Sóng gió bao quanh ông Justin Trudeau

Thứ Sáu, 29/03/2019, 16:13
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy uy tín của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ bê bối liên quan đến tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới SNC-Lavalin. 

Chỉ trong vỏn vẹn chưa đến một tháng, nhiều thành viên quan trọng trong nội các đã từ chức, với lý do “mất niềm tin vào chính phủ”.

Giới quan sát miêu tả chính phủ hiện nay ở Canada đang rơi vào trạng thái hỗn loạn, hoàn toàn mất phương hướng khi được dẫn dắt bởi một thủ tướng “tưởng tài năng” nhưng kỳ thực lại đang điêu tàn vì bê bối và chỉ tập trung cho vận mệnh chính trị của cá nhân (?).  

Điều này tạo nên cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất và có thể nói là chưa từng có mà Thủ tướng Justin Trudeau phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2015.

Nội các rạn nứt

Chỉ trong vòng 3 tuần, liên tiếp 2 bộ trưởng trong Chính phủ Canada đệ đơn xin từ chức nhằm thể hiện sự không đồng tình với cách thức xử lý khủng hoảng của Thủ tướng Justin Trudeau. 

Sau cựu Bộ trưởng Tư pháp Wilson Raybould, mới đây đến lượt Bộ trưởng Ngân sách Jean Philpott, vốn được xem là “ngôi sao đang lên” trong nội các của Thủ tướng Justin Trudeau tới gõ cửa Văn phòng Thủ tướng xin từ chức. 

Trong khi ông Trudeau chưa hết đau đầu vì sự ra đi của hai nữ tướng thì Gerald Butts, người bạn thân nhất của Thủ tướng Canada, bất ngờ xin rút lui khỏi vị trí cố vấn cấp cao nội các. 

Nội các ông Justin Trudeau (giữa) rạn nứt sau quyết định từ chức của 2 “ngôi sao” Wilson Raybould (trái) và Gerald Butts (phải).

Điều này khiến truyền thông vô cùng sửng sốt bởi lẽ chính trị gia này vốn luôn được đánh giá là một trong những kiến trúc sư góp phần quan trọng vào chiến thắng của ông Trudeau trong cuộc bầu cử năm 2015.

Sự ra đi của 3 nhân tài trong nội các dường như đánh dấu những ngày khủng hoảng đối với Justin Trudeau. Trên thực tế, những rắc rối của Thủ tướng Trudeau bắt đầu khi truyền thông tiết lộ Thủ tướng và các quan chức thân cận đã gây sức ép lên bà Wilson Raybould để chỉ đạo Cơ quan Công tố Canada ký “thỏa thuận tạm hoãn truy tố” trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2018 nhằm phớt lờ những hành động sai trái của “gã khổng lồ” dịch vụ kỹ thuật SNC-Lavalin. 

Theo đó, họ được phép trả tiền phạt thay vì bị xét xử, đồng thời tránh nguy cơ bị cấm tham gia đấu thầu hợp đồng. Tập đoàn này có thế lực lớn ở Canada, bị cáo buộc gian lận và hối lộ các quan chức Libya khoảng 48 triệu đô la Canada nhằm giành được các hợp đồng xây dựng béo bở ở đây trong khoảng thời gian từ năm 2001-2011.

Trong tuyên bố cuối cùng trước khi rời nội các, bà Jean Philpott khẳng định đã mất niềm tin vào Thủ tướng Justin Trudeau, đồng thời dẫn chứng sức ép mà người đồng nghiệp Wilson Raybould đã phải chịu đựng trong vụ truy tố tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin.

Theo đó, Thủ tướng Trudeau từng thuyên chuyển bà Wilson Rayboult sang chức Bộ trưởng Các vấn đề cựu chiến binh - một vị trí kém quan trọng hơn rất nhiều. Thậm chí, trước khi có quyết định này, Chính phủ Canada đã lên kế hoạch để giải cứu SNC-Lavalin. 

Được biết, SNC-Lavalin đặt trụ sở ở Quebec, là một tỉnh rất quan trọng cho đảng Tự do của ông Trudeau, đặc biệt “hữu ích” trước cuộc bầu cử quốc gia tháng 10 tới. Nếu bị buộc tội, SNC-Lavalin sẽ bị loại khỏi các hợp đồng đấu thầu của chính phủ liên bang Canada trong vòng một thập kỷ.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Canada cho biết bản thân đã học được “nhiều điều quý giá” từ cuộc khủng hoảng, tuy nhiên phủ nhận các cáo buộc liên quan, cho rằng mọi vận động của ông đối với SNC-Lavalin chỉ nhằm bảo vệ việc làm cho người dân. 

Dù vậy, các nỗ lực của ông chỉ “như muối bỏ biển” khi ủy ban điều tra vụ việc đã thẩm vấn nhiều trợ lý của ông (bao gồm cả Gerald Butts) và một ủy ban độc lập khác của Quốc hội cũng đang “vào cuộc”. Trong khi lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra, ông Justin Trudeau cũng chứng kiến sự rạn nứt trong đảng vì bê bối. 

Một số nghị sĩ đảng Tự do ca ngợi quyết định ra đi của bà Jean Philpott, coi đây như biến cố mang tính bước ngoặt, phản ánh sự hỗn loạn trong chính phủ.
Bê bối đi ngược lại “thương hiệu cốt lõi” của Thủ tướng Trudeau là một chính trị gia theo chủ nghĩa nữ quyền và là người phục vụ cho lợi ích của người lao động trong nước.

Ở phe đối lập, Andrew Scheer, đối thủ chính của Trudeau và là thành viên đảng Bảo thủ, gọi Justin Trudeau là vị thủ tướng “bị thất sủng”, kêu gọi từ chức vì không đủ uy quyền đạo đức. Trong khi đó, Jagmeet Singh, lãnh đạo đảng Tân dân chủ, cũng bày tỏ mong muốn tiến hành một cuộc điều tra công khai, thậm chí còn đưa ra khả năng điều tra tội danh hình sự.

Thương hiệu lung lay

Tại Canada những ngày này, “niềm tin” có vẻ đang thống trị các cuộc thảo luận về chính trường. Bê bối SNC-Lavalin đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của vị thủ tướng trẻ tuổi chỉ 7 tháng trước cuộc bầu cử quốc gia. 

Tính đến ngày 1-3, chỉ 10% số người Canada cho rằng, Thủ tướng Trudeau là nhà lãnh đạo có đạo đức nhất. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, chỉ số tín nhiệm của đảng Tự do cầm quyền đang giảm. 

Trong khi đó, lần đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ đối lập tăng tới 2%. Ngoài ra, khoảng 1/3 số người Canada cho biết vụ bê bối SNC-Lavalin sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 khi 2 nữ bộ trưởng quyền lực đã từ nhiệm vì những vấn đề liên quan đến nguyên tắc và đạo đức.

Trước đây, đảng Tự do Canada đã xây dựng một thương hiệu vững chắc thông qua người đại diện Justin Trudeau trẻ tuổi, đa tài, với vẻ ngoài điển trai không kém các tài tử Hollywood. 

Ông Trudeau nhanh chóng thể hiện thương hiệu chính trị tiến bộ của mình khi đưa ra những tuyên bố táo bạo về hành động bảo vệ khí hậu, hợp pháp hóa cần sa và giúp người tị nạn tạo ra một cuộc sống mới tại Canada. 

4 năm nhiệm kỳ của đương kim Thủ tướng Justin Trudeau diễn ra khá thuận lợi. Hầu hết các bê bối của ông đều không lớn, như vụ ông đồng ý đi trực thăng của Aga Khan, lãnh tụ tinh thần của những người Hồi giáo dòng Ismaili, dù việc đó vi phạm các quy tắc đạo đức của Quốc hội.

Thế nhưng sau thời gian cầm quyền êm đẹp, giá trị của Trudeau giờ đây đang bị nghi ngờ trước cơn sóng gió lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Vụ bê bối khá phức tạp, “động chạm” đến một điều luật quan trọng và nguyên tắc dân chủ đã 60 năm tuổi của Canada. 

Không chỉ có vậy, vụ bê bối này còn đi ngược lại “thương hiệu cốt lõi” của Trudeau là một chính trị gia theo chủ nghĩa nữ quyền và là người phục vụ cho lợi ích của người lao động trong nước. 

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Thủ tướng Trudeau dường như mất kết nối và không thể kiểm soát chính phủ. Ngoài ra, những mâu thuẫn rõ ràng trong các chính sách của ông, như sự thúc đẩy cắt giảm lượng khí thải carbon trong khi mua một đường ống dẫn dầu hỗ trợ ngành năng lượng của Canada, cũng gây nên nhiều tranh cãi.

Rõ ràng, điều này đánh thẳng vào “thương hiệu Trudeau”, khiến vị thủ tướng khó có thể thuyết phục cử tri khi 2 bộ trưởng tuyên bố đã mất niềm tin vào ông. Dù vậy, hiện nhiều bộ trưởng cũng như hầu hết các nghị sĩ đảng Tự do đều đang đứng về phía Thủ tướng Trudeau. 

“Gã khổng lồ” SNC-Lavalin rất quan trọng cho đảng Tự do của ông Trudeau, đặc biệt “hữu ích” trước cuộc bầu cử quốc gia tháng 10 tới.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nêu rõ Thủ tướng Trudeau không bao giờ gây sức ép một cách không thích hợp và khẳng định tuyệt đối tin tưởng Thủ tướng Trudeau. 

Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau cho rằng Thủ tướng hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của SNC-Lavalin, đồng thời việc soạn thảo thỏa thuận là hoàn toàn minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Có thể nói, những diễn biến khó lường tại Canada đang tạo nên dấu hỏi lớn về tương lai chính trị của Thủ tướng Trudeau. Vẫn nhớ, ngày 28/2/1984, cố Thủ tướng Pierre Elliott tuyên bố từ giã sự nghiệp chính trị sau 15 năm cầm quyền vì khủng hoảng và cuộc trưng cầu dân ý độc lập ở Quebec. 35 năm sau, gần như cùng thời điểm, người con trai Justin Trudeau đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. 

Trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang chỉ còn 7 tháng nữa, Thủ tướng Trudeau không chỉ cần tìm ra các biện pháp lấy lại danh tiếng mà còn phải đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát với tư cách là lãnh đạo đảng Tự do. Nếu đảng Tự do - hiện chiếm đa số tại quốc hội - xuất hiện sự đổ vỡ, nó hoàn toàn có thể kích hoạt các cuộc bầu cử sớm tại Canada...

Hồng Hạnh
.
.