Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika: Dọn dẹp những chướng ngại còn lại
Giới phân tích nhận định đây là một trong những động thái chính trị nổi bật nhất ở quốc gia Bắc Phi Algeria, đồng thời cho rằng quyết định của Tổng thống Bouteflika phản ánh toan tính chuẩn bị cho giai đoạn nhiếp chính khi ông buộc phải rời đỉnh cao quyền lực vì lý do sức khỏe.
Sau 16 năm cầm quyền, giờ đây Tổng thống Bouteflika đã để lại dấu ấn trong lịch sử Algeria và đang chuẩn bị cho việc rút lui khỏi chính trường. Song, đó chỉ là sự rút lui trên danh nghĩa và ông sẽ vẫn hoàn toàn kiểm soát tình hình từ trong hậu trường. Việc tướng Mediene bị mất chức đã khép lại một kỷ nguyên của các thế lực an ninh tại Algeria. Để bảo đảm cho tiến trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ, Tổng thống Bouteflika đã dọn dẹp những “chướng ngại vật” còn lại.
Nhân vật quyền lực
Được biết đến với bí danh “tướng Toufik”, Mohamed Mediene là một trong những lãnh đạo tình báo phục vụ lâu đời nhất trên thế giới. Được Tình báo Liên Xô (KGB) đào tạo trong những năm 1960, vị tướng 76 tuổi này đã lãnh đạo DRS trong 25 năm qua, trở thành nhân vật nắm giữ quyền lực trong thời gian dài kỷ lục so với những lãnh đạo tình báo khác trong lịch sử Algeria. Ông trở thành người đứng đầu DRS vào năm 1992 sau khi một đảng Hồi giáo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử nhưng bị quân đội bác bỏ.
Chính sự dày dặn kinh nghiệm của Mohamed Mediene đã khiến cho 16 năm lãnh đạo của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika là quá “nhạt” và có phần bị lu mờ, thậm chí trở thành đề tài của nhiều luồng quan điểm chế giễu về thâm niên “ít ỏi” của một nguyên thủ quốc gia.
Cục Tình báo quân đội Algeria, giống như các cơ quan tình báo khác ở các nước láng giềng Bắc Phi và Trung Đông, nổi tiếng là cơ quan có uy tín, thường xuyên thu thập những bí mật dân sự và cả giới cầm quyền để chống lại “những kẻ thù trong tương lai”. Các giám đốc cơ quan tình báo thường không phải là một nhân vật bí mật, nhưng có lẽ không giống như lãnh đạo tình báo khác trong khu vực, mức độ ảnh hưởng của tướng Toufik và quyền lực của ông ở Algeria đạt đến mức độ gần như thần thoại.
Trên thực tế, Mohamed Mediene hầu như chưa hề xuất hiện trên báo chí và chỉ những lãnh đạo hàng đầu đất nước mới đích thân gặp hay nói chuyện với ông. Điều này khiến ông càng trở nên bí ẩn và đầy uy quyền. Những gì người ta có thể nắm rõ nhất về Mohamed Mediene là bởi vai trò của ông trong cuộc chiến chống khủng bố - cũng như đường lối lãnh đạo tàn nhẫn đối với chiến binh Hồi giáo ở Sahara.
Một nhà quan sát từng châm biếm rằng: “Bouteflika đã sa thải Mohamed Mediene - một người không bao giờ xuất hiện ở nơi công cộng. Thật là chuyện lạ kỳ trên đời”. Hiện chưa rõ thực sự vị tướng bị sa thải hay phải “nghỉ hưu”, nhưng đây được xem là động thái mới nhất nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Mohamed Mediene trên chính trường Algeria.
Sẽ không có gì phải bàn nếu ông Mediene không phải là đối trọng với Tổng thống Bouteflika, người đã cầm quyền tại Algeria suốt từ năm 1999. Vị tướng này cũng được cho là giữ vai trò lớn trong việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong chính phủ và là ứng cử viên nặng ký cho ghế tổng thống. Trong gần 30 năm qua, tướng Mediene đã chứng kiến năm đời tổng thống lên nắm quyền tại Algeria.
Chiến dịch thanh trừng
Vì sao tướng Mohamed Mediene mất chức? Số ít cho rằng chính những mâu thuẫn giữa ông và Tổng thống Bouteflika đã khiến vị tướng quyền lực phải “về hưu sớm”, vụ việc lên đến đỉnh điểm khi ông phản đối quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào tháng 4/2014 của Tổng thống Bouteflika mặc dù chưa từng công khai bày tỏ quan điểm của mình. Trong khi đó, đa số các nhà phân tích nhận định rằng hiện đang xảy ra cuộc thanh trừng dần các lãnh đạo an ninh ưu tú của đất nước Algeria trong hơn hai năm qua. Nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất của DRS đã bị sa thải, bị bắt hoặc “bị thay thế”.
Rất có thể vì nhận thức được những mối nguy từ Mohamed Mediene, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã bắt đầu tìm cách giảm bớt sự ảnh hưởng của quân đội và DRS. Trước đó, trong đợt cải tổ nội các sâu rộng năm 2013, Tổng thống Bouteflika đã thu hẹp đáng kể quyền hạn của tướng Mediene bằng cách đặt các đơn vị quan trọng của DRS gồm Vụ Thông tin quân đội, Cơ quan An ninh trung ương và Lực lượng Cảnh sát tư pháp dưới sự lãnh đạo của một thứ trưởng quốc phòng.
Việc bãi nhiệm vị tướng quyền lực Mediene không phải là một quyết định tức thời mà là sự kết thúc của một tiến trình đã được trù liệu và thực thi từ trước đó rất lâu. Động thái thay ngựa giữa dòng của Tổng thống Bouteflika nhằm hoàn tất vòng tròn quyền lực của nhà lãnh đạo này, đồng thời tăng ảnh hưởng tới các cơ quan an ninh quân sự, vốn là một nhánh quyền lực khá độc lập tại Algeria.
Việc Tổng thống Bouteflika đã điều chuyển nhiều nhân sự an ninh phản ánh sự tồn tại âm thầm nhưng rất quyết liệt của một cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống và DRS ở hậu trường. Thay vào vị trí lãnh đạo DRS của tướng Mediene nhiều khả năng là thiếu tướng Athmane Tartag - một nhân vật cấp phó, được đánh giá là đồng minh thân cận khá gần gũi với Tổng thống Bouteflika, và cũng từng làm cố vấn an ninh của ông trong năm qua.
Ngoài ra, sức khỏe của nhà lãnh đạo Abdelaziz Bouteflika không cho phép ông giữ cương vị tổng thống lâu hơn nữa và phải tính tới việc tìm người kế nhiệm. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái, Tổng thống Bouteflika chỉ xuất hiện một lần trước công chúng trên chiếc xe lăn, do ông bị đột qụy năm 2013. Ông Bouteflika đã có những bước chuẩn bị cho khả năng xấu nhất là không thể cầm quyền, như việc bất ngờ cải tổ nội các có quy mô lớn nhất trong hơn hai thập kỷ qua, với gần 30% số bộ trưởng bị bãi nhiệm.
Trước đó, Tổng thống Bouteflika đã đưa một đồng minh của mình lên ghế Tổng thư ký đảng Mặt trận Giải phóng dân tộc (FLN) cầm quyền và thanh lọc dần những nhân vật cốt cán có tư tưởng chống đối trong cơ quan tình báo quân sự DRS đầy quyền lực. Nói về người kế nhiệm Tổng thống Bouteflika, ứng cử viên hàng đầu sẽ là người em trai 58 tuổi Said của ông. Nếu điều này xảy ra, Algeria giai đoạn hậu Bouteflika về bản chất sẽ vẫn là giai đoạn Bouteflika, và quyền lực vẫn thuộc về ông (hoặc ít nhất là bè phái của ông).
Những nguy hiểm tiềm tàng
Mọi động thái của Tổng thống Bouteflika có vẻ chỉ là sự lo xa, trong bối cảnh uy tín của ông và đảng cầm quyền FLN tại Algeria hiện gần như không có đối thủ.
Trong suốt hơn một thập kỷ nắm quyền, Abdelaziz Bouteflika - bạn của những nhân vật nổi bật như lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro hay cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat - đã đặt Algeria trong vòng kiềm tỏa và dập tắt các cuộc bạo loạn manh nha trong nước. Vị Tổng thống thân phương Tây này đã tuyên chiến với chiến binh Hồi giáo tại khu vực Bắc Phi và đảm đương khá tốt vai trò của mình. Trong những nhiệm kỳ qua, ông Bouteflika đã chứng tỏ bản lĩnh của một nhà lãnh đạo tài ba, đóng vai trò là nhân tố duy trì ổn định đất nước giữa một môi trường đầy biến động như Bắc Phi.
Việc ông Bouteflika phải chuyển giao quyền lực vì lý do sức khỏe nhiều khả năng sẽ gây ra tình trạng bất ổn tại Algeria. |
Thực tế cho thấy, việc sa thải lãnh đạo DRS có liên quan đến tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay tại Algeria. Điều gì sẽ xảy ra sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika qua đời? Để có được quá trình chuyển quyền lực êm xuôi, những trở ngại tiềm năng phải được gỡ bỏ. Thay thế một thế hệ các nhân vật quân sự cao cấp và tình báo “bị chính trị hóa” từ thời nội chiến sẽ là chìa khóa để thực hiện điều này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các vụ sa thải gần đây là một phần của kế hoạch dài hơi nhằm “làm suy yếu quân đội”, hay phi quân sự hóa đất nước bằng cách hạn chế quyền lực tuyệt đối của các cơ quan an ninh. Tuy nhiên, lịch sử của Algeria, trong đó quân đội ở vị trí trung tâm, cho thấy đây là một điều rất khó để thực hiện.
Dư luận tỏ ra lo lắng về những thay đổi trên chính trường, và cho rằng việc cơ cấu lại chính quyền đang mở đường cho việc tập trung quyền lực hơn nữa vào tay của một số người nhất định. Những động thái gần đây có thể phá vỡ sự cân bằng quyền lực tinh tế ở Algeria, vốn tồn tại giữa tổng thống, quân đội và cơ quan tình báo từ xưa tới nay. Ngoài ra, việc sa thải nhiều nhân vật cao cấp nắm giữ nhiều quyền lực ở Algeria còn đưa tới nguy cơ xuất hiện một tổng thống bị các nhà tài phiệt hoặc các đồng minh nước ngoài kiểm soát (chẳng hạn như chính quyền thực dân Pháp trước đây) - một viễn cảnh vẫn còn nhạy cảm tại Algeria.
Chưa hết, việc ông Bouteflika phải chuyển giao quyền lực vì lý do sức khỏe - nếu điều đó xảy ra - thì nhiều khả năng sẽ gây ra tình trạng bất ổn tại Algeria, trong bối cảnh bạo loạn khó kiểm soát đang tràn lan tại nhiều nước ở Bắc Phi giai đoạn hậu Mùa Xuân Ả Rập như Ai Cập, Tunisia và Libya với sự nổi lên của các thế lực Hồi giáo. Vì vậy, việc Tổng thống Algeria quyết định tìm kiếm những người thân cận lên giữ chính quyền và loại bỏ dần bất cứ cá nhân nào “cản đường” ông được cho là sự chuẩn bị không bao giờ thừa.
Nhà phân tích chính trị Rachid Tlemcani nhận định: “Hậu quả của những động thái mới khó mà dự đoán được, nhưng đó là dấu hiệu thật sự tích cực. Đối với người dân, điều đó cho thấy không ai có thể nằm ngoài vòng ảnh hưởng của luật pháp và tự do thâu tóm quá nhiều quyền lực trong tay”…