Tại sao hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn?

Thứ Bảy, 17/10/2020, 09:17
Tại sao con người hiện đại hơn, văn minh hơn, đời sống vật chất giàu có hơn nhưng chưa chắc con người hạnh phúc hơn? Tại vì suy cho cùng, tất cả đều chỉ là những trò chơi cảm giác....

Câu hỏi 1: Thời đồ đá, trung bình mỗi người có 4.000 calo năng lượng để sử dụng mỗi ngày. Hiện nay, một người Mỹ có trung bình 228.000 calo năng lượng mỗi ngày. Như vậy, trung bình một người Mỹ sử dụng một nguồn năng lượng cao gấp 60 lần một người săn bắn hái lượm thời kỳ đồ đá, vậy một người Mỹ có hạnh phúc gấp 60 lần người hái lượm hay không?

Câu hỏi 2: Thế kỷ 20 ở Singapore, mỗi người dân sản xuất trung bình một lượng hàng hóa và dịch vụ ước tính vào khoảng 56.000 USD mỗi năm. Con số này ở Costa Rica chỉ vào khoảng 14.000 USD. Vậy, có chắc chắn người dân Singapore sẽ hạnh phúc hơn người dân Costa Rica? 

Câu hỏi 3: Xã hội Hàn Quốc ngày nay phát triển hơn nhiều so với năm 1985. Vậy tại sao vào năm 1985, cứ 100.000 người Hàn Quốc chỉ có khoảng 9 người tự tử, còn ngày nay tỉ lệ tự tử lại tăng gấp 3 lần?

Đấy là 3 câu hỏi mà nhà nghiên cứu người Israel, giáo sư Harari đặt ra trong tác phẩm “Homo Deus” nổi tiếng của mình. Ngẫm nghĩ thật kỹ 3 câu hỏi - 1 góc nhìn này, bạn có thể đặt ra những câu hỏi tiếp theo, liên quan đến những cảm nhận hạnh phúc của chính bạn. Ví dụ:

Câu hỏi 4: Cuộc sống của bạn so với 20 năm trước đầy đủ hơn rất nhiều. Ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, ở tiện nghi hơn, giao thương trong thành phố quốc gia dễ dàng hơn, kết nối với thế giới thoải mái hơn. Vậy tại sao thi thoảng bạn vẫn nhớ về “cái ngày xưa thiếu thốn”, với những thứ giá trị hạnh phúc mà lúc này bạn không có được?

Cụ thể hơn nữa, ở thành phố hiện đại hôm nay, mỗi giờ tan tầm, bạn lại tức điên người với chuyện tắc đường, khói xe, bụi mịn. Và bạn sẽ thương nhớ cái thành phố nghèo đói nhưng trong lành ngày xưa. Cũng như thế, bây giờ thích gì bạn có thể ăn ngay món đó, miễn là bạn có tiền. Nhưng, đưa đồ ăn vào miệng, bạn sẽ luôn chờn vờn bởi câu hỏi: đồ thật hay đồ giả?

Và bạn lại nhớ về 20 năm trước, khi xã hội ai cũng gầy rộc vì đói ăn nhưng bù lại, ăn miếng nào thật miếng ấy. Nào, đặt tất cả lên bàn cân và hãy trả lời sòng phẳng xem: ở thời kỳ nào bạn thấy mình hạnh phúc hơn?

Sẽ có vô số những câu hỏi kiểu như thế xuất hiện trong đầu óc chúng ta ngày hôm nay. Và để trả lời những câu hỏi đó thì bắt buộc phải trả lời một câu hỏi căn cốt: Rốt cuộc, hạnh phúc là gì?

Một câu hỏi xưa như trái đất phải không? Bởi từ thời điểm đầu tiên con người xã hội (trong sự tương phản với con người tự nhiên) được định hình thì câu hỏi ấy xuất hiện. Và, từ bấy đến nay, nó không ngừng được luận giải bởi rất nhiều triết gia, với rất nhiều quan điểm khác nhau.  Epicurus - triết gia Hy Lạp cổ đại chẳng hạn. Ông bảo thế này: Con người hạnh phúc là khi con người có được cảm giác dễ chịu và loại bỏ được cảm giác khó chịu. Vấn đề là: điều gì tạo ra cảm giác dễ chịu? Điều gì tạo ra hạnh phúc? Khi bạn tình cờ nhặt được tờ 100 USD trên phố, tờ 100 USD liệu có làm bạn hạnh phúc không? Khi bạn có được đứa con đầu lòng sau nhiều năm chờ đợi thì đứa con ấy có làm bạn hạnh phúc không? Khi bạn được thăng chức sau nhiều năm phấn đấu thì việc thăng chức ấy có làm bạn hạnh phúc không?

Câu trả lời là không! Nếu chúng ta cho rằng hạnh phúc là một cảm giác dễ chịu như góc nhìn cổ xưa của Epicurus thì chắc chắn tờ 100 USD, một đứa con, một chức vụ mới không thể làm chúng ta hạnh phúc. Bởi lẽ “cảm giác dễ chịu” là thứ xuất hiện bên trong con người sinh học của bạn, còn 100 USD, một đứa con, một chức vụ lại là những tồn tại vật chất bên ngoài cơ thể bạn.

Ở đây, yếu tố bên ngoài chỉ đóng vai trò như những chất kích thích và từ sự kích thích đó, quy trình sinh hóa bên trong cơ thể bạn hoạt động theo một quy luật riêng của nó. Từ quy luật này, cảm giác dễ chịu nảy sinh.

Từ quy luật này: hạnh phúc hiện hình! Như vậy có thể coi hạnh phúc là kết quả của một quá trình sinh hóa bên trong cơ thể, được kích hoạt bởi những yếu tố ở bên ngoài cơ thể. Nhưng, điều quái quỷ nằm ở chỗ, quá trình sinh hóa tạo ra cái gọi là “hạnh phúc” bên trong cơ thể chúng ta không vĩnh cửu. Do vậy, chúng ta thỏa mãn ở khoảnh khắc này nhưng lại không thỏa mãn ở khoảnh khắc khác. Tờ 100 USD có thể giúp chúng ta lâng lâng khoan khoái trong 1 giờ, 1 ngày, thậm chí là 1 tuần, chứ không thể giúp chúng ta lâng lâng khoan khoái trong 1 năm, 1 tháng, 1 đời.

Sử gia Yuval Noah Harari đặt ra những câu hỏi thú vị về hạnh phúc. Ảnh: L.G

Chúng ta ước ao: Giá như có tờ 100 USD kỳ diệu, để chỉ một lần chạm vào nó chúng ta sẽ lâng lâng sung sướng cả cuộc đời. Ước ao phút trước thì phút sau chúng ta sẽ tự trả lời: Làm gì có tờ 100 USD nào như thế! Quá trình tiến hóa hàng triệu năm, trải qua hàng triệu các thế hệ không giúp chúng ta kiến tạo một cơ thể, một quy trình như thế.

Tới đây, một câu hỏi nữa cần giải quyết: Vậy thì suy cho cùng, hạnh phúc có thật là những cảm giác thỏa mãn hay không? Có những người đạt được cảm giác thỏa mãn sau một bữa ăn ngon. Có những người thỏa mãn với một chiếc áo đẹp. Có những người thỏa mãn sau khi có thể ra lệnh cho người khác. Có những người lại chỉ thỏa mãn sau khi đứng trên đỉnh cao quyền lực. Chúng ta vẫn thường nhìn như vậy để kết luận rằng: tùy từng nhu cầu khác nhau mà có những cấp độ thỏa mãn khác nhau, từ đó nảy sinh những cấp độ khoan khoái khác nhau trong tâm hồn mỗi người hoặc trong tâm hồn chính mình ở từng thời điểm khác nhau của cuộc sống. Phải thừa nhận rằng, sự thỏa mãn ở bất cứ cấp độ nào cũng đem đến cảm giác dễ chịu, hay nói cách khác, đó là cảm giác hạnh phúc. Nhưng, đồng nhất sự thỏa mãn với hạnh phúc thì có phần bất ổn. Bởi như đã nói, cảm giác thỏa mãn thường nhất thời và chắc chắn là không vĩnh cửu (vì cơ chế sinh hóa của con người không đảm bảo điều đó) trong khi “hạnh phúc” lại là một khái niệm đòi hỏi tính ổn định cao. Mặt khác, thỏa mãn là một khái niệm mang tính bản năng trong khi hạnh phúc lại là một khái niệm có chất lượng văn hóa.

Trong tác phẩm “Không gian tinh thần”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trần Bạt đặt ra một vấn đề rất đáng suy nghĩ: “Báo chí đưa tin rằng tất cả những kẻ tham nhũng trước khi bị bắt đều được đánh giá là những đảng viên tốt. Đó không phải là sự nguỵ biện cho những kẻ tham nhũng mà là sự nhầm lẫn của con người về khái niệm hạnh phúc. Những kẻ đó trước khi bị bắt rất thỏa mãn, bởi họ hơn người, cái gì ngon nhất, cái gì đẹp nhất, cái gì hay nhất của cuộc sống họ đều có. Họ không nghĩ đến một ngày nào đó có thể bị bắt, không nghĩ đến tương lai trở thành kẻ tội phạm, tức là họ không đủ năng lực nhận ra cái tất yếu nấp đằng sau cái tất yếu hạn hẹp mà họ nhìn thấy... Những cảm giác như vậy thường có bởi người ta không nhận thức được rủi ro”. Từ đây, ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn (cho dù cảm giác hạnh phúc có thể được xác lập sau cảm giác thỏa mãn), mà là “năng lực biết thưởng thức và gìn giữ cho bền vững tất cả những gì tạo ra sự thỏa mãn” (Tác phẩm “Không gian tinh thần” - Nguyễn Trần Bạt - rrang 56).

Trong một tương lai xa xôi nào đó, nếu những nhà khoa học siêu việt tìm được một thứ thần dược nào đó giúp con người đạt được trạng thái thỏa mãn vĩnh cửu thì sao? Thì ngày đó, hạnh phúc quả đúng là sự thỏa mãn. Nhưng, chừng nào cái ngày thần tiên đó chưa diễn ra, chừng nào mà quy trình sinh hóa bên trong con người vẫn chỉ có thể tạo ra những cảm giác thỏa mãn nhất thời, chừng nào những tương tác xã hội của con người vẫn luôn ẩn nấp những biến động không ai biết trước thì bên trong những sự thỏa mãn chóng vánh luôn thấp thoáng yếu tố rủi ro. Nếu chỉ cảm nhận được sự thỏa mãn mà không cảm nhận và lường trước những rủi ro thì cái trạng thái mà con người tưởng là “hạnh phúc” thực chất chỉ là một cảm giác của hạnh phúc mà thôi.

Tới đây, hãy trở lại với 3 câu hỏi ở đầu bài viết. Tại sao con người hiện đại hơn, văn minh hơn, đời sống vật chất giàu có hơn nhưng chưa chắc con người hạnh phúc hơn? Tại vì suy cho cùng, tất cả đều chỉ là những trò chơi cảm giác.

Vượt thoát khỏi những cảm giác thỏa mãn nhất thời, biết gìn giữ một cách vững chắc những yếu tố tạo ra sự thỏa mãn, bạn sẽ có được hạnh phúc thật sự của đời mình!

Phan Mỹ Chí
.
.