Quan hệ Nga - Ukraine: Bên bờ vực thẳm
- Căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine: “Thùng thuốc súng” có phát nổ?
- Nga - Ukraine còn nhiều mâu thuẫn về vấn đề miền Đông và khí đốt
- Quan hệ Nga - Ukraine hạ nhiệt, Trung Đông vẫn “nóng”
Ngoài ra, Kiev cũng đang có kế hoạch áp dụng biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các đại biểu Duma Quốc gia được bầu từ Crimea. Trong khi đó, trái ngược với Kiev, Moscow tuyên bố sẵn sàng mở rộng các nhu cầu của mình theo các yêu cầu của ngành công nghiệp Ukraine, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng.
Mới đây, Tổng thống Nga Putin đã nhận xét rằng, nền công nghiệp Ukraine hiện đang trải qua cơn suy thoái, xảy ra phi công nghiệp hóa đất nước.
Ông Putin khẳng định, vào bất cứ thời điểm nào, ngay khi các đối tác Ukraine muốn, phía Nga sẵn sàng hỗ trợ tái thiết cơ cấu công nghiệp Ukraine, trong đó kể cả theo hướng hiệp lực liên doanh chung để đổi mới trang thiết bị quốc phòng và trong công nghiệp dân dụng Ukraine.
Vậy là có vẻ như, việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân của Nga trong bối cảnh này chẳng khác nào “tự chặt đứt tay chân của mình”.
“Giọt nước tràn ly” xuất phát từ việc Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã ngăn chặn thành công các vụ tấn công khủng bố ở Crimea liên quan đến Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine. |
Giọt nước tràn ly
Mối quan hệ giữa Moscow và Kiev không còn trên cùng một chiến tuyến kể từ khi chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền ở Ukraine sau cuộc “cách mạng đường phố” vào đầu năm 2014, rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng đối đầu khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3-2014.
Mặc dù Kiev chỉ trích gay gắt quyết định này của Moscow, cũng như cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine đẩy nước này rơi vào tình trạng “nồi da nấu thịt” kéo dài trong suốt hơn hai năm qua cướp đi sinh mạng của gần 9.500 người, nhưng mối quan hệ giữa hai nước chưa rơi vào tình trạng đối đầu nguy hiểm như hiện nay.
“Giọt nước tràn ly” khiến căng thẳng giữa hai quốc gia đứng trước nguy cơ vượt tầm kiểm soát xuất phát từ việc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn thành công các vụ tấn công khủng bố ở Crimea do Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine chuẩn bị.
Mục đích của các hành động biệt kích và mang tính chất khủng bố này là nhằm làm mất ổn định bối cảnh chính trị - xã hội trong khu vực này trong thời gian chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào các cơ quan cấp liên bang và cấp khu vực ở Crimea.
Bất chấp việc Kiev ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra tuyên bố đanh thép rằng Ukraine đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm khi chọn khủng bố thay cho hòa bình, đồng thời cảnh báo sẽ không bỏ qua cho những kẻ phá hoại đến từ Ukraine.
Nói là làm, Tổng thống Putin ra lệnh thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới giữa Crimea và Ukraine. Nga đã gấp rút triển khai hệ thống tên lửa S400 đầu tiên đến bán đảo Crimea, trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận sẽ tổ chức các cuộc tập trận tại Crimea và khu vực Volgograd. Không chỉ “điều binh, khiển tướng”, Moscow còn xem xét khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, đồng thời khẳng định hoạt động của Bộ tứ Normady (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine), được coi là niềm hy vọng duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, không còn ý nghĩa.
Đáp trả những hành động mạnh tay của Moscow, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass sẵn sàng cho chiến tranh, tăng cường lực lượng cùng trang thiết bị quân sự hiện đại.
Chưa hết, Ukraine đã thêm tên của 365 cá nhân và 167 doanh nghiệp/ tổ chức có tư cách pháp nhân của Nga vào danh sách trừng phạt, với thời gian áp dụng lệnh trừng phạt sẽ kéo dài thêm một năm (đến 16-9-2017).
Phát biểu tại Moscow, Tổng thống Putin gọi các động thái của Kiev là “ngu xuẩn”, đồng thời khẳng định rằng không có lý do gì để tổ chức đối thoại về tiến trình hòa bình tại miền Đông Ukraine. Moscow đang xem xét phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại bán đảo Crimea mà phía Nga cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó thảo luận khả năng cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Kiev.
Moscow cũng cân nhắc khả năng đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước, bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng quốc tế khai trừ Ukraine khỏi Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Putin (phải) kiên quyết không nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Poroshenko (trái) và bác bỏ vai trò của “Bộ tứ Normandy” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. |
Phản ứng với nhận xét của phía Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng Moscow đang tìm cách làm leo thang xung đột với Kiev. Nga đang đổ thêm dầu vào lửa, muốn leo thang căng thẳng hay liều lĩnh tìm cách khơi mào chiến tranh với Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố những cáo buộc của Tổng thống Nga Putin cho rằng Kiev âm mưu tấn công vũ trang nhằm vào khu vực Crimea chỉ là một cái cớ để Moscow có thể tăng cường các mối đe dọa quân sự nhằm vào Ukraine. Việc hai bên “đấu khẩu” ngoại giao và có những hành động rắn hơn như việc đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu (Ukraine) và họp khẩn Hội đồng An ninh (Nga) cho thấy quan hệ song phương thực sự đang đứng… bên bờ vực thẳm.
Đoạn tuyệt quan hệ
Trước những diễn biến leo thang căng thẳng, nhiều chuyên gia phân tích không loại trừ kịch bản Kiev cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Moscow, ban bố thiết quân luật, rồi Chính phủ Ukraine sẽ tuyên chiến với Nga. Những chỉ trích gay gắt cùng với hành động quân sự trên thực địa đang tạo nên nguy cơ châm ngòi “thùng thuốc súng” chiến tranh giữa Nga - Ukraine.
Theo các chuyên gia phân tích, Nga hiện tập trung quân tại bán đảo Crimea, vì vậy leo thang quân sự tại miền đông nam Ukraine không phải là không thể. Việc căng thẳng gia tăng tại bán đảo Crimea có thể là một hành động của Moscow nhằm làm gây khó khăn cho nền kinh tế Ukraine, vốn mới bắt đầu phục hồi. Đối với Nga, thành công của Ukraine là không thể chấp nhận được, trong lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Nga thoát khỏi khủng hoảng.
Nhiều học giả nhận định, Moscow không nên tiếc nuối mối quan hệ với Kiev. Việc Nga cắt dứt quan hệ với Ukraine thực chất là đoạn tuyệt với nửa phía Tây ngả sang Liên minh châu Âu. Dù Nga có dốc hết sức thì cũng không thể xây dựng được mối thân tình với Ukraine bởi sự chống phá quyết liệt của phương Tây.
Bên cạnh đó, từ trước đến nay, Nga và Ukraine gắn bó với nhau bằng mối quan hệ xin - cho, vì những lợi ích chiến lược nên Moscow dường như “nuông chiều” Kiev hết mực, từ mua trái phiếu cho đến viện trợ kinh tế, hay trợ giúp công nghiệp quốc phòng và viện trợ quân sự.
Nga tuyên bố chấm dứt hợp tác trung chuyển dầu với Ukraine. |
Ngoài ra, Nga cũng không được lợi gì từ quan hệ hai bên trong nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao hay kinh tế. Lĩnh vực duy nhất Moscow có thể “hưởng lợi” trong quan hệ với Kiev là sản xuất vật liệu, linh kiện quốc phòng; tuy nhiên, hợp tác giữa hai bên hiện giờ đã đoạn tuyệt.
Có thể nói rằng, điều Moscow cần nhất ở Kiev là sự trung thành thì giờ đây có vẻ như đã không còn. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều luồng tư tưởng đấu tranh gay gắt về vấn đề “giữ hay không giữ” một đối tác truyền thống là Ukraine, do nước láng giềng này có mối quan hệ lâu đời với Nga, đồng thời có vị trí địa lý quan trọng, là con đường ngắn nhất để Nga bước sang châu Âu.
Chiến tranh có thể sẽ không xảy ra giữa Nga và Ukraine, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi chính phủ thân phương Tây hiện nay ở Ukraine vẫn tại vị. Trên thực tế, Ukraine đang đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi quân đội rơi vào tình trạng rệu rạo nên không thể có đủ sức và lực để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực chống lại “gã khổng lồ” Nga. Còn đối với Nga, không chỉ vì âm mưu khủng bố bất thành, lại có thể đem quân đến đe dọa một đất nước mà Tổng thống Putin luôn khẳng định là “hai anh em”.
Theo dự đoán, trong thời gian tới Moscow có thể sẽ tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm trả đũa và cô lập chính quyền Kiev. Nga tuyên bố nắm trong tay bằng chứng về âm mưu phá hoại bán đảo Crimea có bàn tay của tình báo quốc phòng Ukraine, và sẵn sàng trưng cho Mỹ thấy “khi cần thiết”.
Ngoài ra, Tổng thống Putin kiên quyết không nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Poroshenko và bác bỏ vai trò của “Bộ tứ Normandy” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đây là những tín hiệu cho thấy các thỏa thuận hòa bình Minsk đứng trước nguy cơ đổ vỡ, tình trạng bạo lực tại miền Đông Ukraine sẽ tiếp tục leo thang và căng thẳng quan hệ Nga – Ukraine sẽ không thể hạ nhiệt…