Tết COVID-19 và chiếc bánh chưng một lá
Du học mùa COVID-19
Khi quyết định xa thủ đô Hà Nội, xa gia đình sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh, tôi không thể ngờ rằng hành trình học tập của tôi đã diễn ra vô cùng gian nan trong mùa dịch bệnh. Một giáo sư ở trường tôi học đã qua đời ngay khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên tràn tới đất nước này. Dường như tất cả mọi hoạt động ở trường đều đóng băng. Những dãy hàng lang rộng thênh thang, giảng đường im phăng phắc. Phòng nghiên cứu không ai lui tới, thư viện chỉ lác đác 1-2 người đến lấy tài liệu rồi vội vã ra về. Số ngày tôi đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó chúng tôi học online. Nhưng không vì thế mà cường độ học giảm đi, ngược lại, số lượng bài tập tăng lên gấp 2, gấp 3, vừa để điểm danh, vừa để đảm bảo học viên phải tự giác nghiên cứu.
Tết này, nhà chị Hồng ở Chiba, Nhật Bản đã có lá dong để gói bánh chưng |
Lớp học của tôi chỉ còn ở trên mạng, nhưng thực chất mối liên kết dường như đã tan rã mấy tháng nay. Chúng tôi đến từ các quốc gia khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh và khi dịch bệnh tràn tới thì tứ tán khắp nơi. Nhiều lúc ở phòng trọ, tôi nghĩ đến họ. Không rõ chàng trai trẻ người Trung Quốc bảo lưu học một năm để đi tìm việc thế nào rồi, không biết cô bạn người Ba Lan về nghỉ hè năm ngoái đã quay lại được chưa, rồi anh chàng người Úc mới cưới vợ đã có gì mới… Không biết bao lâu nữa chúng tôi mới gặp lại nhau…
Mùa COVID-19, ở Nhật, niềm vui lớn nhất của tôi là không phải chen chân đứng trên tàu điện 3 tiếng mỗi ngày. Khu tôi ở cách trung tâm Tokyo 50km, bình thường vào giờ cao điểm, trên tàu sẽ có một toa sơn màu hồng dành riêng cho chị em phụ nữ. Những lúc không xếp hàng lên được toa đó, tôi đành "chung vai sát cánh" với các đấng mày râu. Cảm giác chật chội và mùi mồ hôi, mùi rượu bia, mùi nước hoa lẫn lộn luôn làm tôi ái ngại.
Sang Nhật, tôi bắt chước các bé học sinh tiểu học ở đây, tự sắm cho mình chiếc còi báo động và luôn mang bên mình. Những ngày học ca tối, tôi ra khỏi lớp lúc 22 giờ và di chuyển về nhà khi đã gần nửa đêm. Vì là nữ, lại đi học một mình, nên bất cứ lúc nào đi bộ, dù phải đi đường vòng xa hơn tôi cũng chọn con đường an toàn nhất, có đèn chiếu sáng và qua chốt trực cảnh sát thì càng tốt. Nhưng trong những ngày COVID-19, cái còi đã bị vứt xó từ lâu.
Tự cách ly
Mỗi lần gọi điện về nhà, bố lại sốt sắng hỏi tôi: "Khu nhà con ở có ai bị COVID-19 không, có phải cách ly không?". Thú thực tôi không biết và cũng không thể biết được. Tôi thuê phòng ở trong một chung cư 10 tầng, cư dân đa phần là người già. Tất cả các phòng đều hẹp, phòng lớn nhất cũng chỉ có 18m2. Hàng ngày, tivi và báo chí Nhật Bản chỉ công bố tổng số ca nhiễm của toàn thành phố, còn ai bị nhiễm, ở địa chỉ nào, làm việc ở đâu thì đa phần không được công khai chi tiết. Bởi nếu nói rõ địa chỉ, số nhà, tên đường nơi có người nhiễm bệnh sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động buôn bán và cuộc sống của những người sống ở khu vực đó.
Vậy nên, nếu hàng xóm có người nhiễm bệnh, hay tầng trên có người cách ly thì tôi cũng chẳng thể biết được, vì đó là thông tin cá nhân. Thôi thì phòng nhầm còn hơn bỏ sót, cứ giả sử trường hợp xấu nhất là tất cả mọi người sống cùng chung cư đều nguy cơ cao, nên tôi hầu như không nói chuyện, tiếp xúc với bất kỳ ai.
Trong khi ở Việt Nam, những ngày này mọi người ở yên trong nhà, thì người Nhật vẫn lên rừng, xuống biển đi chơi, miễn là đi một mình và bằng xe riêng. Trong công viên, trên sườn đê vẫn có nhiều người tập thể dục, sưởi nắng. Cứ cách 2-3 tiếng người dân lại mở cửa một lần để lưu thông không khí trong nhà. Nếu trời lạnh, chỉ cần mở hé cửa ở hai đầu nhà, hai góc chéo nhau thì càng tốt. Họ cho rằng trong vòng 10 phút, toàn bộ không khí mới sẽ thổi bay không khí cũ.
Tác giả bài viết trên đường phố vắng lặng ở Nhật mùa COVID-19 |
Từ ngày 7-1 đến ngày 7-3-2021, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố trình trạng khẩn cấp (và có thể gia hạn tiếp), các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường, hàng quán đóng cửa sau 20 giờ. Người làm việc công sở thường sẽ đến công ty 2-3 ngày trong tuần, còn lại làm việc ở nhà. Các hoạt động văn hóa, lễ hội chuyển sang hình thức trực tuyến.
Trẻ con vẫn đeo khẩu trang đến trường và tham gia các hoạt động thể thao. Trường lớp từ mẫu giáo đến cấp 3 vẫn hoạt động bình thường. Nếu có giáo viên hoặc học sinh bị mắc COVID-19, trường sẽ được tẩy trùng khử khuẩn và mở cửa trở lại ngay. Phụ huynh nào lo lắng thì có thể xin cho con ở nhà, nhưng số đó không nhiều vì họ không thể nghỉ làm ở nhà trông con.
Vừa mới đây thôi, tôi đã lo lắng thót tim khi nghĩ rằng mình mắc COVID-19. Buổi sáng hôm ấy, nhiệt độ -3 độ C, tôi thấy người mệt, chân mỏi nhừ vì hôm trước đạp xe leo dốc nhiều. Rồi khi họng ran rát, tôi càng thêm căng thẳng, liền chạy ra cửa hàng mua bộ xét nghiệm PCR giá 4.180 jpy (930 nghìn đồng Việt Nam), kiểm tra bằng cách lấy mẫu nước bọt, gửi qua đường bưu điện. Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi lại sau 3 ngày.
Nếu sốt cao thì tôi phải gọi điện tìm phòng khám và xin lịch hẹn trước, thường là lúc tối muộn khi phòng khám vắng bệnh nhân. Trong trường hợp bác sĩ phòng khám có giấy chuyển viện thì mới được nhập viện. Chi phí xét nghiệm COVID-19 trong bệnh viện khoảng 18.000 jpy (4 triệu đồng). Còn nếu muốn khám và xét nghiệm chi tiết hơn, thậm chí có phiên dịch người Việt, sẽ có các gói dao động từ 30.000 - 50.000 jpy (6,6 - 11 triệu đồng), phí xét nghiệm càng cao thì kết quả càng chính xác. May mắn là sau khi súc họng bằng nước muối liên tục và nghỉ ngơi điều độ, tôi dần khỏe lại, yên tâm đón Tết.
Bánh chưng một lá
Tết này cả nhà tôi cùng giữ nguyên vị trí. Tôi ở bên này hạn chế ra ngoài, gia đình tôi ở Hà Nội cũng không đi chúc tết quê nội, quê ngoại như mọi năm. Chúng tôi chúc nhau qua điện thoại. Trong nỗi nhớ gia đình đến cồn cào, tôi đành tự tìm cho mình một cái Tết giữa những ngày dịch bệnh bủa vây.
Ở đây, không quá khó để tìm kiếm hương vị tết quê nhà. Chạy ra cửa hàng hoa, với 500 jpy (100 nghìn đồng) là sẽ có ngay 3 cành đào Nhật (ume) bé xinh rất giống đào ở Việt Nam và cũng nở đúng dịp Tết. Còn nếu muốn có giò chả, bánh chưng, thịt gà, quất bưởi cho đúng chuẩn Tết thì chỉ cần liên hệ qua facebook, cửa hàng bán đồ Việt Nam hoặc các chị người Việt tự làm bán online. Mùa COVID nên mua bán trên mạng càng được dịp nở rộ. Chỉ có điều tìm được shipper khó lắm, tiền công và chi phí đi lại cũng đắt đỏ. Cái khó ló cái khôn, bì thư chính là giải pháp. Bì thư nhỏ 370 jpy (80 nghìn đồng, tối đa 1kg), bì thư lớn 520 jpy (110 nghìn đồng, tối đa 4kg), gửi đồng giá nội địa, đi đâu cũng được, miễn là trong nước Nhật, sau 1-2 ngày là nhận được hàng. Nào bánh chưng, bánh gai, bánh bột lọc, nào giò chả, tương ớt, mỳ tôm... tất tần tật đều được gói gọn trong bì thư để lên đường. Cứ mua sắm tíu tít là đủ hết hương vị Tết!
Năm nay là năm đầu tiên gia đình chị Hồng bạn tôi tự gói bánh chưng dù chị đã sống ở tỉnh Chiba hơn 12 năm. Khỏi phải nói là hai con của anh chị háo hức thế nào. Năm nào khi tết đến, chị cũng muốn gói bánh chưng để bọn trẻ biết cách đón Tết truyền thống ở Việt Nam. Nhưng muốn có đầy đủ nguyên liệu để gói bánh thì không hề đơn giản. Gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu ở Nhật đều có, nhưng khó nhất là lá dong. Đã có lần chị Hồng gói thử bánh bằng lá gừng Nhật, nhưng không thể nào lên được màu xanh và hương vị bánh chưng Việt Nam.
Năm nay, tìm được mối lá dong "made in Vietnam", chị mừng lắm. Lá dong được nhập khẩu bằng từ Việt Nam sang Osaka, rồi từ Osaka đi máy bay mới đến Tokyo và được mang đến tận nhà chị. Có được bó lá dong đúng là "một tiền gà ba tiền thóc". Vì vậy, thay vì gói 3-4 lá thì mỗi cái bánh chị chỉ gói bằng một chiếc lá duy nhất. Tuy bánh chưng được luộc trên bếp ga nhưng vẫn thơm, mềm và đúng vị, dù chỉ có duy nhất một lớp lá dong bao ngoài mỏng như tờ giấy. Tôi vẫn đùa chị Hồng là người gói bánh chưng khéo léo và tiết kiệm lá nhất mà tôi từng biết.
Cũng như rất nhiều gia đình Việt sống ở nước ngoài lâu năm, vợ chồng chị Hồng còn trồng cả một vườn rau Việt Nam với mướp, chanh và các loại rau thơm. Có lần cô giáo giao bài tập "Em hãy kể về gia đình em lúc vui vẻ nhất", con trai chị hồn nhiên trả lời rằng "Gia đình em vui nhất là khi mẹ em vui. Mẹ em vui nhất khi cây khế nhà em ra quả". Cây khế đó phải khó khăn lắm chị mới tìm được và đem về trồng. Mùa đông lạnh có tuyết rơi, chị chuyển cây vào trong nhà, nâng niu chăm chút. Mỗi ngày, nhìn cây khế lớn dần và xanh um, chị Hồng thấy vơi đi nỗi nhớ quê hương Bắc Giang của chị. Tết này, tôi chúc cho cây khế của chị sẽ ra hoa, đậu quả.