Tết Hà Nội qua nhật ký Lưu Quang Vũ

Thứ Tư, 29/01/2020, 10:15
Chúng tôi xin trích giới thiệu một số trang nhật ký Lưu Quang Vũ đã ghi lại không khí và hương vị những ngày tết Hà Nội năm 1965, khi đó anh đang là cậu học sinh lớp 10H Trường Hà Nội B, nay là Trường Việt Đức.

Anh trai tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có thói quen ghi nhật ký rất đều đặn. Nhật ký Lưu Quang Vũ viết trong thời gian 3 năm học cấp III cho đến những tháng ngày đầu tiên bước vào cuộc đời quân ngũ (từ 1963 đến 1965) không chỉ ghi lại những sinh hoạt đời thường, những hoạt động ở trường lớp mà còn bộc lộ những suy nghĩ về con người, cuộc sống xã hội và văn chương nghệ thuật. 

Cái nhìn của anh về sự đời vượt xa tầm hiểu biết của một chàng thiếu niên mới lớn. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số trang nhật ký Lưu Quang Vũ đã ghi lại không khí và hương vị những ngày tết Hà Nội năm 1965, khi đó anh đang là cậu học sinh lớp 10H Trường Hà Nội B, nay là Trường Việt Đức.

Nhật ký ngày 21-1 anh viết: "Mùa xuân sắp về rồi. Lá cây đã bắt đầu nở những chồi non xanh mươn mướt. Chiều đi lao động ở Bờ  sông. Tối đi nghe nhạc ở Nhà hát Lớn: Đoàn nhạc giao hưởng biểu diễn, dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Đức -  Bản giao hưởng số 6 (giao hưởng đồng nội) và Côngxéctô cho violon (Tạ Bôn kéo) rất hay. Hôm thứ ba vừa rồi, đã đọc điểm tổng kết học kỳ 1. Điểm mình không có môn nào kém cả. So với lớp thì vẫn là tốt, nhưng học kỳ 2 phải chăm hơn nhiều. Sáng nay làm văn 3 tiết, đề bài là một câu của Atrốpxki. 

Nhật ký ngày 22-1: "Hơi mệt. Chiều đi cạo đầu. Sắp tết rồi. Hôm nay phố phường Hà Nội đã loáng thoáng những tờ tranh tết. Ôi, mùa xuân...". Ngày  23-1: "Sắp nghỉ, lớp học mấy hôm nay cũng xôn xao, đã có đì đùng pháo nổ, chẳng học hành gì cả. Chiều có Vinh, Thủy, Dung, Tiến đến nhà mình làm báo, về sau có thêm Bách. Muộn mới về, mình và Tiến lại ngồi trang trí, kẻ chữ. Mình ngồi viết bản báo cáo về văn cho đại hội học tập tốt. Phạm Hiển đến ngồi chơi một lúc. 11 giờ, đưa Tiến về. Phố vắng, trắng sương mù.

Gia đình Lưu Quang Vũ, Tết năm 1975.

Từ nhà Tiến về, gặp Hiển, Thiện ở đường. Đưa Phạm Hiển về tới nhà. Khuya, hương mùa xuân thoang thoảng đâu đây trong gió rét? Ở đất ấm hay ở những bông hoa nở sớm? Đêm khuya này thật là đẹp. Về, ngồi vẽ mấy khối tranh dân tộc cho tờ báo. Đã mấy lần làm báo tết rồi đây cậu Vũ ơi! Lòng xôn xao khó tả. Mãi gần 1 giờ mới đi nằm mà không ngủ được". 

Ngày 24-1. Chủ nhật: "Dậy sớm, lại ngồi vẽ báo. Tiến, rồi Vinh, Thủy, Dung lại đến. Tờ báo đã xong, tuyền là bài mấy đứa viết lấy. Ngồi bàn chuyện linh tinh. Bản "Văn" thế là cũng đã xong. Nhà đang chuẩn bị mua hàng tết. Sáng chủ nhật tấp nập người muôn thuở của Thăng Long, nhất là những ngày giáp tết như hôm nay. Đường đông vui quá. Lần đầu tiên mới nói chuyện với Thủy. Thế mà mình đã bị chúng nó chế từ lâu rồi đấy. 

Sáng nay sao mà yêu đời quá. Ra chợ Đồng Xuân, hoa đào đã bắt đầu bán. Cùng Tiến, Vinh đứng nói chuyện với Huy, một cậu học đầu năm ở 10H, nay đã thôi học. Huy bảo: "Chúng mày đang học thì thấy chán, chứ thôi rồi thì mới thấy buồn tiếc, da diết thế nào ấy". Tạm biệt bạn, mua một cành đào nở sớm. Đón xuân sớm càng hay chứ sao? Cùng Tiến ra Bách Thảo chơi một lát, trời trong sáng. Muôn cây ngàn lá xanh tươi. Chiều đi nghe Đơn ca và Độc tấu ở Hồng Hà, có mấy bản nhạc và bài hát nước ngoài, hay quá: Dân ca Ý, Sô nát Ánh trăng của Betthoven, Ru con của Môza ... 

Về, lại đạp xe đi mua hàng tết cho mẹ. Sang bên trụ sở liên hoan với thanh niên khối phố nhân dịp cuối năm, chúng nó tổ chức bún chả, không khí có vẻ vui nhưng mình không quen cái không khí "khu phố" này, ít trí thức quá. Chỉ nói chuyện với Tuyết, một học sinh Hà Nội A cũ và một tay đang học ở lớp 10A bây giờ. Khuya về, nằm đọc sách. Bố mới mua quyển "Nghệ thuật Hội họa và điêu khắc cổ đại, Trung cổ, Phục hưng". 

Ngày 25-1: "Hôm nay 23 tháng Chạp rồi. Ngày ông Táo lên chầu giời đấy. Chiều, đi tập văn nghệ với tổ ở nhà Thảo. Cái mạn trên "Hà Nội cổ truyền ấy", tết sắp đến, vẫn có cái vẻ hay riêng thế nào ấy. Tập văn nghệ xong, ra bờ sông tưới đỗ. Chiều thật là đẹp. "Ngô xanh ngắt bãi phù sa/ Gió mát rượi sông Hồng Hà/ Mùa xuân đến rồi! Chim én/ Bay về, từ những núi xa...". Về, đi đón Thơ trong hoàng hôn vội vã. Tối, ngồi viết ít thiếp chúc mừng năm mới. Nghe đài phát thanh có tiết mục Táo quân miền Nam". 

Ngày 27-1 (25 Tết): "Ngày nghỉ đầu tiên. Sáng dậy, làm một số việc nhà, rồi lại lang thang đi ra đường, tìm lên mậu dịch mua ít giấy vẽ. Lúc về gặp Dũng, K. Cường. Chiều tắm giặt xong, lên bà một chút. Đạp xe ra Đồng Xuân xem hoa tết. Vòng qua mạn Hàng Cân, Hàng Bồ, xem các ông Đồ ngồi viết câu đối tết. Hình ảnh đậm đà và quen thuộc của dân tộc ngàn xưa. Những ông già tóc râu bạc trắng, chiếc áo lưng dài, chiếc khăn xếp, và những màu giấy đỏ thắm, nét mực tàu đen nhánh. 

Ngồi nghe những câu chuyện quanh những câu đối tết. Hay thật, phải viết gì về cái này mới được. Sao các năm mình không chú ý tới điều này nhỉ? Mua một ít tranh dân gian chính cống của Đông Hồ đây. Đẹp lắm. Dân tộc mình nghệ sĩ thật. "Bên kia sông Đuống/ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". 

Tối ngồi ghi nhật ký: Trong lòng anh sao xuyến quá Xuân ơi!". Ngày 28-1 (26 Tết): "Sáng đi lên phía chợ Đồng Xuân tìm mua lá dong. Đường đông vui quá. Hàng Đào, Hàng Gai rộn ràng không khí tết. Gặp Phẩm. Cùng vào chợ. Đông quá, chẳng thể nào mua được. Tết Việt Nam có một cái phong vị gì ấm áp, đầy sắc thái dân tộc. Gặp Dung. Về bà rồi đạp xe lên chợ Bưởi, chợ Ngọc Hà, ngắm những luống bắp cải xanh tươi, những gáng hàng tết kĩu kịt, những gánh hoa đào nở rộ sắc mùa xuân. Thứ 6, 29-1(27 Tết):  "Ở vườn hoa Chí Linh về, gặp một ông lão say rượu hò hát ở đường. Ở nhà, đang luộc bánh chưng định thức suốt đêm nay làm thơ bên bếp lửa mà mệt quá không thể nào thực hiện ý định ấy được". 

Thứ 7, 30-1 (28 Tết): "Sao những ngày xuân sắp tới này, nhớ tới miền Nam lạ lùng. Hỏi ta vui sao nỡ, miền Nam ơi, Thơ ta ơi, hãy nhớ! Chiều gởi thiếp mừng năm mới cho T và L rồi đi mua hoa tết, mình chẳng thích ăn uống, may mặc chi cả. Chỉ thú cái đi chơi hoa, chơi phố tết, hưởng cái hương vị náo nức rất thơ của mùa xuân. Hàng Lược, hàng Mã đông nghịt những người. Đủ thứ hoa. Gặp H và N ngồi vẽ. 

Tìm mua mãi mới được một cây chi mai cánh trắng lưa thưa hoa điểm, vào chợ Đồng Xuân tìm mua được một cái lọ gạch đơn sơ màu đỏ cam". Ngày 31-1 (29 Tết): "Ngày Chủ nhật nhưng sáng mẹ vẫn còn phải đi làm. Cùng Châu lên Tổng hợp mua giấy vẽ. Gặp Hạnh, chiều dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Thôi, đáng nhẽ viết tiếp cuốn sổ này, nhưng mai là 30 Tết. Mùa xuân mới nở, không thích viết trên một cuốn sổ cũ nữa. Thay nhật ký mới vậy. Cuốn sổ này ghi trong hai tháng 12 và 1".

Lưu Quang Vũ.

Ngày 31-1-1964 (30 Tết): "Hôm nay đã là 30 tết rồi. Mùa xuân đã về rồi đây. Sao trong những ngày giáp tết này, lòng người cứ thấy náo nức lạ thường. Hà Nội đang độ đẹp trời, không khí nhộn nhịp với hoa, với pháo... Xuân này đến, đối với mình, càng có nhiều điều đáng ghi nhớ mùa xuân cuối cùng của đời học sinh, sang năm là bay vào cuộc sống rồi. Xuân 1965, xuân Đất nước có bao nhiêu biến chuyển lớn lao "Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao" ngày chiến thắng của miền Nam đã tới gần, năm 1965 sẽ là năm chứng kiến nhiều sự kiện vĩ đại. "Tổ quốc ta có khi nào đẹp như thế này chăng?". Thật là tự hào và hạnh phúc khi mình được sống giữa những năm sôi nổi của đất nước. Biết bao điều thôi thúc lòng ta. Mùa xuân tới, càng gọi dậy những điều tươi đẹp trong tâm hồn...

Sáng nay trời mát và trong sáng. Cùng Tiến đi lên Hàng Mã, Hàng Lược mua hoa. Nhiều hoa quá, những chậu cúc vàng, macgơrít tím, những cây quất trĩu quả, cả một dãy dài nở rộ hoa đào. Người đi mua hoa cũng đông nghịt. Tết năm nay, nhân dân có vẻ ăn tết vui vì một năm vừa qua, ai cũng cảm thấy mình gắn bó với đất nước hơn, gắn bó với yêu thương và đau khổ, với dĩ vãng, hiện tại và tương lai... 

Gặp Nhâm, người bạn gái cùng lớp đang chọn hoa. Mình mua một gốc cúc vàng và hai gốc hoa chi mong mỏng màu tím, màu trắng dìu dịu mát... Ra phố Thuốc Bắc, nhờ viết mấy câu thơ. Tìm đến ông già viết đẹp nhất dãy mà mình đã để ý mấy hôm nay... Ông già cũng đã quen mình, ông có vẻ rất thích khi thấy một cậu thanh niên trẻ tuổi thế kia mà lại yêu những câu thơ cổ, yêu cái nghệ thuật viết chữ cổ truyền này của dân tộc. 

Khi mình đưa ra nhờ ông viết bài thơ "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi" của Hồ Chủ tịch và một đoạn "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, chỉ định nhờ ông viết vào loại giấy thường thôi, nhưng ông lão đưa ra một đôi giấy xuyến rất đẹp, rất quý viết cho mình. Nét chữ ông cụ thật đẹp, khỏe và bay ghê lắm. Ai qua cũng tấm tắc khen. Mấy đồng chí chuyên gia Trung Quốc đứng xem cũng mê lắm. Tết này không ngờ lại kiếm được một thứ quý và đẹp như thế này. 

Ông già có mấy ông bạn râu tóc bạc trắng rất sành thơ nữa, nghe các ông tán về thơ cổ hay quá, từ cái chuyện viết nhầm chữ "hàn tín" (tin rét) ra chữ ông Hàn Tín. Các cụ mình chơi cái gì đều tinh vi thật. Bọn thanh niên lớn lên sau này thật không hiểu, không biết hưởng cái nghệ thuật chơi chữ thanh tao và nho nhã ấy. Ông cụ còn viết cho ba chữ Ất Tỵ Xuân vào giấy đỏ thắm. Trời đã trưa, bái tạ các cụ để ra về. Ông cụ hẹn hôm nào đến chơi (26 Lò Sũ). Chỉ lo ít lâu nữa các cụ đồ này mất đi, lấy ai lưu truyền cái phong vị ấm áp này của Tết dân tộc... Gửi Tiến một tấm thiếp rồi chia tay. Về nhà đã muộn, bố cũng rất mê hai bức thơ phóng khoáng và bay ấy... 

Treo hai bức trướng lên tường, hì hục cắm hoa, dán tranh suốt buổi chiều với bố... Treo lên thấy sáng rực cả nhà: "Ức tích dữ quân tương biệt thì.../ Liễu điều do vị chuyển hoàng lý/ Vấn quân hà nhất quỵ/ Quân ước đỗ quyên đề/ Đỗ quyên dĩ trục hoàng ly lão/ Thanh liễu lâu tiền ngữ ý nhi". Bữa cơm chiều Ba mươi Tết này ăn sớm. Uống rượu ngà ngà đỏ mặt, càng ngắm mấy dòng chữ trên tường càng thấy thú. Ăn cơm xong, ngồi vẽ một lát. Hà Nội chiều 30 nhộn nhịp vô cùng, lòng người náo nức đón mùa xuân say nồng sắp trở lại. Bờ Hồ đã lên đèn, rực rỡ sắc màu trên những cành cây... Một thứ hương gì xen vào rạo rực cả lòng ta? Hương của mùa xuân chăng?...". 

PGS. TS. Lưu Khánh Thơ
.
.