Tổng thống Mỹ Barack Obama: Những nước cờ cao tay
Trước hết, đó là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Với ông, kết quả đột phá nói trên chứng tỏ nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho một trong những ưu tiên đối ngoại kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng là đúng đắn, bất chấp quá trình này gian khổ và chứa đựng không ít rủi ro chính trị.
Sau đó, sự kiện “bình thường hóa quan hệ với Cuba” được coi là bước tiếp nối cho những thành công dồn dập của Tổng thống Barack Obama về đường lối đối ngoại, là “nước cờ khôn” đảo ngược tình thế, tăng sự tín nhiệm trong nhiệm kỳ hai của vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Lần đầu tiên kể từ năm 1961, khi hai nước quyết định cắt đứt các mối quan hệ, cờ Cuba lại tung bay trên nóc tòa nhà đại sứ quán ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ bên cạnh quốc kỳ của những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Những điểm cộng cho nhiệm kỳ hai
Ngay sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ là một trong những người cảm thấy mãn nguyện nhất. Iran và P5+1 phải mất nhiều thời gian mới tìm được tiếng nói chung, qua đó cho thấy ông Obama bỏ ra không ít thời gian và tâm huyết cho canh bạc ngoại giao này.
Theo thời gian, cuộc đàm phán dần trở thành cuộc “trưng cầu ý dân” đối với niềm tin của ông chủ Nhà Trắng. Theo đó, ngay cả những “kẻ thù cứng đầu” nhất của Mỹ cũng có thể bị khuất phục bởi sức ép về kinh tế và ngoại giao, thay vì sức mạnh quân sự. “Một phần mục tiêu của thỏa thuận là chứng tỏ biện pháp ngoại giao có thể mang lại hiệu quả ngay cả khi nó chưa hoàn hảo và không đem lại mọi thứ chúng ta mong muốn”, ông Obama chia sẻ với tờ báo The New York Times. Vẫn còn quá sớm để nói thỏa thuận trên có ngăn được tham vọng hạt nhân của Tehran hay không, nhưng đây vẫn là thành tựu quan trọng trong di sản mà ông Obama để lại sau khi hết nhiệm kỳ vào năm tới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro. |
Trên thực tế, hướng tiếp cận trong vấn đề hạt nhân Iran thể hiện điểm cốt lõi trong con người ông Obama cũng như gánh nặng trách nhiệm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Vì thế, Tổng thống Mỹ buộc phải hóa giải thành công, và sau đó chứng minh sự đúng đắn của con đường ông lựa chọn theo hướng “đàm tốt hơn đánh”.
Nói là làm, kể từ khi lên nắm quyền, Barack Obama ưu tiên tìm giải pháp ngoại giao cho một loạt thách thức đối ngoại dù không phải nỗ lực nào cũng thành công. Chẳng hạn, kế hoạch thương thảo để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria vẫn giậm chân tại chỗ. Bù lại, thỏa thuận hạt nhân Iran là thành quả đầy khích lệ đối với con đường ông Obama đang đi.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, cuộc tranh luận về thỏa thuận hạt nhân Iran chính là sự lựa chọn giữa ngoại giao và chiến tranh. Dù vậy, bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng hiểu rõ rủi ro một khi thỏa thuận hạt nhân không mang lại được kết quả như kỳ vọng. “Nếu Iran cuối cùng vẫn có một quả bom (hạt nhân) thì tên tuổi của tôi sẽ gắn liền với điều này”, ông thẳng thắn thừa nhận.
Cùng với sự kiện thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran, việc Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nửa thế kỷ thù địch cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama đang có những bước đi nhằm điều chỉnh lại chính sách đơn cực, nhằm thích ứng với tình hình thế giới, với những xu thế mới đầy biến động và khó dự đoán.
Riêng trong câu chuyện với Cuba, cuộc gặp lịch sử và đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước Cuba và Mỹ diễn ra ngày 11/4 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama, đã cho thấy sự quyết tâm của ông Obama trong việc viết nên chương mới cho quan hệ vốn 60 năm xa cách. Trong suốt cuộc hội đàm kéo dài 80 phút, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro ngồi trên ghế gỗ cạnh nhau, cùng trò chuyện thân mật trong phòng họp nhỏ.
Giới chức Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc mở sứ quán ở La Habana và Washington cũng như một số vấn đề khác. Ngày 1/7/2015, Mỹ và Cuba đã tuyên bố đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán tại thủ đô hai nước, chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao. Việc tái thiết lập đại sứ quán của hai nước trên lãnh thổ của nhau vào ngày 20/7 mới đây là bước đột phá khiến cả thế giới phải chú ý. Mặc dù quốc hội Mỹ vẫn sẽ duy trì lệnh cấm vận kinh tế với Cuba nhưng chính sách này nhiều khả năng sẽ có thay đổi dần dần trong thời gian sắp tới.
Tờ The New York Times nhận định rằng, để đánh giá đầy đủ về “di sản” của ông Obama sau hai nhiệm kỳ tổng thống thì phải mất nhiều thời gian. Điều này chứng minh sự kiên nhẫn của ông chủ Nhà Trắng, không ngại đương đầu với những vấn đề hóc búa, từng bước tháo gỡ khúc mắc và tiến tới thuyết phục mọi cá nhân, dù đó là những người ủng hộ hay đứng bên kia chiến tuyến với mình.
Chủ nghĩa Obama
Sau gần hai nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra hàng loạt chính sách và đã điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp. Giờ đây, theo giới phân tích, một chiến lược đã định hình và có thể gọi là “Chủ nghĩa Obama”. Theo đó, trọng tâm chiến lược của “Chủ nghĩa Obama” là xu thế hướng nội, không đưa quân ra nước ngoài, thực hiện “quyền lực mềm”, các giá trị Mỹ vẫn được lan truyền, và giữ cho nước Mỹ vẫn ở vị thế lãnh đạo thế giới. Trong khi thực hiện đồng bộ các chiến lược, Tổng thống Obama đặt kế hoạch chấn hưng nền kinh tế và cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, tập trung nguồn lực chủ yếu cho giải quyết những vấn đề trong nước, và giảm chi phí quốc phòng ở mức tương ứng.
Tổng thống Barack Obama theo dõi trực tuyến cuộc đàm phán hạt nhân Iran. |
Chính sách đối ngoại nổi bật của ông Obama là chuyển trọng tâm từ những vấn đề an ninh quân sự, chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt… của các vị Tổng thống tiền nhiệm sang vấn đề an ninh kinh tế, ổn định tài chính, thúc đẩy khôi phục kinh tế Mỹ và toàn cầu làm trung tâm. Chính sách nêu trên tuy có gây “phân cực” chính trị giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, sự công kích, cản trở lẫn nhau khiến cải cách chính trị, kinh tế, xã hội bị kìm hãm, nhưng nhìn từ góc độ phát triển nội tại và biến động “quyền lực cứng” của các nước lớn trên thế giới, thì sức mạnh quốc gia của Mỹ vẫn không thay đổi.
Trong suốt nhiệm kỳ, Tổng thống Obama luôn ưu tiên kinh tế, coi trọng đa phương và “quyền lực mềm”, cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên thế giới, tập trung xây dựng cơ chế quốc tế và quản lý toàn cầu.
Nét đặc trưng nổi bật trong chính sách ngoại giao Obama là theo đuổi nguyên tắc đơn giản nhất: “Không đưa quân ra nước ngoài” hay còn gọi là “không làm chuyện điên rồ”, tức là không phát động các cuộc chiến tranh như ở Iraq và Afghanistan của người tiền nhiệm mà ông đã phải vất vả sửa sai. Điều đó cho thấy rằng, bản chất của “Chủ nghĩa Obama” là sự kiềm chế và thu mình (thậm chí giới lập pháp Mỹ còn mỉa mai bằng hai chữ “hèn nhát”), vận động các đồng minh và đối tác hành động tập thể, chia sẻ trách nhiệm và phân tán rủi ro.
Bất luận trong hoàn cảnh nào ông Obama vẫn kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, cố gắng tránh “không làm chuyện điên rồ”, có nghĩa là sẽ loại trừ được khả năng phải đối đầu với các cường quốc mới nổi. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Obama vẫn cố gắng tăng cường quan hệ hợp tác với quân đội các nước, hy vọng thông qua việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát khủng hoảng để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh xuống mức thấp nhất. Rõ ràng, đường lối tốt nhất để củng cố địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ chính là tăng cường kinh tế trong nước, xây dựng chế độ dân chủ, thiết lập khối liên minh quốc tế bền vững, và vận dụng tổng hợp sức mạnh mọi mặt của Mỹ.
Dù theo đuổi con đường nào, thì điều mà Tổng thống Barack Obama luôn hướng tới là giúp Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo thế giới, rằng Mỹ vẫn là quốc gia mạnh và giàu có nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể một mình đối mặt với các băng đảng buôn bán ma túy, biến đổi khí hậu hay chống khủng bố.
Mỹ vẫn tiếp tục cống hiến các giá trị tự do, dân chủ, nhưng ngày càng miễn cưỡng là một nước bá chủ toàn cầu. Để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, Mỹ sẽ phải sử dụng mọi sức mạnh sẵn có, bao gồm cả hành động quân sự. Nhưng nói chung, Mỹ nghiêng mạnh về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Ông Obama từng nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với các nước cựu thù, và làm tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại ở Nhà Trắng. Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, ông chủ Nhà Trắng đã đi vào lịch sử với hai dấu ấn quan trọng là Iran và Cuba, như một người kiến tạo hòa bình. Đây được nhận định sẽ trở thành bài toán hóc búa với các ứng viên tổng thống trong câu chuyện tranh cử 2016, khi làm thế nào để họ tiếp tục các “di sản” đối ngoại đồ sộ khác sau những gì ông Barack Obama đã tạo nên…