Thì vin cành quýt cho cam sự đời

Chủ Nhật, 04/07/2021, 10:37
Đôi lúc có những chiều, ngồi thừ người và ngước mắt nhìn lên kệ sách. Chầm chậm lướt qua từng tựa sách. Sách dày. Sách mỏng. Tên tuổi quen. Cây bút mới.

Lại nghĩ, nếu ai đó vào thư viện, thống kê lại trong rừng sách ấy, có cả thảy bao nhiêu chữ? Chắc chắn chẳng một ai có thể làm nổi. Ối dào, chữ của các bậc hiền nhân quân tử xưa nay có thể sánh như cát sông Hằng chăng? Có thể lắm. 

Trong số hàng triệu hàng tỷ chữ ấy, không một ai có thể hiểu hết tất tần tật ngữ nghĩa của nó. Đôi khi chỉ một chữ/ một từ nhưng dẫu đằng đẵng canh thâu vò đầu bứt tóc, ngày rộng tháng dài nung nấu tâm can, tập trung suy ngẫm, suy nghĩ, suy luận nhưng rồi cuối cùng cũng chào thua. Khó có thể “chốt hạ” dứt khoát. Thí dụ:

Đào tiên đã bén tay phàm

Thì vin cành quýt cho cam sự đời

Xin hỏi, trong câu thơ này, đại thi hào Nguyễn Du đã kể đến bao nhiêu loại trái cây? Khoan vội trả lời, trước hết, ta hãy dừng lại ở từ bén. Dễ ẹc. Bén còn có từ đồng nghĩa là sắc, ông bà ta từng dặn dò: “Dao sắc không bằng chắc đòn kê”; có câu dù không xuất hiện từ sắc nhưng ta vẫn ngầm hiểu nó rất bén như “Dao thợ cạo, áo cô đầu”. 

Bén có nhiều nghĩa, chẳng hạn, một người sau khi vào ăn quán nọ, thở dài: “Ối dào, quán xá quái quỷ gì mà chém bén quá”. Ta hiểu, dao sắc là dao bén, bén lẹm là rất bén mà “chém bén quá” lại được hiểu sau khi ăn xong cầm hóa đơn, thực khách choáng váng bởi giá tính tiền cao ngất. Cao đến độ, họ tối tăm mặt mày, chớ hòng dám… bén mảng tới lần nữa. 

Do dao bén, chém đâu là đứt đến đó nên còn gọi là “chém đẹp”. Đẹp đến độ, hễ nghe ai nhắc đến quán đó, họ chạy mất dép. Chạy bén gót. Bén lại còn có cách hiểu khác, tùy ngữ cảnh:

Bao giờ cho gạo bén sàng

Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh

Câu ca dao này có 3 từ bén, ta hiểu bén ở đây là gặp, dính, tiếp xúc, chạm vào nhau như từ bén trong câu thơ Kiều: “Đào tiên đã bén tay phàm”. Nhưng “cho nàng bén anh” còn hàm nghĩa bao giờ nàng “phải lòng” anh, là hợp cạ, ưa thích nhau, dính với nhau như “Quen hơi bén tiếng”, “Bén duyên tóc tơ”, “Lửa bén hương lây” là cách nói bóng gió - nhằm ngụ ý về duyên vợ chồng.

Trái nghĩa với bén/ sắc bén là cùn, còn hàm nghĩa kém cỏi, vụn vặt. Lý sự cùn là dù đuối lý nhưng vẫn gân cổ cãi chày cãi cối bằng lý lẽ không có căn cứ, chẳng đâu vào đâu, nghe không lọt lỗ tai, nói như người Quảng Nam đó là lối “cãi dóng”. Nghe lạ tai nhỉ? Nói lái, xem sao. 

Ngoài cùn, có thêm từ khác là nhụt - còn hàm nghĩa đã giảm bớt nhuệ khí, không còn hăng hái như trước. Ở Quảng Nam không gọi nhụt mà lại gọi lụt hoặc ra còn có từ đùi, đùi nhây là chỉ cấp độ cao hơn, tức con dao ấy đã cùn, đã lụt, đã nhụt nếu muốn sử dụng phải mài lại cho sắc/ bén. Với các từ trái nghĩa này, ta có thể tìm thấy trong tục ngữ như “Chổi cùn rế rách”, “Dao cùn rựa cụt”, “Dao cùn thớt trũng”…

Về câu thơ “Truyện Kiều”, ta thấy có từ quýt: “Thì vin cành quýt”. Quýt từ quất Hán - Việt mà ra, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho biết. 

Tuy nhiên, quýt còn là từ mà ngoài Bắc ngày trước dùng để chỉ đứa trẻ giúp việc nhà, tựa như trẻ gái gọi con sen. “Thằng quýt con sen” là cụm từ như dùng để chỉ  osin ngày nay. Bởi thế, trong truyện ngắn “Thằng Quýt” (1931), nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: “Ông nuôi một thằng đầy tớ rất nhanh nhẩu, khỏe mạnh. Nó bảo từ thuở bé, nó vẫn tên là thằng Quít. 

Cái tên xấu xí ấy, nhiều lần ông Dự muốn đổi, để gọi cho đỡ có vẻ giai cấp. Vì ông khoe rất yêu chủ nghĩa bình dân. Nhưng đến tám tháng nay, có lẽ ông chưa có thì giờ nghĩ, nên tên nó vẫn cứ nguyên văn là thằng Quít”.

Không những thế, người ta còn dùng từ gì khác? Bài thơ “Sai thằng Cam” của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều, có câu:

Cam chóng ra thăm gốc hải đường,

Hái hoa về để kết làm tràng.

Những cành với nhánh đừng vin nặng,

Mấy đóa còn xanh chớ bẻ quàng.

Ta hiểu là ông chủ nhà sai thằng bé tên Cam? Không, ngoài nghĩa chỉ về trái cây “Chẳng chua cũng thể là cam/ Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây” thì cam còn có: “Nghĩa nữa là tên thông dụng để gọi những đứa ở trai: Thằng cam thằng quýt” (Việt Nam tự điển, 1931). 

Tại sao nhằm chỉ trẻ giúp việc nhà lại sử dụng từ quýt, cam với sen? Câu trả lời không dễ dàng. Do cách gọi này, cũng tựa như “Mới: Tiếng thông tục để gọi thằng mõ trong làng” (Việt Nam tự điển, 1931). 

Trong truyện ngắn “Nghệ thuật băm thịt gà”, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Mọi người ngồi yên, một ông đàn anh ra lệnh: “Hàng xóm đã đến đông đủ! Thằng Mới đem làm cỗ đi!”. Thì ra cái người đội mâm xôi gà lúc nãy chính là mõ làng”. Rõ ràng, Quýt, Sen, Cam, Mới không phải là tên riêng, chỉ là mặc định về cách gọi của hạng người đó.

Trở lại với câu thơ: “Đào tiên đã bén tay phàm”, có phải do đã có đào/ đào tiên nên ở câu nối tiếp, cụ Nguyễn Du mới sử dụng từ quýt và cam -  “Thì vin cánh quýt cho cam sự đời” như một cách chơi chữ?

Ảnh L.G.

Xưa nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tranh luận nát nước nhưng vẫn chưa ai tâm phục khẩu phục ai. Ở đây, xin đưa ra cách giải thích của cụ Hồ Đắc Hàm - Tư nghiệp Quốc tử giám: “Quýt là cụp xuống, cam là thỏa thích. Hai câu này Giám Sinh nghĩ đào quý hóa của tiên ăn mà đã vào tay mình là người phàm trần, thời mình phải vin cành đào mà quýt xuống cho thỏa thích cái sự đời của mình. 

Vậy thời tiếng quýt và tiếng cam không phải là hai thứ cây: nhưng mượn tiếng mà dùng trong câu này để đi sóng với tiếng đào cho vui tai dễ nghe, thế cũng là một lối làm văn gọi là bàng thấn” (Kiều truyện giảng giải, Nhà in Đắc Lập - Huế, 1929, tr.65).

Thế nhưng, hiểu “quýt” theo nghĩa “Quýt là cụp xuống”, thú thật, tôi đã tra cứu nhiều từ điển nhưng không thấy ghi nhận. Phải chăng cụ Hồ Đắc Hàm nghĩ “quýt” cũng chính là “vít”, tức kéo xuống như vít cành cây? Còn vin là gì? “Với tay mà kéo, níu: Vin cành cây hái quả. Nghĩa rộng: Dựa vào, níu lấy: Vin vào lẽ mà cãi cho được” (Việt Nam tự điển, 1931). Với cách giải thích này, ta nhớ đến câu tục ngữ như “Bé chẳng vin, cả gẫy cành”; hoặc ca dao như: “Công anh đắp nấm trồng chanh/ Chẳng ăn được quả vin cành cho cam”...  

Trong tâm thức người Việt, quýt thường đi chung với cam. “Quýt làm cam chịu”, chính là sự vận dụng mối quan hệ này, ta hiểu là hai loại trái cây, không sai, hiểu theo nghĩa bóng khi người này làm việc chớn cháo gì đó nhưng kẻ kia bị vạ. Cái hay của câu này còn nhấn mạnh cả hai cùng thân phận như nhau, tỷ như, “Con mèo xáng vỡ nồi rang/ Con chó chạy lại nó mang lấy đòn”. 

Cùng là hạng cam quýt, chó mèo thấp cổ bé họng mà chịu với nhau; chúng mày cùng một bè một giuộc, chứ còn ai vào đây nữa? Oan đấy, kêu lên, ai thèm tin? Một câu nói của người xưa, ngụ ý nhiều điều, từ đó, ta có thể nhìn rộng ra vấn đề khác nữa nhưng nói gì thì nói, thân phận nghèo hèn khi gặp chuyện vẫn thiệt thòi hơn cả. 

Với từ quýt, thú thật, tôi rất thích từ quấn quýt. Phải đặt nó trong bối cảnh của tình yêu đôi lứa, lúc trăng non hẹn hò tình ái, lúc “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (Thế Lữ) thì mới thấy dịu vợi vô cùng:

Anh thương em

Thương quấn, thương quýt

Bồng ra gốc mít

Bồng xít gốc chanh

Bồng quanh đám sậy

Bồng bậy vô mui

Bồng lui sau lái

Bồng ngoái trước mũi

Để em nằm xuống đây

Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng

Miệng đắng cơm hôi

Tiếc công anh đỡ đứng, bồng ngồi

Bây giờ em vinh hiển

Mà em nỡ đoạn rời phu thê

Từ “Thương quấn, thương quýt” bật lên tiếng nấc ai oán làm sao. Nếu quấn đã tách khỏi quýt, quýt tách rời với cam thì đời còn gì vui? Sống ở đời, phải là: “Ăn bưởi lại nhớ đến bòng/ Ăn cam nhớ quýt, ăn hồng nhớ nhau”. Câu ca dao này, chơi chữ thiệt hay: “Mẹ em khéo đẻ em ra/ Đẻ em gốc bưởi cho ta đèo bòng”. Bởi có bưởi nên mới nảy sinh ra cái ý nhắc đến loại trái tương tự là bòng, nhưng ở đây lại là “đèo bòng” hoàn toàn lái sang nghĩa khác. 

Không chỉ cam/ quýt; bưởi/ bòng; còn có cả “đôi bạn cùng tiến” như vả/ sung: “Lòng vả cũng như lòng sung”; hoặc chanh/ khế, lựu/ lê: “Có đâu chanh khế sánh cùng lựu lê” (Lục Vân Tiên). Thú vị thiệt. Nhưng lan man cà kê dê ngỗng, không khéo “Dây cà ra dây muống”, vậy nên ta hãy quay lại với:

Đào tiên đã bén tay phàm

Thì vin cành quýt cho cam sự đời

Vâng, bấy giờ Mã Giám Sinh đang trong hoàn cảnh hoàn toàn chủ động, có quyền tự tung tự tác nhằm “ăn tươi nuốt sống” nàng Kiều, thì cách giải thích của cụ Hồ Đắc Hàm vừa nêu trên xét ra có lý chứ? Tưởng có lý nhưng thật ra lại không, bởi vì “Đào tiên đã bén tay phàm”, đã bén, đã chạm vào tay rồi thì việc gì phải vin/ níu/ kéo cành quýt cho “cụp xuống”?

Trộm nghĩ, hai câu này diễn ra trong ngữ cảnh khi Mã Giám Sinh gặp Kiều, thấy nàng mơn mởn “ngon lành cành đào”, ngon như “đào tiên”. Hắn ta muốn tận hưởng, muốn giở trò làm liều chiếm đoạt nhưng do còn sợ Tú Bà nên ngần ngừ rồi tự nhủ, tự trấn an đó thôi. Lý lẽ hắn ta vin vào đó, cụ Nguyễn Du dùng cụm từ “cành quýt/ vin cành quýt” là thứ tầm thường đối lập với hạng thượng thặng là “đào tiên”. 

Nói cách khác, thứ “quýt” đó, chính là lý lẽ: Ta đây cứ sỗ sàng sấn tới mây mưa, vùi hoa dập liễu, bởi “Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”. Bọn đó gà mờ lắm, không phải tay nào cũng biết đâu là hoa trinh nguyên đầu mùa phơi phới; đâu là hoa thừa, cuối mùa đã lăn lóc thập thành chung chạ. Vậy, sau đó, “tân trang” lại mấy hồi. Dễ thôi, đơn giản chỉ là:

Nước vỏ lựu máu mào gà

Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên

Đáng sợ nhất vẫn là mụ Tú Bà - mụ vợ già này mồm mép xoen xoét, mặt dày mày dạn, già đời buôn hương bán phấn mới khiếp. Nhưng cũng không sao, chuyện này vỡ lở ra, bất quá ta đây chỉ “Liều công mất một buổi quỳ mà thôi”. 

Nếu dừng ở đây, diễn tả về tâm lý gã lưu manh họ Mã đã hay nhưng Nguyễn Du còn “cao cơ” hơn một bước nữa là đặt vào trong óc hắn ta suy nghĩ: “Vả đây đường sá xa xôi/ Mà ta bất động nữa người sinh nghi”. Ta dẫu không làm gì, chỉ “ngủ chay” đi nữa liệu ai tin? Thiên hạ nghi ngờ khối ra đấy.

Với toàn bộ lý lẽ “cành quýt” này, hắn ta ắt chặc lưỡi: Chà, thôi thì… Sự đời nó vốn thế, dẫu thế nào cũng “cam sự đời”. Cam trong ngữ cảnh này, hiểu theo nghĩa “Chịu, đành, xin bằng lòng” (Việt Nam tự điển, 1931). Một khi làm việc gì đó “cho thỏa thích cái sự đời của mình”, sử dụng từ cam là hàm nghĩa “có chơi có chịu thì liệu mà chơi”, ráng chịu, dẫu có thế nào cũng đành lòng chấp nhận.

Vậy, bạn mình ơi, tóm lại ở hai câu thơ trên có cả thảy bao nhiêu loại trái cây? Xin nhường câu trả lời cho bạn. 
Lê Minh Quốc
.
.