Cặp đôi quyền lực Vladimir Putin và Tập Cận Bình

Những người bạn… đáng tin cậy

Thứ Hai, 08/12/2014, 14:54
Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat gần đây, học giả Trung Quốc Yang Hengjun cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình khá giống Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả về chính sách lẫn tính cách. 

Theo đó, hai nhà lãnh đạo có chung quan điểm trong nhiều vấn đề, đối mặt với những khó khăn giống nhau và đang xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn về chính trị, khổng lồ hơn về kinh tế. Học giả này cũng nhận định qua những gì mà Tổng thống Putin đã làm ở Nga, người ta thậm chí có thể tiên đoán những động thái sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cùng chung lợi ích

Những ngày này, nước Nga cần sự quan tâm của bạn bè quốc tế và đã tìm thấy ít nhất một người bạn, đó là Trung Quốc. Khi ông Putin đến Bắc Kinh để tham dự cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2014, ông có cuộc gặp lần thứ 10 với ông Tập kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc nhậm chức tháng 3 năm ngoái. Cả Putin và Tập Cận Bình nhận thấy rằng họ có thể có được nhiều hơn từ việc dẹp bỏ ngờ vực và thúc đẩy các mối quan hệ ngày càng trở nên gần gũi khi các lợi ích đầu tư, thương mại và địa chính trị song hành.

Liên bang Xô Viết tan rã từ 23 năm trước, kể từ đó Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau bằng những mối quan tâm chung, đặc biệt là sự quan ngại đối với Mỹ. Hai nước thường bỏ phiếu giống nhau ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đôi khi là đối đầu với các nước phương Tây trong những vấn đề như Syria chẳng hạn. Đôi bên tiến hành các cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển, hay cùng là thành viên của nhóm các cường quốc kinh tế BRICS.

Bối cảnh quốc gia hiện tại cũng cho thấy một sự tương đồng lớn giữa hai nhà lãnh đạo. Moscow đang đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ phương Tây và các lệnh trừng phạt kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang có mối quan hệ rất căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, cũng như phải bận tâm với cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Rõ ràng, Moscow và Bắc Kinh cần những sự ủng hộ về ngoại giao trên trường quốc tế mà họ có thể dành cho nhau.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã có cái bắt tay mở ra nhiều triển vọng song phương, khẳng định mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Đòi hỏi về kinh tế cũng khiến hai nước xích lại gần nhau hơn. Putin đã ra tín hiệu rằng ông coi tương lai kinh tế của Nga nằm ở phương Đông chứ không phải phương Tây. Putin rất cần tìm những nguồn đầu tư và khách hàng mới cho những sản phẩm xuất khẩu của mình. Liên minh châu Âu là đối tác thương mại và nguồn đầu tư chính của Nga, và khi các mối quan hệ trở nên căng thẳng thì dòng tiền mới tiềm năng từ Trung Quốc sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tìm kiếm những nguồn nhiên liệu thô mới như dầu mỏ, gỗ, khoáng sản cho lĩnh vực chế biến của nước này, và Nga đơn giản là có những gì Bắc Kinh khao khát.

Ông Tập đã chỉ ra rằng, trong năm nay, Trung Quốc và Nga đã duy trì mối quan hệ mật thiết, đồng thời gợi mở về vấn đề thiết kế và chiến lược nhằm tăng cường quan hệ Nga – Trung. Chủ tịch Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng phương châm phát triển quan hệ song phương là “hợp lòng dân hai nước và thuận theo xu thế thời đại”. Ngoài ra, Tập Cận Bình còn khẳng định bất chấp sự thay đổi của thời thế, Trung Quốc vẫn sẽ đặt quan hệ Nga - Trung là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của nước này.

Với vai trò “thượng khách” của Bắc Kinh, Tổng thống Putin hoàn toàn tán đồng quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nga sẽ ra sức thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đôi bên, đi sâu về đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hay thương mại. Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh, Nga và Trung Quốc sẽ “hợp tác chặt chẽ” đối với các sự vụ quốc tế nhằm bảo vệ an ninh khu vực và toàn cầu.

Hôm 9/11, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Tập gặp nhau ở Bắc Kinh. Hai bên thảo luận một số vấn đề song phương và ký 17 tài liệu. Đáng chú ý nhất là Bản ghi nhớ về hợp đồng cung cấp gas khổng lồ mới, đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga thông qua tuyến đường ống phía tây. Thỏa thuận này sẽ là hòn đá tảng cho quan hệ “đồng minh năng lượng”, chứng minh thêm rằng khi quan hệ Nga với phương Tây gặp nhiều trở ngại hơn, Nga trở nên thiết yếu và gần gũi hơn đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo còn yêu cầu cơ quan của hai bên thực hiện tốt “Kế hoạch hoạt động kỷ niệm 70 năm thắng lợi Thế chiến 2 do Nga – Trung đồng tổ chức”, nhằm thể hiện Nga và Trung Quốc sẽ cùng bảo vệ thành quả sau Thế chiến 2, từ đó duy trì trật tự thế giới hậu chiến.

Phong cách lãnh đạo tương đồng

Quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo có sức chi phối nhất định đến các cặp quan hệ quốc tế. Hợp tác Nga - Trung có thêm xung lực, khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin có nhiều điểm giống nhau về tính cách và quan điểm. Hai người cùng một thế hệ lãnh đạo, theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, không chấp nhận sự thống trị của phương Tây. Ông Tập Cận Bình khiến dư luận quốc tế chú ý khi công khai nói về “Giấc mộng Trung Hoa”, gắn với quyết tâm chấn hưng dân tộc. Ông Putin ngay từ nhiệm kì đầu lên nắm quyền thì luôn coi việc khôi phục vị thế cường quốc cho nước Nga là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán.

Sơ đồ tuyến đường ống phía tây nằm trong thỏa thuận cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD.

Chủ tịch Trung Quốc nhìn nhận quan hệ với người đứng đầu Điện Kremli là một ưu tiên đặc biệt. Cá nhân ông từng nói với nhà lãnh đạo Nga rằng: “Tôi có ấn tượng rằng hai chúng ta cư xử với nhau như là những người bạn, với trái tim và khối óc rộng mở. Tính cách của chúng ta tương đồng nhau”. Đáp lại, Tổng thống Putin nhìn nhận quan hệ hợp tác Nga - Trung đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì thế giới trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, theo hướng ổn định hơn.

Mặc dù Nga và Trung Quốc thường xuyên tự nhận là bạn bè trong hai thập kỷ qua, song giữa họ vẫn tồn tại sự thiếu tin cậy, hệ quả từ những tranh chấp biên giới trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng những vết thương cũ dường như đang lành lại. Trước khi tới Thượng Hải, ông Putin đã gọi Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy”, sau đó còn nhận định rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã “tốt nhất trong lịch sử nhiều thế kỷ qua”. Còn ông Tập mạnh dạn tuyên bố mối quan hệ gần gũi hơn giữa Bắc Kinh và Moscow là một “lựa chọn tất yếu” và quan trọng đối với sự thịnh vượng của cả hai nước. Những từ ngữ này còn hơn là phép lịch sự mang tính ngoại giao.

Nguyên thủ hai nước nhất trí đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược lên một “tầm cao mới”. Nhưng trên thực tế, hai nước đều có lợi ích và tính toán riêng của mình, đó thực chất là “quan hệ đối tác” trên cơ sở “việc nào ra việc đó”. “Chiến lược” có nghĩa là hợp tác trong các lĩnh vực thống nhất với lợi ích quốc gia, nhưng khi có bất đồng về quan hệ lợi ích đa phương, các bên phải tự giải quyết.

Tuy Bắc Kinh rất coi trọng việc Moscow cung cấp tài nguyên cho mình, nhưng trong mối quan hệ kinh tế đan xen mật thiết với cả Nga và Mỹ, cùng với châu Âu, Trung Quốc luôn duy trì thái độ trung lập. Hay trong quá trình đàm phán giá cả hợp đồng khí đốt khổng lồ giữa hai nước, Trung Quốc đã lợi dụng tình thế khó khăn của Nga, sau khi bị Mỹ và châu Âu trừng phạt kinh tế do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, để ép giá nhập khẩu khí đốt.

Trong khi đó, vòng vây của Mỹ ngày càng siết lại khiến Nga phải bắt tay hợp tác với Trung Quốc nhưng Moscow không quên “người bạn tốt” Trung Quốc đã từng “thọc dao sau lưng mình”. Tổng thống Putin luôn giữ thái độ lãnh đạm khi tuyên bố Nga và Trung Quốc “không có ý định xây dựng liên minh quân sự - chính trị”. Trong lĩnh vực mua bán vũ khí quốc phòng, Nga cũng ép giá Trung Quốc quyết liệt và chỉ bán các loại trang bị thế hệ cũ hoặc hạn chế bớt tính năng.

Bên lề Hội nghị APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã có cái bắt tay mở ra nhiều triển vọng song phương, cùng “ẩn ý” khẳng định mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa hai cường quốc. Tuy nói là bạn bè, nhưng thực chất đây lại là mối quan hệ tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến cố. Được định hình và thúc đẩy bởi yếu tố tình thế, nên quan hệ Nga - Trung có thực sự bền chặt hay không vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, cả Nga và Trung Quốc đều sẽ đặt lợi ích quốc gia là trên hết. Đối tác chiến lược, suy cho cùng, không có nghĩa cứ phải là “bạn tốt”…

Doãn Anh Quân
.
.