Thủ tướng Đức Angela Merkel – nhân vật của năm 2015: Vững vàng trước hỗn loạn

Chủ Nhật, 27/12/2015, 16:32
Mới đây, Tạp chí Times (Mỹ) đã bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhân vật của năm 2015 vì tài năng lãnh đạo của bà trong việc giải quyết ba cuộc khủng hoảng lớn, gồm nợ công châu Âu, làn sóng người di cư và vấn đề Ukraine. 


Bà Merkel đã thể hiện xuất sắc vai trò một nhà lãnh đạo đặc biệt, trong thời điểm quan hệ giữa phương Tây và phương Đông đang trên bờ vực khủng hoảng địa chính trị, kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mạnh mẽ, thực tế và giàu lòng nhân đạo, Thủ tướng Angela Merkel được xem là một trụ cột mà cả Liên minh châu Âu trông đợi, trong bối cảnh EU đang trải qua một thời kỳ rối ren và gặp rất nhiều khó khăn.

10 năm cầm quyền với rất nhiều thăng trầm, và những gì Angela Merkel làm được đã giúp nước Đức ổn định, phát triển và có được vị thế ở châu Âu và trên trường quốc tế như ngày hôm nay. Nếu như hai nhiệm kỳ trước tương đối yên bình thì ở nhiệm kỳ này, bà Merkel phải cùng lúc đối mặt với rất nhiều thách thức, gần đây nhất là chủ nghĩa khủng bố quốc tế với sự lớn mạnh và bành trướng của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Chặng đường của nhiệm kỳ thứ ba chưa kết thúc, song có thể thấy đây là giai đoạn khó khăn và vất vả nhất của nhà lãnh đạo người Đức.

“Người mẹ” của nước Đức

Ngày 22-11-2005, lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức có một người phụ nữ đứng đầu chính phủ. Bà Angela Merkel đến từ Đông Đức đã kế nhiệm ông Gerhard Schroder làm thủ tướng trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, và hiện là người phụ nữ cầm quyền lâu nhất ở châu Âu. 

Chẳng ai có thể ngờ, một người phụ nữ không có kinh nghiệm về chính trị và “khởi nghiệp” trên chính trường bằng công việc lắp đặt máy tính cho văn phòng của một đảng thiểu số ở Đức bấy giờ, lại trở thành một chính khách đầy quyền lực. Angela Merkel là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, mẫu mực và quyết đoán hiếm có, phải trải qua những thách thức khó khăn nhất so với lãnh đạo các nước khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là một trụ cột mà cả Liên minh châu Âu trông đợi trong bối cảnh nhiều thách thức và khủng hoảng hiện nay.

Angela Merkel đã góp nhiều công sức đưa nước Đức vươn lên vị thế quan trọng nhất châu Âu và có tiếng nói lớn trên trường quốc tế. Ngay khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên, nội các Merkel đã sửa đổi hiến pháp liên bang từ năm 1949 để phân chia lại quyền lực giữa liên bang và các bang, lập gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro để cứu các ngân hàng khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới. Bà chủ trương cắt giảm chi tiêu công trong khi tăng thuế giá trị gia tăng từ 16% lên thành 19%, tăng đóng góp của bảo hiểm xã hội cũng như nâng cao tỷ lệ thuế thu nhập.

Angela Merkel tuyên bố, mục tiêu chính mà chính phủ của bà nhắm tới là giảm thất nghiệp, đảm bảo sự ổn định trong xã hội. Khi dư luận Đức tỏ ra lo lắng về chính sách hạt nhân sau sự cố ở nhà máy Fukushima I tại Nhật Bản, Thủ tướng Đức đã quyết định giảm dần và tiến tới ngừng hẳn sự hoạt động của các nhà máy hạt nhân cho tới năm 2022. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Đức cũng bãi bỏ chế độ quân dịch bắt buộc và chấm dứt 10 năm sứ mệnh của quân đội liên bang ở miền Bắc Afghanistan. Những quyết định này vừa làm yên lòng dư luận Đức, vừa nâng cao hình ảnh của liên minh cầm quyền do bà Merkel lãnh đạo.

Nước Đức dưới thời “trị vì” của bà Merkel luôn giữ được vai trò đầu tàu tại châu Âu. Đức đạt cân bằng ngân sách và không có nợ mới trong ngân sách liên bang. Bà Merkel đã giúp nền kinh tế Đức mở rộng mạnh mẽ không chỉ trong khu vực mà còn sang Đông Âu và Nga, thâm nhập một cách hiệu quả vào nền kinh tế Trung Quốc. Cho dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định, đồng thời trở thành trụ cột giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực.

Sau 10 năm chèo lái nước Đức và làm mưa làm gió trên chính trường quốc tế, Angela Merkel vẫn là một người cực kỳ bí hiểm bởi tính cách rất kiệm lời và kín đáo. Không có nhu cầu khoa trương, bà Merkel chưa bao giờ đồng ý phỏng vấn tay đôi với bất kỳ nhà báo nào. Angela Merkel cũng luôn chứng tỏ sự thông minh, sắc sảo và tình người trong các vấn đề đối nội.

Việc bà tái đắc cử thủ tướng lần thứ ba đã chứng minh niềm tin và sự đánh giá cao mà người dân dành cho bà. Người Đức luôn biết ơn vì bà đã đưa nước Đức vượt qua suy thoái trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu với những gói kích thích kinh tế hiệu quả và những khoản trợ cấp chính phủ đúng lúc.

Người Đức trìu mến gọi Angela Merkel là “Mutti” - “người mẹ” của một quốc gia. Dù không phải là người diễn thuyết giỏi trước công chúng, nhưng bà Merkel đã chứng tỏ là một chính khách sắc bén trong việc nắm bắt suy nghĩ của người dân. Vì thế, tín nhiệm dành cho “bà đầm thép” vẫn đang ngày càng tăng. Người Đức dường như tin rằng, người phụ nữ quyền lực ấy sẽ tiếp tục dẫn dắt họ đi qua những thời khắc hỗn loạn, khó khăn.

“Nữ hoàng” không vương miện

Trong hai năm qua, các hồ sơ quốc tế đã chi phối phần lớn thời gian của nữ Thủ tướng Đức. Phải khẳng định rằng không có sự quyết tâm và nỗ lực của bà Merkel, triển vọng tìm kiếm lối thoát cho vấn đề Ukraine sẽ rất mờ mịt. Khi mà giới lãnh đạo phương Tây dựng nên một rào cản ngăn cách giữa Nga và chính Tổng thống Vladimir Putin vì cho rằng Moscow đã can thiệp sâu vào tình hình nội bộ Ukraine, thì “bà đầm thép” Merkel đã dũng cảm bước qua được ranh giới này. Bà đã trực tiếp nối lại đàm phán với Nga, và tới Moscow nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Đức. Đây được cho là một động thái hòa giải giữa hai quốc gia, đem người đàn ông quyền lực nhất thế giới và “bà đầm thép” lại gần hơn trên bàn đàm phán.

Một trong những dấu ấn nổi bật của bà Angela Merkel trên chính trường châu Âu là vai trò chủ chốt trong gói cứu trợ khổng lồ dành cho 19 quốc gia bên bờ vỡ nợ do khủng hoảng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thủ tướng Đức xem xét mọi khía cạnh, cân nhắc mọi tình huống và quan sát mọi phản ứng trước khi gật đầu về gói cứu trợ khổng lồ cùng các giải pháp đột phá. Tiếp đó, bà còn nỗ lực giúp Hy Lạp hồi phục nền kinh tế sau khủng hoảng nợ.

Thủ tướng Đức luôn tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Athens với các chủ nợ quốc tế để quốc gia ngập trong nợ nần này có thể chạm tay vào gói cứu trợ thứ ba, qua đó tránh được việc bị phá sản và phải rời Eurozone. Phong cách thỏa hiệp lãnh đạo của bà Merkel, mà người Đức gọi là “điều hành theo công luận”, đã đem lại các thành quả ngắn hạn, trong khi cho phép kìm hãm các vấn đề dài hạn.

Hiện nay, vấn đề đang gây chia rẽ lớn trong Chính phủ Đức là cuộc khủng hoảng người tị nạn. Dù bị phản đối kịch liệt với chính sách “rộng mở” với người tị nạn, song bà Merkel vẫn kiên quyết không đóng cửa biên giới và không đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn. Quyết định mở cửa cho người tị nạn là bước đi mạo hiểm cho sự nghiệp của bà Merkel. Nhưng một điều không thể phủ nhận là hành động rộng lượng, hào phóng, cởi mở của người Đức đã lan tỏa khắp châu Âu và sau đó là cả thế giới. 

Bà Merkel cũng công khai những nỗ lực xích lại gần Nga nhằm tìm kiếm hòa bình ở Syria, với mục đích giúp EU giảm bớt gánh nặng người tị nạn. Bà Merkel cho rằng, Đức phải cùng Nga, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác giải quyết khủng hoảng Syria.

Rõ ràng, EU (trong đó có Đức) đang trải qua một thời kỳ khó khăn, đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng mà không phải tất cả bắt nguồn từ khu vực này. Tuy nhiên, liên minh này đã và đang giải quyết được nhiều vấn đề, với đóng góp không nhỏ và những nỗ lực không biết mệt mỏi từ Angela Merkel. 

Tạp chí Times cho rằng, Thủ tướng Đức là nhà lãnh đạo có năng lực và kiên định, với lập trường rõ ràng và thực tế. Khi mà nhiệm kỳ của Thủ tướng Angela Merkel chỉ còn hơn một năm nữa, dư luận Đức đã bắt đầu đồn đoán về việc liệu bà có tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo hay không. Tuy nhiên, chưa có gương mặt nào đủ uy tín để thay thế bà dẫn dắt đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Angela Merkel vẫn có sức ảnh hưởng quá lớn, xứng đáng được vinh danh là “nữ hoàng châu Âu” dù không đeo vương miện…

Lê Nam
.
.