Tại sao vị thế Quốc gia không bất biến?

Thứ Sáu, 15/03/2019, 10:55
Hồi còn là một học sinh, học những bài học lịch sử từ "Hội nghị Giơnevơ 1954" hay "Hội nghị Paris - 1973", trong tôi luôn có một thắc mắc rất lớn: Tại sao những vấn đề liên quan đến Việt Nam lại được bàn bạc, mổ xẻ và kết luận ở một nơi cách xa Việt Nam đến vậy?


Nếu những vấn đề "thuộc về Việt Nam" vì một lý do chính trị nào đó không thể được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam thì tại sao không được tổ chức ở những đất nước lân cận, gần gũi về văn hóa với Việt Nam? Để trả lời những câu hỏi như thế, tôi đặt cho mình những câu hỏi mới: Rốt cuộc Giơnevơ có gì? Paris có gì? Và đến lúc này, qua sách vở, thật lòng tôi biết rất nhiều về Giơnevơ và Paris, cho dù chưa từng một lần đặt chân tới đó.

Trong khuôn khổ bài viết này, hẳn nhiên tôi không thể liệt kê lại tất cả những gì mình biết về hai thành phố xinh đẹp và giàu văn hóa này, mà chỉ xin nhắc lại một mệnh đề ai cũng biết: người ta sẽ không tổ chức những hội nghị liên quan đến việc chấm dứt chiến tranh, giải trừ vũ khí ở một nơi vẫn đầy rẫy chiến tranh và vũ khí. 

Người ta cũng không tổ chức những hội nghị như vậy ở những nơi mà nền kinh tế èo uột, đời sống nhân dân bức xúc, vấn đề an ninh an toàn không đảm bảo. Người ta chỉ tổ chức những hội nghị như vậy ở những nơi thật sự thanh bình. Và Hà Nội của chúng ta là một nơi như thế. Hà Nội thanh bình không chỉ ở cái danh hiệu "thành phố vì hòa bình" mà còn ở hàng loạt những câu chuyện - những hành động của rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia lớn từng đặt chân tới đây. Chúng ta không quên, khi đến Hà Nội, cựu Tổng thống Mĩ Barack Obama đi... ăn bún chả trên phố Lê Văn Hưu.

Chúng ta không quên, khi từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội, dự Hội nghị Thượng đỉnh Mĩ - Triều vừa qua, đương kim Tổng thống Mĩ Donald Trump đã viết những dòng nhận xét rất tốt đẹp cùng một lời cảm ơn Hà Nội trên trang Twitter.

Và sau khi kết thúc hội nghị đặc biệt này,  nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hạ kính chống đạn trên xe ô tô của mình, vẫy tay chào tạm biệt người Hà Nội. Trước đó, khi từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội dự hội nghị, ông Kim Jong-un cũng làm cái điều mình chưa từng làm như thế. Giới quan sát quốc tế nhận định, ông Kim không làm điều đó ở Trung Quốc.

Ảnh: L.G.

Cũng không làm điều đó ở Singapore. Ông chỉ làm điều đó ở Hà Nội - Lạng Sơn - Việt Nam. Chỉ riêng những chi tiết nho nhỏ như vậy thôi đã đủ cho thấy Việt Nam đã thể hiện được vị thế của mình như thế nào sau khi đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mĩ - Triều.

Tất nhiên, nếu hội nghị lần này có một tuyên bố kết thúc chiến tranh, sức lan tỏa của Hà Nội - Việt Nam sẽ vang vọng hơn nữa. Nếu điều ấy xảy ra, trong các giờ học lịch sử của những đứa trẻ Triều Tiên - Hàn Quốc sau này chắc chắn sẽ có ít nhất một dòng về một "Tuyên bố Hà Nội" với những ý nghĩa to lớn cho dân tộc mình. Nhưng ngẫm ra sẽ thấy một tuyên bố kết thúc chiến tranh không phải là chuyện có được chỉ sau 1-2 hội nghị.

Các bên liên quan sẽ cần nhiều thời gian, nhiều sự bàn bạc và nhiều sự nhún nhường vì lợi ích chung của khu vực cùng nền hòa bình của nhân loại hơn nữa. Theo nhiều nhà nghiên cứu quốc tế giàu uy tín thì một tuyên bố như thế chỉ có thể diễn ra sau khoảng 10 năm, thậm chí là 15 hay 20 năm nữa.

Thành phố nào, đất nước nào trong tương lai sẽ là nơi diễn ra một tuyên bố lịch sử như thế? Hà Nội, Singapore, Giơnevơ hay Paris? Đấy là điều rất khó đoán trước. Nhưng có ít nhất 2 điều biết trước: Một, Hà Nội đủ sức, đủ uy tín để tiếp tục tổ chức những hội nghị thượng đỉnh như thế này. Và hai, Hà Nội ít nhất cũng đã là một mắt xích trong một chuỗi những mắt xích gặp gỡ như thế này. Đấy là điều mà trước đây, Hà Nội chưa từng làm. Việt Nam chưa từng làm. Và đấy chính là một cột mốc đánh dấu vị thế mới của Việt Nam.

Nói đến câu chuyện vị thế, chúng ta bắt buộc phải nhìn lại lịch sử Việt Nam từ thời phong kiến đến nay để trả lời một câu hỏi quan trọng: có bao nhiêu lần - bao nhiêu sự kiện - bao nhiêu cột mốc mà ở đó dân tộc chúng ta chính thức thể hiện được vị thế của mình?

Theo cách hiểu xưa cũ thì đánh thắng một cuộc chiến chính là bằng chứng sống động nhất cho vị thế của một quốc gia. Đánh thắng được những kẻ thù càng mạnh, vị thế quốc gia càng to lớn. Và cứ theo cách hiểu này thì thời nhà Trần với hào khí Đông Á, với 2 chữ "Sát thát" trên tay người ra trận là thời kỳ mà chúng ta thể hiện rất rõ vị thế của một quốc gia tự chủ. Đấy là thời mà 3 lần chúng ta phải đối diện với quân Nguyên Mông - đạo quân hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ 13 và cả 3 lần chúng ta chiến thắng.

Năm 1285, trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, trong âm hưởng của chiến thắng, phò tá hai vua Trần về kinh đô Thăng Long sau những ngày dài lánh nạn, Thượng tướng Trần Quang Khải đã viết những câu thơ hào sảng, khẳng định vị thế của một vương triều:

“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù”.

Đọc lại hai câu thơ này, chúng ta càng cảm nhận rõ nét vị thế của một quốc gia sau những va chạm binh đao. Nhưng điều thú vị là ngay trong thời khắc ấy, Trần Quang Khải hiểu rằng nếu chỉ có binh đao thì một vương triều, một dân tộc khó đi xa. Thành thử, sau hai câu thơ hào sảng, mang đầy âm hưởng binh đao là một tầm nhìn, một viễn kiến vượt thoát khỏi khuôn khổ binh đao:

“Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu”.

Với hai câu thơ tiếp sau này, chúng ta hiểu, sau binh đao vị thế quốc gia cần phải được xác lập theo cách khác. Đó là gì? Đó là "nên gắng sức" mà trong câu thơ cổ là "tu trí lực", nghĩa là không được ngủ quên trên cái vị thế mà mình đang có nhờ binh đao mà phải tiếp tục nỗ lực xây dựng, kiến tạo những thứ giá trị thời bình.

Thật tiếc là những hậu duệ của Trần Quang Khải đã không làm được điều đó. Thế nên, một vương triều với những ông vua đầu tiên từng 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông cũng là một vương triều với những ông vua cuối cùng yếu hèn, đến mức có tới 3 lần bị quân Chiêm Thành tiến đánh vào tận kinh đô Thăng Long của mình. 3 lần chiến thắng Nguyên Mông và 3 lần chạy giặc Chiêm Thành, đấy là đỉnh cao và vực sâu của vị thế quốc gia, để lại những bài học xương máu cho hậu thế.

Nếu như vị thế thời nhà Trần được xác lập nhờ những cuộc quyết chiến quyết thắng một đối phương hùng mạnh thì sau này vị thế thời nhà Nguyễn lại được xác lập nhờ việc thống nhất giang sơn chạy dài từ Nam ra Bắc (thời vua Gia Long). Đấy là thời kỳ mà lần đầu tiên chúng ta có một lãnh thổ liền mạch đến như thế.

Và đấy cũng là thời kỳ mà sau khi tổ chức được một bộ máy cai trị thống nhất trên một lãnh thổ liền mạch thì chúng ta thậm chí còn có được tiếng nói và tầm ảnh hưởng nhất định trong khu vực, với những quốc gia lân cận phía Tây Nam của mình (thời vua Minh Mạng). Ấy thế mà rốt cuộc cũng chính thời nhà Nguyễn lại là thời đất nước sau đó rơi vào tay người Pháp. Có thể coi, đây chính là ví dụ sinh động thứ hai cho sự chuyển đổi vị thế quốc gia từ đỉnh cao xuống vực sâu, trong lòng một vương triều.

Tại sao lại có sự chuyển đổi ấy? Tại sao cái vị thế ghê gớm mà những ông vua đầu triều Nguyễn xác lập lại bị những ông vua đời sau phá hủy theo một kịch bản không thể ảm đạm hơn? Tại vì khi đối diện với người Pháp, chúng ta chỉ nhìn thấy người Pháp là kẻ thù và chỉ tìm cách dùng vũ lực đối chọi với một kẻ thù vốn có sức mạnh lớn hơn mình gấp bội. Với người Nhật, khi đối diện với tiếng súng xâm lược của phương Tây dường như có một cách nhìn khác - một tâm thế - một phương pháp hoàn toàn khác.

Trong cuốn sách Bàn về văn minh vốn được coi là kim chỉ nam tư tưởng cho cuộc cải cách Minh Trị toàn diện của người Nhật, tác giả Fukuzawa từng viết một câu rất đáng chú ý: "May thay, Phó Đề đốc Perry đã đến". Perry là ai vậy? Là một viên tướng hải quân xâm lược nước Nhật. Thế thì tại sao lại "may thay"?

Tại vì nhờ chính vị tướng xâm lược này mà người Nhật nhìn ra sự cũ kỹ lạc hậu của mình so với phương Tây, từ đó nảy sinh nhu cầu thay đổi, cải cách để có thể bắt kịp với văn minh phương Tây. Và nhờ những thay đổi căn cốt sâu xa như thế, nước Nhật sau đó đã thể hiện được vị thế quan trọng của mình trong khu vực và châu lục.

Nếu coi phương Tây lúc đó là một phạm trù điển hình của "cái khác" thì với người Việt Nam "cái khác" đơn giản chính là "cái nguy hiểm", "cái phải tiêu diệt", còn với người Nhật trong "cái khác" còn có cái cần phải học, cần phải tiếp thu, tiếp biến để từ đó nâng mình thêm lên. Và đây lại là một bài học nữa trong việc xác lập vị thế quốc gia.

Vị thế quốc gia không phải là một giá trị vĩnh viễn. Hôm nay có thể có vị thế nhưng nếu không "tu trí lực" để sửa mình và xây mình, cũng không có khả năng đối diện, thích ứng với những biến động khác mình - mới mẻ hoàn toàn so với mình thì vị thế ấy có thể mất ngay lập tức.

Trở lại với vị thế mà chúng ta vừa xác lập được sau khi là chủ nhà của một hội nghị thượng đỉnh tầm thế giới, hy vọng là sau cái đà đã có, chúng ta tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nữa để cái vị thế vừa có sẽ nở to thêm.

Phan Mỹ Chí
.
.