Nỗi băn khoăn về tác phẩm “chung cho cả loài người”
1. Câu nói có phần hơi “nổ” ấy, với bất kì ai đã từng ngồi ghế nhà trường phổ thông, hẳn đều thuộc nằm lòng. Không phát biểu trực tiếp, Nam Cao chuyển mong muốn của mình cho nhân vật văn sĩ Hộ, một văn tài khao khát sáng tạo và giàu lòng yêu thương, nhưng gần như “chết dí” vì miếng cơm manh áo, vợ dại con thơ.
Trong lúc không ngừng dằn vặt, khổ đau vì phải viết những thứ ba xu kiếm ăn, văn sĩ Hộ nén lòng giấu kín giấc mộng, lí tưởng văn chương lớn lao. Có lẽ cũng như Hộ, Nam Cao đã từng đuổi theo hình bóng những dự định sáng tạo kì vĩ, “nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…”.
Nhưng cũng không khác Hộ, đời sống ông giáo khổ và văn sĩ nghèo ở Nam Cao đã trói buộc, hoặc ít nhất, đã cản trở ông hiện thực hóa những dự định tầm vóc ghê gớm như vậy. Tôi không nghĩ Nam Cao thất bại, ngược lại, ông có một sự nghiệp văn chương đủ lớn và lưu truyền hậu thế. Nhưng tôi nghĩ Nam Cao, với tất cả sự thành thực lẫn mơ mộng của mình, đã góp thêm bằng chứng về sự cố sức nói to hơn những gì mình có của văn nhân Việt Nam.
Vào thời Nam Cao, thập niên 1930, văn học Việt mới đang trên đà hiện đại hóa, các nỗ lực sáng tạo văn chương quốc ngữ mới ở mức độ tìm tòi, bứt phá nên hẳn nhiên cây bút tả thực này trăn trở, khao khát không ngừng những gì mới mẻ, riêng khác so với mặt bằng chung.
Nam Cao có lẽ là nhà văn đầu tiên công khai giấc mộng ẵm giải Nobel văn học, một khao khát giờ đây đã thành ám ảnh lớn và thường bộc phát trên miệng của nhiều người. Câu hỏi về tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao thường xuyên rót xuống mặt báo và nó làm không ít người phải rối bời, rối rít trả lời theo hướng khuyến khích chờ đợi, kiên trì hi vọng ở phía trước.
Khi nói rằng giai đoạn hiện nay chưa có tác phẩm văn học đỉnh cao thì chúng ta cũng nên hỏi, cái gọi là “đỉnh cao” này phải so với ai, thời kì nào, tính chất gì. Bởi nếu không xuất phát từ một điểm nhìn cụ thể, chẳng hạn, từ lối viết/bút pháp, thể loại hay tư tưởng, sẽ rất khó xác quyết.
Chúng ta thường nhắc đến tiểu thuyết của Bảo Ninh hoặc một vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như những tác phẩm đỉnh cao trong giai đoạn đổi mới văn học. Trên thực tế, các tác phẩm này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có độc giả quốc tế nghiên cứu hẳn hoi. Còn dăm năm lại đây, hiện tượng như trên ít hơn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ độc giả hôm nay vẫn tìm được tác giả lí tưởng của họ. Điều đó quan trọng hơn vì nó chứng thực rằng văn chương vẫn được chọn giữa thời buổi đời sống giải trí có vô số thứ hấp dẫn, cuốn hút kinh người.
Việc sốt ruột chờ đợi hay quá kì vọng về tác phẩm văn học đỉnh cao, thoạt tiên rất chính đáng, nhưng có vẻ trầm trọng hóa, thậm chí khá khôi hài về những gì còn nằm ở thế khả năng, tiềm năng của công việc sáng tạo văn chương.
Dĩ nhiên, bằng quan sát cá nhân, tôi dám chắc những tác giả có tham vọng viết tác phẩm đỉnh cao phải là người có sức gạt bỏ, có tài phá vỡ muôn vàn tác phẩm xoàng xĩnh, và đặc biệt, phải tạo được những kiểu độc giả của riêng mình. Trong khi làm được việc phi thường đó, anh ta sẽ già đi, có thể ốm đau bệnh tật như một người bình thường, hoặc túng thiếu bí bách như văn sĩ Hộ của Nam Cao.
Ảnh: L.G |
2. Như để phụ họa cho quan điểm Nam Cao, một tài năng khác là Nguyễn Minh Châu cũng trăn trở vì sao văn học Việt Nam không là “văn học của cả thiên hạ, của cả loài người”. Trăn trở này, vào thập niên 1980, có vẻ là hợp lí khi mà cả thế hệ Nguyễn Minh Châu, sau một thời gian có lúc đi theo đường “minh họa”, đã dần trở lại là chính mình và tìm được cơ hội làm mới ngòi bút.
Cần nhấn mạnh rằng, văn chương nghệ thuật thế giới, từ thời Nam Cao đến thời Nguyễn Minh Châu, nghĩa là trên dưới nửa thế kỉ, đã có quá nhiều biến đổi mà sự ngắt quãng tiếp xúc, tiếp cận của Việt Nam khiến không ít tài năng cảm thấy bị bỏ lại, tụt lùi và rồi trở thành ếch ngồi đáy giếng.
Họ không phải không có khát vọng lớn nhưng, trớ trêu thay, lại bị đặt trong tình thế “lớn một mình”, chẳng có điều kiện hay cơ hội để lớn cùng thiên hạ. Bởi vậy, ngay cả khi Nam Cao và Nguyễn Minh Châu thổ lộ rất nghiêm túc và chí lí, tôi vẫn không khỏi thương cảm nỗi khao khát mà họ đặt cược.
Để một sáng tạo văn chương thực sự “chung cho cả loài người” thì nhà văn phải xuất chúng xưa nay ít gặp, phải có môi trường văn hóa xã hội tương thích để phẩm chất bậc thầy được nảy nở, phát huy. Sáng tạo nghệ thuật, nếu vượt qua biên giới nhỏ hẹp, không chỉ là câu chuyện của một người, mà phải được tích lũy, tiếp nối bởi nhiều thế hệ, nhiều yếu tố ngoài nghệ thuật. Chỉ dựa vào ý chí, mãnh lực của cá nhân thì con đường đến với nhân loại sẽ trở nên vạn dặm mênh mông.
Cho đến nay, nghệ thuật nói chung và văn chương Việt nói riêng, vẫn đang khiêm tốn ở đâu đó trong những kết quả, thành tựu nhỏ lẻ, nên còn lâu và còn mất sức nữa mới chắc suất thành của chung thiên hạ.
Nếu chỉ ra được bao nhiêu yếu tố Việt Nam trong một vài tên tuổi văn chương chạm ngưỡng “thiên hạ” như Việt Thanh Nguyễn, Linda Lê, Andrew Lam, Ocean Vương, Kim Thúy,..., thì chúng ta mới có thể ước lượng được phần nào những phẩm chất cần thiết, cần có để một nhà văn trong nước hiện giờ thực hiện thành công ước vọng vươn tầm quốc tế, vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn.
Bản thân ước mong tác phẩm trở thành của chung thiên hạ, mới nghe rất “sướng tai”, lại có thể là cuồng ngôn khó thành. Tôi không thật hiểu vì sao, hễ động đến sáng tạo văn chương là chúng ta cứ đột ngột đặt mục tiêu tác phẩm lớn, vượt lên trên mọi bờ cõi, giới hạn. Có lẽ, tình thế đi sau, đi muộn và mặc cảm lép vế trước văn chương thế giới đã làm nhiều tác giả phải gắng gượng học hỏi đến mức thành bất khả, và thay vì tự nhận thức chính xác về những gì mình có, thì tự huyễn tưởng vẽ vời mục tiêu phi phàm.
Lịch sử văn chương cho thấy chúng ta chưa phải là quê hương của nhiều độc sáng, chưa có nhiều tác giả, tác phẩm, trào lưu, thể loại hay kể cả tư tưởng, tư duy nghệ thuật, có thể gây ảnh hưởng qui mô khu vực, toàn cầu. Vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, dẫu theo nghĩa hẹp là bờ cõi/biên giới địa lí, hay nghĩa rộng là giá trị nhân văn, đều đang ở phía trước.
Một thói quen bóng bẩy hóa hoặc cao đàm khoát luận về năng lực sáng tạo văn chương, theo tôi, chỉ nên xuất hiện trong môi trường văn hóa qui mô nhỏ hẹp làng xã, trong chốn trà dư tửu hậu, còn thực tế, chúng ta chỉ cần nhà văn lao động thật đích đáng với khả năng của mình.
Những gì tôi biết sơ lược về một số văn hào thế giới, về một số chủ nhân Nobel Văn học gần đây thì chẳng thấy các cao vọng thốt thành lời lẽ như thế. Dĩ nhiên, dẫu không nói ra, nhưng nhận thức về mục tiêu viết của họ là nhất quán và đáng học hỏi.
Trong đó, như tôi cảm nhận, rất nhiều văn hào viết trước hết để cho mình đọc, cho nhóm nhỏ độc giả trong quốc gia nhỏ bé và trong thứ ngôn ngữ bị coi nhỏ yếu của mình tìm đọc, sẻ chia với câu chuyện của mình. Thậm chí, có không ít tác giả viết như một thái độ từ chối, kháng cự sự đọc của số đông. Họ không bận tâm tiêu chí của chung thiên hạ. Ít tồn tại trong thiên hạ không có nghĩa là mất hết quyền uy, ảnh hưởng.
Nghệ thuật hiện đại hôm nay, nhìn chung, không còn quá tự tin và tự mãn với cái gọi là vượt trên các bờ cõi. Bờ cõi lớn nhất trong nghệ thuật hôm nay, có lẽ, nằm ở sự nan giải trở thành của chung thiên hạ, ngay cả với tài năng lớn. Không ít làn sóng, hiện tượng văn chương trong thời toàn cầu hóa trở nên sớm nở tối tàn, và ở điểm mất hút của nó, nó nhắc nhở chúng ta về bản tính khiêm cung, về thái độ biết mình biết người để không bị hớ hênh, đau khổ khi bị lãng quên quá sớm.
Nhà văn Nam Cao. |
3. Ngoại trừ niềm vui được thỏa trí mơ mộng, được “sướng mồm” phát biểu, tôi nghĩ không một nhà văn đủ tỉnh táo nào hôm nay lại cố sức học theo Nam Cao, Nguyễn Minh Châu. Họ sẽ viết, sáng tạo trong chính thực lực và bối cảnh Việt Nam hiện tại.
Để không phải mất công hùa theo hay tán thưởng những tuyên bố ngất trời, một độc giả như tôi không hề chờ đợi bi kịch của bất kì văn sĩ Hộ nào nữa. Để đời sống văn chương sinh động và tựu thành thì cách hữu ích hơn là cổ vũ cho những ngòi bút cật lực, nghiêm túc và càng ít sa vào nói hay cày dở càng tốt.