Sân chơi mới TPP: Ai được, ai mất?

Thứ Ba, 13/10/2015, 06:33
Suốt 6 ngày đàm phán căng thẳng tại thành phố Atlanta (Mỹ), bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận lịch sử vào ngày 5/10. 


Vậy là sau 5 năm ròng rã với vô số bất đồng và trở ngại, tiến trình đàm phán TPP cuối cùng đã hoàn tất, mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Những nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ sau khi các bộ trưởng đạt được đồng thuận về 3 lĩnh vực gai góc nhất còn lại là dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand, và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

Với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, toàn diện và cân bằng, TPP là hiệp định của thế kỷ XXI giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, khuyến khích phát triển hòa nhập và sáng tạo trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, TPP cũng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm đói nghèo, tăng cường minh bạch trong chính phủ của các nước thành viên. Sau khi hoàn tất và được quốc hội các nước chấp nhận và thông qua, TPP sẽ đóng góp 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Một thỏa thuận lịch sử

Hiệp định TPP ban đầu có tên là nhóm P-4 do bốn nước thành lập là Chile, New Zealand, Singapore và Mexico. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP và đến đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP. Cho tới nay đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. 

TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.

Kịch bản đàm phán “xong-không xong” đã diễn ra trong suốt ba năm qua kể từ khi TPP lỡ hẹn mốc cuối 2013 mà lãnh đạo các nước thành viên đưa ra. Lợi ích chồng chéo của 12 nền kinh tế khiến cuộc đàm phán không thể nào suôn sẻ. TPP cần tới gần 10 năm với hơn 20 vòng đàm phán (từ vài nước ban đầu khi thành lập). Áp lực của TPP là buộc phải xong trong năm nay trước khi chính trường Mỹ bước vào giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm tới. Mỗi vòng đàm phán thêm là một lần cơ hội thêm mỏng dần. Vòng đàm phán tại Atlanta lần này thực sự là một cuộc chạy marathon, từ 2 ngày kéo dài sang 5 ngày với rất nhiều phiên thảo luận thâu đêm.

Câu hỏi là điều gì đã xảy ra vào thời điểm cuối cùng của cuộc đàm phán, khi trước đó ít lâu các nhà đàm phán đã gần như chắc chắn giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng lại, sẵn sàng cho buổi họp báo buổi chiều ngày 4/10 (giờ địa phương). Sự trì hoãn này được cho là xuất phát từ một yếu tố bất ngờ vào phút cuối, khi các thỏa thuận bên lề được công bố, nhà đàm phán các nước đã không muốn nhượng bộ cho những phát sinh. Có thể đã xảy ra tình huống: Một vài thỏa thuận song phương, hay đa phương giữa một vài nước trong nhóm đàm phán đã không được thông báo cho tất cả thành viên.

Đại diện 12 quốc gia tham dự vòng đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ).

Tuy vậy, cuối cùng thì vòng đàm phán đã thành công khi các bộ trưởng khẳng định đã đề ra một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước thành viên. 

Có thể nói TPP là “thỏa thuận lịch sử” quan trọng và tham vọng nhất mà các quốc gia đạt được trong nhiều năm qua, sẽ giúp giải quyết các thách thức của thương mại quốc tế thế kỷ XXI, xây dựng các quy tắc thương mại của khu vực trong nhiều thập kỷ tới. Các quy định thương mại do TPP đặt ra sẽ trở thành các tiêu chuẩn toàn cầu. Bởi vậy, TPP có tầm quan trọng vượt ra ngoài phạm vi thương mại, giúp tăng cường cả quan hệ kinh tế và an ninh giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngay sau khi thông báo vòng đàm phán thành công, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức ca ngợi kết quả trên đã tạo ra sân chơi cho những nông dân, các chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ cũng như giúp nước này đạt được nhiều mục tiêu khác trong tương lai gần.

Lãnh đạo các nước Nam Mỹ Chile và Peru tỏ ra hài lòng với “kết quả cân bằng” sau cuộc đàm phán trong việc tạo ra cơ hội cho người dân tại ba lục địa tham gia TPP. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết nước này khá thành công khi đàm phán được miễn tất cả thuế đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu, ngoại trừ thịt bò và một số sản phẩm bơ sữa.

Đường rộng nhưng còn gian nan

Đến nay, TPP vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, phản đối hiệp định lịch sử sau khi hoàn tất đàm phán. Đây là cửa ải không dễ vượt qua khi nhiều nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang phản đối TPP do lo ngại khả năng thao túng tỷ giá của các nước tham gia TPP và nguy cơ đối với thị trường lao động nội địa do các công ty Mỹ sẽ tìm kiếm nguồn nhân công rẻ hơn tại nước ngoài. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders đã lên án hiệp định TPP, cho rằng thỏa thuận thương mại này sẽ gây ra tổn hại lớn cho người tiêu dùng và khiến thị trường việc làm của quốc gia này trở nên không thể kiểm soát.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Ron Wyden đã kêu gọi đại diện thương mại Mỹ Micheal Froman phải bảo đảm kết quả đàm phán tạo thuận lợi hơn đối với việc tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa của Mỹ. Trong khi đó, một nhóm 45 hạ nghị sĩ đã gửi thư cho ông Froman yêu cầu đảm bảo các nước thành viên khác trong TPP mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ.

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, phản đối hiệp định lịch sử sau khi hoàn tất đàm phán.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch cũng đề nghị Chính phủ Mỹ không nên vội vàng kết thúc đàm phán nếu không đạt được các yêu cầu về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác. Theo đó, do đàm phán TPP luôn giữ bí mật về chi tiết các điều khoản trong thỏa thuận nên nhiều khả năng lợi lộc từ TPP chủ yếu sẽ rơi vào các tập đoàn lớn.

Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực. Vượt qua khuôn khổ của một hiệp định thương mại, TPP trở thành xương sống về kinh tế trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, trong bối cảnh đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực thúc đẩy TPP, xem đây là cách để tạo ra đối trọng buộc Trung Quốc phải chấp nhận các tiêu chuẩn do TPP đặt ra. Tổng thống Obama hy vọng kịp trình lên Quốc hội Mỹ hiệp định TPP để được thông qua trước khi nước này bước vào mùa bầu cử năm 2016. Nếu thành công, TPP sẽ góp thêm thành tựu vào bảng thành tích trong giai đoạn cầm quyền của ông chủ Nhà Trắng.

Trên thực tế, không ai được tất cả khi ký kết TPP. Khi các nước mở cửa và hạ thuế quan bằng 0 xuống cho hầu hết mặt hàng thì từng nước phải mở cửa cho các mặt hàng họ từng coi là “nhạy cảm” hay “bất khả xâm phạm”. Bộ trưởng Tim Groser thừa nhận TPP có nghĩa là “những nhượng bộ xấu xí”. Tất cả các nước tham gia đều có những nhượng bộ không dễ dàng về mặt chính trị dù đó là vấn đề nông sản, thị trường ôtô, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn hay là chi tiêu chính phủ.

Do TPP là hiệp định đa phương, tất cả các nước tham gia đều chấp nhận cùng luật chơi nên cuộc đàm phán không hẳn mang tính qua lại mà phức tạp, đa tầng hơn. Một nước A đề xuất vấn đề có lợi cho nước B, đổi lại thì nước A lại đòi từ nước D và nước E một số lợi ích nào đó mà lòng vòng thì cuối cùng nước B sẽ nhượng bộ. Mọi quốc gia đều cố gắng đạt được một lợi thế tổng thể (nhượng bộ không quá nhiều và mặt được lại thì nhiều hơn) nên đã khiến cuộc  đàm phán kéo dài.

Xét một cách toàn diện, TPP sẽ là chìa khóa quan trọng giúp nền kinh tế của nhiều quốc gia thoát khỏi sự đeo bám dai dẳng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008. TPP báo hiệu bước chuyển giai đoạn trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 12 nền kinh tế với nhau, giữa cả khối với thế giới bên ngoài. Với TPP, mục tiêu là tạo ra những cú hích đột phá mới cho phát triển ở từng nền kinh tế và cho toàn bộ các mối quan hệ hợp tác giữa họ với nhau, bình đẳng hơn, sòng phẳng hơn và minh bạch hơn.

Tham gia TPP là chấp nhận chịu áp lực phải thay đổi và thích ứng. Sau khi được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. TPP sẽ thay đổi môi trường kinh doanh Việt Nam, cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa…

Lâm Anh
.
.