Ông gì ông ổng
Một khi từ “bố già” được hiểu theo nghĩa ông trùm, dần dà nó “lấn lướt” qua mặt các từ khác cùng nghĩa như đầu sỏ, ông gộc. Trước đó, “bố già” chưa hiểu như nghĩa ông trùm. Năm 1945, nhà thơ Đồ Phồn viết:
Lãi tháng bố già xơi ngọt xớt,
Cơm ngày cậu cả sống ngon ơ.
Bố là tía, cha, ba quen thuộc trong cách xưng hô. Mới lên chức bố, chưa già, vẫn còn trẻ, vừa sinh được con gái, mọi người gọi “bố đĩ”; đẻ con trai gọi “bố cu”. Ngoài ra người ấy, còn gọi bố gì nữa? Khi cụ Nguyễn Khuyến viết câu đối:
Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ;
Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng con răng trắng, tím gan tím ruột với ông xanh.
Qua các sắc màu ấy, ta biết cụ viết hộ người phụ nữ có chồng làm nghề thợ nhuộm; từ “bố đỏ” cho biết anh chồng ấy chết trẻ, chỉ mới vừa có con. Mà này bạn mình ơi, do đâu từ “bố già” nhanh chóng được chấp nhận qua nghĩa “ông trùm”? Theo tôi, vì từ trùm không hề xa lạ trong tâm thức của người Việt.
Ảnh: L.G |
Từ xa xưa, hễ người đó lúc gặp chuyện lại nói tới tấp/ chửi mắng xối xả, liên tục, trùm lên ý kiến của mọi người, không phân biệt, không kiêng nể ai, người ta gọi là “Ăn nói trùm lớp”, “chửi trùm chửi lớp”. Trùm còn là phủ kín; lớp là nhiều tầng mỏng xếp chồng lên nhau.
“Nói lớp” là nói bao trùm, vơ trùm tất tần tật, không kiêng nể ai, “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Tuy nhiên câu văn trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố: “Thợ cày và tuần phu đều biết cái hách dịch của ông Lý, ai nấy chỉ đáp lại những câu chửi chùm chửi lợp bằng sự nín im”- nếu viết đúng chính tả phải là “chửi trùm chửi lớp” chăng?
Hay “chửi chùm chửi lợp” cũng là cách nói tương tự? Chắc là thế, “chùm” nhiều cái dính xúm xít với nhau; lợp là xếp từng lớp, mí này đè kín mí kia để không gì lọt xuống được. Xét ra, trùm/ chùm và lớp/ lợp cũng na ná ngữ nghĩa.
Trùm nhằm chỉ kẻ cầm đầu băng nhóm, hiểu theo nghĩa xấu mà ngay cả những ai lương thiện, đứng đầu phường hội, làng nghề cũng gọi ông trùm, chẳng hạn trùm phường chèo. Nay, còn gọi bầu như ông bầu gánh hát...
Với từ ông trong tiếng Việt, khi khảo sát, ta sẽ ngạc nhiên đến thú vị. Chẳng hạn, trong tự truyện “Ông bình vôi”, nhà văn hóa Phan Khôi cho biết: “Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể hại mình được thì gọi bằng “ông”, vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng “ông” để tỏ lòng tôn kính, sùng bái”.
Từ ông còn dùng để gọi con vật mà thiên hạ sợ hãi, kiêng dè như ông ba mươi/ ông thầy (cọp); ông tượng/ ông nậy (voi); ông tý (chuột), ông sấu (cá sấu)… Ngay cả một số vật dụng quen thuộc cũng có cách gọi như vậy, chẳng hạn ông bình vôi; ông núc/ bếp núc, tức ông táo/ ông bếp/ ông công”. Ông Phan Khôi nói đúng.
Xin bổ sung thêm, ở trong Nam ngày xưa, cá sấu còn gọi ông dài; ngay cả lúc bị cảm cúm chữa mãi không xong, cứ ì ạch xạch đụi, chán, người ta cũng gọi luôn bằng ông/ bà cho nó lành. Thí dụ “Ông cúm bà co”, ám chỉ người bị cảm cúm, cảm sốt. Trong một truyện ngắn, nhà văn Tô Hoài còn ghi lại được mấy câu “thần chú” chữa bệnh cảm cúm, cảm sốt của bọn thầy cúng bá láp thuở ấy:
Ông cúm bà co
Ông ở xứ Nghệ ông dò ra đây
Tín chủ tôi xin biếu món quà này
Mắm tôm, kẹo bọt, bỏng, nắm bánh dầy, bánh đa
Ăn rồi, xin ông bước ra
Ông cúm bà co
Ông ở xứ Nghệ...
Câu hát được láy lên láy xuống nhiều lần. Hát mà vẫn chữa được bệnh à? Không, cuối cùng nhân vật trong truyện ngắn “Ông cúm bà co” phải ra… hụi nhị tì yên giấc ngàn thu. Ngạc nhiên chưa? Không thể hiểu nổi sao ngày ấy, con người ta lại mê tín đến thế?
“Con chim phụng hoàng bay ngang hòn đá bạc/ Con cá ông ngóng nước biển Đông”. Cá ông trong câu ca dao này là một cách cung kính mà người dân làng chài gọi cá voi. Khi mất, cá ông dạt vào bờ, họ gọi “ông lụy” tin rằng: “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”. Ngay cả con lớn to béo nuôi để thịt lúc tế thần ở đình làng cũng tôn lên thành ông ỷ.
Riêng ở Huế còn có ông vò gắn liền với sự kiện tương truyền sau khi lên ngôi, Vua Gia Long cho đào mả anh em Áo vải cờ đào: “Thi hài còn lại đem giã nhỏ và phân tán trong gió, còn 3 sọ dừa của 3 anh em nhà Tây Sơn thì bị giấu trong cái vò và đem nhốt trong ngục thất”, lính canh khám các tù nhân cúng bái và gọi ông vò - chi tiết này dẫn theo tài liệu của tập san “Những người bạn cố đô Huế” (1914), nhà nghiên cứu Bùi Minh Đức ghi nhận trong “Từ điển tiếng Huế” (NXB 2004, tr.726).
Đã bàn thì bàn luôn thể, thời xa xưa, còn có cụm từ “ông trâu”, liệu có phải là cách tôn kính như gọi ông hùm, ông cọp? Không, “ông trâu” là hiệu quan binh ngày xưa. Ngay cả “ông cò” cũng không liên quan gì đến “Con cò bay lả bay la” trong ca dao nước Việt từ hàng ngàn năm nay, chính là cách nói tắt/ nói trại của từ “commissaire: cảnh sát trưởng thời Pháp” như thơ Tú Xương có câu: “Hà Nam danh giá nhất ông cò”.
Thật thú vị, khi ra thăm Thần Kinh xứ Huế, ta lại được làm quen với… “ông cà lăm”. Ai đó? Chính là cách gọi dành cho loại khẩu súng thần công thời Nguyễn do bắn không nhạy, ngẫu hứng… khi nổ khi không, cà ạch cà đụi! Rõ chán. Thế không… cà lăm là gì?
Không chỉ ở Huế, với loại súng lắp ba lắp bắp này, trong Nam cũng gọi tên y chang. Bằng chứng là trong biên khảo “Gò Công cảnh cũ người xưa”, cụ Việt Cúc kể, lúc giặc Pháp hãm thành Gò Công, nghĩa quân kháng chiến của anh hùng Trương Định trông cậy vào loại thớt súng này lắm, nhưng do súng chòi ngòi phải mất thời gian nhồi thuốc súng, đã thế: “Ông súng này lại còn bịnh hoạn hay chúng chứng làm eo, bặp bặp mà không nổ, vì thế mà đặt tên là Ông Cà lăm” (Tác giả Xuất bản năm 1969 - Tập 2, tr.13).
Khó có thể giải thích vì sao khi dọa trẻ con, người ta lại nhắc đến ông kẹ, ông ngáo ộp, ông ba bị? Ở Nam Bộ xưa còn có câu “Ông Hoành, ông Trấm” - nhằm chỉ người ngang ngược, hung dữ thì lại “có tích có tuồng”: Đó là tên hai vị tướng theo giúp Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) nổi dậy chống lại triều Nguyễn năm 1833.
Lại nữa, dù không ai biết mặt mũi ra làm sao nhưng vẫn được gọi ông, chẳng hạn ông làng - tổ hát bội, ông táo, ông địa, ông thần tài, ông thiên lôi… Những ông này chẳng ai dám giỡn mặt nhưng ông tơ lại khác:
Quất ông tơ cái trót
Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần
Biểu ổng se mối chỉ năm bảy lần, ổng không se
Ông tơ, còn có tên gọi khác là ông mai. Mai là mai mối, làm mối cho việc dựng vợ gả chồng. Nam Bộ có câu ca dao tình tứ, quyết liệt, rạch ròi và cho thấy không chỉ có ông mai:
Anh đi ngang cầu sắt
Anh nắm tay em thật chắc
Miệng hỏi gắt chung tình
Bướm xa bông tại nhụy, anh xa mình tại ai?
Cây oằn vì bởi trái sai
Anh xa em vì bởi bà mai ít lời
Bà mai, còn gọi bà nguyệt. Mà ông tơ bà nguyệt của đàng trai/ nhà gái không chỉ có tài ăn nói, hoạt ngôn mà cũng cần có thành tâm tác hợp cho đôi trẻ, cùng ăn ý ăn rơ với nhau, chứ không khéo “Ông hẹn trên bờ, bà quờ xuống ruộng”, “Ông chẳng bà chuộc”, “Ông nói gà, bà nói vịt” thì hư bột hư đường hết trọi. Còn ông bộ thì sao?
Tục ngữ còn lưu lại câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng làm quan thái giám ắt cái sự được nhờ ấy lại lớn lao hơn nhiều, vì không chỉ riêng trong một họ, một dòng tộc mà cả làng còn được nhờ. Do đó, mới có câu “Đẻ ông bộ cho làng nhờ” là vậy.
Nói một cách ngắn gọn, ông bộ là người trung tính, lúc mới sinh ra đã không có bộ phận sinh dục gọi là giám sinh/ ông bộ nắp; còn người tự hoạn để được tuyển chọn hầu hạ trong cung cấm thì gọi giám lặt/ ông bộ thiến.
“Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Ông bà ông vải là tiếng gọi các bậc gia tiên đã khuất. Một khi nghe thấy từ ông, ta biết người đó ắt phải già, thế nhưng dù trẻ người non dạ vẫn được gọi ông ngon ơ, chẳng hạn bà mẹ mắng: “Thế nào, ông con còn ngủ nướng à? Dậy ngay cho mẹ nhờ” là tiếng gọi đùa, cưng chiều của các phụ huynh dành cho con mình. Nhưng “Con ông cháu cha” thì lại là con, cháu của người khác mà ngầm ý đó là những người có thế, có máu mặt, chẳng khác gì “Ông hoàng bà chúa”, “Ông to bà nậy”.
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Ấy là cụ Tú Xương tự trào, mình chỉ là ông phỗng - là tượng người nặn bằng đất, sành đứng hầu ở đình chùa, nơi thờ tự, thường dùng để chỉ người hiền lành nhưng hơi bị đần, ngây ngô ngấy ngố, vì thế mới có câu mỉa: “Lấy chồng ông cống, ông nghè/ Lấy chồng ông phỗng cũng khoe lấy chồng”. Cũng gọi phỗng nhưng chắc gì đã là phỗng?
Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ
Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm
Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm
Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh
Phỗng trong câu thơ này của Tú Xương lại là từ “chuyên môn” của lối chơi tổ tôm, tài bàn, đại khái, “Mình có hai quân bài giống nhau, khi có quân bài thứ ba lên, bất cứ cửa nào cũng ăn được” (“Việt Nam tự điển”, 1931). Bị ai đó nhanh chóng, bất ngờ lấy cái gì đó cũng gọi là phỗng, thí dụ, “Món ấy hời quá, chưa khi kịp mua thì đã bị phỗng mất”, tức bị “phỗng tay trên”; tuy nhiên tùy ngữ cảnh, “phỗng” có thể thay thế bằng từ “nẫng”.
Còn ông gì nữa không?
Còn, chứ sao không. Ngay cả những đứa trẻ láu lỉnh, tinh quái, nghịch ngợm trổ trời còn được gọi ông mãnh. Với quan niệm của người Việt thì “Ông mãnh bà cô” còn được hiểu là những người chết yểu lúc còn trẻ, chưa lập gia đình hoặc bà cô, ông chú vẫn sống “đơn thân độc mã”, phòng không chiếc bóng cho đến lúc mất. Đôi khi gọi ông nhưng lại hàm ý xem thường. “Ông tiền ông thóc ông cóc gì ai”- sở dĩ gọi bằng ông vì lắm tiền, nhiều thóc chứ nào có đáng ra tư cách mà gọi ông. Nói cách khác “Ông gì ông ổng”, chỉ gọi ông cho văn vẻ, đỡ chướng tai. Nếu nói huỵch toẹt ra, chỉ đáng gọi… thằng/ thằng ông mà thôi.
Thánh cắt ông vào chủ việc thi
Đêm ngày coi sóc chốn trường qui
Chẳng hay gian dối vì đâu vậy?
Bá ngọ thằng ông biết chữ gì
Có thể nói “thằng ông” là từ mới mẻ của Tú Xương cũng như Bà chúa thơ Nôm đã sáng tạo ra từ “lộn lèo”. Sở dĩ Tú Xương cáu tiết gọi bằng cách ấy, ai đời ông huyện này được cử làm chánh chủ khảo là do người ta làm lễ khấn vái rồi xin keo âm dương hỏi ý kiến thánh thần. Keo xin được, tức xem như việc này do thánh cắt cử! Nhăng nhố đến thế là cùng.