Sáng tác bằng tiếng Anh: Con đường của văn chương ngoại vi

Thứ Năm, 01/10/2020, 08:56
Sẽ ra sao nếu những tác giả Anh ngữ như Shakespeare, Milton hay Donne không viết tiếng Anh mà viết tiếng Latin và tiếng Hy Lạp chỉ bởi vì vào thời của họ, đây là ngôn ngữ thời thượng?

Đó là câu hỏi mà nhà phê bình Obiajunwa Wali đặt ra trong một tiểu luận mang tên "Sự chết ngắc của văn chương châu Phi". Milton hay Shakespeare đã không chọn những ngôn ngữ thời thượng để đưa tên tuổi mình đi xa (may sao!), nhưng ngày nay, rất nhiều những tác giả của những nền văn học nhỏ lẻ, họ chủ động chọn viết bằng một ngôn ngữ phổ biến thay vì tiếng mẹ đẻ để đưa tác phẩm tới công chúng thế giới dễ dàng hơn. 

Chẳng hạn, ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai lần đầu xuất bản cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh mang tên “The mountains sing” (tạm dịch: Những ngọn núi hát) vào tháng 3 vừa qua, hay Kiều Bích Hậu với tập thơ “The Unknown” (Ẩn số) cũng viết bằng tiếng Anh.

Vì văn đàn Việt Nam chưa thực sự có một trào lưu lớn sáng tác bằng ngoại ngữ, và sự thành công đơn lẻ của một vài tác giả vẫn chưa hẳn "mở ra những ô cửa kỳ diệu của hư cấu" ở văn chương Việt trong dòng chảy văn học thế giới - như kiểu Chinua Achebe đã từng làm được với văn học châu Phi, nên chăng, ta hãy thử ngẫm về mình qua một thấu kính khác.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai và tiểu thuyết tiếng Anh đầu tay mới xuất bản, được đánh giá cao bởi báo chí và độc giả nước ngoài.

Chinua Achebe là một người Nigeria. Người ta gọi ông là cha đẻ của văn chương Phi Châu. Chắc chắn không phải vậy, vì Achebe mới ra đời vào năm 1930, mà lịch sử châu Phi thì dài dằng dặc. 

Nhưng ông được gọi như thế, bởi tiểu thuyết đầu tay của ông, “Things fall apart” (theo bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê và Hoài Khanh là “Quê hương tan rã”) được viết bằng tiếng Anh và có lẽ đây là lần đầu tiên giới văn đàn Anh ngữ - những người nắm giữ hệ thống đánh giá giá trị một tác phẩm trên toàn cầu - được nhìn vào đời sống bộ lạc của lục địa đen. Ngày nay, những nhà văn Phi châu nổi tiếng nhất đều viết bằng những ngôn ngữ thực dân: tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. 

Từ Ngũgĩ wa Thiong'o - ứng viên tiềm tàng cho giải Nobel đến Ben Okri - người từng đoạt giải thưởng Man Booker (có cuốn “The Farmished Road” đã từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với cái tên “Con đường đói khổ”) hay Chimamanda Ngozi Adichie, một nữ nhà văn trẻ đang lên (tác phẩm “Half of a yellow sun” - “Nửa mặt trời vàng” của cô cũng từng được đón nhận khá nồng nhiệt ở Việt Nam).

Nhưng, mọi ngôn ngữ đều được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường địa lý của nó, và sử dụng một ngôn ngữ nước ngoài để kể câu chuyện của một vùng đất địa phương liệu có thể nào làm "vỡ" những mảnh tinh tế nhất của vùng đất ấy, những điều chỉ có thể truyền đạt bằng ngôn ngữ bản địa, ngôn ngữ thiểu số, ngôn ngữ bộ lạc? 

Và liệu, điều gì quan trọng hơn: truyền bá câu chuyện của mình đến gần với độc giả Anglo-Saxon hay làm giàu thứ ngôn ngữ của dân tộc mình? Vẫn trong bài tiểu luận của Obiajunwa Wali, ông viết: "Văn chương châu Phi mà chúng ta hiểu và thực hành ngày nay chỉ là một phần phụ bé nhỏ trong dòng chảy lớn của văn chương châu Âu", và "Mọi thứ văn chương Phi châu đích thực phải được viết bằng ngôn ngữ châu Phi". Dù điều đó vẫn còn bỏ ngỏ cho những tranh luận khác nhau, nó cũng có mặt đúng đắn. 

Hãy thử tưởng tượng nếu Nguyễn Du đã viết “Truyện Kiều” bằng một ngôn ngữ nào đó không phải tiếng Việt, thì nó làm sao còn có thể đại diện cho người Việt, khi mà chẳng nghi ngờ gì, bất cứ một ngôn ngữ nào cũng không thể diễn đạt chính xác những khía cạnh, những sắc thái và ngụ ý và ẩn tàng đẹp đẽ nhất của tiếng Việt.

Mặc dù thế, viết bằng tiếng Anh là một xu hướng tất yếu của những nền văn chương ngoại vi, bởi đó là con đường ngắn nhất để chúng được lắng nghe. Liếc qua danh sách các tác phẩm bán chạy nhất trên Amazon, ngoài những tác giả người Anh-Mỹ thì đương nhiên viết tiếng Anh như Stephanie Meyer, Suzanne Collins, Celeste Ng hay Michelle Obama, có một trường hợp khá thú vị là Don Miguel Ruiz. 

Ông là người Mexico và tín đồ của tư tưởng Toltec huyền bí cổ xưa, và đáng ra ông có thể viết “The Four Agreements” (bản dịch tiếng Việt: “Bốn thỏa ước”) bằng tiếng Mexico để diễn giải sâu sắc nhất các ý niệm của mình, nhưng ông lại chọn viết bằng tiếng Anh. Nếu ai đó hỏi Ruiz rằng bí quyết để trở thành một tác giả bán chạy trên toàn cầu là gì, có lẽ Ruiz sẽ không ngần ngại trả lời rằng, hãy viết bằng thứ ngôn ngữ bán chạy nhất thế giới.

Đây là tấm gương lớn với những tác giả Đông Nam Á. Dù là khu vực chiếm gần 10% dân số thế giới với tổng cộng 655 triệu người, nhưng tiếng nói của những cây bút đến từ Đông Nam Á vẫn thều thào và hầu như không có sức nặng. 

Cũng có những tác giả đương đại không cần viết tiếng Anh mà vẫn tạo dấu ấn lớn, nhưng hãn hữu mới xuất hiện những người như vậy, và họ thường phải chờ đợi rất nhiều vào duyên may gặp được một dịch giả tài năng, như Pramoedya Ananta Toer hay Eka Kurniawan - những nhà văn Indonesia. 

Còn thì, khi ta xem các danh sách tác phẩm hay từ Đông Nam Á do trang tin nước ngoài bầu chọn (mà không có nhiều những danh sách như thế), thì đa phần họ vẫn lựa ra các cuốn sách được viết thẳng bằng tiếng Anh. 

Ví dụ, bookriot.com - một trang tin độc lập về sách vở tại Bắc Mỹ, khi điểm ra 11 cuốn sách tiêu biểu của 11 nước Đông Nam Á, thì có đến quá nửa không được sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Nhà văn gốc Việt Le Ly Hayslip và tác phẩm được đạo diễn Oliver Stone chuyển thành phim.

Bạn có tò mò đại diện cho Việt Nam là cuốn sách nào không? Kết quả có lẽ không bất ngờ với những Việt kiều nhưng sẽ bất ngờ với người Việt trong nước. Tôi tin rằng trừ những người hoạt động trong ngành văn hóa, còn thì nhiều người Việt thậm chí chưa từng đọc, cũng chưa từng nghe về cuốn sách này, đó là “When Heaven and Earth changed places” (“Đảo lộn đất trời”) của Phùng Thị Lệ Lý (bút danh Le Ly Hayslip). 

Cuốn sách đương nhiên được viết bằng tiếng Anh, và có lẽ nhờ đó mà nó được dịch ra tới mười mấy thứ tiếng, xếp trong hàng ngũ những cuốn sách bán chạy của New York Times, và được vị đạo diễn tầm cỡ Oliver Stone mua bản quyền chuyển thể thành phim. 

Cuốn sách có thể không hay hơn những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam được viết bằng tiếng Việt, nhưng vì nó được viết bằng tiếng Anh, nó lập tức có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận độc giả Anh ngữ. 

Hay có lẽ, trong tương lai, nhắc tới văn chương Việt Nam trên trường quốc tế, có khi người ta lại nhắc Viet Thanh Nguyen, người đoạt giải Pulitzer cho sách hư cấu năm 2016 với tiểu thuyết “The Sympathizer” (theo kiểu Ben Okri đại diện cho văn chương châu Phi), dù rõ ràng anh chẳng viết bằng ngôn ngữ Việt, cũng không rành rẽ ngôn ngữ Việt.

Và đó là chưa nói đến chuyện, mối quan tâm của văn đàn thế giới đối với văn chương địa phương hết sức chật hẹp và chỉ giới hạn trong một vài chủ đề nhất định. 

Nói như một nhà thơ Goenawan Mohamad người Indonesia thì: "Văn chương châu Á chỉ được chú ý khi nó đến từ những tai họa. Thường là, một cuộc chiến kéo dài, đặc biệt là một cuộc chiến liên quan tới nước Mỹ, hay một vụ diệt chủng, một cơn sóng thần, sẽ khiến nó được truyền thông thế giới quan tâm, và thị trường văn chương sẽ kéo theo sau đó".

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, Việt Nam và Mỹ từ lâu đã bình thường hóa quan hệ, những người trẻ Việt Nam gần như không có một ý niệm thực sự nào về việc chiến-tranh-là-gì và ngày nay những cuốn sách văn chương mới bán chạy nhất ở Việt Nam hầu như không dính líu tới đề tài ấy, nhưng người nước ngoài thực sự vẫn chỉ quan tâm đến những cuốn sách lấy đề tài Việt Nam khi chúng nói về góc khuất cuộc chiến kinh hoàng năm nào. 

Người ta sẽ không quan tâm nếu vị tác giả ấy viết một tiểu thuyết giả tưởng như “Harry Potter” hay một tiểu thuyết trinh thám như “Mật mã Da Vinci”. Bởi họ đã có Rowling, đã có Dan Brown viết về những thứ đó, cái họ cần là những câu chuyện mà tự họ không kể được, những điều mà họ không thể tự thân khám phá, những miền đất "hương xa" mà đối với họ thật là bí ẩn.

* * *

Một trong những lý do khiến Chinua Achebe khởi sự viết “Quê hương tan rã” là vì sau khi đọc “Heart of darkness” của Joseph Conrad (cuốn sách từng bán rất chạy ở Việt Nam trong dòng văn học hàn lâm với tên gọi “Giữa lòng tăm tối”), ông cảm thấy việc cứ phải đọc những gì thực dân viết về thuộc địa thế là quá đủ. 

Thế nhưng, dù Achebe quả thực đã tạo ra một thứ tiếng Anh mới, hòa quyện nhịp nhàng ngữ điệu ngôn ngữ Igbo và một hệ từ vựng Igbo, đó vẫn là tiếng Anh, và sau 60 năm, vẫn chưa có một ai dịch cuốn sách ấy sang tiếng Igbo. 

Một tác phẩm được xếp vào hàng vĩ đại nhất của văn chương châu Phi, thế nhưng, chính những người bản địa châu Phi, phần lớn họ lại chưa được đọc! Sự thành công thần kỳ của những nhà văn châu Phi viết tiếng Anh khiến cho ngôn ngữ châu Phi ì trệ và không thể phát triển khi thiếu vắng những văn bản trí tuệ. Cái giá phải trả là gì? Obiajunwa Wali nói, có thể là "sự tuyệt chủng của ngôn ngữ bản địa".

Cũng có thể Wali chỉ lo hão. Nhưng cũng có thể là, khi thế giới ngó lơ văn chương địa phương, điều đó thật đáng sợ; song ngay cả khi họ quan tâm đến nó, điều đó cũng đáng sợ không kém.

Hiền Trang
.
.