghĩ rằng có ngày bà ra tranh cử tổng thống. “Tôi thực sự chưa bao giờ đặt ra mục tiêu này. Khi nhìn thấy Lithuania trượt dài trong cơn khủng hoảng thì tôi mới muốn giúp chính phủ đưa đất nước thoát ra khỏi những khó khăn” - và đó là lý do bà tuyên bố khi chạy đua đầu năm 2009.

Khi mới nhậm chức, Tổng thống Dalia Grybauskaité phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng ở Lithuania. Bất chấp những lời phê phán rằng bà đã theo đuổi đường lối độc đoán, áp dụng “bàn tay sắt” trong mọi vấn đề cần giải quyết trước mắt, nữ Tổng thống vẫn kiên định với lời hứa khi ra tranh cử là phục hồi nền kinh tế.

Và bà đã thành công trong việc ổn định đất nước. Không giống với những nước Nam Âu lâm vào cơn khủng hoảng, Dalia Grybauskaité làm được điều này mà không cần đến sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). “Nếu ý chí và trách nhiệm chính trị được đặt đúng chỗ, bạn không cần ai giúp”, bà cho biết và khẳng định không cần đến bất kỳ “chế độ độc tài nào từ bên ngoài” ép buộc người dân Lithuania phải thắt lưng buộc bụng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời bà cũng nêu quan điểm rõ ràng: “Nếu các nhà lãnh đạo có ý chí và trách nhiệm chính trị thì không cần ai giúp đỡ cả. Chỉ có như vậy mới đề cao được bản sắc độc lập tự chủ của đất nước, tránh bị phụ thuộc và làm uy tín quốc gia bị suy giảm”.

Kể từ khi tại nhiệm cùng với các chính phủ kế tiếp nhau, cá nhân Tổng thống Dalia Grybauskaité đã góp phần đáng kể vào sự khôi phục lại nền kinh tế Lithuania. Song song với mức chi tiêu công và thâm thủng ngân sách giảm 30%, là sự tăng lương đáng khích lệ cho người lao động lên 20% và lương hưu thêm 10%, khiến Lithuania trở thành “hình mẫu” cho những nỗ lực tự mình vươn lên, nêu gương sáng cho các quốc gia đang ở trong vòng xoáy suy thoái.

Nhờ những nỗ lực như vậy, Tổng thống Dalia Grybauskaité đã được vinh dự nhận giải thưởng Charlemagne hồi năm 2013. Đây là một trong những giải thưởng uy tín nhất của châu Âu, thường được mệnh danh là “giải Oscar chính trị” và trao tặng hàng năm cho chính khách xuất chúng nhất châu Âu…

Trần Anh Quân
.
.