Hướng tới kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2012)

Thật thà cầm bút, tôn trọng sự thật

Thứ Ba, 19/06/2012, 14:56

Nghiên cứu “Toàn tập Hồ Chí Minh”, tôi đã chú ý tới một điều: ngoài những câu kinh điển như “cần kiệm liêm chính” hay “đạo đức cách mạng”, có một trạng từ xuất hiện không chỉ một lần trong các bài viết của Người: đó là “thật thà”.

Bác viết: “thật thà đoàn kết”, “thật thà phụng sự”, “thật thà tự phê bình và phê bình”, “thật thà yêu Tổ quốc”, hay “thật thà quan tâm đến đời sống của nhân dân”... Với thiếu nhi, Bác dạy: “Thật thà, dũng cảm”. Với thanh niên, Bác dạy: “Cần phải trung thành, thật thà, chính trực”...

Với các nhà báo nói riêng và với những người làm công tác tuyên truyền nói chung, có lẽ một trong những điều mà vị lãnh tụ anh minh của dân tộc muốn nhắc nhở nhất là “thật thà cầm bút” và “tôn trọng sự thật”. Ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Bác Hồ đã nghĩ tới việc phải ngăn chặn và loại trừ căn bệnh “giả lễ Chúa Mường”, “nói vậy mà không nghĩ vậy” hay bệnh hình thức, hay thói nói với làm khác nhau. Hơn ai hết, vị lãnh tụ anh minh đã hiểu được rằng, những câu khẩu hiệu hay ho nhất, những tín điều thiêng liêng nhất nếu không được quán triệt một cách sâu sắc và đích thực thì rất dễ bị dùng làm chiêu bài để phủ lên những việc làm lắm khi thực chẳng như danh.

Ngày 8/1/1946, khi trò chuyện với các cán bộ thuộc Bộ Tuyên truyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã nhấn mạnh: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thật. Có nói sự thật thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe...”.

Bác Hồ luôn muốn các cán bộ của chính quyền mới, chính quyền  nhân dân, phải làm việc thực sự trên tinh thần vì dân vì nước, chứ không phải vì lợi riêng mà quên nghĩa lớn, chỉ nói điều mình thực sự nghĩ, thực sự hiểu, thực sự giác ngộ. Trạng từ “thật thà” hay được Bác dùng là bởi vậy chăng. Với các nhà báo của chế độ mới, thật thà cầm bút tức là phải thực hiện thiên chức của mình một cách đúng đắn nhất trên quan điểm vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc.  Trong cách nghĩ của Bác Hồ, như thế tức là phục vụ chân lý, vì “chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”.

Nhà báo, cũng như các văn nghệ sĩ khác, trong chế độ ta cần phải xác định được rõ nhiệm vụ của mình, như Bác Hồ đã viết trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, phải “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Và để làm được việc này, cần “có lập trường vững, tư tưởng đúng”, tức là “phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Không có báo chí không giai cấp, không có báo chí vô chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962). (Theo cuốn 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam).

Viết làm gì?

Tờ báo đầu tiên được nghĩ ra có lẽ chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin. Như vậy mục đích đầu tiên và trên hết của nghề làm báo phải là sự xác thực. Sự thật phải là bản chất của báo chí. Một dân tộc biết được sự thật về bản thân và về thế giới xung quanh thì có đủ thông tin để lựa chọn lối đi cần thiết cho mình, mới thoát khỏi cái tiếng là “dân tộc dốt”. Ngay từ năm 1945-1946, trong bài Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã nhận xét: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhà báo chân chính hơn ai hết phải hiểu rõ nhiệm vụ cung cấp sự thật của mình cho người đọc “để  giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình” như Bác từng dạy trong bài giảng tại lớp chỉnh Đảng trung ương ngày 17/8/1953.

Và cũng vì thế nên nhà báo luôn luôn cần phải nắm chắc chủ đề mà mình đề cập tới. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, phần Chống thói ba hoa viết tháng 10/1947, Bác đã nhấn mạnh: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Phải có góc nhìn đúng đắn vào sự việc thì mới có thể viết đúng sự thật. Viết ra sự thật không phải chỉ để giải trí mà trước hết để giáo dục những con người mới cho chế độ mới.

Không ngẫu nhiên mà tháng 3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, lúc đó đang là Giám đốc Sở Công an Khu XII và đã gửi biếu Bác một tờ báo Bạn dân (nội san của Công an khu XII) số Tết, Bác đã đề ra những nguyên tắc về tư cách người công an nhân dân và nhấn mạnh: “Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”. Và Bác cũng đã nói rõ rằng, muốn nói chuyện đạo đức với người khác thì mình không thể nào không làm theo những tiêu chí mà mình đã đặt ra: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý” (Thế nào là chính, ngày 2/6/1949, đăng trên báo Cứu quốc).

Không phải lúc nào viết ra sự thật cũng là việc dễ dàng và được vỗ tay ngay lập tức. Sự thật hay mất lòng, đó là điều ai cũng biết. Nhà báo chân chính phải có lòng dũng cảm thực sự của một chiến sĩ, phải có tính chiến đấu để nói ra sự thật và để kiểm chứng cái sai có bị trừng phạt không, cái đúng có được tôn trọng không trong thực tế. Năm 1953, Bác đã lưu ý tới hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” khi báo chí đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực: “Từ khi Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi mà không kiểm tra, những cán bộ và cơ quan bị phê bình thì cứ im lặng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa”.

Còn trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Bác đã đặt ra tiêu chí cho việc đấu tranh phê bình trên báo chí: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”...

Viết cho ai?

Tờ báo nào sinh ra cũng để phục vụ độc giả, “cho đại đa số”. Trước đã thế và nay cũng vẫn thế. Nhưng ngay cả trong cơ chế thị trường, báo chí ở nước ta tồn tại và phát triển cũng không phải để đơn thuần tăng giá trị kinh tế nhờ tăng số lượng phát hành, mà trên hết phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình: phục vụ quyền lợi của nhân dân, của quốc gia. Vừa tăng lượng phát hành, vừa tăng chất lượng thông tin là hai nhiệm vụ gắn liền với nhau khăng khít của mọi tờ báo đích thực. Báo chí cách mạng cũng là vũ khí phục vụ quyền lợi của nhân dân lao động, chứ không phải là nơi để các nhà báo đơn thuần múa bút cho thỏa chí tang bồng như Bác từng phê phán trong bài nói tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình trên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”... Cũng như “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” mà là tổ chức “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân” như trong lời phát biểu kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951.

Cũng xin nhắc thêm là Bác Hồ từng có một ý tưởng rất hay về Đảng như một khối đại đoàn kết dân tộc: “Nếu cần đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. (Bài Trả lời các nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946).

Viết như thế nào?

Có nhiều cách viết. Bác từng dạy là cần phải tránh cái lối viết “rau muống”, chớ ham dùng chữ, phải viết gọn gàng vắn tắt nhưng không được cụt đầu, cụt cuối... Bác cũng dạy phải viết thiết thực “nói có sách, mách có chứng”... Nhưng có lẽ điều Bác dạy mà ta cần thấm thía nhất là khi làm báo, nhất là trong những bài mang tính đấu tranh, cần luôn tâm niệm một nguyên tắc đạo đức mà sách xưa đã dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Chân lý này hôm nay không cũ và có lẽ không bao giờ cũ đối với những ai muốn làm nhà báo chân chính

Chính Nhân
.
.