Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega: Gắn bó với nhân dân

Thứ Ba, 20/12/2011, 10:15
Trên chính trường châu Mỹ La tinh những tháng cuối năm, một trong những sự kiện nổi bật nhất là việc ông Daniel Ortega đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 6/11/2011. Thủ lĩnh của phong trào cánh tả Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino (FSLN) đã nhận được 64% số phiếu bầu. Khẩu hiệu tranh cử của ông Ortega rất giản dị và dễ hiểu: chủ nghĩa xã hội, Thiên chúa giáo, thị trường tự do!

Hạnh phúc là đấu tranh

Daniel Ortega có thể được coi như một nhà cách mạng bẩm sinh. ông sinh ngày 11/11/1945 tại thành phố La Libertad trong một gia đình trí thức với mức thu nhập thấp. Cha mẹ ông đều là những người đối lập với chế độ độc tài của gia tộc Somoza, cai trị đất nước này từ giữa thập niên thứ ba của thế kỷ trước. Mẹ ông thậm chí còn bị tống giam bởi lực lượng cảnh sát mật thời Anastasio Somoza Garcia (Tổng thống Nicaragua từ 1937 tới 1947 và từ 1950 tới 1956).

Ngay từ năm 15 tuổi, tháng 11/1960, vị Tổng thống tương lai đã bị chính quyền độc tài Luis Somoza (con trai cả của Anastasio Somoza Garcia, làm Tổng thống Nicaragua từ 1957 tới 1963) bắt giam vì cái gọi là tội tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi tốt nghiệp trung học, Ortega lên thủ đô Managua học luật tại Trường Đại học Tổng hợp Trung Mỹ. Năm 1961, chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết và tài năng đã tham gia phong trào cánh tả FSLN. Tháng 12/1963, ông bị bắt tại Guatemala và bị trục xuất về Nicaragua. Từ năm 1965, mới ở độ tuổi đôi mươi, Ortega đã có mặt trong ban lãnh đạo FSLN.

Trong những năm 1966-1967, Daniel Ortega đã chỉ huy Mặt trận Trung ương của PSLN. ông đã tham gia vào vụ tấn công chi nhánh Bank of America ngày 23/10/1967, làm chết một trong những viên chỉ huy lực lượng cận vệ quốc gia. Sau khi bị bắt ở Managua ngày 18/11/1967, Ortega đã bị giam giữ tại nhà tù khét tiếng tàn bạo Tipitape suốt 7 năm liền. 

Ngày 30/12/1974, ông cùng với một số đồng đội khác đã được trả lại tự do trong một cuộc trao đổi con tin giữa FSLN với chính quyền Anastacio Somoza Debayle (con trai nhà độc tài Anastasio Somoza Garcia, làm Tổng thống Nicaragua gần như suốt giai đoạn từ năm 1967 cho tới khi bị lật đổ năm 1979). Sau đó, Daniel Ortega sang Cuba và tại đó, có lẽ đã được trau dồi thêm những kỹ năng tiến hành chiến tranh du kích. Năm 1976, ông đã quay trở về tổ quốc để lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ độc tài Somoza tại hàng loạt các địa phương ở Nicaragua.

Sau thắng lợi của cách mạng Sandino, Daniel Ortega đã đứng đầu chính phủ cải cách dân tộc từ ngày 20/7/1979. Và ông đã bắt tay vào xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa theo cách hiểu đặc thù của những người Sandino. Liên Xô khi ấy đã viện trợ cho Nicaragua  50 xe tăng T-54, 250 cố vấn quân sự và 125 triệu USD… Liên Xô cũng đã hỗ trợ chính quyền Sandino trên mặt trận ngoại giao.

Từ tháng 3/1981, Daniel Ortega đã được bầu làm người điều hành Hội đồng lãnh đạo FSLN. Năm 1982, do sự gia tăng hoạt động của lực lượng chống đối Contras được Mỹ hà hơi tiếp sức, chính phủ của ông Ortega đã ban bố tình trạng khẩn cấp, được duy trì tới năm 1988.

Tháng 11/1984, Daniel Ortega đã được bầu làm Tổng thống Nicaragua với 67% số phiếu ủng hộ. Theo nhiều nhà quan sát độc lập, đây đã là cuộc bỏ phiếu tự do và chính xác nhất ở đất nước Trung Mỹ này kể từ trước tới đó. Và ông chính thức nhậm chức ngày 10/1/1985.

Năm 1987, chính phủ của Tổng thống Ortega đã phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng nên buộc phải dừng hàng loạt những dự án xã hội. Tỉ lệ lạm phát lên tới mức kỷ lục 36.000% /năm. Tuy nhiên, không phải không có những thành tựu: những người dân nghèo ở Nicaragua cho tới giờ vẫn nhớ chính trong giai đoạn khó khăn đó, chính phủ Sandino đã giảm được tỉ lệ mù chữ từ 60 xuống còn 12% và đã xây dựng được hệ thống y tế miễn phí cũng như tiến hành cải cách ruộng đất vì quyền lợi của những người nghèo…

Lãnh tụ Fidel Castro và Tổng thống Daniel Ortega.

Tháng 2/1989, sau khi Moskva ngừng viện trợ cho Managua, chính phủ Sandino đã tìm phương án hòa giải dân tộc và tiến hành nhiều cải cách mới.

Tuy nhiên, trong không khí thoái trào của cánh tả quốc tế ở cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Ortega đã bị thất bại trước phe đối lập được Mỹ ủng hộ hậu hĩnh trong cuộc bầu cử năm 1990. Những người Sandino khi ấy đã trung thực chấp nhận kết quả bầu cử một cách hòa bình nhưng kiêu hãnh như chính lời ông tuyên bố: “Chúng tôi rời khỏi chiến thắng… nhưng dẫu sao chúng tôi cũng đã mang lại cho châu Mỹ La tinh một chút nhân phẩm, một chút công bằng xã hội…”.

Ông Ortega đã tham gia vào hai cuộc bầu cử Tổng thống năm 1996 và 2001 nhưng đó chỉ là “công dã tràng”. Dẫu vậy, thua không nản chí, những nỗ lực phi thường đã giúp ông Ortega trở lại cương vị cũ sau khi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 với 38% số phiếu bầu. Và ông đã có nhiều cố gắng để cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là những tầng lớp bần cùng trong xã hội. ông đã tiến hành những biện pháp khác nhau để chống lại nạn đói và cải thiện những điều kiện y tế cũng như giáo dục cho người dân, phổ cập các chính sách an sinh xã hội… Những cải cách của ông đã có thêm sinh lực với sự hậu thuẫn vật chất hào sảng của Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez…

Lối cũ ta về

Những thành tích cải thiện dân sinh dù chưa phải là nhiều nhưng rất ấn tượng đã là hành trang quý báu để Daniel Ortega bước vào cuộc chiến đấu cho nhiệm kỳ tiếp theo. Đó đã là một cuộc chiến đấu không dễ dàng xung quanh hòm bỏ phiếu. Phe đối lập đã có được nhiều ưu thế tự nhiên của một xã hội tư bản.

Theo cách nói của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, cuộc bầu cử ngày 6/11 vừa qua ở Nicaragua “đã diễn ra trong phong cách truyền thống của chủ nghĩa tư bản, không có gì chung với tinh thần công bằng và vô tư, vì các khu vực đại gia phản dân tộc và chuộng đế quốc hiện vẫn giữ được độc quyền đối với các nguồn lực kinh tế và phương tiện truyền thông, những công cụ thường và nhất là ở nửa bán cầu của chúng ta - phục vụ cho lợi ích chính trị và quân sự của đế chế và chính vì thế, càng làm cho chiến thắng của những chiến sĩ Sandino trở nên cao quý”.

Đối thủ chính của ông Ortega là nhà báo cao niên (sinh năm 1930!) Fabia Gadea, đại diện cho đảng Độc lập Dân chủ, chỉ nhận được 29% số phiếu bầu…

Sự thực, dù vẫn là một quốc gia vào hàng nghèo nhất châu Mỹ La tinh, nhưng từ năm 2007 tới nay, nền kinh tế Nicaragua đã không ngừng được cải thiện. Các số liệu dự đoán cho thấy, tới cuối năm 2011, nền kinh tế Nicaragua, đặc biệt là trong nông nghiệp, có thể sẽ tăng ít nhất là 5 % và số lượng việc làm mới sẽ đạt được mức kỷ lục. Tất cả những kết quả này đạt được nhờ các dự án đầu tư của nhà nước, các chương trình xã hội và sự tham gia của khu vực tư nhân… Trong những gam màu tươi sáng này có phần đóng góp rất không nhỏ của Daniel Ortega.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro sau khi hay tin ông Daniel Ortega tái đắc cử Tổng thống Nicaragua đã viết một bài báo dài, trong đó có nhận xét:

“Tôi quen thân Daniel  từ lâu, anh ấy không bao giờ tiếp nhận những quan điểm cực đoan và luôn luôn trung thành với những nguyên tắc chính. Thực hiện những chức phận Tổng thống của mình trên cơ sở điều hành chính trị tập thể, anh ấy được biết tới bởi thái độ tôn trọng đối với những phản biện của các đồng chí đi theo những đường lối khác, xuất hiện trong phong trào Sandino ở thời điểm nhất định của cuộc đấu tranh, khi còn chưa giành được thắng lợi cuối cùng. Và bằng cách đó anh ấy đã trở thành yếu tố thống nhất các chiến sĩ cách mạng và đứng trong sự giao lưu thường trực với nhân dân. Chính những phẩm chất đó đã trở thành nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng uy tín của anh ấy giữa những tầng lớp đói nghèo nhất ở Nicaragua…”.

Cũng theo lời lãnh tụ Cuba: “Vai trò chính của Daiel và nguyên nhân dẫn tới thắng lợi áp đảo của anh ấy là ở chỗ, anh ấy luôn luôn gắn bó với nhân dân và đấu tranh cho phúc lợi của họ. Trong giai đoạn hiện nay, anh ấy thực sự là một thủ lĩnh có khả năng điều chỉnh những tình hống phức tạp và khó khăn trong những năm mà đất nước của anh ấy đã bị rơi xuống dưới ách của chủ nghĩa tư bản thú dữ. Anh ấy biết tìm ra cách giải quyết thông minh cho những vấn đề phức tạp; anh ấy biết cái gì có thể, còn cái gì không thể; biết cần phải làm cái gì và cần không làm cái gì để gìn giữ hòa bình và phát triển đất nước ổn định về xã hội và kinh tế. Anh ấy biết rõ rằng có được một thắng lợi áp đảo như thế là nhờ nhân dân anh hùng và dũng cảm của mình, chính họ đã tích cực tham gia bỏ phiếu và đã dành cho anh ấy hai phần ba số phiếu của mình.

Anh ấy có khả năng giao lưu chặt chẽ với công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia, các nghệ sĩ và tất cả các khu vực và lực lượng tiến bộ, những người ủng hộ đất nước và giúp đất nước phát triển. Theo tôi, lời kêu gọi gửi tới tất cả các lực lượng chính trị dân chủ, sẵn sàng vì nền độc lập  và sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, là rất đúng đắn”…

Hoàng Dũng
.
.