“Thơ hay” của ai?

Thứ Năm, 29/04/2021, 13:43
“Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, một trong ba bài thơ đạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ Báo Văn nghệ của Tòng Văn Hân, giờ đây, đã trở thành từ khóa nổi bật trên Google.

Từ điển Wikipedia phiên bản tiếng Việt thì nhanh tay tạo mục từ “Tòng Văn Hân” mà phần tác phẩm thơ, vỏn vẹn thay, cũng chỉ là ba bài đã biết rộng rãi. Mạng xã hội và báo chí, quán bia hơi và nơi chốn thư phòng trường học, người làm thơ và nhà phê bình, đều thảo luận, tranh cãi, ủng hộ hoặc phản đối, cảm thông hoặc dè bỉu, ngao ngán hoặc hào hứng “tái chế” bài thơ...

Tất cả, khác với quang cảnh vắng lặng, nhàn nhạt bao quanh đời sống thơ ca lâu nay, đã làm sống dậy những khúc mắc tưởng như an bài xong xuôi: đó có phải là “thơ hay” và xứng giải?

1. Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng sẽ không có một định nghĩa thơ cuối cùng và duy nhất, bởi công việc tưởng như đã xong xuôi ấy lại chưa có một ai, một thi sĩ, một nhà nghiên cứu phê bình hay một cuốn từ điển danh tiếng nào có thể thực hiện thấu đáo và thuyết phục được tất cả. Từ khởi thủy đến hôm nay, từ câu thơ cổ xưa đầu tiên đến câu thơ ngày mai chưa sinh thành, thơ vẫn luôn để ngỏ những định nghĩa rắn chắc về nó, và nhờ thế, thơ không ngừng biến đổi và mới mẻ, lạ lẫm với người làm thơ ngay khi họ đặt bút làm thơ và với công chúng ngay khi họ vừa lật mở thi phẩm.

Tựa như sương mai dưới nắng sớm, thơ vừa là thứ nhìn thấy, cảm nhận được, thậm chí gọi thành tên những tính chất, đặc trưng của nó, nhưng cũng là thực thể khó khái quát, khó nắm bắt và thường lặng lẽ rơi vào một sự tri nhận mơ hồ, bàng bạc. Bởi thế, trên hành trình đi tìm thơ cho và của riêng mình, nhất là những bài “thơ hay” mà mình ưng ý, chúng ta nên bình tâm ở điểm xuất phát: không có một độc quyền “hay” duy nhất về thơ.

Một câu ca dao ngắn, “Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn tiếc hoài sợi dây”, phải, chỉ mười bốn chữ, cũng có thể xem là một bài thơ hoàn chỉnh. Ở đây, trong khoảnh khắc mà người bình dân cất lời ấy, ta bắt gặp những dòng cảm xúc đối ngược nhau đến bất ngờ: “tưởng”, là tự mình vẽ ra, chờ đợi, hi vọng, là tự mình thêu dệt điều lí tưởng nhưng cuộc sống nào dễ chiều lòng nên mới xuất hiện “ai ngờ”. Cái “ai ngờ”, cái sự không ngờ - hay nói như các nghiên cứu hiện đại, cái sự chưa biết mới là thực tại lớn lao và khủng khiếp nhất mà con người phải đối mặt, sẽ quẩn quanh đâu đó, sẽ khiến “em” vỡ lẽ rằng mình đã nhầm, đã đặt sai hi vọng, và đau đớn hơn, có thể đã mất mát nhiều niềm tin, tình yêu. Vậy nên, chẳng thể đặng đừng nhưng làm sao ngăn được, chẳng muốn thảng thốt song làm sao im lặng mãi mãi, cảm giác “tiếc”, nuối tiếc vì uổng phí, vì mất công mất của, mất thời gian và ngày xanh tuổi trẻ, đã bùng lên thật dữ dội đến khôn nguôi: “tiếc hoài”.

Không cách nào để diễn giải, cắt nghĩa trọn vẹn tâm trạng “tiếc hoài” này, chưa kể, “giếng sâu”, “giếng cạn”, “sợi dây”… hẳn nhiên hàm nghĩa ẩn dụ, cũng gây nhiều lúng túng, băn khoăn. Như thế, chỉ hai câu mà bài ca dao đã ẩn chứa bao cảm xúc, tâm tình, đã không chỉ thổ lộ tiếng nói nội tâm mà còn khéo léo sử dụng ngôn từ sao cho người nghe chưa thể hiểu ngay, phải phỏng đoán và giải mã, bình luận.

Một bài thơ dài, “Thánh nữ đồng trinh Maria” của Hàn Mặc Tử, sáu mươi hai câu, thì trở nên phức tạp hơn vì tập hợp hình ảnh và xúc cảm ở đây như thuộc về cội gốc Ki-tô giáo, nguồn cảm hứng và tri thức ảnh hưởng mạnh mẽ, dài lâu đối với thi nhân tài hoa này: Thiên Đàng, thiên thần, thánh, Mẹ, Mẹ Sầu Bi, Bà, Đấng, truyền thánh, sứ thần, Thánh Nữ, Hàn Giang, Phượng Trì, ơn phước, bạch lạp, trí miêu duệ… Cũng là cảm xúc nhưng rõ ràng, Hàn Mặc Tử bắt đầu từ trạng thái hướng thượng và ngợi ca Đức Mẹ, từ nỗi khao khát được cứu rỗi, giải thoát linh hồn đang lâm vào cô độc, đau khổ.

Chàng thi sĩ tự bộc bạch niềm giao cảm thiêng liêng: “Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!/ Run như run thần tử thấy long nhan/ Run như run hơi thở chạm tơ vàng” và đạt đến tinh thần viên mãn vì được chịu ơn trên, phép thánh: “Tôi no rồi, ơn võ lộ hòa chan/ Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ/ Ngọc như ý vô tri còn biết cả/ Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh”.

Nếu phải diễn giải bài thơ, có lẽ chúng ta sẽ làm vỡ vụn các xung động, thanh âm, những ngôn từ chắt lọc, tinh khiết, những đức tin tôn giáo chân thành và đắm đuối mà tác giả phổ kết trong đó. Nhưng có điều, dẫu chỉ thoáng qua, người ta thầm hiểu rằng, Hàn Mặc Tử đang làm thơ, lấy thơ để vừa siêu hình vừa cụ thể hóa niềm hạnh phúc, lòng hiếu tri thờ phụng Ki-tô của mình.

Phải chăng, thơ là mật ngữ bí ẩn muôn đời, là phút khải thị của kẻ bề tôi trước vũ trụ, trước các đấng bề trên cao cả thiêng liêng nên sẽ không thể gói gọn trong một khái niệm, định nghĩa dễ thường cứng nhắc, khô khan? Tính chất khó diễn giải của thơ ca, nói như Paul Valéry, “một ngôn ngữ trong một ngôn ngữ”, khiến nó chỉ có thể vang lên trong một ngôn ngữ mà nó sử dụng, ít khi được chuyển dịch một cách trọn vẹn sang thứ ngôn ngữ khác. 

Một bài thơ của Trần Dần.

2. Đa số lời chê bai “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” tập trung ở phương diện ngôn từ của bài thơ: chúng đơn giản, vụng về, có phần ngô nghê, không có “thủ pháp” nào. Nhưng Tòng Văn Hân không hoặc chưa chủ trương làm thơ là phải thôi xao ngôn từ, làm chữ, làm thủ pháp. Có thể anh, một người Thái đen, cũng không đồng tình với quan điểm của các nhà thơ chuyên viết tiếng Việt “lời lời châu ngọc” mới là “thơ hay”. Hơn nữa, ngôn từ/ câu chữ không phải là vật liệu duy nhất tạo nên tính thơ.

Một bài thơ hoàn toàn có thể mở ra những cách thể hiện khác nhau, không chỉ hiện hữu dưới hình thức câu chữ, khổ đoạn đều đặn mà nhiều khi là bằng hình ảnh, nét vẽ, nghĩa là những kí hiệu vật chất phi ngôn từ. Trong thơ Việt Nam hiện đại, cách thể hiện những bài thơ “không lời” của Trần Dần, thơ “thị giác” của Dương Tường đi ngược với các dạng thơ truyền thống. Các bài thơ “thị giác” của Dương Tường, ngoài hình khối và đường nét, còn có sự xuất hiện của các chữ kí, các chân dung có thật hay các mảnh giấy, báo được cắt dán một cách khá tự do, phi trật tự.

Vì tập trung vào thị giác nên các bài thơ này đánh thức mĩ cảm và sự liên tưởng đến các loại hình nghệ thuật khác như kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh. Từ đó, “bài thơ” không tồn tại biệt lập, đơn thuần trên văn bản mà khơi gợi những khoảng trống, khoảng trắng ngoài văn bản. Nếu định nghĩa rằng thơ là văn bản ngôn từ trên trang giấy/ trang in thì sẽ gọi những tác phẩm của Trần Dần, Dương Tường như thế nào? 

Thực ra, những thử nghiệm của Trần Dần, Dương Tường không phải là duy nhất. Nhà thơ Herta Müller, người từng đạt giải Nobel Văn chương năm 2009, cũng nổi tiếng với loại thơ “cắt dán” (poetry collages) độc đáo. Bà đã dùng chính cái kéo cắt móng tay thường ngày của mình để cắt những chữ, ảnh trên báo và biến chúng thành tác phẩm của mình. Mỗi một tác phẩm của Herta Müller đôi khi bị xem là mơ hồ, tùy tiện hoặc tối nghĩa, nhưng theo chính giải thích của bà, nhờ lối trình bày đó, bà tái hiện được những gì mình từng kinh qua dưới chế độ độc tài Nicolae Ceausescu. Herta Müller luôn bị ám ảnh với các thiết chế đàn áp, khủng bố nên thơ “cắt dán” có thể hiểu như một chỉ dẫn về sự hoảng loạn, mất kiểm soát, một nỗi sợ hãi ngấm ngầm.

Như vậy, bên cạnh ngữ nghĩa với tư cách là vật liệu chính tạo nên thơ thì bài thơ còn tồn tại các đặc trưng phi ngữ nghĩa (non-semantic features) như nhịp điệu, vần điệu, thanh điệu, âm, cú pháp, tu từ,... Mặt khác, việc trình bày một bài thơ trên trang giấy, bao gồm cả những vật liệu phi ngôn từ, cũng là một yếu tố làm nên thơ và làm cho thơ biến đổi ngay khi vừa xuất hiện. Sự biến đổi ngày càng khác biệt đó đã bổ sung, nới lỏng không ngừng một số đặc trưng thơ vốn dĩ được xem thể loại gốc của sáng tạo văn chương từng song hành hàng ngàn năm cùng đời sống nhân loại. Nếu tự giới hạn các hình thức thơ thì rất dễ đồng nghĩa với tình thế ngăn trở các khả thể biến đổi, đa trị của thơ trong lịch sử nghệ thuật sáng tạo văn chương.

Thơ thị giác của Dương Tường (ảnh trái) và thơ “cắt dán” của Herta Müller.

3. Quan niệm về thơ và “thơ hay” càng phức tạp thì càng kéo theo sự đa dạng của loại hình nhà thơ. Có nhà thơ chăm chú câu chữ, có thi sĩ ưa tìm kiếm bút pháp, lại có người thơ chỉ thích viết ra những thật nhất, gần gũi và chính xác nhất. Trong những phê bình gay gắt về thơ của Tòng Văn Hân, tôi nhận ra tình trạng “Việt tâm luận” tồn tại quá lâu trong văn chương, văn hóa nước ta. Tất cả đều qui chiếu theo trục thẩm mĩ, tiêu chuẩn “hay và đẹp” của thơ tiếng Việt mà không thực sự lắng nghe, đón nhận, tham chiếu những tư duy thơ của các cộng đồng dân tộc khác. Cơ hội đến với anh Tòng Văn Hân, theo tôi, không chỉ là một giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ, mà còn là một phép thử thật sự với trật tự, uy quyền của thơ tiếng Việt, thi sĩ viết tiếng Việt.

Từ chỗ coi trọng ngôn ngữ thơ ca, nhiều quan niệm quy nhà thơ là một cá nhân có nhiều phẩm chất hơn người, trước sau đều vượt khỏi khuôn khổ con người bình thường, sánh ngang “á thánh” hoặc “thần linh một nửa”! Nhưng tôi tin anh Tòng Văn Hân, sau phép thử hẳn rất “nhớ đời” ấy, anh sẽ vẫn tiếp tục làm những công việc thường ngày, thế tục của mình và tiếp tục làm thơ, một cách tự nhiên, theo đúng quan niệm “thơ hay” của riêng anh. 

Mai Anh Tuấn
.
.