Phu nhân của luật sư Phan Anh: Ký ức ngày kháng chiến
Mẹ tôi...
Mẹ Tôn Nữ Thị Huấn của tôi thuộc dòng dõi hoàng tộc, sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế. Ông nội của mẹ tôi là chắt nội bốn đời của hoàng tử Nguyễn Phúc Yến. Bà ngoại của mẹ tôi là Nguyễn Thị Hòa - cháu nội của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.
Năm 1924, mẹ kết hôn với cha chúng tôi là Đỗ Ngọc - một thầy giáo dạy học ở Ninh Giang, Hải Dương. Mẹ tôi có khiếu thơ ca, đảm đang mọi việc trong gia đình và chăm sóc con cái chu đáo. Chính mẹ là người đã tạo ra môi trường giáo dục trong gia đình có văn hóa và nghĩa khí, đưa cả gia đình tôi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ với một tâm thế đầy lạc quan, tin tưởng.
Thời kỳ Nhật – Pháp bắn nhau (1943), nhà tôi ở ngay cạnh Nhà máy rượu đầu phố Hòa Mã. Trước tình hình rối ren, tất cả các trường học ở Hà Nội đều phải đóng cửa, tám anh chị em tôi theo mẹ về quê nội ở Dục Tú (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Tuy vậy niềm nhớ tiếc lớp học và niềm khao khát được học hành luôn thường trực trong tâm trí chúng tôi.
Cha tôi nghỉ dạy học về Dục Tú làm Chủ tịch Ủy ban xã kháng chiến. Gia đình tôi ở quê thời kỳ đó đã gây dựng và tham gia nhiều hoạt động của địa phương. Chú ruột tôi là Đỗ Chỉ thành lập và duy trì đội chơi bóng chuyền. Các chị tôi dạy bình dân học vụ. Anh Châu tôi thì tham gia diễn kịch phục vụ bà con.
Tôi vẫn nhớ anh tôi đóng vai Kinh Kha trong vở kịch thơ cùng tên của nhà thơ Huy Thông. Tôi lúc đó còn nhỏ, chưa được tham gia phong trào nên hàng ngày thường giở sách vở ra xem lại, rồi đọc truyện, làm thơ bắt chước mẹ tôi.
Cách mạng Tháng Tám thành công, mặt trận Việt Minh xã Dục Tú lập bàn thờ Tổ quốc và vận động dân làng đến thề.
Trong tà áo dài truyền thống, mẹ chúng tôi không đọc lời thề theo một nội dung đã viết sẵn mà chắp tay, mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng, giọng nghiêm trang: “Trung thành với Tổ quốc/ Trung thực với chính mình/ Chung thủy với mọi người”.
Theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mẹ Huấn tiễn hai anh tôi thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Bộ Giáo dục rời lên chiến khu, cha tôi nhận nhiệm vụ lên Vĩnh Phú làm Trưởng ty Giáo dục. Mấy mẹ con chúng tôi trụ lại ở Dục Tú cùng bà con dân làng xây dựng cơ sở kháng chiến với mong muốn khôi phục lại nghề dệt vải truyền thống.
Mẹ tôi tham gia Hội phụ nữ cứu quốc xã Dục Tú, hăng hái tổ chức trồng dâu trên cánh đồng Chằm, vừa để nuôi tằm giải quyết vấn đề nguyên liệu dệt, vừa là nơi kín đáo cho dân làng ẩn nấp khi giặc đến. Mẹ Huấn đón các đoàn thợ từ nơi khác về ở nhà tôi để ươm tơ. Nhà tôi khi đó lúc nào cũng đông vui, né kén này tiếp né kén kia, việc nọ nối việc kia.
Tôi cũng học được cách hái lá dâu và cho tằm ăn. Mẹ tôi đã truyền cho chúng tôi tinh thần lao động sôi nổi, góp sức lao động để phục vụ kháng chiến dài lâu. Khi có địch, dân làng nghe hiệu lệnh thì gồng gánh vật dụng sinh hoạt hàng ngày ra tận cánh đồng ẩn nấp, dân quân ở lại chiến đấu. Địch rút, có hiệu lệnh, bà con trở về làng tiếp tục lao động sản xuất, không một chút nao núng.
Tết kháng chiến năm Mậu Tý 1948, cha chúng tôi về Dục Tú có mang hai bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ và bài Họa thơ Cảnh khuya của Luật sư Phan Anh để làm quà tặng mẹ tôi. Mẹ chúng tôi đã làm bài thơ hưởng ứng Mừng độc lập để gửi lên Việt Bắc. Đó cũng là bài thơ cuối cùng của mẹ.
Ngày 18-9-1948 là ngày mẹ Tôn Nữ Thị Huấn đi về cõi vĩnh hằng khi mới 42 tuổi sau cơn bạo bệnh, là bước ngoặt đau thương trong cuộc đời cha con chúng tôi. Trong tình cảnh đó, cha tôi quyết định đưa cả gia đình lên chiến khu. Một hành trình mới thực sự bắt đầu.
Vợ chồng Luật sư Phan Anh - Hồng Chinh khi mới cưới năm 1955. |
Tản cư
Gạt nỗi đau riêng, chúng tôi hòa vào không khí sôi nổi hướng lên chiến khu cùng rất nhiều gia đình khác. Khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” xuất hiện ở khắp các đường làng ngõ xóm Dục Tú bao lâu nay đã động viên anh chị em chúng tôi lên đường.
Chị Chinh là chị cả nên quán xuyến tất cả mọi việc, vừa gánh gồng các vật dụng cần thiết, vừa chỉ huy đoàn vận tải. Bà nội đã già nên nằm võng có hai người khiêng, hai em Cự và Cẩm ngồi hai bên quang thúng có người gánh. Còn lại mấy chị em tôi dắt tay nhau đi theo đoàn, tự trông nom nhau. Thóc gạo cũng được gánh mang theo để dự trữ khi đến nơi ở mới. Đoàn người cứ ngày đi, đêm vào nhà dân ngủ nhờ, được bà con đón tiếp niềm nở và chu đáo.
Vài ngày sau cả nhà lên đến Đại Từ - Thái Nguyên và ở nhà bà Mẫn – người cùng quê Dục Tú lên đây khai hoang. Bà Mẫn đón tiếp chúng tôi như bà con thân thiết.
Theo lời khuyên của bà Mẫn, cả năm ở Đại Từ cả nhà tôi đã thực hiện chính sách ăn sắn thay cơm. Nhờ vậy mà số thóc gạo mang theo có thể để dành cho bà nội và các em nhỏ ăn cả năm.
Hàng ngày chúng tôi lên đồi đào củ sắn, hễ nhổ một khóm sắn lại vùi một đoạn thân sắn xuống đất để gây khóm mới. Dần dà những quả đồi quanh nhà phủ đầy cây sắn, chẳng phải mất công chăm sóc. Sắn ở đây củ to, tuy nhiều xơ nhưng với chị em chúng tôi khi đó vẫn vô cùng hấp dẫn và lạ lẫm với sắn luộc, sắn nướng, bánh sắn…
Những lúc rỗi tôi thường dạy các em học bài và khâu vá quần áo cho mọi người. Nếp sinh hoạt đã thay đổi hoàn toàn so với ở Dục Tú, nhưng chị em tôi đã tự sắp xếp và ổn định cuộc sống, không kém phần sôi nổi và hăng hái. Cha Đỗ Ngọc lúc đó làm Trưởng Ty Giáo dục Vĩnh Phú không ở cùng nhưng cũng tạm yên tâm. Chúng tôi thường theo các chị con bà Mẫn vào rừng lội suối.
Trong khung cảnh thanh vắng ấy, các chị ngân nga bài Suối Mơ, Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Tâm hồn tôi như tan chảy giữa núi rừng trùng điệp, thấy yêu cuộc sống và tràn đầy hy vọng về ngày mai....
Lúc này, vợ chồng cô Thao (em gái bố tôi) - chú Phan Anh (Luật sư Phan Anh - HC) cũng đã lên ATK. Chú Phan Anh mỗi khi có dịp đều đến thăm bà và mấy chị em chúng tôi. Cả nhà ai cũng quý chú.
Mỗi lần đến, chú đều dùng ngựa làm phương tiện đi lại. Ngựa có hai con, ngựa bạch chú bảo vệ cưỡi, còn ngựa hồng chú Phan Anh cưỡi, trông rất chững chạc và nhanh nhẹn. Chú thường hỏi han sức khỏe và việc sinh hoạt của cả nhà và mang thuốc phòng bệnh cho mọi người, nhất là bà nội (mẹ của cô Thao) đã cao tuổi.
Tôi là người phụ trách thuốc men nên thường xuyên được chú Phan Anh hướng dẫn, dặn dò cách dùng thuốc. Sau này, Luật sư Phan Anh đã đánh giá rằng sự gắn bó giữa gia đình bà Mẫn và gia đình tôi chính là hiện thực hóa của tình người trong kháng chiến như cá với nước, là niềm tin của người dân dành cho tổ chức Việt Minh, là sự đúng đắn của đường lối dựa vào quần chúng, đi sát quần chúng để làm cách mạng của Bác Hồ. Đây cũng chính là nguồn sức mạnh góp phần làm nên chiến thắng sau này.
Đi học
Một bước ngoặt nữa lại đến với tôi. Đó là khi Bộ Giáo dục có chủ trương cải cách giáo dục lần 1 nhằm mở rộng mạng lưới giáo dục. Sau khi thi đỗ vào Trường Sư phạm Trung ương, tôi tạm biệt gia đình để đi học.
Trường học của chúng tôi đóng tại chợ Ngọc thuộc làng Nồi, xã Cẩm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Lúc này, cô Thao tôi ốm nặng nên bà nội cùng anh chị em của tôi phải lên ATK để chăm sóc cô.
Cuộc sống những ngày đi học đối với tôi thật đẹp đẽ, tươi vui và đáng nhớ vô cùng. Nữ sinh được sắp xếp ở nhà sàn cùng bà con người Tày, nam sinh thì ở lán trại, có cả hội trường để biểu diễn văn nghệ. Chúng tôi say mê học hành, yêu quý nhau như anh em một nhà và đặc biệt rất tôn trọng kỷ luật.
Hồng Chỉnh (quần áo trắng) cùng các anh chị em trước ngày tản cư lên Thái Nguyên. |
Lớp học tranh tre nứa lá được xây dựng chắc chắn, gọn gàng. Bàn tre, ghế tre, bảng da trâu sơn đen… Lớp nọ cách lớp kia một quãng để tránh bom của địch. Trường đóng gần trụ sở của lực lượng văn nghệ sĩ kháng chiến, vì vậy mà chúng tôi được tiếp xúc thường xuyên với các nhà văn, nhà thơ. Chú Hoài Thanh thường đến nói chuyện văn học cho chúng tôi nghe.
Tôi nhớ nhất là buổi nói chuyện về quyền sống của con người trong Truyện Kiều của chú khiến chúng tôi mê mẩn. Cả lớp say sưa trong những giờ giảng văn do cô Nga – vợ chú Hoài Thanh dạy. Giặc Pháp vẫn lùng sục ngày đêm nhưng chúng không dám vào rừng sâu, chỉ đi ngoài đường lớn, đốt nhà, ném bom vào trường học.
Để tránh bom, chúng tôi tổ chức đào hầm chữ chi ngay trong lớp học. Một hôm cả lớp đang học thì nghe có tiếng rì rì mỗi lúc một to. Một bạn trong lớp hét toáng lên: “Máy bay đến”. Ai cũng đã sẵn sàng tư thế xuống hầm thì chợt phát hiện ra âm thanh của đàn ong đang bay qua. Cả lớp được phen cười nghiêng ngả.
Tôi gắn bó với chợ Ngọc được một năm thì rời Tuyên Quang đi học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Những ngày tôi ở Nam Ninh, gia đình tôi đã xảy ra chuyện buồn đau. Cô Thao mặc dù đã được đưa ra nước ngoài chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Khi nhận được tin cô qua đời, tôi buồn lắm. Năm 1953 tôi về nước và gặp lại chú Phan Anh. Tôi khi ấy đã là một thiếu nữ trưởng thành, thường trao đổi, bàn luận với chú về cuộc sống, về thời đại cách mạng, vì vậy mà chúng tôi càng hiểu và đồng cảm với nhau.
Đầu năm 1954 tôi bắt đầu đi dạy học, tôi đã là một người giáo viên nhân dân. Và suốt cả cuộc đời sau này tôi đã gắn bó với công tác giáo dục với niềm say mê và trân trọng.
Ngày 22-5-1955 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi tôi nhận lời làm vợ Luật sư Phan Anh theo ý nguyện của cô Thao. Ghé vai đảm trách chức phận của cô mình chuyền lại, tôi thấy mình cần thiết cho cuộc sống của anh và ở bên anh tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ chính nghĩa khí và tình yêu cuộc sống, yêu con người của mẹ Huấn đã ngấm vào tôi và đưa tôi đến với Luật sư Phan Anh…
Gia đình tôi, một gia đình đông con, trong suốt những năm kháng chiến dù có lúc được ở bên nhau, có quãng thời gian xa cách, nhưng lúc nào chị em tôi cũng nhớ về cha mẹ, về nhau với những tình cảm ruột thịt gắn bó.
Chúng tôi đã trải qua những ngày kháng chiến với tâm thế luôn tin tưởng, lạc quan hướng về phía trước và nhớ lời mẹ Huấn của chúng tôi thường răn dạy: Phải trung hậu – nghĩa là hết lòng đi theo cách mạng, trước sau như một, dù có khó khăn gian khổ cũng không lung lạc, nhất định sẽ đến được thành công.
(*) Ghi theo lời kể của bà Đỗ Hồng Cnhir - phu nhân của Luật sư Phan Anh.