Đối thoại Shangri-La 2015:

Tìm tiếng nói chung

Thứ Hai, 08/06/2015, 15:46
Được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 (diễn ra từ ngày 29 đến 31/5/2015 vừa qua tại Singapore) đã đưa ra thông điệp chung: Xây dựng lòng tin và sự minh bạch là điều kiện tiên quyết để gìn giữ một môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển.

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng trên biển Đông vì các hành động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ồ ạt của Trung Quốc để phản ánh sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự. Hầu hết các đoàn tham dự đều lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các động thái này của Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh khu vực.

Đối thoại Shangri-La là nơi quy tụ các bộ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao của nhiều quốc gia, cùng các học giả, chuyên gia an ninh để trao đổi quan điểm về các vấn đề đang định hình môi trường an ninh và quân sự trong khu vực. Sau 14 năm ra đời dựa trên tư vấn của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Đối thoại Shangri-La đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng với an ninh khu vực, và thu hút sự chú ý ngày một lớn từ các cường quốc thế giới. Đến nay, đây được xem như diễn đàn về an ninh và quốc phòng cấp cao nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Vấn đề biển Đông dậy sóng

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông đã trở thành đề tài bao trùm của Đối thoại Shangri-La. Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trình bày rõ quan điểm: dù các nước không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, nhưng tất cả đều liên quan trong các tranh chấp hàng hải. Ông kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đồng thời nhấn mạnh các bên cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp hiện nay.

Rõ ràng, trật tự và ổn định khu vực không thể duy trì chỉ bằng sức mạnh vượt trội, nó cần tính hợp pháp và được cộng đồng quốc tế công nhận. Quan điểm của nước chủ nhà Đối thoại Shangri-La được nhiều nước ASEAN tán thành. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc kết hợp tuần tra biển Đông “một cách hòa bình” để giảm nguy cơ xung đột. Việc tuần tra chung là thông điệp cảnh báo không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác.

Tuy nhiên, sức nóng của Đối thoại Shangri-La thực sự đến từ “cuộc khẩu chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh và nguy cơ đối với an ninh hàng hải ở biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh báo, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông đang làm suy yếu an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông tỏ thái độ “đặc biệt lo ngại” về quy mô cải tạo đất của Trung Quốc và khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo, cho rằng điều đó có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột.

Trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông và sau khi Mỹ có những bước đi mạnh mẽ hơn đối với các tuyên bố chủ quyền thái quá trong khu vực, nhất là hành động “quân sự hóa” của Bắc Kinh, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ - Trung ở biển Đông “đang gia tăng”. Như vậy, sự quan ngại của dư luận trong vấn đề biển Đông không chỉ thuần túy là chủ quyền của các bên, mà đã đẩy tới sự lo lắng đối với hành động của Trung Quốc và thái độ của Mỹ sẽ làm cho mâu thuẫn giữa hai nước lớn này trở nên trầm trọng, trực tiếp đe dọa an ninh khu vực và thế giới. 

Tại Đối thoại Shangri-La 2015, nhiều nước đã chỉ trích Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews khẳng định: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông”, và tuyên bố sẽ tiếp tục điều máy bay tuần tra khu vực này, bất chấp vụ việc một máy bay do thám của hải quân Mỹ bị hải quân Trung Quốc “xua đuổi” khi đang bay trên vùng biển quốc tế tại biển Đông. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thì quan ngại những bất đồng trên biển Đông có thể “leo thang thành một cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là… nhất trong lịch sử”.

Trước những tuyên bố thẳng thắn và mạnh mẽ của các quốc gia tại Shangri-La 2015, Trung Quốc lại tỏ thái độ phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ mất cân bằng an ninh khu vực và tiếp tục bao biện cho hành động bất tuân luật pháp. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, thậm chí khẳng định tình hình khu vực về cơ bản “ổn định và hòa bình”, và bác yêu cầu ngừng hoạt động cải tạo trái phép các đảo, bãi đá ngầm mà nước này chiếm đóng.

Liên quan đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông, ông Tôn Kiến Quốc bao biện rằng Bắc Kinh đang “cố gắng đáp ứng các yêu cầu phòng thủ cần thiết, thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế liên quan tìm kiếm và cứu hộ trên biển, phòng - chống thiên tai hay bảo vệ môi trường…”.

Vị đại diện của Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố nước này có thể sẽ thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, nếu các nhu cầu về an ninh trên không hoặc trên biển tại khu vực đòi hỏi. Ngay sau những phát ngôn này, rất nhiều học giả quốc tế đã đưa ra các câu hỏi với đại diện Trung Quốc làm rõ hơn về tính pháp lý, chính sách của Trung Quốc tại khu vực biển Đông hiện nay.

Cũng như tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, với lý do thời gian hạn chế không thể giải thích hết các chất vấn, đại diện của Trung Quốc đã đọc một bài được chuẩn bị sẵn, không trả lời trực diện bất kỳ câu hỏi nào của các học giả quốc tế. Từ đây, nhiều ý kiến cho rằng thông điệp của Bắc Kinh lúc này rất rõ ràng: “Biển Đông là của chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm những gì mình muốn tại đó”.

Đi tìm tiếng nói chung

Ít người biết rằng Đối thoại Shangri-La (hay Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á) ra đời cách đây 14 năm trước với ý kiến tư vấn của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Năm 2001, John Chipman, Tổng Giám đốc IISS, đã nảy ra một suy nghĩ rằng: So với châu Âu, châu Á không có một diễn đàn về quốc phòng ngoại trừ những cuộc đối thoại song phương. Ông Chipman đã đề xuất ý tưởng này với ông Lý Quang Diệu để xin tư vấn, và ông Lý đã trả lời ngắn gọn: “Hãy triển khai nó ngay lập tức”.

14 năm sau, Đối thoại Shangri-La đã tiến một bước dài, và trong sự trưởng thành đó, dấu ấn lớn nhất của ông Lý đối với diễn đàn này cũng như an ninh khu vực chính là sự nhấn mạnh tầm quan trọng của cân bằng quyền lực đối với an ninh toàn cầu, với sự coi trọng không chỉ vai trò của Mỹ và Tây Âu, mà còn cả các nước như Ấn Độ, Brazil và Nga. Đặc biệt, Trung Quốc từ chỗ lo ngại diễn đàn này sẽ trở thành cuộc nhóm họp do phương Tây chủ trì để chống lại nước mình, nay đã giữ vai trò lớn hơn.

Việc giữ các kênh đối thoại là cần thiết và Đối thoại Shangri-La chính là diễn đàn để giải tỏa áp lực. Sự tham dự của các bên có tranh chấp trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, sẽ giúp các nước hiểu rõ hơn về lập trường của nhau. Và cho dù còn nhiều bất đồng về các vấn đề an ninh khu vực, mà nổi bật nhất là hoạt động xây đảo nhân tạo trên khu vực tranh chấp và dấu hiệu “quân sự hóa” biển Đông của Trung Quốc, không ai có thể phủ nhận Đối thoại Shangri-La đang giúp các quốc gia hợp tác ngày càng thực chất hơn.

Tại Shangri-La 2015, nhiều ý kiến đưa ra giải pháp theo xu hướng chung là tìm những cách ứng xử bảo đảm không có tính toán sai lầm, và đặc biệt là không để xảy ra xung đột. Các quốc gia tham dự đều đồng thuận rằng, về vấn đề biển Đông hiện nay, việc đưa ra những quan điểm kiên quyết, cũng như các sáng kiến mới nhằm tạo lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế (đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982), và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, hiện thực hóa “sự cần thiết” ấy còn là quãng đường rất dài, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các bên, của cộng đồng khu vực và thế giới.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh 5 yếu tố then chốt bảo đảm hòa bình và an ninh cho khu vực. Trước hết, các nước cần phải xây cơ chế bảo đảm đối thoại thường xuyên để ngăn chặn và giải quyết xung đột. Thứ hai, các nước cần phải đưa ra những quy định có tính ràng buộc và tôn trọng quy định luật pháp. Tiếp đó, các nước phải củng cố lòng tin thông qua sự minh bạch. Ngoài ra, các nước cần xác định rằng một cấu trúc an ninh bền vững không bao giờ chống lại bất cứ nước nào mà phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Và cuối cùng, chỉ có hợp tác - hỗ trợ lẫn nhau, các nước mới có thể đi đúng hướng.

Shangri-La 2015 được cho là thời điểm thích hợp của những nỗ lực ngoại giao, tập trung tìm kiếm một giải pháp lâu dài để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của tất cả các bên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tái khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao hòa bình, và hành xử “có trách nhiệm”, kêu gọi các nước phá vỡ “vòng luẩn quẩn” trong tranh chấp biển Đông.

Ông Carter cũng kêu gọi Bắc Kinh “ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn” các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông, đồng thời thông báo Mỹ phát động chương trình “An ninh hàng hải Đông Nam Á” viện trợ 425 triệu USD, giúp các nước trong khu vực nâng cao khả năng quân sự.

Châu Á đang ngày càng khẳng định là một khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng. Tuy nhiên, khu vực này cũng đứng trước những thách thức không nhỏ như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, hay tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Do đó, các quốc gia phải cần có sự đồng thuận cao, giải quyết xung đột dựa trên cơ sở duy trì hòa bình và ổn định an ninh. Liên quan đến vấn đề biển Đông, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế, tìm kiếm các giải pháp phi vũ trang, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển và trên không…

Nguyễn Lê Mi
.
.