Thủ tướng Italia Matteo Renzi: Những ngày dài phía trước
Có thể nhận thấy rằng ông Matteo Renzi cùng nội các đã làm được một số việc, nhất là những quyết định mang tính đổi mới trong một cơ chế nhà nước tương đối bị chỉ trích vì có quá nhiều xơ cứng bất cập. Tuy nhiên, bản thân Thủ tướng Italia cũng đã thất bại khi không hoàn thành trọn vẹn hay vẫn còn để lại dang dở những lời hứa với cử tri trước khi lên nắm chính quyền.
Một năm chật vật
Dư luận có thể bàn xuôi nói ngược về thành quả của Chính phủ Matteo Renzi. Thế nhưng, có một điều chắc chắn là công luận không thể chối cãi được là ông Matteo Renzi, ngoài việc là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này (lên nắm chính phủ khi chưa tròn 40 tuổi), ông đã phần nào làm thay đổi bộ mặt quốc gia: năng động hơn và chính phủ trẻ hóa hơn.
Dù rằng những thay đổi đó cho đến nay cũng chưa đủ sức để làm “một cuộc cách mạng đổi đời” như mong muốn, nhưng nó cũng đã làm cho cỗ xe rỉ sét của Italia bắt đầu phải chuyển bánh sau mấy thập niên gần như dậm chân tại chỗ. Và đặc biệt, Chính phủ Matteo Renzi đã khôi phục lại vị trí của Italia trên trường quốc tế, vốn đã bị lu mờ nặng nề trong suốt những thập niên của Chính phủ trung hữu Silvio Berlusconi.
Một số chuyên gia cho rằng những thắng lợi mà ông Matteo Renzi thu được trong năm qua phần lớn cũng vì Italia lúc ấy đang ở trong tình trạng cực kỳ hỗn loạn. Có thể nói rằng đối với đại đa số cử tri nước này, dù có đồng thuận hay không với Chính phủ Matteo Renzi, cũng công nhận Matteo Renzi là “lá bài cuối cùng” mà các lực lượng chính trị trung-tả đang sở hữu. Đơn giản vì sau Matteo Renzi thì chỉ còn có những lực lượng mị dân tẩy chay chính trị, cưỡi làn sóng phản đối của cử tri trước một giới chính khách bị quá nhiều tai tiếng vì tha hóa và tham nhũng, nhưng lại không có khả năng xây dựng để cải tổ guồng máy nhà nước và đưa Italia ra khỏi khủng hoảng.
Một số người nhận xét rằng chính ông Matteo Renzi cũng đã cưỡi làn sóng phản đối của cử tri để lên nắm chính quyền, nhất là với khẩu hiệu nổi tiếng “cần phải đổi mới nhân sự” (ý muốn nói đổi mới giai cấp lãnh đạo chính trị) khiến ông được báo chí mệnh danh là “rottamatore”- theo nghĩa đen tức là người chuyên môn tháo gỡ vứt bỏ đồ phế liệu. Điều này phần nào cũng có lý, và chính đây là sức mạnh tạo uy tín lớn ban đầu cho Matteo Renzi.
Ông nổi tiếng từ khi cầm quyền với cung cách hành xử năng động, quyết định mọi chuyện một cách nhanh chóng, giảm bớt tối đa những kiểu cách làm ăn hành chính quan liêu của cơ chế nhà nước. Nhưng đặc biệt, cũng phải nói rằng ông Matteo Renzi giỏi... “đánh bạc”. Ông có biệt tài vận dụng sắp xếp những “con bài”, thậm chí những “con bài” xem ra hoàn toàn bất lợi, vào một tiến trình tuần tự để rồi thâu tóm toàn “canh bạc” đem về thắng lợi.
Matteo Renzi là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia và đã phần nào làm thay đổi bộ mặt quốc gia sau hơn một năm cầm quyền. |
Một năm trôi qua, Chính phủ Matteo Renzi đã làm được một số điều luật cải cách và đổi mới cơ chế nhà nước, chẳng hạn như thay đổi một số điều khoản trong luật lao động để tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và gia tăng cơ hội việc làm cho người dân, hay ký sắc lệnh tăng 80 euro mỗi tháng cho những lao động có thu nhập hàng năm dưới 26 nghìn euro, đồng thời giảm thuế doanh nghiệp 10%.
Ngoài ra, Thủ tướng còn chấn chỉnh cho phù hợp thực tiễn một số điều luật để nhà nước có thể thanh toán chi trả nhanh chóng những công trình mà các cơ sở sản xuất đã giao cho nhà nước, tạo điều kiện cho phép các cơ sở này có khả năng quay vòng vốn nhanh chóng, tránh vỡ nợ vì không được nhà nước chi trả đúng kỳ hạn.
Đứng về mặt chính trị mà nói thì trong suốt hơn một năm cầm quyền, đảng Dân chủ do Matteo Renzi lãnh đạo đã thành công khi là đảng trung - tả duy nhất ở châu Âu thắng cử trong kỳ bầu cử Quốc hội châu Âu năm 2014. Thêm vào đó, trong khi ở đa số các nước châu Âu khác, các lực lượng chính trị bài ngoại tẩy chay châu Âu đều được tăng phiếu một cách đáng ngại, thì đảng Dân chủ của Matteo Renzi đã có khả năng ngăn chặn được làn sóng bài ngoại tẩy chay này của những lực lượng mị dân. Uy tín của vị Thủ tướng trẻ tuổi cũng từ đó mà tăng lên như diều gặp gió.
Một trong những điều bất ngờ trong năm qua là khả năng hoạt động năng nổ của ông Matteo Renzi trên trường quốc tế, điều mà trước đó rất đông chuyên gia theo dõi chính trị Italia đều cho rằng Matteo Renzi cần phải có thêm thời gian để tạo cho mình một thế đứng vững chắc. Ngoài việc Matteo Renzi đã thành công trong quá trình giành được ghế cao ủy ngoại giao và an ninh cho nước này, chính ông Matteo Renzi đã chủ động đi thăm rất nhiều quốc gia trên thế giới để tìm cách tạo thuận lợi trong các quan hệ song phương.
Thách thức đón chờ
Là một chính trị gia phong cách Mỹ hay mỉm cười thân thiện, ông Matteo Renzi luôn tràn đầy năng lượng và tham vọng. Một số người gọi ông là Tony Blair của Italia. Sức hấp dẫn của Matteo Renzi còn nằm ở chỗ ông là một người khác biệt, rất cứng rắn, kiên quyết, và theo đuổi mẫu hình của sự thay đổi. Ông tuyên bố muốn xé bỏ những mạng lưới đã cũ khi tuyên bố: “Italia đang trải qua những thời điểm khó khăn. Chúng ta cần tạo khả năng vươn lên từ bãi lầy này... với một chương trình quyết liệt nhằm tái khởi động đất nước”.
Điểm yếu của Matteo Renzi là ông chưa trải qua nhiều thử thách và tiếp nhận quyền lực không qua lá phiếu. Ông là thủ tướng thứ 3 ở Italia được Tổng thống bổ nhiệm chứ không phải do người dân bầu chọn. Dân chủ đang giảm sút ở quốc gia này khi việc quyết định ai ngồi ở Palazzo Chigi, dinh thự chính thức của Thủ tướng, không còn là ý nguyện của người dân nữa. Sự thất vọng với tầng lớp chính trị đã khiến nhiều người dường như sẵn sàng đặt cược vào một cá nhân không qua bầu chọn, nếu việc bổ nhiệm mang đến sự thay đổi và cứu thoát nền kinh tế trì trệ vừa thoát khỏi suy thoái của quốc gia này. Trong tương lai thì tình hình triển vọng của Chính phủ Matteo Renzi sẽ ra sao?
Những thử thách lớn nhất của Chính phủ Matteo Renzi trong thời gian tới là vấn đề nợ nhà nước, ngân sách quốc gia và tình trạng kinh tế suy thoái. |
Trước hết là việc ông Silvio Berlusconi tuyên bố thay đổi mọi quan hệ với Chính phủ Matteo Renzi sẽ đưa ra những kịch bản mới. Người ta không biết là liệu Chính phủ Matteo Renzi, không có những lá phiếu của phía đảng Forza Italy của Silvio Berlusconi, sẽ có đủ khả năng vượt qua ghềnh thác để đưa các đề luật thay đổi hiến pháp và luật bầu cử mới đến mục tiêu hay không. Và cho dù là Chính phủ Matteo Renzi có đủ khả năng có được đa số trong Quốc hội để thông qua các dự luật trên, nhưng đó là những dự luật mang tính thay đổi hiến pháp thì về mặt ý nghĩa chính trị cũng là một “tì vết” mà đảng Dân chủ cần phải tránh để không bị mang tiếng độc tài ở Quốc hội.
Nhưng thực tế, có lẽ các toan tính của ông Matteo Renzi trên canh bạc hiện nay không đơn giản như thế. Thủ tướng Italia phải đối mặt với nhiều vấn đề cố hữu, mà trước hết là giải pháp nhằm kiểm soát các đại biểu của đảng Dân chủ. Tất cả các đại biểu Quốc hội của đảng Dân chủ hiện nay không phải là những đại biểu được bầu vào Quốc hội dưới sự lãnh đạo của chính Matteo Renzi.
Bản thân ông Matteo Renzi cũng không phải là đại biểu Quốc hội. Và nhất là vẫn còn có những ý kiến cho rằng Matteo Renzi lên nắm chính phủ không phải thông qua lá phiếu bầu cử Quốc hội mà là do những “nước cờ” lật đổ chính phủ trước đây. Nếu phải đi bầu cử lại ngay lúc này, thì trước nhất Matteo Renzi có thể gột rửa được những “tì vết” chính trị kể trên.
Kế tiếp, sau kinh nghiệm thắng cử để nắm quyền trước đây, Matteo Renzi hy vọng sẽ lại thắng cử lớn trong kỳ bầu cử Quốc hội mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay đảng Forza Italy của ông Silvio Berlusconi nói riêng, các lực lượng hữu và trung hữu nói chung đang gặp nhiều khó khăn, chia rẽ. Nhưng đó là những dự đoán của giới chuyên gia phân tích chính trị Italia. Trên giấy trắng mực đen thì chính ông Matteo Renzi vẫn tiếp tục tuyên bố rằng Quốc hội hiện nay sẽ đi hết nhiệm kỳ đến năm 2018.
Tuy nhiên dù sẽ có phải đi bầu lại hoặc Quốc hội sẽ tồn tại cho đến hết nhiệm kỳ, có thể nói là những thử thách lớn nhất của Chính phủ Matteo Renzi trong thời gian tới là vấn đề nợ nhà nước, ngân sách quốc gia và tình trạng kinh tế suy thoái. Trong nhiều năm qua, mức độ tăng trưởng GDP của nước này xuống quá thấp (thậm chí còn rơi xuống mức -0,4% vào năm 2014), con số thất nghiệp đã lên tới gần 15%, và nợ nhà nước chạm ngưỡng 2.140 tỉ euro.
Cho dù hiện nay tình trạng nợ nhà nước của Italia chưa đến độ khiến Ủy ban châu Âu phải có bất cứ một biện pháp nào, thế nhưng đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy cơ quan này sẽ xem xét và cân nhắc “nghiêm túc” vấn đề nợ trong thời gian tới. Một số tờ báo thậm chí còn nhận định rằng nợ nhà nước của nước này như là “một trái bom nổ chậm” của châu Âu, đe dọa sự sống còn của Chính phủ Matteo Renzi nếu ông cùng nội các không đưa ra được những giải pháp kịp thời và hợp lý…