Sang đất Ăngco, tìm trung tướng Nguyễn Bình

Thứ Sáu, 27/07/2007, 16:00
...Tay chuyền nhau từng phần hài cốt của người đồng đội, người chỉ huy kính mến, các thành viên trong đoàn đều rất xúc động nhưng cũng vui mừng tột độ. Thế là công việc "mò kim đáy biển" đã được hoàn thành sớm hơn hạn định. Mọi nỗ lực của chúng ta đã được đền đáp...

Nắm bắt thời cơ

Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 1908 tại thôn An Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nguyên Chỉ huy trưởng chiến khu Đông Triều trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nguyên Tư lệnh Khu 7 rồi Tư lệnh Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946.

Tháng 1/1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong Trung tướng. Ông là Trung tướng đầu tiên trong 11 vị tướng lĩnh của QĐND Việt Nam.

Trên đường ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ với Trung ương, ông đã bị địch phục kích và hy sinh ngày 29/9/1951 tại xã Srê Dốc, huyện Sê San, tỉnh Xtrung Treng, Đông Bắc Campuchia. Gần nửa thế kỷ sau (tính đến ngày tìm được hài cốt), phần mộ của ông đã được đồng bào Mơ Nông vùng này gìn giữ.

Từ lâu, chúng ta cũng nghĩ đến việc đi tìm mộ Trung tướng Nguyễn Bình để đưa ông về Tổ quốc nhưng điều kiện chủ quan, khách quan chưa cho phép.

Mãi tới những năm cuối của thế kỷ XX, khi lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã làm chủ hầu như toàn bộ đất nước thì tình hình Campuchia mới ổn định. Lúc này, quan hệ Việt Nam - Campuchia tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Vậy là thời cơ đã đến, tuy hơi muộn nhưng còn hơn không. Chúng ta có dịp bàn bạc trao đổi với bạn về việc Campuchia giúp đỡ Việt Nam trong việc tìm mộ Trung tướng Nguyễn Bình. Đề nghị này của ta được phía bạn hoan nghênh và hứa tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam làm việc này có kết quả.

Theo Quyết định số 52-QĐQP ngày 21/1/2000, đoàn công tác đặc biệt của Bộ Quốc phòng nước ta đi tìm hài cốt cố Trung tướng Nguyễn Bình gồm 14 người do Đại tá Đỗ Minh Nguyệt, Trưởng phòng của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn.

Giúp việc cho đoàn còn có 3 cán bộ Quân đội đã nghỉ hưu nhưng rất nhiệt tình.

Đó là Đại tá Trần Bá Hào, nguyên Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, người đã từng chiến đấu bên cạnh Trung tướng Nguyễn Bình, có công thu thập cứ liệu từ nhiều nguồn tin cậy, rồi tác nghiệp lên bản đồ để xác định tọa độ sẽ triển khai việc tìm kiếm.

Đó là đồng chí Lư Ngọc Quế - cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Đông Bắc Campuchia, đã có lần tiếp cận với ngôi mộ 49 năm về trước.

Đó là Thiếu tướng Phùng Đình ấm (Ba Cung), người mà tháng 9-1951 nhận nhiệm vụ đi đón đoàn của cố Trung tướng Nguyễn Bình từ Nam Bộ hành quân ra Việt Bắc, tuy không gặp được nhưng đã nghe và hiểu tường tận sự việc dẫn đến trường hợp hy sinh của vị tướng huyền thoại mình hằng mến mộ. Ông Ba Cung còn thạo tiếng nói, phong tục của vùng này.

Tham gia đoàn còn có ông Nguyễn Thế Trường, cháu gọi Trung tướng Nguyễn Bình bằng chú ruột.

Ấm tình bè bạn

Trung tướng Nguyễn Bình ngã xuống trên lãnh thổ Campuchia, lúc chôn cất lại được bà con địa phương nước bạn giúp đỡ. Nay ta muốn tìm phần mộ, nhất thiết phải qua con đường ngoại giao, nhờ bạn giúp đỡ ta ngay từ đầu và suốt quá trình tìm kiếm.

17h30' ngày 24/2/2000, đoàn công tác của ta đến sân bay Pô Chen Tông được Thiếu tướng Mắt Chia La, Phó tham mưu trưởng Lục quân Hoàng gia Campuchia đón tiếp chu đáo.

10h30' ngày 25/2/2000, tại sân bay Xtrung Treng, Thiếu tướng Khăm Chanh, Phó Tư lệnh Quân khu 1 trực tiếp đón đoàn.

Qua câu chuyện trao đổi trên đường từ sân bay về Sở Chỉ huy Quân khu, ngài Thiếu tướng cho đoàn biết là phạm vi địa bàn mà đoàn ta chấm tọa độ trên bản đồ để tìm mộ ông Nguyễn Bình hiện nay thuộc xã Srê Dốc, huyện Sê San, cách tỉnh lị Xtrung Treng khoảng 60km đường chim bay.

Ở đó có 3 phum: phum Kpal Rô Mia (thôn Đầu tê giác), phum Pré Phơ ết (thôn Phật dựa) và phum Rom Pé (thôn phía Tây). Nhân dân xã này hầu hết là người Mơ Nông, chỉ có vài gia đình người Khơme gốc Lào. Xã Srê Dốc là chỗ dựa của Tiểu đoàn 421, Trung đoàn 42 trực thuộc Quân khu 1. Địa bàn của xã này rất rộng nhưng dân chúng vẫn tập trung đông nhất tại thôn Đầu tê giác. Ta có thể dựa vào dân phum này để tìm mộ Trung tướng.

Ở Quân khu 1, đoàn được Trung tướng Thao Cung - Tư lệnh Quân khu cùng các cơ quan trong Quân khu đón tiếp và chăm sóc nhiệt tình từ bữa ăn, nơi ngủ đến phương tiện đi lại rất chu đáo.

Trong buổi làm việc đầu tiên tại Sở Chỉ huy Quân khu 1, sau khi nghe ý kiến của phía đoàn Việt Nam trình bày, đề nghị rồi trao đổi qua lại, Trung tướng Thao Cung đã phân công Thiếu tướng Khăm Chanh - Phó Tư lệnh Quân khu chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức và cùng đi giúp đoàn ta cho đến lúc xong nhiệm vụ.

Sáng 26/2/2000, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Hai xe vận tải quân sự đưa đoàn tìm kiếm gồm các thành viên Việt Nam và Campuchia xuất phát từ Sở Chỉ huy Quân khu 1 vượt đoạn đường dài 3 tiếng đồng hồ để đến Sở Chỉ huy của Tiểu đoàn 421 đóng tại phía Bắc cầu Srê Dốc.

Xe dừng bánh, Thiếu tướng Khăm Chanh gặp, giao nhiệm vụ cho vị Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 421 cấp tốc đi xe jeep đến phum Kpal Rô Mia mời Chủ tịch xã Srê Dốc, Trưởng phum Kpal Rô Mia và các vị bô lão trong xã về đây họp mặt tại Sở Chỉ huy Tiểu đoàn. Xe đi rồi, cả bạn và ta đều nóng lòng chờ đợi. Đoạn đường từ đây tới phum Kpal Rô Mia chỉ có 13km mà xe đi đã 5 tiếng đồng hồ chưa thấy về.

Thiếu tướng Mắt Chia La lẩm bẩm: "Mình trông họ về như con nít mong mẹ về chợ".

Rồi việc gì phải đến đã đến. Sau tiếng còi ôtô, chiếc xe con từ đầu cầu Srê Dốc chạy về đỗ xịch trước Sở Chỉ huy Tiểu đoàn. Từ trên xe, vị Tiểu đoàn trưởng bước vội xuống vừa chạy vừa la to: "Đã gặp được người mà hồi đó vừa khiêng, vừa chôn Trung tướng!". Cả đoàn ồ lên sung sướng, mặt mày rạng rỡ.--PageBreak--

Lòng dân

Hai vị bô lão được người chỉ huy Tiểu đoàn 421 chạy lại mở cửa xe mời xuống đến gặp hai vị tướng Campuchia và các thành viên trong đoàn Việt Nam đang ngồi đợi họ trong nhà. Một bô lão chừng hơn bảy mươi tuổi, mái tóc xoăn đang ngả màu bạc, hai vành tai rộng - đặc điểm của người Mơ Nông, chắp hai tay vái chào các vị khách và tự giới thiệu rất rành mạch, tự nhiên:

- Thưa các ông, tôi lên là Nhoi Sa Rô, hiện là Trưởng phum Kpal Rô Mia, còn người này - ông chỉ tay sang bạn - là Rom Chưm, Phó Chủ tịch thứ ba của xã Srê Dốc nhưng cũng là người cùng phum với tôi…

Qua gợi ý của Đại tá Trưởng đoàn Việt Nam, ông già Nhoi Sa Rô lần lượt kể lại câu chuyện dài 49 năm về trước, cái năm mà Trung tướng Ba Bình đi qua đến phum Kpal Rô Mia nghỉ lại, lúc đó ông 24 tuổi, đang làm Đội trưởng dân quân. Giọng khúc chiết, ông kể:

- Bộ đội Việt Nam đến ở phum này hai đêm. Không biết tên ông chỉ huy, cấp gì, nhưng theo thói quen đồng bào chúng tôi gọi là "Lục Thum" (tức ông lớn). Gọi ông là "Lục Thum" vì thấy ông chỉ huy to con lắm nom như Tây.

Tôi cho Lục biết ở đây thường có bọn lính commăngđô (biệt kích) thỉnh thoảng vẫn vào phum bắt heo, gà, Lục phải chú ý đề phòng. Vậy mà không ngờ tai họa lại đến với Lục.

Sáng hôm sau, bất thình lình bọn commăngđô từ trên bốt đến phum sục sạo. Chúng phát hiện Lục đang ở ngoài chòi. Chúng bao vây nổ súng và Lục đã bị trúng đạn chết ngay trong chòi canh ruộng. Hôm đó lại đúng ngày tôi làm giao liên dẫn đường cho ông Vàng và 15 anh em bộ đội Việt Nam khác từ làng SrayCô đến đón đồng đội ở sông Sê Công, tới khi trở về thì sự việc không may đã xảy ra. Tôi rất đau lòng thương tiếc Lục.

Ngay tối hôm đó, tôi với Rom Chưm và một số người cùng phum đã cùng một số anh bộ đội Việt Nam khiêng xác Lục đi khoảng 6km rồi dùng thuyền vượt sông sang bờ Nam sông Srê Dốc để mai táng.

Tội nghiệp, Lục người cao to, nặng lắm, hỏng bên mắt trái, có 3-4 cái răng bịt vàng, lúc chết còn trẻ chỉ tầm bốn mươi tuổi. Để chôn cất, tôi phải đốt liên tục nhiều bó đuốc bằng nứa khô để soi sáng cho bộ đội Việt Nam đào huyệt. Huyệt sâu đến ngực, khi chôn xong đã quá nửa đêm.

Lúc đó đang mùa mưa, nước sông dâng cao. Tôi phải tìm vạt đất ven rừng mà nước không thể lên tới được để chôn Lục. Nghe anh em Việt Nam nói lúc đó vào cuối tháng 9/1951. Sau đó, bộ đội Việt Nam rút đi đâu không rõ. Vài ngày sau, ông Vàng cùng anh em đi theo đến đắp mộ của Lục thật cao rồi lâu lâu sau không biết đã lấy xác Lục đi chưa. Nếu chưa lấy mang đi thì chắc chắn Lục vẫn còn nằm đó.

Ngôi mộ của Lục nằm gần con đường lên xuống bến sông nên hằng ngày bà con đi về nói vẫn thấy còn nguyên. Biết đây là mộ của một chỉ huy cao cấp Việt Nam nên bà con quý lắm, năm nào cũng tới phát dọn cây cối xung quanh, không để chúng mọc lấp thành rừng…

Ông già Nhoi Sa Rô nói một thôi dài không nghỉ. Như vậy, sự việc đã sáng tỏ. Mọi người nghe xong đều mừng lắm. Thiếu tướng Khăm Chanh điện báo về Sở Chỉ huy Quân khu là tình hình đã đạt kết quả đến 80%. Nhận được điện, Trung tướng Thao Cung và cả Sở Chỉ huy cũng reo vui.

Đêm đó, hai vị bô lão phum Kpal Rô Mia ngủ lại với đoàn để mai cùng đoàn đi sớm. Mọi người đều không ngờ rằng kết quả bước đầu lại mỹ mãn đến vậy. Nếu không có quân và dân nước bạn giúp đỡ thì liệu với kế hoạch 3 ngày luồn rừng chiếu hướng đi tìm mộ theo tọa độ trên bản đồ thì có đạt được kết quả thế này không?

Sáng 27/2/2000, trên đường đến mộ do hai vị bô lão hướng dẫn, đoàn đi ngang qua phum Kpal Rô Mia, bà con chạy ùa ra đón như đón người thân đi xa lâu ngày trở về. Đồng bào Mơ Nông vùng này có khá nhiều người biết tiếng Việt. Ai cũng nói to: "Tìm cái mộ ông "Lục Thum" đó, dễ lắm mà!…".

Ngôi mộ của Trung tướng Nguyễn Bình tọa lạc trên một vạt rừng thưa cách bờ Nam sông Srê Dốc chừng 70-80m. Nấm mồ hãy còn đây, mưa rừng gió núi chưa đủ sức bào mòn vì trên mồ vẫn còn lớp cỏ dày bám rễ vào đất và đúng như lời ông già Nhoi Sa Rô nói, xung quanh mộ không có cây to nào xâm lấn; chỉ lơ thơ vài cây nhỏ mọc lúp xúp, đường kính chỉ to bằng ngón tay cái.

Khi đào sâu xuống cách mặt bằng của đất chừng một mét thì hài cốt đồng chí Nguyễn Bình đã được tìm thấy. Mặc dù đã qua 49 năm, bộ xương vẫn còn gần như nguyên vẹn, kể cả con mắt giả làm bằng thủy tinh và 4 chiếc răng vàng.

Tay chuyền nhau từng phần hài cốt của người đồng đội, người chỉ huy kính mến, các thành viên trong đoàn đều rất xúc động nhưng cũng vui mừng tột độ. Thế là công việc "mò kim đáy biển" đã được hoàn thành sớm hơn hạn định. Mọi nỗ lực của chúng ta đã được đền đáp.

Cả hai vị tướng của Campuchia đã tay cuốc, tay xẻng cùng tham gia lao động với đoàn. Thật là một nghĩa cử cao đẹp.

Đoàn công tác đã rước hài cốt Trung tướng liệt sỹ Nguyễn Bình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 15h30' ngày 29/2/2000 trong nghi thức đón tiếp trang nghiêm của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và TP Hồ Chí Minh.

(Theo lời kể của Đại tá Đỗ Minh Nguyệt - Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Quốc phòng)

Thế Trường
.
.