Quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản: Đồng điệu và đồng lòng

Thứ Sáu, 05/02/2016, 11:31
Quỹ đạo phát triển quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước, và đã nhanh chóng có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đang làm việc cùng nhau, thực hiện quyền của mình để định hình tương lai cho châu Á.

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng, các cường quốc châu Á khác cần phải thúc đẩy việc chống lại những “tư tưởng bành trướng” và chấm dứt những tranh chấp chủ quyền không đáng có. “Chất xúc tác” mới này được phát hiện, đã đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới, nhưng nếu muốn đảm bảo phát triển ổn định và toàn diện, cả hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đối tác kinh tế tiềm năng

Hai nhà lãnh đạo Modi - Abe xây dựng tình bằng hữu từ lâu. Thủ tướng Narendra Modi đã không quá lời khi nói Thủ tướng Shinzo Abe là một “người bạn cá nhân” của ông. Mối thâm giao bắt đầu từ thời ông Modi còn là Chánh Bộ trưởng đặc trách kinh tế ở bang Gujarat và ông Abe lần đầu tiên giữ chức Thủ tướng. 

Ông Modi đã không những mở rộng cửa bang Gujarat để đón làn sóng đầu tư Nhật Bản, mà còn đồng cảm với tinh thần quốc gia của ông Abe trên phương diện giữ vững bản sắc dân tộc trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Quan hệ song phương, ngày càng gần gũi giữa Ấn Độ và Nhật Bản luôn được thử thách qua thời gian và có tiềm năng nhất trên thế giới.

Tình bằng hữu giữa hai nhà lãnh đạo được thể hiện rất rõ trong từng chuyến thăm. Tháng 9-2014, ông Modi chọn Nhật Bản làm nơi viếng thăm đầu tiên của các chuyến công du nước ngoài từ khi nhậm chức. Và người đón ông ở Tokyo chính là người bạn cố tri Abe, đang giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ hai. Đặc biệt, cả hai nhà lãnh đạo đều biết cách lắng nghe trong đối thoại, đều nhìn thế giới cùng một quan điểm và tư duy kinh tế của họ cũng tương đồng. 

Ấn Độ và Nhật Bản đều kỳ vọng trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ cuộc cải tổ Liên Hiệp Quốc. Cùng với mục tiêu phát triển quan hệ an ninh, hai nhà lãnh đạo cũng đặt mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế thương mại tương xứng.

Trên thực tế, chính quyền Abe không muốn để mất cơ hội với Ấn Độ vì nước này đang trở thành một đối tác chiến lược quan trọng của Nhật Bản. Ông Abe đã từng tới Ấn Độ ba lần trong tháng 12 - 2015, không ngoài mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu lục, và cũng muốn củng cố mối quan hệ song phương được nâng cấp lên tầm “đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu”. 

Ông đã lên kế hoạch nhằm tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản và số công ty của nước này hoạt động tại Ấn Độ, đồng thời cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới.

Hai nhà lãnh đạo Narendra Modi (trái) và Shinzo Abe xây dựng tình bằng hữu từ lâu.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt là cam kết của Nhật Bản tài trợ cho dự án tàu cao tốc đầu tiên nối Mumbai - thủ đô tài chính của Ấn Độ - với Ahmedabad, trung tâm thương mại bên bờ biển phía tây bang Gujarat, quê hương của ông Modi. Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản vay tín dụng ưu đãi dài hạn trị giá 12 tỷ USD, có thể sẽ khởi công vào năm 2017. Đối với Ấn Độ, dự án này phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Chính phủ Modi cam kết phát triển cơ sở hạ tầng để hoàn thành chiến dịch “Made in India” (Sản xuất ở Ấn Độ).

Tuy nhiên, dự án còn mang một ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tokyo đã vô cùng thất vọng khi Jakarta chọn Trung Quốc thay vì Nhật Bản cho dự án tàu cao tốc. Đây là một cú sốc lớn đối với Nhật Bản về mặt kinh tế và được coi là một thất bại. 

Ông Abe cũng đề nghị cung cấp thêm các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ bao gồm các tuyến đường bộ ở khu vực đông bắc nghèo nàn (đáng chú ý nhất là ở Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ). Cả Shinzo Abe và Narendra Modi đều xác định phải tăng cường sức mạnh quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế, nhằm tránh khỏi cái bóng và sức ép của Trung Quốc.

Trên thực tế, không một đối tác nào đóng vai trò quyết định trong cuộc chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ bằng Nhật Bản. Và không một thân hữu nào lại quan trọng hơn Nhật Bản trong việc biến giấc mơ kinh tế của Ấn Độ thành hiện thực. 

Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ ngay từ thời người tiền nhiệm của Modi, Manmohan Sihgh với tuyên bố hùng hồn rằng trục quan hệ Ấn - Nhật sẽ quyết định tương lai châu Á. Ấn Độ “hợp cạ” với Nhật Bản bởi quốc gia Nam Á này ở một trình độ phát triển tương đối cao, nên việc nhờ cậy đến Nhật Bản làm tàu cao tốc hay phát triển điện hạt nhân là dễ hiểu, thay vì trông mong sự hỗ trợ từ một đối tác khác có trình độ phát triển và kỹ thuật luôn bị coi là “hàng nhái”.

Nhật Bản cam kết tài trợ cho dự án tàu cao tốc đầu tiên nối Mumbai với Ahmedabad, trung tâm thương mại bên bờ biển phía tây bang Gujarat, quê hương của ông Modi.

Đồng minh thân cận

Gia tăng quan hệ Abe - Modi cũng đồng nghĩa với thắt chặt các thỏa thuận quốc phòng Nhật - Ấn. Đáng chú ý là thỏa thuận về việc Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên Mỹ - Ấn. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về một lá chắn tên lửa mà Nhật Bản sẽ đầu tư 81 tỷ USD. Đây là mối quan tâm chung của hai nước, khi phía Nhật Bản lo ngại một vụ tấn công tên lửa từ Triều Tiên, còn Ấn Độ cũng có lý do để quan ngại những cuộc tấn công tương tự từ Pakistan.

Chưa hết, Nhật Bản đã dỡ bỏ các lệnh cấm bán vũ khí kéo dài hàng thập kỷ và Ấn Độ đang nổi lên là một thị trường quan trọng đối với Nhật Bản. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản và Ấn Độ vẫn đang đàm phán việc bán máy bay đổ bộ Shin Maywa US-2 cho Ấn Độ. Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Việc bán máy bay cho Ấn Độ sẽ là một bước phát triển quan trọng trong chính sách vũ trang của chính quyền Abe thời hậu chiến.

Hai nhà lãnh đạo Abe - Modi đang xích lại gần nhau hơn khi Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, đang nỗ lực tập hợp các quốc gia châu Á trước những nguy cơ bất ổn tiềm tàng. 

Trong đó, Ấn Độ giữ vai trò trung tâm trong chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe về một liên minh ngoại giao và quốc phòng với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ chiến lược Ấn - Nhật vốn “đồng điệu”, sẽ là trụ cột của tương lai châu Á. Chính vì thế, hai vị thủ tướng đã cùng khẳng định lại cam kết vững chắc trong việc thực hiện một trật tự trong khu vực, trên cơ sở hòa bình, cởi mở, công bằng, ổn định và dựa vào luật lệ.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc qua biên giới Himalaya và quần đảo Senkaku. Hai nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ tự do hàng không hàng hải ở biển Đông, phản đối yêu sách đơn phương của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này. Từ đó, hai nhà lãnh đạo cùng nói đến tình hình biển Đông và đưa ra những kêu gọi sâu sắc nhất. Bởi vì, biển Đông có yên ổn thì Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mới bình lặng để Ấn Độ và Nhật Bản cùng thịnh vượng với các nước trong khu vực.

Chính quyền Narendra Modi không bao giờ muốn Trung Quốc kiểm soát các cửa ngõ vào Thái Bình Dương, vì điều này sẽ đe dọa trực tiếp sự tiếp cận của Ấn Độ với các đối tác và thị trường ở Đông Á. Thế nên, Thủ tướng Modi đã đưa ra cam kết hợp tác an ninh - tự do hàng hải trên các vùng biển trải dài từ Đông Phi đến Tây Thái Bình Dương. 

Trong đó, Tokyo là trung tâm của chiến lược này với vai trò đồng minh châu Á thân cận nhất của Washington - cũng chính là đối tác được ưa thích nhất của New Delhi. Từ đây, Ấn Độ và Nhật Bản nỗ lực xây dựng một liên minh hàng hải đối lập, chống lại chủ nghĩa phiêu lưu bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển châu Á.

Thời gian gần đây, chính quyền Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng để đối phó với ảnh hưởng và chiến lược cắt lát của Trung Quốc. Những cuộc gặp gỡ giữa Shinzo Abe và Narendra Modi không đơn giản chỉ là tìm cách khôi phục vị thế quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và chính sách đối ngoại. Nó còn báo trước một sự thay đổi ở châu Á, hình thành bởi sự cân bằng quyền lực được tạo ra từ các không gian chiến lược, bối cảnh chính trị cho các nước tự do phát triển. 

Tương lai quan hệ Ấn - Nhật có ý nghĩa rất lớn. Trung Quốc không thể thống trị châu Á một khi Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hướng tới mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện, ổn định hơn…

Trần Quân
.
.