Thông điệp hòa bình
1. Căng thẳng Nga - Mỹ khiến thế giới lo ngại nhất trong năm 2014 bởi quan hệ của hai cường quốc này chi phối lớn đến cục diện thế giới, sự ổn định, phát triển của các quốc gia. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, một khi “chiến tranh lạnh” tái lập, thiệt hại không chỉ đối với hai bên đối đầu mà cả những quốc gia nhỏ bé, xa xôi tận châu Đại Dương cũng bị “sóng từ trường” xô tới.
Giữa vô vàn những bất đồng, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không quên gửi đến người đồng cấp nước Mỹ, ông Barack Obama thông điệp chúc mừng năm mới 2015. Tổng thống Nga nhắn nhủ người đứng đầu Nhà Trắng về lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng của phe Đồng minh đối với quân phát xít và “nhắc nhở trách nhiệm của Mỹ và Nga cần gánh vác để duy trì hòa bình và ổn định quốc tế”.
Đặc biệt, Tổng thống Putin chỉ rõ thông điệp: “Moscow mong muốn thúc đẩy các mối quan hệ với Washington nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”. Quan điểm hòa bình, hữu nghị được thể hiện rõ trong thông điệp của người đứng đầu nước Nga, hiển nhiên tất cả đi kèm với đó là yêu cầu “bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Suy cho cùng, hai vế của mối quan hệ biện chứng này thực chất cũng là nguyên tắc mà các quốc gia trong thế giới hiện đại đặt lên hàng đầu trong hội nhập, hợp tác toàn cầu. Không chỉ với Nga mà nhiều nước trong Liên minh châu Âu cũng hiểu rằng, gia tăng áp lực với Nga không phải là cách lựa chọn tốt, khi mà chính họ cũng phụ thuộc bởi sự áp đặt trừng phạt của bên thứ ba.
Trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, chỉ có sự đoàn kết mới là chìa khóa để giải quyết các bất đồng, xung đột, trực tiếp là cuộc khủng hoảng Ukraine - tâm điểm gây sóng gió cho các mối quan hệ lớn của thế giới. “Chắc chắn rằng chúng tôi muốn đảm bảo an ninh ở châu Âu cùng với nước Nga, chứ không phải chống lại nước Nga” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Trong khi đó, tại cuộc gặp hồi tháng 12, Tổng thống Pháp Hollande cũng bày tỏ quan điểm giải quyết những bất hòa. “Tôi đã thấy các quan điểm của Moscow và tôi nghĩ tại một số thời điểm chúng ta nên bỏ qua những trở ngại có thể chia rẽ các nước” - ông Hollande bày tỏ.
Ở một diễn biến khác, phát biểu đầu năm của người đứng đầu Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khiến thế giới phải chú ý. Đó không phải là lời “tuyên chiến” hay mang tính khiêu khích như thường thấy, trái lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã đưa ra tuyên bố sẵn sàng đàm phán cấp cao nhất với Hàn Quốc, kêu gọi sự thay đổi lớn trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Thông điệp trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cam kết thiết lập một nền tảng thực tế, chi tiết và mở đường cho việc tái thống nhất với Triều Tiên.
Cuối tháng 12/2014 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã đề xuất tổ chức đối thoại cấp cao với Bình Nhưỡng vào tháng 1/2015 và tổ chức thêm cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong khi đó, ở một mối quan hệ “gần mặt cách lòng” khác, Mỹ và Cuba đang được chờ đợi có những diễn biến thuận chiều sau khi Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt với quốc đảo này hơn nửa thế kỷ.
2. Lịch sử thế giới ở bất kỳ thời đại nào đều cho thấy, ngọn nguồn hoặc cái đích cuối cùng của chiến tranh hầu hết đều xuất phát từ vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Chiến tranh xâm lược đồng nghĩa với việc thôn tính chủ quyền của nước khác, vùng, lãnh thổ khác, đẩy phía đối diện phải đấu tranh để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền của họ. Có những cuộc chiến tranh liên lục địa như đế chế Mông Cổ ở thế kỷ XIII hay cuộc chiến tranh xâm chiếm gần trọn châu Âu của phát xít Đức giữa thế kỷ XX; trong khi đó, nhiều quốc gia, khu vực xảy ra chiến tranh kéo dài chỉ vì tranh chấp một phần nhỏ địa thủy.
Thế giới toàn cầu hóa ngày nay, khái niệm “biên giới mềm” được mở rộng, thế nhưng nó cũng không thể che khuất hay làm mờ những nguy cơ chiến tranh từ xung đột biên giới, lãnh thổ “cứng”. Chiến tranh hay hòa bình, điều đó tùy thuộc vào ý thức chính trị của mỗi quốc gia trong giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
Những động thái thể hiện qua các phát ngôn nói trên của các bên trong thời khắc đầu năm mới được xem như “gió lành” giữa bộn bề bất trắc. Tuy nhiên, đây chỉ là phát ngôn, truyền đạt một thông điệp, nói cách khác là thể hiện sự mong muốn của một phía trước những vấn đề quốc gia, quốc tế.
Khoảng cách để hiện thực hóa ý nguyện trong phát ngôn, thông điệp lại phụ thuộc nhiều vấn đề khác. Đó phải là điểm gặp gỡ giữa hai và nhiều bên trong mối quan hệ hài hòa các lợi ích và tôn trọng lẫn nhau - như cách nói của Tổng thống Putin. Mọi nguồn cơn xung đột nếu vẫn để cái tôi cá nhân, lợi ích riêng thiên lệch hoặc đứng trên quan điểm áp đặt, không nhượng bộ thì không bao giờ đạt được kết quả tốt đẹp.
Quan hệ Nga - Mỹ, chưa dễ để hai ông lớn tìm được tiếng nói chung, khi mà trên vị trí cường quốc thường đi liền với cái tôi rất lớn. Tương tự, giải quyết quan hệ Nam - Bắc Triều Tiên cũng không phải chỉ nhìn nhận qua thông điệp ngắn gọn đầu năm khi mà mâu thuẫn tích tụ có tính lịch sử kéo dài nhiều thập kỷ. Niềm tin đó đòi hỏi chí hướng của cả hai và nhiều phía khác có liên quan và trong nhiều trường hợp cần một bên thứ ba làm “trọng tài”, tựa như vai trò của Vatican trong giải quyết quan hệ Mỹ - Cuba bị ngăn cách suốt 53 năm.
Dù vậy, với thông điệp hòa bình, hữu nghị đầu năm cũng đã cho thấy đó là chí hướng mà các quốc gia không thể thoát ly dòng chảy thời cuộc.
3. Đối với những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, đây cũng tiếp tục là mối quan tâm của các nước trong khu vực và quốc tế trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Chủ quyền quốc gia của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định với các tư liệu vững chắc, tuy nhiên nhiều nước khác trong khu vực vẫn tìm cách tuyên bố chủ quyền của họ ở hai quần đảo này và đưa ra những đòi hỏi phi lý. Đi kèm với đó là các động thái vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Thông điệp hòa bình với mong muốn giải quyết những xung đột, mâu thuẫn giữa các quốc gia. |
Cũng như đối với các khu vực khác, vấn đề duy trì hòa bình ở Biển Đông phụ thuộc trước hết vào ý thức chính trị của các quốc gia trong khu vực, trước khi tính đến quyền lợi của quốc gia khác ngoài khu vực.
Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, chúng ta cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Vấn đề quyết định là phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngay trong ngày đầu năm mới 2015, thông điệp hòa bình và ý chí chính trị bảo vệ chủ quyền quốc gia được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong bài viết Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Chủ tịch nước tái khẳng định, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là tài sản vô giá của cha ông ta để lại, thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ để truyền cho các thế hệ con cháu.
Kế thừa truyền thống yêu hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc, chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước ta, hòa bình, ổn định trong khu vực; bảo đảm tự do, an ninh, an toàn trên tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới.