Sinh nở, một tự sự đa dạng về nữ giới
- Bận việc, vẫn thực hiện thiên chức làm mẹ
- Mẹ đã chối từ thiên chức vì con
- Những phụ nữ đi tìm thiên chức làm mẹ
Chính xác hơn, câu chuyện sinh nở tưởng chừng bất khả xâm phạm của riêng phụ nữ đã phải chia sẻ với nhiều tác nhân khác nhau, từ bối cảnh chính trị -xã hội, đạo đức, tôn giáo, văn hóa hay điều kiện y tế.
Ẩn ý từ hoang đường
“Lĩnh Nam chích quái”, một tuyển văn xuôi truyền thuyết và cổ tích, được cho là xuất hiện từ đời Lý, Trần và được hoàn thiện vào cuối thế kỉ XV, chứa đựng nhiều tự sự đáng chú ý về chuyện sinh nở. Trong đó, như một phần nối dài của các truyện kể dân gian lan truyền nhiều đời, mô-tip thụ thai, sinh nở thần kì đã được các soạn giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú, vốn dĩ là những nhà Nho không hẳn quá tin vào hoang đường, chép lại một cách rõ ràng.
Câu chuyện “vang dội” đáng kể đầu tiên là “Truyện họ Hồng Bàng” kể việc “Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kì dị, người nào cũng trí dũng song toàn”.
Ít sự thật, không cứ liệu, vắng mặt hoàn toàn quá trình mang nặng đẻ đau cũng như công sinh thành đức dưỡng dục, nhưng đoạn văn tưởng như huyễn tưởng này rồi sẽ được trưng dụng cho một tự sự lớn lao và quan trọng hơn, là về cỗi gốc, về khởi sinh nước Việt. Chuyện sinh nở không phải để biểu đạt một “việc riêng” của người nữ, mà đã được chuyển đổi hóa, nâng cấp thành việc lớn của giống nòi, của ý niệm quốc gia thống nhất ít nhất về mặt huyết thống.
Sử gia Ngô Sĩ Liên về sau, tuy có hơi băn khoăn độ xác tín, nhưng vẫn không ngần ngại xếp chuyện cha Rồng mẹ Tiên vào “Ngoại kỷ” và thành tâm bình luận “Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”. Đây chính là thông điệp vào hàng bền vững nhất trong tâm thức dân chúng bất chấp vô số biến thiên dâu bể xảy ra.
Và kéo dài cho đến hôm nay dẫu nó, vô tình, làm mờ đi những nhọc nhằn, gian nan có lẽ không ít trong buổi đầu gây dựng vùng đất mới.
Ngô Sĩ Liên cũng tinh ý, hẳn vì theo ý thức hệ nam quyền, nên mới cho 50 con trai theo cha lần lượt nối ngôi mang hiệu Hùng vương, khác với phiên bản dân gian là theo mẹ. Mẹ/Mẫu, trong trường hợp này, dẫu sinh hạ thánh hiền, nhưng không có cơ may được xiển dương vì thời đại đã đậm đà Nho giáo đề cao phụ hệ.
Đứng về nhãn quan tư tưởng nào, quả thật, sẽ chi phối rất lớn đến tự sự sinh nở. Vẫn trong “Lĩnh Nam chích quái”, truyện Man Nương còn thêm phần phức tạp vì liên quan đến Phật giáo thời đầu du nhập vào đất đã có Thái thú Sĩ Nhiếp, “Nam giao học tổ”, đóng đô. Việc nàng Man Nương “có tật nói lắp, không thể cùng chúng sinh tụng kinh” có thai với sư Già La được biên lại với mức độ gãy gọn nhất: “Man nương ngủ ở giữa cửa. Sư Già La bước qua mình Man Nương. Man Nương tự nhiên động thai. Có thai được ba bốn tháng, Man Nương xấu hổ bỏ về. Sư Già La cũng thẹn mà bỏ đi. Man Nương về tới một ngôi chùa ở ngã ba sông thì ở lại đó. Đầy tháng sinh ra một đứa con gái, tìm sư Già La mà trả”.
Gãy gọn nhưng không hề giản đơn vì từ Man Nương, lai lịch Phật giáo bản địa mà hiện thân là Tứ Pháp sẽ còn thách thức người đời lí giải nhiều chiều. Nhưng chi tiết Man Nương đem con trả thiền sư, thiển nghĩ, làm người hiện đại hôm nay không khỏi giật mình vì, xét cho cùng, trưởng thành trong môi trường Phật giáo (bình dân) có thể đem lại nhiều giác ngộ lẫn phẩm hạnh hơn chăng.
Dẫu sao, nàng Man Nương, cái tên không che giấu vẻ vô minh ấy, đã được nhà Nho chấp nhận nghĩa lí cao đẹp của việc sinh nở kì lạ để trở thành Phật mẫu, một truyền thống tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Và Tứ Pháp, thoát thai từ Man Nương, nếu loại bớt yếu tố hoang đường, sẽ phản ánh khá rõ tập quán chống hạn, chống lụt trường kì gian nan của người dân vùng châu thổ Bắc bộ.
Cũng có nhà Nho lấy chuyện sinh nở để góp phần răn dạy những điều chướng tai gai mắt nơi cửa Phật. “Chuyện nghiệp oan của Đào thị” trong “Truyền kì mạn lục”, một thành tựu lớn của văn xuôi chữ Hán trung đại, kể về nàng Hàn Than tuy đã vào chùa tu tịnh nhưng dâm ô, “chẳng khác nào con bướm gặp xuân” với sư bác Vô Kỷ. Kết cục cuộc mây mưa thân xác là Hàn Than “có thai rồi ốm”, sư Vô Kỷ không biết đường chạy chữa, “khiến nàng quằn quại chết ở trên giường cữ”.
Tác giả Nguyễn Dữ còn thêm trường đoạn biến hóa kì quái của Hàn Than, Vô Kỷ cốt để đả phá gay gắt thói dị đoan nảy sinh từ Phật giáo và những kẻ khoác áo tu “gian dâm, buông thói tà dục”. Thái độ phê phán theo nhãn quan Nho gia như thế, vào lúc đạo đức xã hội suy vi, cho thấy tâm trạng phẫn giận của tầng lớp trí thức thế kỉ XVI hơn là sự cảm thông, thương xót người nữ vượt cạn bất thành.
Dẫu vậy, để cho danh kĩ “lẳng lơ” Hàn Than chết trên giường cữ, văn chương giáo huấn đã bắt đầu nới rộng quan sát về phía con người nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân nữ dù họ xuất thân thế nào, điều trở thành tâm điểm nổi bật trong đỉnh cao chủ nghĩa nhân đạo ở thế kỉ XVIII sau đó.
Phía sau quyền bính
Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), quá sốt sắng vì Chiêu Thánh Hoàng hậu vẫn chưa sinh con cho Thái Tông, sợ cơ nghiệp gia tộc vừa mất công sức gây dựng không có người nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đã quyết phế bỏ Chiêu Thánh, giáng xuống làm công chúa, rồi đem Thuận Thiên, chị gái Chiêu Thánh, bấy giờ mang thai được ba tháng với chồng là Trần Liễu, vào làm hoàng hậu.
Sự kiện khởi đầu cho tục hôn nhân bất thường của nhà Trần khiến các sử gia đời sau không khỏi phê phán rằng đã làm loạn nhân luân ấy, có thể nói, đã đẩy số phận hai người nữ, hai chị em, vào một vòng quay quyền bính phức tạp, nơi họ gần như chỉ có nhiệm vụ sinh con cho kẻ giữ ngôi báu, chứ không phải cho niềm hạnh phúc mẫu tử thông thường.
Thật ra, trước khi rơi vào bi kịch, Chiêu Thánh đã hạ sinh cho Thái Tông một con trai là Trần Trịnh (1233) nhưng không may thái tử chết non. Lúc đó, Chiêu Thánh lẫn Thái Tông đều mới mười lăm tuổi, có lẽ chưa có thể trạng lí tưởng cho việc sinh nở. Khi Thuận Thiên lấy Thái Tông, bà đã 21 tuổi, và sau khi sinh Trần Quốc Khang (1237), thì kịp sinh thái tử Trần Hoảng (1240) coi như “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đẻ người kế nghiệp Thái Tông.
Thái sư Thủ Độ chắc hẳn thở phào nhẹ nhõm và Thái Tông thì bớt áy náy nên mới cho phép Chiêu Thánh công chúa tái giá với bề tôi Lê Phụ Trần vào năm 1258. Ở tuổi 40, Chiêu Thánh sinh được một trai (Lê Tông), một gái (Lê Ngọc Khuê), tuy không còn tước vị cao ngất Trần triều nhưng phần nào có được cảm giác nương tựa vợ chồng và không bị ai cất đặt thêm lần nữa.
Hậu thế thường chê trách Thái Tông (“Trách người quân tử bạc tình/Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”) mà tỏ ra thương cảm Chiêu Thánh vì nhìn chung, người phụ nữ bước ra từ buổi hoàng hôn nhà Lý này đã được thời đại sử dụng như một phương tiện thoán đoạt quyền bính thay vì là một cá nhân được lựa chọn cuộc đời mình.
Dĩ nhiên, dưới nhãn quan Nho giáo và văn hóa nam quyền thì phụ nữ sinh con không quan trọng bằng sinh con trai hay gái, và đặc biệt là sinh con cho ai. “Cho ai” trước khi cho mình, điều trớ trêu và phần nhiều cay đắng ấy, đã thành sử sự chạy dọc các triều đại phong kiến.
Khi câu chuyện sinh đẻ trong chốn hậu cung nhuốm màu sắc mưu chước, liên minh quỷ kế, thì thật ra ngay cả đến sinh được thái tử cũng chưa hẳn đã may mắn. Nhưng trong thâm tâm, mong muốn được đổi đời hay cao hơn là được đứng trên vạn người vẫn làm cho chị em nơi thôn cùng xóm vắng nung nấu được là Ỷ Lan hay Đặng Thị Huệ.
“Một đêm tựa mạn thuyền rồng/Còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài”, đúc kết thẳng thừng này, dẫn đến thực tế rằng có hằng trăm phi tần nỗ lực sinh con cho một ông vua nào đó nhưng để phục vụ cho vương triều tồn tại.
Các ông vua đầu nhà Nguyễn chẳng hạn, đều có khá nhiều con: Gia Long có 13 con trai, 18 con gái; Minh Mệnh có 78 con trai, 64 con gái; Thiệu Trị có 29 con trai, 35 con gái. Nhưng danh phận mẹ của những người con này không phải lúc nào cũng được ghi chép rõ ràng. Gia Long tiêu diệt Tây Sơn và lấy luôn Lê Ngọc Bình làm phi.
Biểu tượng sắc đẹp và quyền lực của triều đại cũ đi vào hoàng cung mới, không rõ tình cảm với “kẻ thù” thế nào nhưng phải đẻ “liền tù tì” bốn đứa con, khiến sức khỏe giảm sút và mất khi mới 25 tuổi (1810). Gia Long không ngại mang tiếng cướp vợ của “giặc” (Tây Sơn) vì thiên hạ đã về tay thì người phụ nữ nào mà chẳng là của ông! Đẻ con cho Gia Long hoàng đế, Ngọc Bình khi chết dù sao cũng được ban thụy Cung Thận Đức phi, thêm một tiếng thơm cho số mệnh hai lần làm vợ vua ngắn ngủi.
Đấy cũng là thời điểm mà văn chương liên tục đối diện với tình thế éo le của người nữ. Họ có thể là cung nữ, kĩ nữ, ca nữ, thậm chí là đĩ điếm. Nhưng oái ăm và khó khăn thay, văn nhân và sử gia đôi khi lại nhìn họ như những liệt nữ hoặc những người nữ không có trải nghiệm sinh nở...
(Còn nữa)