Những điều ít biết về Tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố
Sinh ra và lớn lên tại Kinh Bắc, thường xuyên được thừa hưởng tư duy khẩu ngữ của tiếng Việt, gặp thời tiếng mẹ đẻ có chữ viết riêng, Ngô Tất Tố dùng bút sắt thay bút lông, tài tình chuyển khẩu ngữ thành bút ngữ, sáng tác thành công tiểu thuyết đầu tay “Tắt đèn”.
Tắt đèn là tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả, đã tôn vinh Ngô Tất Tố lên “chiếu trên” của văn đàn, đã vinh danh Ngô Tất Tố lên ngôi hàng đầu sáng lập trào lưu hiện thực trong lịch sử văn học nước nhà. Tắt đèn được ba đồng nghiệp nổi tiếng là Vũ Trọng Phụng (1939), Nguyên Hồng (1957), Nguyễn Tuân (1962) viết lời giới thiệu khi xuất bản và tái bản trong các thời kỳ khác nhau. Bước sang tuổi 75, Tắt đèn đã được hơn 20 nhà xuất bản (NXB) trong nước và nước ngoài tái bản gần 130 lần, được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung văn, Hung-ga-ri, Lào... Tắt đèn được chuyển thể thành phim truyện Chị Dậu (1981), thành truyện tranh (2010).
Đâu là nguyên bản gốc
Trước khi Nhà Mai Lĩnh in Tắt đèn thành sách (1939), trên báo Tương lai (1936) đăng truyện Một ổ chó và một đứa con đứng tên Thôn Dân, sau đó trên 10 số của báo Việt nữ (1937), liên tiếp đăng Tắt đèn ghi rõ là “tiểu thuyết xã hội của Ngô Tất Tố”.
Khi thấy nội dung kể việc “chăm sóc cái Tý sau khi bị đối xử rất tàn nhẫn” từ cuối bản đăng trên báo Việt nữ, không được viết trong bản in thành sách, có ý sai cho rằng “kiểm duyệt của thực dân Pháp đã cắt xén đi một số chương có giá trị tố cáo sâu sắc”(!?) như nêu ra ở trang 5 trong sách Tắt đèn do NXB Hồng Đức vừa phát hành (2014). Đây chính cũng là nội dung, từ năm 1997, Lữ Huy Nguyên đã viết (trên trang 218) trong sách Tiểu thuyết Ngô Tất Tố của NXB Văn học, nay NXB Hồng Đức sao chép lại nguyên văn - không thiếu một chữ - nhưng không chịu ghi xuất xứ (!?).
Đọc thật kỹ bản Tắt đèn in năm 1939, bạn đọc sẽ không sao tìm được chỗ nào chứng tỏ một số chương trong Tắt đèn đã bị cắt bỏ. Điều rất dễ nhận ra là: Thay thế cho khoảng hơn 900 chữ kể về “cái Tý bị hành hạ”, Ngô Tất Tố đã dùng tới hơn 7.500 chữ để kể rất tỉ mỉ về quãng đời tiếp theo của chị Dậu, còn đau đớn khốn quẫn hơn gấp bội, khi “phải bỏ con, xa chồng đi ở vú”, rồi lâm vào cảnh “trời tối đen như mực như cái tiền đồ của chị”. Ngô Tất Tố đã tinh tường vạch trần những mánh lới buộc tội gian ác, những thủ đoạn hành hạ trắng trợn đê hèn, những hành vi cuồng dâm đểu cáng... của các tên từ Lý trưởng đến Quan Phủ cho tới Quan Cố, đã diễn ra liên miên, đã dồn ép chị Dậu vào tình thế cùng đường, vô cùng hiểm nghèo nhưng chị vẫn rất khôn ngoan ứng phó và bảo toàn được phẩm giá.
Kết quả khảo cứu nội dung toàn truyện và nhất là phần cuối truyện như vừa trình bày, đã khẳng định: bản in thành sách năm 1939 đích thực là nguyên bản chuẩn của Tắt đèn.
Nhà văn Ngô Tất Tố. |
“Lời giới thiệu” của Vũ Trọng Phụng in ngay trên “Tắt đèn” xuất bản lần đầu
Từ trước tới nay, bạn đọc và trong cả giới nghiên cứu phê bình, thường chỉ nói đến “Lời giới thiệu Tắt đèn” của Vũ Trọng Phụng được đăng trên báo Thời vụ, nhưng ít ai biết rằng: “Lời giới thiệu” này, đề ngày 25/1/1939, đã chính thức in ngay trên những trang đầu của sách Tắt đèn do Nhà Mai Lĩnh xuất bản lần thứ nhất.
Trong “Lời giới thiệu”, Vũ Trọng Phụng nhấn mạnh: Để viết được Tắt đèn, tác giả “ngoài sự quả thật đã được sống nhiều cái đời dân quê, lại còn phải có điều kiện tối cần là: biết chữ Nho”.
Ngô Tất Tố trực tiếp bảo vệ “Tắt đèn”
Chỉ một năm sau khi Tắt đèn in thành sách, trên báo La Patrie Anamit có bài viết ghép tên của các sách Chiều, Đùa với ái tình và Tắt đèn với nhau và lên án đó là những sách “bại hoại luân lý”. Bác bỏ dụng ý xuyên tạc đó, chỉ với 55 chữ, Ngô Tất Tố khẳng định: “Tắt đèn là một cuốn xã hội tiểu thuyết tả cảnh đau khổ của dân quê, của một người đàn bà nhà quê An Nam suốt đời sống trong sự nghèo đói và sự ức hiếp của bọn cường hào và người có thế lực mà lúc nào cũng vẫn hết lòng vì chồng con” (Trung Bắc Chủ nhật - 1940).
Những sai lệch vi phạm pháp luật khi biên soạn tái bản “Tắt đèn”
Hoạt động xuất bản sách in truyền thống hơn nửa thế kỷ vừa qua đã có công lớn giới thiệu đến ngày càng đông đảo bạn đọc các tác phẩm tiêu biểu trong lịch sử văn học giai đoạn 1930-1945 ở nước ta. Trong quá trình tái bản sách diễn ra sôi động, tràn lan, “mạnh ai nấy làm” nên hầu hết các ấn phẩm tái bản Tắt đèn, ít nhiều đều có những sai lệch, có chỗ sai đến ngớ ngẩn, vô nghĩa, nghiêm trọng hơn là nhiều chỗ bị cắt xén, sửa chữa do các lần tái bản sau cứ sao nguyên văn các bản in trước đấy, được nghiễm nhiên coi là đúng mà không kịp thời cải chính, chỉnh sửa.
Gần đây nhất, sách Tắt đèn (2014) do NXB Hồng Đức vừa tái bản, đã có nhiều lỗi sai khi đối chiếu với sách Về tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố và nguyên bản (2007) của NXB Văn hóa - Thông tin. Điều bất thường là: giám đốc và biên tập, những người chịu trách nhiệm xuất bản cho cả hai cuốn sách này đều là một và hoàn toàn không thay đổi. Bản in của NXB Hồng Đức - nhà xuất bản của Hội Luật gia Việt Nam, đã mắc phải các lỗi sai lệch, cụ thể như sau:
- Đã cắt bỏ nhiều câu, nhiều đoạn như: một chỗ về tả cảnh (Phần I)), 6 chỗ (Phần XXIV và Phần XXVII) viết về hành vi dâm ô, đểu cáng của tên Quan Phủ, Quan Cố.
- Vì không tham khảo sách do chính mình đã từng chịu trách nhiệm xuất bản trước đây cho nên bản Tắt đèn của NXB Hồng Đức vừa làm đã phạm vào những sai lệch thông thường, thậm chí còn rất ngớ ngẩn. Ví dụ như: không biết “toang cổng” là cái then to chèn ngang, giữ khít hai cánh cổng nên “in ẩu” thành “trong cổng”, không hiểu “đấu” là miếng gỗ đỡ các cột trốn, cột ngắn trên các xà ngang lại in thành “dấu”; “dặt” thuốc vào nõ điếu cầy khi hút thuốc lào in thành “đặt” thuốc.
Tương tự như vậy còn hàng loạt lỗi sai khác như: “dương cơ” in thành “dinh cơ”, “bạ men” in thành “bạo men”, văn tự mượn tiền hạn “năm năm” viết thành “năm ngày”, “buổi mai lánh đọng” in thành “buổi mai lắng đọng”, “chõ mồm” in thành “chõ mõm”, “tôi được thăng, tức là công mợ” in thành “tôi được thăng chức là công mợ”, “tiền canh giam” in thành “tiền canh đám”, “nghe thấy hẳn hoi” in thành “nghe thấy hắn hỏi”, “cái mặt nạ dòng” in thành “cái mặt ra giọng” v. v…
Thời gian gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hàng loạt phiên bản điện tử Tắt đèn liên tiếp xuất hiện trên mạng của: vnthuquan.net, truyenviet. com, maxreading.com, vietfun.com, sachhay.org, truyengicungco.com... Tốc độ truy cập Tắt đèn tăng đột biến, chứng tỏ sự ngưỡng mộ rất lớn của cư dân mạng đối với Tắt đèn, nhưng các phiên bản điện tử này khi số hóa đều dựa vào “các bản in giấy” vốn sẵn có sai lệch, nên những lỗi sai có dịp lan truyền cũng ngày càng rộng và nhanh chóng.
Khâu quan trọng hàng đầu góp phần lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản sách in giấy cũng như sách điện tử
Khảo cứu “văn bản học” nhằm khôi phục và khẳng định “nguyên bản chuẩn mực” các tác phẩm văn học kinh điển trong lịch sử văn học của nước nhà trở thành nhu cầu thiết thực, đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Từ hơn 10 năm nay, các công trình khảo cứu về “bản gốc” các tác phẩm của Ngô Tất Tố, trong đó có Tắt đèn đã được thực hiện và đều đã chính thức đăng ký “bản quyền tác giả biên soạn” và “quyền chủ sở hữu”.
Tiếp tục khảo cứu “văn bản học” những tác phẩm văn học có giá trị trong thời kỳ 1930-1945, từng bước khai thác có hiệu quả nhất nguồn tư liệu quý hiếm lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam để “khôi phục, giám định nguyên bản chuẩn xác” và “số hóa văn bản gốc” các tác phẩm văn học kinh điển của tiền nhân là công trình khoa học rất có ý nghĩa, hoàn toàn có thể thực hiện tốt, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, bảo tồn lâu dài, bền vững di sản văn chương của dân tộc, góp phần đắc lực lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản trên cả hai lĩnh vực in sách truyền thống và sách điện tử.
Đầu Đông 2014