Phía sau ống kính một đoàn làm phim
Trong xuồng chỉ huy, Đạo diễn Đinh Thái Thụy hào hứng chuẩn bị phát lệnh quay đại cảnh đuổi bắt tội phạm nghẹt thở... Chợt nước lắc rắc rồi ào ạt trút xuống từ thinh không, khiến cả vùng hồ xám xịt, cảnh vật mờ dần trong cơn mưa sớm mai... Ngao ngán, kế hoạch làm phim hôm ấy đã vỡ tan như bóng nước mặt hồ.
Nỗi niềm đạo diễn
Khi da trời chuyển sang màu xám đục, gió dưới hồ thốc lên, ánh mắt đạo diễn Đinh Thái Thụy chợt lộ vẻ bồn chồn, lo lắng. Cả ê-kíp làm phim gần trăm con người cùng nghển cổ nhìn những biến động từ quầng mây đen vần vũ trên đầu. Vài phút sau lúc gió nổi, mưa trút xuống như giăng mùng cả vùng hồ rộng lớn. Trên cầu tàu, các chiến sĩ CSGT, CSCĐ của Công an tỉnh Yên Bái được phân công hỗ trợ Đoàn làm phim Bão ngầm, vội vã chạy cả vào trong khoang mấy chiếc tàu lớn. Trước phút xuất phát ra giữa vùng hồ mênh mông để thực hiện đại cảnh đánh bắt tội phạm, trời lại cho mây mưa đến thế này, khéo mà hoài công, phí sức chuẩn bị của bao người.
Nhìn cơn mưa mỗi lúc một mau, Thụy nhăn nhó bảo tôi: "Nghề phim cực thế đấy anh ạ. Chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi, nhưng chỉ cần trời mưa, tất cả đành quay về, kéo theo bao chuyện đau đầu. Cả trăm con người uổng phí một ngày chẳng làm được việc gì". Tôi an ủi: "Thôi đợi chút nữa, chắc tạnh thôi". Nói thế, nhưng cảm giác âu lo đã bao trùm. Những tưởng sẽ có một ngày thú vị, được trải nghiệm với hoạt động làm phim, nhưng trận mưa đã phũ phàng dập tắt những tia hy vọng. Sự thất vọng đã tràn ra từ cái nhìn của Thụy.
Tôi bảo anh: "Mưa vẫn quay, có sao đâu! Cảnh truy đuổi đánh bắt tội phạm giữa trời mưa càng lột tả những vất vả của nghề Công an mà!". Thụy lắc đầu, nói: "Không được! sai rắc-co". Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, anh nhìn "kẻ ngoại đạo" với vẻ cảm thông rồi cho biết hôm trước đang quay dở cảnh truy đuổi tội phạm trên hồ Thác Bà trong tiết trời nắng ráo. Hôm nay tính quay tiếp lại gặp trời mưa, sẽ không đảm bảo được sự tương thích giữa các cảnh liền nhau.
Rồi trong tiếng mưa rơi bên ngoài boong tàu, Thụy kể với tôi những sự cố của nghề. Anh nói: "Để tiết kiệm thời gian và kinh phí, phim không quay theo diễn tiến câu chuyện, hay theo thứ tự các tập, mà quay "nhảy cóc", quay gom theo bối cảnh, gom theo góc máy... Nhiều cảnh khi lên phim đứng liền nhau nhưng vì lý do nào đó, nên trên thực tế phải quay cách xa hàng tuần, hàng tháng, hoặc quay đảo lộn thứ tự.
Thuật ngữ rắc-co (raccord) chỉ sự tương thích của các cảnh liền nhau; sự giống nhau trong các cảnh đó từ trang phục, tâm lý đến đồ vật, màu sắc, tốc độ chuyển động... Tuy nhiên, vì quay giãn cách về thời gian, lộn đảo về trình tự, rất dễ xảy ra tình huống các chi tiết bị quên lãng, bị nhầm lẫn từ phục trang, hóa trang, bối cảnh, đạo cụ, ánh sáng đến... nội tâm nhân vật. Chẳng hạn, không thể nhớ nổi trong cảnh quay trước trên bàn tiệc có những đồ vật gì, vị trí ở đâu? nhân vật ăn mặc thế nào, điếu thuốc đã cháy đến đâu... Tất cả những chi tiết đó nếu không được ghi nhớ chính xác thì khi ráp cảnh hậu kỳ sẽ hết sức... hài hước".
Thụy cho biết có những tình huống "dở khóc dở cười" như: trong cảnh trước (nhưng quay sau) nhân vật A hút điếu thuốc cháy gần hết. Sang cảnh sau (nhưng quay trước) điếu thuốc ấy bỗng... dài ra. Hoặc nhân vật trong nhà mặc áo xanh, bước ra ngoài bỗng dưng thành áo đỏ, hay ly nước trên bàn đang cạn bỗng tràn đầy.
Điện ảnh gọi các sự cố như thế là "sai rắc-co" và là vấn nạn thường xuyên của nghề. Trách nhiệm kiểm soát, phòng tránh lỗi này trước hết thuộc về thư ký trường quay. Nếu người này không phát hiện được sự thiếu tương thích giữa các cảnh quay trước và sau trong cùng một phân đoạn, một bối cảnh, thì "sạn" sẽ "lù lù" trong phim, những cố gắng của toàn thể ê-kíp sẽ bị đổ "xuống sông xuống biển".
Kể về những sự cố đáng tiếc đã xảy ra từ lúc bấm máy series phim Cảnh sát hình sự Bão ngầm, Thụy nói: "Ngay trong ngày hôm qua, chúng tôi đã quay được những cảnh đuổi bắt rất kịch tính và đẹp mắt. Dàn ca nô cao tốc của Cảnh sát đuổi bắt, nổ súng bắn chặn một chiếc xuồng của nhóm tội phạm bỏ trốn. Tuy nhiên đến tối về xem lại, mới nhận ra biển số 21 trên chiếc ca nô của lực lượng CSGT - Công an tỉnh Yên Bái chưa được xử lý triệt để, vẫn lọt vào ống kính máy quay, trong khi bối cảnh phim diễn ra tại tỉnh Hưng Hòa (địa danh không có thật, với biển số 42).
Đành phải bỏ đi những cảnh đã quay. Tiếc hùi hụi, công sức của cả trăm con người cật lực trong một ngày đành uổng phí bởi một sơ suất nhỏ như thế. Trách nhiệm này trước tiên thuộc họa sĩ thiết kế bối cảnh, sau đó là lỗi của thư ký trường quay. Bản thân tôi do tập trung cho các diễn biến tại hiện trường, nên cũng không phát hiện ra sự cố đó".
Cảnh quay trong phim Bão ngầm. |
Canh từng góc máy
Bên cạnh nỗi lo "sai rắc-co", sự cố "nhảy trục máy" cũng luôn nằm trong sự "đề cao cảnh giác" của đoàn làm phim. Giám đốc hình ảnh (D.O.P) của phim Bão ngầm - ông Cao Anh Phú giải thích: "Trục" là đường thẳng tưởng tượng kéo từ ống kính (đại diện mắt người) ra phía trước. Đường thẳng quy ước này giữ vai trò trục mốc để phân định hai hướng trái - phải của khung hình. Giống như khi ta quan sát tấm phim âm bản chân dung của mình, trong đó ta đang nhìn sang hướng trái, nhưng nếu lật ngược tấm phim ta sẽ thấy mình hướng sang phía phải. Tức là diễn viên dù đứng yên một chỗ nhưng nếu máy quay đổi chỗ 180 độ thì hướng nhìn của diễn viên cũng đổi thay 180 độ.
"Trục là một trong những nguyên tắc điện ảnh nghiêm ngặt. Sự uyển chuyển khôn lường của trục giống như con dao hai lưỡi, nó có thể giúp đạo diễn biến hai nhân vật trên thực tế nhìn về một hướng, trở thành đối diện trên phim, hoặc biến hai nhân vật "xa lơ xa lắc" như đang nói chuyện với nhau" - ông Phú cho biết thêm.
Được biết, ông Phú là tay "rất mả" (chuyên nghiệp - PV) trong nghề đạo diễn hình ảnh. Với lòng say nghề, ông Phú đã kề vai sát cánh cùng đoàn phim ngay từ ngày bấm máy tới nay. Trải qua gần nửa năm, dù "tác chiến" xa nhà hàng ngàn cây số, đặt chân lên vùng rừng núi heo hút hoang sơ miền Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái), nhưng ông vẫn vững vàng, kiểm soát tốt mọi góc quay, hướng máy.
Ông Phú kể trong phim Bão ngầm, phần kỹ xảo bổ trợ cho các cảnh quay sẽ được ưu tiên để tạo ra những hiệu ứng "như thật". Chẳng hạn, một viên đạn sẽ được "vẽ" bay ra khỏi nòng súng, xuyên qua làm rụng tán lá, nếu găm vào tường sẽ làm tung ra lớp xi măng. Nhà sản xuất đã đầu tư khá nhiều ngân sách để thực hiện các kỹ xảo điện ảnh phức tạp, để bộ phim truyền hình này thực sự mang sắc màu điện ảnh. Nói cách khác, đó là phim điện ảnh được chiếu trên sóng truyền hình.
Chủ nhiệm phim kiêm chức
Trong cơ cấu một đoàn làm phim, mọi chuyện "bếp núc" từ hậu cần, lo nơi ăn chốn nghỉ cho cả trăm con người, đến liên hệ với các địa phương, mượn bối cảnh quay… thuộc trách nhiệm của chủ nhiệm phim. Thật bất ngờ, những người kiêm nhiệm vị trí này trong đoàn làm phim Bão ngầm lại chính là ông Đoàn Nam Phương - (Giám đốc sản xuất), với sự trợ giúp của biên kịch kiêm phó đạo diễn Đào Trung Hiếu.
Lý giải về sự "bất thường" đó, ông Phương vui vẻ cho biết: "Ban đầu, chúng tôi dự kiến thực hiện bộ phim tại các tỉnh phía Nam, vì chủ đầu tư và nhà sản xuất đều là người trong đó. Tuy nhiên, chính tác giả kịch bản kiêm phó đạo diễn Đào Trung Hiếu đã đề nghị làm phim tại miền Bắc, trong đó sẽ quay từ 60 - 70% nội dung phim tại tỉnh Yên Bái, để giúp quảng bá du lịch cho quê hương anh. Chúng tôi đồng ý, với điều kiện chính anh Hiếu phải giúp đoàn liên hệ mượn bối cảnh quay, huy động sự hỗ trợ của các địa phương nơi đoàn phim tác nghiệp, vì chúng tôi ra đây quen biết ai mà nhờ vả. Qua mấy tháng làm phim, anh Hiếu đã cùng tôi làm rất "tròn" vai.
Kết quả là đoàn làm phim được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của chính quyền, nhân dân và lực lượng Công an, Quân đội tại các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái và TP Hà Nội. Chưa hết, đích thân đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an đã lên tỉnh Yên Bái, chỉ đạo địa phương hỗ trợ giúp đỡ đoàn làm phim để có một bộ phim giàu giá trị nội dung và nghệ thuật, tôn vinh những chiến công của lực lượng vũ trang trong đấu tranh bài trừ tội phạm".
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, theo ông Phương thì đoàn phim nào cũng phải đối diện với những việc ngoài ý muốn, những tình huống, sự cố xảy ra. Là người chịu trách nhiệm cao nhất, ông đã "lao tâm khổ tứ", bám sát công việc trong suốt những tháng ngày vừa qua. Ông kể, đoàn phim chủ yếu là người miền Nam.
Việc phải ra Bắc làm việc đằng đẵng vài tháng trời, khiến anh em nhớ nhà và cũng đã có một số người nản chí, bỏ cuộc. Rồi thì trong phối hợp với địa phương, thỉnh thoảng cũng có chuyện không thuận lợi như mong muốn, hay các cảnh quay yêu cầu cao như trong phim chiếu rạp, làm thời gian sản xuất bị kéo dài, tác động đến tâm lý của ê-kíp làm phim. Khi đó, rất dễ phát sinh những "hục hặc" nội bộ, mà người như ông phải đứng ra giải quyết, để đảm bảo công việc tiến triển theo kế hoạch. "Điều khiến tôi yên tâm là tất cả thành viên trong đoàn phim đều rất nỗ lực cố gắng để cho ra đời một bộ phim hình sự thật hay như kỳ vọng" - ông Phương nói.
Diễn viên "bất đắc dĩ"
Biên kịch kiêm phó đạo diễn Đào Trung Hiếu đã "nhảy" vào phim Bão ngầm với vai trò diễn viên một cách khá đột ngột. Đạo diễn Đinh Thái Thụy nhớ lại: "Trong tổ đạo diễn, anh Hiếu giúp tôi chỉ đạo diễn xuất trong các cảnh quay liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an.
Hôm đó chúng tôi thực hiện một đại cảnh khám xét vũ trường tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tôi gọi anh Hiếu xuống giúp tổ chức diễn xuất. Lúc này Công an tỉnh Quảng Ninh đã cử vài chục chiến sĩ CSCĐ đến vũ trường để giúp đỡ thực hiện cảnh quay. Tuy nhiên khi đến giờ diễn, tôi nhận ra không có ai có thể diễn xuất vai tổng chỉ huy cuộc khám xét… hơn anh Hiếu. Vậy là tôi mời anh vào vai luôn.
Nghĩ ngợi giây lát, anh Hiếu đòi xem kịch bản do chính mình viết trước đây, cười cười rồi nhận vai. Tại chỗ, dường như kinh nghiệm trận mạc ngày nào đã giúp anh vào vai rất "nhuyễn", bịa thoại tại chỗ và phong thái chỉ huy rất quyết liệt, khiến chính tôi có cảm giác như đang xem một trận đánh thực sự của ngành Công an với bọn tội phạm. Đến sáng, chúng tôi đã có những thước phim hoành tráng về trường đoạn này".
Kể về cảm giác "xung trận" trong phim, anh Hiếu nói: "Tôi thích đối đầu với giới hạn của mình trong mọi công việc. Khi vào phim, cảm giác vào trận khi xưa đã giúp tôi quên mất là đang đứng trước ống kính máy quay. Tôi đã diễn như không phải diễn, như là làm công việc đã từng làm trong gần 20 năm trực tiếp chiến đấu với tội phạm. Tôi hy vọng mang đến một cảm giác chân thật nhất có thể trong lòng khán giả về bộ phim tâm huyết của mình".