Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel: Gánh nặng trên vai…
Trái ngược với hình ảnh giới chính khách đang lúng túng vì bất đồng quan điểm, bà Merkel vẫn điềm tĩnh đối mặt căng thẳng và thận trọng từng bước hóa giải các mối bất hòa nhằm giữ châu Âu đoàn kết trong khủng hoảng. Dù vậy, những gánh nặng chính trị trên vai cũng khiến “bà đầm thép” phải đối mặt với nhiều áp lực bất thường và khá đa dạng, đòi hỏi những toan tính hợp lý và khôn ngoan nếu không muốn rơi vào thế khó khăn.
“Canh bạc lớn” ở Nga và Ukraine
Nhiều người nói, Angela Merkel và Vladimir Putin là những người bạn. Hai nhà lãnh đạo hiểu được ngôn ngữ của nhau, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Họ tin tưởng, lắng nghe lẫn nhau. Tuy nhiên, tạo ảnh hưởng hay gây sức ép lên nhau là không thể.
Ngay thời điểm Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2/2014 và Nga đáp trả khi thu nạp Crimea, hai nhà lãnh đạo đã điện đàm trực tiếp khoảng 5-6 lần, sau đó mặt đối mặt tại các cuộc gặp đa phương về cuộc khủng hoảng Ukraine. Các cuộc nói chuyện giữa họ không hề dễ thở, luôn mệt mỏi, dữ dội và căng thẳng. Bà Merkel từng thừa nhận, đối thoại với ông Putin chẳng khác nào bài kiểm tra khả năng lập luận cá nhân đầy thử thách, không cho phép bà để lộ bất kỳ điểm yếu nào.
Những ngày đầu khủng hoảng ở Ukraine, bà Merkel không chỉ trích ông Putin quá mạnh mẽ. Nhưng khi xảy ra câu chuyện Crimea, Thủ tướng Đức phát đi thông điệp cứng rắn, thậm chí thẳng thừng công kích hành động của đồng nghiệp. Tất nhiên, vì các mối ràng buộc, bà không thể đứng ngoài “bản hòa tấu” của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về trừng phạt Nga.
Có điều, trong những quyết định của EU, Đức không đi đầu ủng hộ các giải pháp đối đầu Nga. Quan điểm mềm dẻo và hành động linh hoạt của “bà đầm thép” người Đức đã phát huy tác dụng đúng thời điểm cao trào căng thẳng, mở lối cho đối thoại hòa dịu hơn với Nga.
Nhiều chuyên gia đánh giá bà Merkel có cơ hội trở thành “sứ giả hòa bình” vì nữ Thủ tướng Đức là nhà lãnh đạo mềm dẻo, có thể thường xuyên liên hệ với cả Nhà Trắng lẫn Điện Kremli. Ở con người này hội tụ hai yếu tố nổi bật: đứng đầu nền kinh tế có sức mạnh vượt trội ở châu Âu, và luôn hiện diện trên tuyến đầu chống khủng hoảng để gắn kết các thành viên.
Một trong số những thách thức rất lớn đối với bà Merkel hiện nay là không để căng thẳng giữa châu Âu và Nga leo thang đến mức “khó cứu vãn” vì quyền lợi kinh tế và an ninh của châu Âu vẫn gắn liền với Nga, dù chính bà cuối cùng đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Với Ukraine, Angela Merkel đã chấp nhận những thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại, nếu không muốn nói là canh bạc lớn nhất trong sự nghiệp chính trị. Bà Merkel đã nhận một vai trò chẳng ai mong muốn bởi những toan tính rất thực tế. Thứ nhất, bà đang muốn ổn định lại mối quan hệ song phương Đức - Nga. Thứ hai, cho đến giờ bà vẫn cố liên kết EU bằng cách giữ một mặt trận thống nhất về các vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, cả hai nhiệm vụ đều rất khó khăn và khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk II có hiệu lực, Thủ tướng Đức luôn nơm nớp theo dõi những diễn biến ở Ukraine bởi bà hiểu quá rõ tình thế sẽ trở lên tồi tệ thế nào nếu Minsk II cũng có một cái kết thảm hại như Minsk I. Điều đó sẽ gây hậu quả to lớn đối với Ukraine, an ninh Đông Âu và cả châu Âu.
Với vai trò là một trong bốn bên tham gia đàm phán tại Minsk (thủ đô Belarus), bà Merkel đã liên tục điện đàm với ông Putin cả trước và sau đàm phán. Bà nắm rất rõ từng chi tiết của thỏa thuận Minsk mới, và cũng thấu hiểu tình hình ở miền Đông Ukraine như lòng bàn tay.
Lo lắng của bà về thỏa thuận Minsk II là hoàn toàn có cơ sở bởi chính quyền Mỹ đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và đang nhăm nhe phương án chuyển vũ khí cho Ukraine. Nếu thỏa thuận lần này sụp đổ, tình hình sẽ leo thang và đảng Cộng hòa tại Mỹ có thể sẽ dùng kết quả đó làm cái cớ gửi vũ khí cho Ukraine, còn EU sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngoài ra, mặc dù hiện EU vẫn đang khá đoàn kết, nhưng một vài quốc gia thành viên đã phản đối lệnh trừng phạt thêm đối với Nga. Do vậy, nếu Minsk II thất bại, EU sẽ tiếp tục chia rẽ hơn nữa về việc trừng phạt Nga.
Gắn kết châu Âu
Châu Âu bước sang năm 2015 với những dự báo không còn quá bi quan về tình hình kinh tế. Nhưng, cùng các mối đe dọa an ninh, nguy cơ tan vỡ các tổ chức khu vực là niềm tự hào của lục địa này cũng cận kề. Đó là cuộc bầu cử Quốc hội Anh vào tháng 5 tới sẽ dẫn tới cuộc trưng cầu ý dân về chuyện “đi hay ở” của Anh trong EU.
Trước tiếng nói từ Anh dọa rời bỏ mái nhà EU, bà Merkel kiên quyết phản đối ý tưởng của London đi ngược lại giá trị chung, như xem xét lại chính sách nhập cư vào Anh, hay từ chối đóng góp nhiều hơn cho ngân sách EU. Để khích lệ đồng nghiệp Anh David Cameron giữ London ở lại, nữ Thủ tướng đã động viên: “Có chí, thì nên”. Với “bà đầm thép” của châu Âu đương đại, lối đi luôn hé mở, cả những vấn đề khó khăn nhất, nếu có ý chí và quyết tâm tìm đường.
Ngoài ra, cuộc tổng tuyển cử sớm ở Hy Lạp tổ chức trong tháng 1 trước bối cảnh thắng thế của phe chống “thắt lưng buộc bụng” đe dọa kéo Athens khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras từng tuyên bố đã đến lúc chấm dứt hệ thống giám sát đối với nền kinh tế của các quốc gia là con nợ.
Theo cơ chế hiện nay các nhà kinh tế của các định chế cho vay gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ xem xét sự tuân thủ quy định một cách thường xuyên của các nước vay nợ, sau đó mới thông qua giải ngân các khoản vay. Ông gọi việc Hy Lạp sống dựa vào các khoản cứu trợ giải ngân giống như tình trạng của con nghiện và chính phủ muốn chấm dứt “tình trạng nghiện ngập” này.
Một thách thức rất lớn đối với bà Merkel hiện nay là không để căng thẳng giữa châu Âu và Nga leo thang đến mức “khó cứu vãn”. |
Đối mặt kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone, bà Merkel từ chối các lời kêu gọi, từ việc đòi hỏi khai trừ Hy Lạp khỏi EU18 (tên gọi khác của Eurozone) tránh để ảnh hưởng các thành viên khác, lẫn đề nghị của Athens giảm nhẹ điều kiện hỗ trợ. Thủ tướng Đức đã thẳng thừng bác bỏ việc cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp. “Đã có một vài sự từ bỏ tự nguyện của các chủ nợ tư nhân. Hy Lạp đã được miễn nhiều tỉ của các ngân hàng. Tôi không thấy cần phải cắt giảm nợ nữa”, bà Merkel cho biết.
Thủ tướng Đức cũng khẳng định châu Âu sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết với Hy Lạp, cũng như với các nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, cho dù họ tiến hành những cải cách của riêng mình. Nhưng bà cũng “răn đe” Hy Lạp rằng nếu không có sự hỗ trợ của các nhà cho vay quốc tế, Athens chắc chắn sẽ sớm quay lại tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Sự cứng rắn của “bà đầm thép” giúp dẹp yên cơn sóng ngầm đe dọa phá vỡ liên minh tiền tệ duy nhất ở châu lục. Angela Merkel luôn kiên định một giải pháp: Thêm cho châu Âu, chứ không được phép bớt.
Với sứ mệnh “kết nối lại” châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel gần đây đã tới Budapest, thực hiện chuyến thăm Hungary lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Viktor Orban lên nắm quyền năm năm trước. Không phải ngẫu nhiên mà bà Merkel tới Budapest. Suốt nhiều năm qua, Thủ tướng Viktor Orban luôn đứng ở ranh giới giữa một bên là Nga, còn bên kia là EU - nơi Hungary là thành viên.Trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Ukraine đang trở nên căng thẳng, EU dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong tuần này.
Và đã đến lúc, EU muốn ông Orban phải bước hẳn về một bên, chứ không thể tiếp tục đứng giữa. Bà Merkel được giới chính khách EU tin rằng là người được kỳ vọng sẽ đẩy ông Orban vào hàng ngũ EU khi đang cố gắng duy trì sự thống nhất quan điểm trong EU đối với Nga. Điều này dường như khó khăn với những thủ tướng như ông Orban. Hungary gia nhập EU năm 2004, nhưng dưới thời ông Orban, nước này đã xa dần Brussels để dịch chuyển gần hơn về phía Moscow.
Thủ tướng Orban được coi là một trong những lãnh đạo châu Âu thân thiện nhất của Tổng thống Nga Putin. Ông Orban từng lấy Nga làm ví dụ về loại hình dân chủ “hẹp” mà ông mong muốn sẽ áp dụng ở Hungary. Ông còn nói rằng EU đã “tự bắn vào chân mình” khi phá hỏng mối quan hệ thương mại với Nga.
Các nhà phân tích cho rằng, trong số các nước EU, chỉ có Đức mới có thể kéo Hungary vào hàng ngũ. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hungary. Hơn nữa, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel cùng nhóm trung hữu trong Nghị viện châu Âu với đảng Fidesz của ông Orban.
Bà Merkel đã khéo léo không công khai chỉ trích thủ tướng chủ nhà ở ngay thủ đô Budapest. Nhưng phía sau cánh cửa đóng kín, thông điệp của Thủ tướng Đức là rõ ràng: “Đảm bảo an ninh năng lượng là một chuyện, nhưng Hungary không nên làm suy yếu quan điểm của EU và Berlin về vấn đề Ukraine, và không nên trở thành con ngựa Trojan của Nga trong lòng EU”…