Quan hệ song phương Mỹ - Nhật: Nắm tay nhau thật chặt

Thứ Ba, 28/02/2017, 15:21
Thời gian qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài khá sốt sắng trong việc tạo dựng sự gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump và định hình mối quan hệ đồng minh khi xuất hiện những dấu hiệu không mấy suôn sẻ trong quan hệ hai nước.

Trong chuyến thăm tới Washington được đông đảo dư luận chú ý, nhà lãnh đạo Tokyo đã có cuộc hội đàm với ông chủ mới của Nhà Trắng về hai chủ đề chính là an ninh và kinh tế, qua đó nhấn mạnh cả Mỹ và Nhật Bản đều coi trọng củng cố quan hệ đồng minh song phương vì lợi ích thiết thực của mỗi quốc gia.

Đáp lời, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi liên minh Mỹ - Nhật như một hòn đá tảng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, khác với những lời cảnh báo mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử khi buộc Tokyo phải trả thêm tiền để có được sự bảo vệ từ “chiếc ô an ninh” của Mỹ.

Tái định hình quan hệ

Sau những diễn biến đầy bất ngờ trên chính trường Mỹ, ông Shinzo Abe thể hiện tham vọng thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Thủ tướng Nhật Bản là một người biết lắng nghe, ôn hòa và những người bạn của ông bao gồm nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới như Thủ tướng Ấn Độ Modi hay Tổng thống Nga Putin.

Mặc dù là người xuất thân từ làn sóng chống tập quyền khi đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền, song Thủ tướng Nhật Bản cũng có những giới hạn dân tộc của riêng mình. Tuy vẻ ngoài thân thiện nhưng kỳ thực ông Abe cũng rất lo lắng về nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đối với an ninh nước này trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng từ phía Trung Quốc và Triều Tiên.

Truyền thông đã thấy sự khéo léo trong nghệ thuật ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe khi ông đã bắt tay Tổng thống Donald Trump… lâu hơn bình thường.

Nỗi lo lắng này được phản ánh trong cuộc khảo sát hậu bầu cử Mỹ khi 70% người dân Nhật Bản bày tỏ quan điểm tiêu cực đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Trong khi đó, một nửa người dân Australia trước bầu cử cũng khẳng định Australia nên tránh xa Mỹ nếu ông Trump đắc cử.

Một số cố vấn chủ chốt của ông Trump nói với các đại sứ châu Á tại Washington rằng Mỹ có thể cần xem xét lại sự hiện diện quân sự của nước này ở châu Á hay có quãng thời gian “nghỉ ngơi” ở khu vực này để tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố hay các vấn đề kinh tế nội địa. 

Việc ông Trump phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ hủy hoại nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy phê chuẩn thỏa thuận này để đẩy mạnh quan hệ với Mỹ.

Nhìn lại quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ, không khó để nhận thấy “nỗi bất an” của Thủ tướng Abe hoàn toàn có cơ sở. Với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết”, Donald Trump từng cho rằng Nhật Bản là một trong những nước làm thâm hụt thương mại của Mỹ, kèm lời buộc tội Tokyo sử dụng chính sách tiền tệ nhằm phá giá nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông cũng cảnh báo có thể rút binh sĩ Mỹ khỏi Nhật Bản nếu đồng minh này không trả thêm tiền để có được sự bảo vệ của Mỹ. Chưa hết, trong khi Thủ tướng Abe luôn đi đầu trong việc thúc đẩy TPP, thì ông chủ mới của Nhà Trắng tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức và muốn có một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương với Tokyo.

Thủ tướng Shinzo Abe hiểu rằng, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ không thể dễ dàng quên đi các tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử khiến niềm tin của họ dành cho nước Mỹ bị lung lay. Một số quan chức Nhật Bản đã yêu cầu ông Abe phải mạnh mẽ bảo vệ TPP và có chính kiến riêng trong vấn đề chia sẻ gánh nặng.

Chính vì thế, trong các cuộc gặp mặt gần đây với ông chủ Nhà Trắng, ông Abe luôn “cố gắng” dẫn dắt cuộc nói chuyện với ông Trump theo hướng mình mong muốn và tập trung vào việc hình thành những đường nét cơ bản cho chiến lược đồng minh Mỹ - Nhật.

70% người dân Nhật Bản bày tỏ quan điểm tiêu cực đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Ðể tìm cách định hình quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền mới, ngay sau khi tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Abe đã tới New York và trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp không chính thức với ông Trump.

Chỉ vài giờ trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố liên minh Nhật Bản - Mỹ là nhân tố cốt yếu và là nguyên tắc không thay đổi trong chính sách an ninh và đối ngoại của Tokyo.

Trong cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại Washington, ông Abe tái khẳng định rất coi trọng việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược song phương dưới thời chính quyền mới của Mỹ. Ông cũng bày tỏ mong muốn trao đổi thẳng thắn các vấn đề nghị sự song phương, từ an ninh, thương mại đến chính sách tiền tệ, gửi thông điệp vững chắc về quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.

Và truyền thông đã thấy sự khéo léo trong nghệ thuật ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe khi ông đã bắt tay Tổng thống Donald Trump… lâu hơn bình thường. Ngay sau cú bắt tay dài, chỉ đợi ông Trump buông, trên mặt ông Abe thể hiện thái độ thở phào nhẹ nhõm.

Liên minh bất dịch

Những lần hội ngộ và đàm thoại giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump có thể sẽ xóa đi những nghi ngại từng nhen nhóm làm xói mòn quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản trong suốt quá trình bầu cử ở Mỹ vừa qua. Ðiều đó có lợi cho cả hai nước đồng minh xuyên Thái Bình Dương, khu vực và thế giới. Mối quan hệ ấm nồng giữa hai cường quốc này còn khẳng định một nguyên tắc “bất di bất dịch” rằng dù ở thời đại nào thì lợi ích quốc gia vẫn là trên hết.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Abe cũng bày tỏ hi vọng về mối liên minh giữa hai nước vốn tồn tại hàng thập kỷ sẽ không lay chuyển. Nhà lãnh đạo Nhật Bản còn mời ông Trump thăm quốc gia này trong năm nay, và ông Trump đã nhận lời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi liên minh Mỹ - Nhật như một hòn đá tảng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. “Chúng tôi cam kết với an ninh của Nhật và sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ liên minh vô cùng quan trọng giữa hai nước. Mối ràng buộc giữa hai quốc gia và tình bằng hữu giữa hai dân tộc là rất sâu nặng. Chính quyền của tôi cam kết đưa mối quan hệ đó trở nên gần gũi hơn nữa”, ông Trump nhấn mạnh.

Tuyên bố chung Mỹ - Nhật cũng khẳng định, cam kết của Washington về bảo vệ Tokyo bằng năng lực quân sự hạt nhân và truyền thống là không hề thay đổi. Thái độ mềm mại này của ông Trump được xem là một khẳng định mang ý nghĩa chào đón đối với Nhật Bản trong bối cảnh xuất hiện những thách thức từ Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển và mối đe dọa phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Thủ tướng Shinzo Abe bước đầu đã giành được một chiến thắng quan trọng, xây dựng niềm tin và tình bạn với tân Tổng thống Mỹ. Nhật Bản tiếp tục được Mỹ ủng hộ trong tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Tuyên bố chung cho biết hai nhà lãnh đạo khẳng định điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bao hàm quần đảo này.

Về vấn đề Triều Tiên, ông Trump “trấn an” Thủ tướng Nhật Bản rằng, giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là một ưu tiên rất cao, và hai bên sẽ cùng đưa ra những kế hoạch cũng như chiến lược linh hoạt, khác biệt so với cách thức của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ yêu cầu gia tăng đoàn kết với Nhật Bản, vốn bị đe dọa bởi chương trình đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh “Mỹ đứng đằng sau hỗ trợ Tokyo 100%”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cam kết Nhật Bản sẽ giúp tạo việc làm ở Mỹ, hy vọng thuyết phục ông Trump “giảm nhiệt” trong các vấn đề kinh tế. Các chuyến thăm của ông Abe hứa hẹn sẽ đem đến cho nước Mỹ 700 nghìn cơ hội việc làm thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng công - tư. Thủ tướng Abe cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán FTA với Mỹ.

Theo giới truyền thông “đất nước mặt trời mọc”, nhà lãnh đạo có thể sẽ đề xuất tạo tự do thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực như bảo vệ sở hữu trí tuệ, quy định về nguồn gốc hàng hóa, quy định về công ty thuộc sở hữu nhà nước và thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự bấp bênh vẫn tồn tại ở lĩnh vực thương mại, liên quan đến TPP.

Ông Abe nói ông “hiểu rõ” về quyết định của ông Trump, nhưng cũng tiết lộ Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí về một khuôn khổ mới cho đối thoại kinh tế. Nhà lãnh đạo Nhật cũng cho biết Tokyo mong muốn có một bộ quy tắc bình đẳng áp dụng chung cho thương mại trong khu vực…

Hồng Hạnh
.
.