Những cuộc vượt ngục có một không hai trên thế giới của những người tù cộng sản ở nhà tù Phú Quốc

Chủ Nhật, 17/05/2009, 22:19
Trong nhiều cuộc vượt ngục ở nhà tù Phú Quốc của những người Cộng sản, có một cuộc vượt ngục huyền thoại của chiến sỹ đặc công Trần Hồng. Anh quê ở Bình Định, bị bắt tại Huế trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.Trong nhà lao Phú Quốc, Trần Hồng là một trong những người bị tra tấn dã man nhất.

>> Người đào hầm

Vì anh luôn luôn thách thức kẻ thù và đứng ra nhận vụ thủ tiêu một tên chỉ điểm trong tù. Anh bị bẻ răng, móng tay bị ghè vỡ và từng bị nhốt "chuồng cọp", "chuồng chó" và rạch bộ phận sinh dục nhét đỉa trâu vào... Tuy vậy, với ý chí quật cường của người Cộng sản, anh và một đồng chí của anh đã làm một cuộc vượt rào thoát ngục ngoạn mục để trở về với cách mạng... Sau đây là lời kể của chiến sĩ đặc công Trần Hồng.

Kỳ 4 - Vượt rào thoát ngục giữa ban ngày

... Tôi quyết định vượt rào ban ngày, tức là đánh thẳng vào những giây phút bất ngờ nhất của đối phương. Đây là một đòn cân não năm ăn năm thua mà bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình, vẫn không hiểu tại sao lúc ấy mình lại có thể thực hiện được.

Tất cả xuất phát từ hình ảnh thê thảm của người tù tâm thần nhảy rào giữa ban ngày để hứng đạn cho chết đi. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi hoài, vừa thương cảm vừa hờn căm lại vừa ai oán. Rồi biết đâu một thời khắc rồ dại nào đó tôi cũng hóa điên mà tìm cách tự sát như con người bất hạnh kia? Vậy trong lúc còn tỉnh táo, trong lúc còn chưa điên hẳn tôi phải ra đi. Tôi biết từ nay tôi đã là mục tiêu sống của kẻ thù, chúng cho chết lúc nào hay lúc đó. Tôi không muốn lấy cuộc đời chiến sĩ ra làm một thứ trò chơi tiêu khiển cho đối phương ngon lành như vậy. Tôi phải đi! Đi bằng ngay lối đi của kẻ tâm thần, lối đi mà đối phương không bao giờ lại có thể hình dung ra được đó chính là cách đi của người hoàn toàn tỉnh táo. Đơn giản vậy thôi.

Tôi bắt đầu quan sát. Các giấc trưa, trong khi anh em nằm thiêm thiếp thì tôi, dù cơn sốt nóng trộn lẫn cơn sốt rét khiến đầu nhức như búa bổ, vẫn cố giương mắt nhìn trân trân ra ngoài. Nơi đó nắng đang đổ lửa xuống cảnh vật, có cảm tưởng cả khu rào kẽm gai trùng điệp, cả những chòi cu đứng chơ vơ ở vành ngoài khu rào cũng đang bị đốt nóng đỏ dần lên.

Sân tù vắng tanh. Bọn quân cảnh chui hết vào bóng rợp để tránh nắng. Mấy tên giám thị lâu lâu đi qua đi lại săm soi nhìn vào trại một chút lấy lệ rồi lại mất hút đi đâu. Cả khu tù chỉ có mấy cái chòi cu là còn lính gác. Nhưng cũng gác uể oải lắm! Thằng thì ngáp, thằng thì lim dim gà gật, thằng lại giở sách giở báo ra coi để giết thời giờ. Chúng hoàn toàn tin rằng đây là thời điểm an toàn. Đường độc đạo ra vô đã có cự mã chắn kín rồi, mấy thằng tù dù có cánh cũng không thể lọt khỏi một thước rào nào chứ đừng nói đây là cả hàng chục hàng trăm thước. Vả lại chui rào ban đêm bọn tù còn chết như rạ cả ra đấy, huống hồ lại là ban ngày. Có mà nằm mơ! Cho nên cái thằng gác ngồi ở hướng đối diện với tôi yên trí giở sách ra coi.

Nó coi sách gì? Trinh thám ba xu, kiếm hiệp kỳ tình hay dâm ô đồi trụy cũng kệ cha nó. Miễn là nó có coi. Coi nhưng cứ sau một trang hắn lại ngóc mặt lên lờ đờ quan sát một vòng. Quan sát không thấy gì, hắn lại chúi đầu xuống coi tiếp. Cứ thế, cái đầu hắn ngẩng lên gục xuống theo một quy luật định sẵn đúng bằng chiều dài trang sách. Ước tính khoảng ba phút! Chỉ cần mươi mười lăm cái ba phút đó thôi là...

Đến đêm tôi tính rủ anh Đài cùng hành động nhưng bò đến nơi thấy ảnh đang nằm rên hừ hừ nên đành thôi. Chuyện này, ngoài ý chí và sự liều mạng ra, nó còn đòi hỏi một thể chất tối thiểu, đang bệnh đau như ảnh thì không thể nào thực hiện nổi. Nhưng tôi cũng không muốn ra đơn chiếc mặc dù hành động một mình trăm bề thuận lợi hơn.

Tôi bò đến cậu Mơ, tuổi trạc bằng tôi và tính tình cũng khí khái cương trực lắm.

- Bậy nào! - Chưa nghe tôi nói hết, Mơ quạu lại - Muốn tự sát à? Ai lại vượt rào giữa ban ngày? Có họa là thằng rồ.

- Im nghe tớ nói đã - Tôi ghìm đầu Mơ vào sát miệng mình - Thế mới bất ngờ. Tớ nhìn kỹ rồi, lần nào cũng như lần nào nó không thay đổi đâu, chỉ cần cậu nhanh nhẹn và làm đúng như tớ.

- Khoan đã - Hơi thở của cậu ấy dồn lên nặng nề - Tính toán cho kỹ đã. Tại sao ta không chui rào ban đêm?

- Không được! Kiểu chui rào này chúng đã quá quen thuộc và biết cách phòng ngừa rồi, khó lắm! Chỉ còn cách chọc vô cái khe hở chủ quan trong đầu óc của chúng. Cậu không nhớ tháng trước, khi cậu Thân định lợi dụng chiếc xe chở củi vô bếp để chui xuống gầm nó theo ra ngoài ai cũng cản à? Vậy mà cậu ấy cứ chui và cứ thoát. Thủ đoạn tác chiến đó.

- Biết rồi! Nhưng ông là dân biệt động, lại có võ, ông có thể vượt rào dễ dàng, còn tôi, tôi ngại...

- Không ngại cái gì hết! Mà sao lại đá cái chuyện võ vẽ vô đây. Không có một thứ võ nào, thứ biệt động nhà nghề nào thay cho cái táo bạo trong đầu này này. Tớ cam đoan ăn chắc nếu cậu cứ làm đúng như tớ, đừng nửa đường ngã lòng.

- Nhưng... Ra được ngoài rào rồi thì sao? Trời vẫn còn sáng mà - đến đây giọng của Mơ đã có phần xuôi xuôi.

- Còn sáng thì mình ém lại. Cây cỏ lùm bụi lúp xúp thiếu gì.

- Ờ...! Để mình suy nghĩ thêm đã... Nghen!

- Cứ nghĩ đi! Nhưng sáng là hạn cuối phải trả lời cho mình. Cậu không đi, mình cũng cứ đi. Nhớ kỹ đó. Tớ đã báo cáo kế hoạch này với ông Sáu Long rồi.

- Ông nói sao?

- Tất nhiên là nhất trí.

- Ờ... Để mình nghĩ... nghĩ thêm.

Để mặc anh bạn nằm đó, với sự trăn trở thêm thắt chắc là phải kéo dài suốt đêm của mình, tôi bò về chỗ và nhắm mắt rà lại toàn bộ các chi tiết cần hành động.

... Sáng hôm sau, trước giờ đi làm cỏ, Mơ đến bên tôi, mặt mày trông hốc hác đi nhưng đôi mắt đổ ghèn dấp dính lại cháy lên:

- Đ.mẹ! Tớ quyết định rồi! Đi! Tôi lén bóp chặt tay Mơ.--PageBreak--

Buổi sáng hôm đó trôi qua quá chậm tưởng như lão mặt trời rực đỏ không chịu chuyển dịch một tí ti nào hết. Nhưng rồi cái gì cần đến cũng đến. Ăn uống bậy bạ xong, tôi và Mơ nháy nhau thằng trước thằng sau ra cầu tiêu ở sát chân rào giả đò đi cầu (thời gian này do ta đấu tranh nhiều và cũng do Hồng thập tự quốc tế can thiệp nên chúng tạm dời cầu tiêu ra khỏi phòng để đối phó). Hành trang đi đường kiểm lại thật nghèo nàn: Một chiếc quần lót rách tơ tướp mặc trên người, một bộ lấy dáy tai tự làm để giết thời gian trong tù, một con dao con bằng quai cà mèn và mấy viên thuốc kháng sinh anh em nhường cho, thế thôi.

Ngồi trong nhà cầu hôi thối nóng như rang, tôi phóng nhanh mắt ra xung quanh. Mọi thứ vẫn không thay đổi: Thằng lính gác trên chòi đang cắm cúi đọc sách, thằng giám thị mất hút trong khu nhà bếp, mấy tên quân cảnh đang chúi mũi vào bàn cờ vạch trên đất của anh em tù ở sau hè theo kế hoạch giữ chân của anh Sáu nhằm hỗ trợ cho cuộc vượt ngục của hai đứa tôi. Ngon rồi! Tôi hỏi nhỏ sang cái cầu kế bên:

- Xong chưa?

- Có ị đâu mà xong - Giọng Mơ hồi hộp.

- Vậy, chuẩn bị nghen! Khi tớ vọt là phải vọt theo liền. Hít thở cho sâu, động tác chính xác không khua động. Chuẩn bị...

Vừa kịp thằng gác cúi xuống, tôi luồn qua chân cầu tiêu rồi bật nhanh qua hàng rào thứ nhất. Đây là loại rào bùng nhùng, không cao lắm nhưng cồng kềnh ba vòng xếp chồng lên nhau, phải dùng tay bá cọc sắt rồi lăn mạnh người qua kiểu vận động viên nhảy sào. Và không ngờ chúng tôi đã lăn qua rất nhanh nhẹn. Kỳ lạ thiệt! Sức lực trong tù tưởng đã kiệt cùng nhưng vẫn còn ẩn chứa một tiềm năng quật khởi dồi dào đến thế, cái dồi dào mà bây giờ dù đã khỏe mạnh đàng hoàng, có bắt nhảy lại cũng không nhảy được.

Do tính toán kỹ địa hình địa vật, nên lúc ấy những lùm cỏ ba ngạnh mọc lúp xúp ngang bắp chân đã che kín được thân thể chúng tôi, đủ để tên gác có rời mắt khỏi trang sách nhìn lên thì cũng chỉ thấy quanh mình toàn một màu thép gai và cỏ lác ảm đạm.

Chắc anh sẽ hỏi: Vậy còn mìn trái chúng gài dày đặc và chó ngỗng chúng thả tùm lum thì sao? Dạ! Rất đơn giản, bọn tôi có quan sát và tính toán cả rồi. Chó, ngỗng ư? Không khi nào chúng thả ban ngày vì làm gì có tù nào dám chui rào ban ngày, còn mìn trái? Chúng chỉ tập trung trong ruột rào chứ khoảng trống giữa các lớp rào chúng để trống để còn có thể cơ động đi lại khi có tình huống.

Đảo mắt lờ đờ một vòng không thấy gì, tên gác trên chòi lại tiếp tục cúi xuống. Nó sẽ lại cúi xuống được ba phút... Ôi chà chà! Lúc ấy tôi lại thầm rủa mấy cha văn sĩ sao viết ít thế, đáng lẽ mỗi trang nhét chữ vô cho ken sít thì có phải tôi được 5 phút không? Chúng tôi sẽ đánh ngay vào cái trang sách ba phút đó để vượt tiếp hàng rào thứ hai. Đây là hàng rào hình mái nhà. Thấp ngang bụng thôi nhưng bề mặt dàn ra đến trên ba mét, chuyên đóng vai trò làm vật cản xung phong.

Hàng rào này vượt khó? Chui ư? Không được rất chậm chưa đâu vô đâu thì đã hết ba phút rồi. Vẫn chỉ có thể dùng cách bám cọc sắt lăn người (rất may còn có cọc sắt, nếu không coi như hoàn toàn thất bại). Nhưng không lăn một lần qua được. Lần thứ nhất tung người đến khoảng giữa chọn một ô rào thoáng rộng nhất thả chân xuống rồi tức khắc lại bám tiếp cọc nhún chân lăn lần thứ hai ra hết lớp rào. Tôi thực hiện các động tác này ngọt hơn mặc dù bàn chân và ống chân chà vô gai rào rớm máu; còn Mơ, do sức yếu nên khi lăn vô giữa, bàn chân to bè thả không gọn vào mắt cáo rào gây một tiếng động reng reng khá to. Nhưng thật may, cậu ấy lại tiếp tục lấy đà nhảy tiếp được. Vùi mặt trong cỏ, hai đứa hồi hộp nhìn lên.

Nghe động, tên gác nhớn nhác dòm ngay xuống chỗ chúng tôi, nòng súng rà qua rà lại ngo ngoe như đầu rắn hổ, nhưng hồi lâu không thấy gì, chắc nó đoán con chồn, con sóc rung dây hoặc tiếng rung reng cũng như cái bóng gì đó nháng ra dưới mắt vừa rồi chỉ là ảo ảnh nên hắn lại ngáp một cái rõ to, tiếp tục cúi xuống. Hú hồn hú vía! Hai thằng nhìn nhau cười méo xẹo và nghiến răng tiếp tục hành động.

Hàng rào thứ ba là hàng rào tường cao quá đầu người. Hàng rào này không thể bám cọc tung người qua được, cũng không thể loay hoay trèo từng nấc. Không sao! Tôi đã có cách qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ. Hơi nhổm người chạy gần vào bước lấy đà, tôi chụm hai tay bật người lao đầu qua một cái lỗ rào bằng hai bàn tay theo cái kiểu người ta bay qua vòng lửa trong rạp xiếc hay cái lối trai gái làm động tác nhảy lộn vòng xuống nước. Cũng ngọt, chỉ phải cái hai bên nách và đùi rách nát. Rách thế chứ rách nữa, kể cả giò cẳng bị tiện đứt cũng cứ nhảy. Cưỡi lưng cọp rồi anh ạ! Chỉ còn một cách là sống chết cũng nhào lên phía trước.

Chạm đất, tôi cuộn người lăn một vòng lấy lại cân bằng rồi ngoái đầu lại. Mơ chuẩn bị nhảy. Tôi thoáng thấy hai mắt cậu ấy bạc đi vì lo lắng. Không sao! Tôi đã dự kiến trước nên quả quyết phẩy tay ra hiệu. Mơ lao qua... Vừa thấy cái đầu lởm chởm và hai cánh tay sần sùi mụn ghẻ của cậy ấy nhoi ra khỏi lỗ rào bên này, tôi vội quỳ xuống đưa tay lên làm trụ đỡ cho cả thân hình choắt cheo kia có điểm tựa mà chuồi qua nốt. Vẫn chưa hết nửa trang sách. Lạ thiệt! Nằm co tròn trong đám cỏ, hai thằng thi nhau thở để mặc cho máu me chảy ra ròng ròng... Kìa! Nó lại ngẩng lên rồi. Đó! Nó lại sắp cúi xuống...

Cứ thế, bằng khoảng cách một trang sách, chúng tôi lặng lẽ vượt từng lớp rào. Mười sáu lớp tất cả. Mỗi lớp là một công trình, một thử thách. Nếu có một ai đó nhìn ra thì sẽ thấy giữa cái nắng chói chang 12 giờ trưa bỗng dưng lại xuất hiện hai cái bóng dị dạng tung lên rồi lại hụp xuống trong biển rào gai như ma quỷ, lại như hai vệt nắng nhếnh nháng mỗi lúc mỗi đỏ lòm ra...

Sau gần một giờ đồng hồ đùa giỡn với tử thần, chúng tôi đã ra khỏi hàng rào cuối cùng, trên thân thể không còn một mảnh quần áo và hoàn toàn kiệt sức, nhìn nhau mà không còn nhận ra nhau là người nữa, hai cái giẻ thịt vấy máu thì đúng hơn, những mảnh giẻ cuối cùng đã giắt lại trên 16 lớp rào rồi.

Nằm nghỉ hẳn nửa tiếng trong bụi sim cho hoàn hồn, hai đứa tiếp tục mở cuộc hành trình thứ hai không kém phần gian khổ đi tìm cách mạng.--PageBreak--

Tôi nói điều này anh có cười cho là duy tâm thì kệ anh nhen! Trước lúc vượt rào, khi còn ngồi chổm hổm trong hố xí, tôi có cầu nguyện trời phật đàng hoàng đó. Cả vái nữa. Tôi nói: "Hỡi hồn thiêng sông núi, hỡi thần phật bốn phương hãy phù hộ cho con vượt qua được sự khổ nạn gian nguy này. Nếu sống, con nguyện sẽ làm người ngay thẳng, sống có trước có sau, sống vì bạn vì bè... Hãy phù hộ cho con!". Vậy mà sống đó. Phải chăng thần phật đã động lòng trắc ẩn mà giúp chúng tôi được sức lực và lòng can đảm vượt qua hết 16 hàng rào tử địa.

Lúc đó tôi tin. Còn lúc này, trước khi dấn thân vô chặng đường mịt mù một sống hai chết đi tìm cách mạng, tôi lại khẩn cầu nữa. "Hỡi thần phật bốn phương! Thần phật đã thương hai đứa tôi thì thương cho trót. Các vị thần cao cả hãy phù hộ cho chúng tôi đi đúng hướng, đúng đường, không bị lạc, không lọt vô tay kẻ ác để chúng tôi mau chóng đến được với những người anh em cùng chí hướng đang lẩn quất ở đâu đây. Nếu được vậy, hai đứa tôi lòng thành xin tế một...".

Khấn đến đây, tôi giật mình. Năm 1967 khi còn ở ngoài, trước khi vô trận đánh ác liệt không cân sức, bọn tôi cũng xin tế một con heo lòng thành nếu thắng lợi nhưng ở ngoài, một con heo có thể xoay xở được, còn ở đây, tế vậy mà không có khác nào nói xạo, thần phật đâu tin, mà dù có kiếm được thì cũng không nên hoang phí, chuyện chi cũng một con heo, nghèo tàn nghèo mạt còn gì. Anh cười hả? Ừa! Cái đầu óc tôi lúc ấy lẩm cẩm vậy đó nhưng mà thực cái bụng, thực bụng dù rộng hay hẹp thần phật cũng không nỡ quở. Tôi bèn hạ giọng: "... Nếu được vậy, hai đứa tôi xin lòng thành tế một cái đầu heo!".

Vái trời vái đất, vái đường vái núi xong; chúng tôi bứt lá lau qua máu trên người rồi nhằm hướng núi lên đường.

Chuyện dài dòng lắm, nếu viết anh có thể viết được cả một quyển riêng về chuyện này, 16 ngày cả thảy kia mà. Tức cười! Như là sự sắp xếp cố tình của tạo hóa. Tôi ở tù 16 tháng, vượt lăn 16 hàng rào và lạc rừng cũng đúng 16 ngày. Ý quên! Tính những trận đòn nhừ tử thì tôi cũng chịu 16 trận thừa sống thiếu chết nữa. Tôi chỉ kể vắn tắt, anh nghe chơi.

Đi lạc trong rừng đến ngày thứ bảy, chúng tôi chưa kiệt sức vì đói nhưng kiệt sức vì tuyệt vọng. Đi hoài, đi mãi mà sao vẫn chỉ thấy rừng là rừng. Rừng càng đi càng rậm rạp, càng bước tới càng không thấy có đường ra. Rất may nhờ có sự chỉ dẫn của mấy người bạn tù từng trải mà hai đứa còn kiếm được thứ nhét vô bụng.

Sang ngày thứ tám, hai đứa mò đến được một khu chùa bên ngoài có biển đề "Hồng Long Tự". Mừng quá! Có chùa là có dân, có dân là có đồ ăn, có dân là sẽ tìm ra được tất cả (sau này mới hay đó chính là chùa Suối Đá, thuộc địa phận thị trấn Dương Đông).

Hai thằng rủ nhau xuống suối tắm rửa cẩn thận, lấy lá lấy lẩu buộc chằng che đi cái gì cần che trên thân thể để nhà chùa khỏi tưởng là quỷ sứ dưới địa ngục hiện về rồi khép nép đi vào sân.

Chùa này sư thầy đã chết, chỉ còn bà Tuyết, pháp danh Diệu Ý và cô Diệp Thị Hoa, pháp danh Diệu Hiền ra tiếp. Ban đầu họ sợ nhũn người, mồm miệng líu ríu nói không ra lời. Sau thấy chúng tôi tội tình quá, cứ dán mắt đăm đăm vô buồng chuối chín trên bàn thờ, mặt mũi lại không tỏ vẻ gì độc ác cả nên họ chạnh lòng mà mở cửa cho vô gian trong. Hai bà hỏi chúng tôi có đói không? Hai đứa gật đầu. Họ nấu cho mỗi đứa hai lon gạo ăn với nước tương, chớp mắt một cái là hết vèo. Họ nấu thêm một tí nữa. Cũng hết! Nói đùa, giá lúc đó họ có nấu cho mỗi thằng chục cân gạo, nghĩ bụng chắc cũng hết. Nhưng bảo nhau kịp dừng lại. Có đói đến chết cũng phải giữ tác phong người cách mạng, đừng để nhân dân nhầm mình với thổ phỉ mà coi khinh. Vả lại, mỗi bụng cũng chục chén cơm lùm lùm rồi còn gì.

Ăn xong chúng tôi mới rỉ rả nói thực mọi chuyện, tự xưng mình là ai và nhờ nhà chùa giúp đỡ chỉ hướng đi đến với Cách mạng. Cả hai bà lo lắng nhìn nhau, trong cái nhìn đó có cả tin lẫn ngờ, lẫn cả phần sợ hãi. Họ chỉ hướng lung tung không có căn cứ cụ thể gì hết. Họ nói chỉ nghe đồn mang máng mạn Bắc Đảo có Cách mạng, các ông cứ đi về đó. Rồi họ nấu thêm cho chúng tôi mỗi người một lít gạo, nắm lại, gói ít muối tiêu và bọc nải chuối đưa thêm cho chúng tôi mỗi đứa mượn bộ quần áo nâu sồng kiểu nhà chùa, một cái xoong con, hộp quẹt, con dao phát rừng nữa.

Chúng tôi cảm ơn lòng tốt nhà chùa rồi lại khăn gói thất thểu đi tiếp, lòng dạ hoang mang không biết đi đâu, về đâu bây giờ. Có cái lạ là con chó trắng của nhà chùa cứ bịn rịn đi theo chúng tôi suốt đêm như đưa tiễn, lại như thầm dẫn đường. Nó không kêu, không sủa, cứ đi lầm lũi, dụ sao cũng không quay trở lại. Gần sáng thấy lòng vòng hoài vậy không ổn, tôi phải làm như giận dữ cầm cây gậy dứ dứ nó mới kêu tiếng một rồi chạy lộn trở về. Nhìn con mắt nó buồn lắm! Tôi nghĩ bụng, hay là nó báo điềm gở nhưng không dám nói sợ núng lòng đồng đội.

Qua ngày thứ chín. Lòng dạ bắt đầu thấy bất an và vô cùng nản chí. Lặn lội gần chục ngày thừa sống thiếu chết chỉ để khao khát được gặp dân, nay gặp dân rồi lại như chưa gặp gì cả, lại thấy thất vọng hơn, cuộc hành trình dò tìm lại càng mờ mịt mông lung. Bấm đầu ngón tay biết bữa ấy là ngày mười lăm tháng chín. Tôi ôm chặt lấy Mơ lúc ấy đang lên cơn sốt rét rung cả đệm lá rừng, nói: "Bà con chưa thật tin mình, hiểu mình nhưng đối xử với mình, vậy là được rồi, vậy là có thể hy vọng rằng lực lượng cách mạng vẫn có, vẫn đang lẩn quất đâu đây. Cứ đi thôi, nhằm rừng xanh mà đi, đi mười ngày không gặp thì đi hai mươi ngày... ba mươi ngày... một trăm ngày... Dứt khoát sẽ gặp. Và cùng lắm không gặp được thì hai đứa tạm là người rừng ăn trái cây, củ lá ít năm chứ nhất định không ra đầu hàng giặc, không quay trở về nơi chốn cũ".

Mơ nhìn tôi rất lâu bằng đôi mắt sốt rét lờ đờ rồi lặng lẽ gật đầu. Tôi trào nước mắt ra vì thương bạn thương mình. Chính tôi là người đề xướng việc này, tôi là người động viên Mơ ra, nay cậu ấy có mệnh hệ gì thì tôi biết ăn nói ra sao? Một nấm mồ nho nhỏ nằm ẩm ướt giữa rừng, ngày đêm là mục tiêu cho đàn mối, lũ kỳ đà đến bới đào đục khoét. Hình ảnh hiu hắt đó dội mạnh vô lòng tôi. Tôi cũng đã yếu sức lắm! Nhưng những đòn tra tấn ở trong tù lựa lúc này trội phát, hè nhau ngóc dậy hành hạ tôi.

Tôi nói với Mơ cũng là nói với chính lòng dạ đang lung lay của mình. Hình ảnh ngôi chùa với cảnh sân vắng, mái buồm, thềm đá rêu phong... thấm buốt vô suy nghĩ của tôi. Xét đến cùng, cuộc đời con người là cái gì khổ đau, quá thể, thù hận, chém giết rồi tù đày... sẽ dẫn đến đâu? Một khu chùa, một chén cơm với tương cà, một ánh sớm mai chim hót và một chiều hôm gió nhẹ lao xao... Phải chăng toàn bộ lý do để sống với đời cũng gói gọn trong ý nghĩ ấy?"...

Đó! Vô ngày thứ chín, trong đầu tôi nó lại nảy sinh những trạng thái tình cảm như vậy, không biết có yếu đuối quá không hay đó chính là chuyện ngàn năm vĩnh cửu muôn đời bao giờ cũng đúng của kiếp người? Ấy vậy nhưng cái phần người thứ hai, phần người thù hận, phần người khao khát hành động, khao khát được tự do trong tôi lại vẫn buộc tôi hoàn tất ráo riết hành vi thoát ngục của mình. Trong đó lại xen vào cả cái phần người siêu hình tin ở tâm linh thần phật nữa. Buổi sáng, tôi đứng quay mặt về hướng Đông, hướng mặt trời mọc để, xin lỗi anh, nghiêm trang đái một bãi. Tôi tin rằng nước đái sẽ đuổi xua con ma lạc đường lạc lối chạy đi. Dìu dựa vào nhau, chúng tôi lại tiếp tục cắt rừng băng tới hướng Bắc Đảo.

Đi được một đỗi, chúng tôi phát hiện ra dấu vết bọn biệt kích để lại trên một vạt cỏ trống: Cơm sấy, dấu giầy đinh, than củi còn đang ấm nóng và cả một vóc củ mì luộc dở. Khốn khổ! Tôi bỗng bật cười: Lính mà cũng ăn củ mì ư? Chúng cũng đói khát chẳng khác gì chúng tôi ư? Thì ra làm thằng lính ở bên nào cũng cơ cực cả. Hai thằng vơ đám củ mì, cơm sấy nhét tuốt vô ruột, làm một bụng nước suối thẳng cẳng rồi lần mò đi nữa. Tất nhiên là đi chếch với hướng đi của đám biệt kích để đừng đụng nhau.

Đi vậy được hai ngày. Ngày thứ mười một, chúng tôi đụng một căn nhà ở sát mí rừng. Quan sát thấy nhà nghèo: mái lá, tường đất, không vườn không tược gì hết, nhìn giống một căn chòi trông rẫy hơn là một cái nhà. Chúng tôi quyết định vào bởi lẽ, bằng kinh nghiệm tôi hiểu rằng nhà nghèo bao giờ cũng có người đi Cách mạng hay thân Cách mạng. Bọn giàu sang có khi nào chứa chấp chúng tôi!--PageBreak--

Nhưng mọi lý thuyết không phải bao giờ cũng hoàn toàn đúng, giống như tình cảnh trong chùa bữa trước, nhà có hai chị em thì cậu em vừa nhác thấy chúng tôi đã trốn biệt, còn cô chị, một cô gái gốc Hoa khá đẹp lại tỏ ra hết sức sợ hãi. Thấy thái độ ấy, tôi đành nói thẳng sự thật. Nói chung trong hoàn cảnh trớ trêu cứ nên nói thật, nói dối vòng quanh có khi họ nghi hơn đâm lỡ việc.

- Nếu cô ngại - tôi ôn tồn nói - thì cho anh em tôi xin một bữa cơm rồi đi luôn. Được không?

- Dạ... nhà cháu... không còn gạo ạ!

Tôi lắc đầu với vẻ buồn lòng vì hai nghĩa. Cỡ trạc tuổi nhau mà xưng hô vậy chắc mặt mũi tôi biến dạng qua những năm tháng tù đày và lang thang chục ngày trong rừng dữ lắm; thứ hai: hết gạo thật hay cô ấy nhẫn tâm muốn đuổi chúng tôi đi lẹ chừng nào hay chừng đó cho rảnh nợ?

Có lẽ thoáng bắt gặp nét mặt tội tình chân thật ấy ở tôi, cô gái chợt dịu giọng:

- Hết gạo... nhưng mà còn nồi cá... có nhiều... hai chú ăn đỡ.

Nói rồi, cô gái đi xuống bếp mang nồi cá lên. Cái nắp nồi vừa được mở, cả hai đứa đã muốn nhễu nước miếng: đầy tú hụ trong nồi, mười khúc cá nằm xếp lớp béo ngậy, cái vây cái vi nở phồng lên...

- Hai chú ăn đi... ăn hết đi! Ở đảo chỉ thiếu gạo chứ không thiếu cá.

- Cám ơn!

Chả khách khí gì chúng tôi ngồi xuống chén sạch trơn nồi cá kho nhạt, vừa nhai vừa ước ao giá bây giờ có một chén cơm xen vào thì ăn xong có chết lăn quay ra cũng hả một đời.

Mơ nói nhỏ vô tai tôi:

- Chuồn đi! Coi chừng thằng nhỏ hồi nãy đi báo lính thì chết cả nút.

- Ừ nhỉ! - tôi ngớ ra rồi quay qua cô gái - cô chỉ giúp chúng tôi đường về khu giải phóng được không?

- Khu giải phóng nào cơ ạ?

- Tức là khu có anh em cách mạng ở đó.

- Cháu... cháu không biết. Không biết thiệt mà!

- Lạ kỳ - tôi bỗng nặng giọng, hòn đảo to bao lăm mà hỏi ai cũng không biết cách mạng nằm ở đâu cả. Thôi được rồi, cô không chỉ chúng tôi vẫn cứ đi, nếu chẳng may bị bắn chết thì oan hồn chúng tôi sẽ hiện về bắt tội cô đó.

- Nói vậy tội nghiệp cháu chú ơi! - giọng cô gái đã có nước mắt - chị em cháu mải lo mần ăn còn không đủ sống, công sức đâu đi lường gạt thiên hạ.

Chúng tôi nhìn nhau... Cô gái này nói thật. Nhìn đôi mắt, khuôn mặt kia quyết không thể là người xấu. Tất cả chỉ do kẻ thù ở đây kìm kẹp và lộng hành lắm thì người dân mới bị o ép như đui như điếc thế này.

- Chào cô gái, chúng tôi lại đi mà trong bụng lơ ngơ không biết đi đâu cả.

Đêm thứ mười hai thì chúng tôi đụng một con lộ rộng, nằm áp tai xuống mặt lộ như thấy tiếng xe chạy, cả tiếng máy bay lên xuống nữa. Đây là đâu và con lộ này là con lộ gì? Lúc đó tôi hoàn toàn không hay biết, bụng dạ cứ đinh ninh rằng hai đứa đã đặt chân tới vùng Bắc Đảo. Nhưng Bắc Đảo, nơi hy vọng có căn cứ cách mạng lại lắm ôtô quân sự của chúng chạy rì rì suốt đêm như vậy ư? Chả có lý! Sau này mới biết hai đứa đã nằm ở cách Dương Đông không bao xa. Và con lộ này là con lộ nối liền Hàm Ninh với thị trấn. Còn lúc đó, giữa màn đêm thanh vắng, nằm trên mặt lộ mát lạnh nghe gió xào xạc thổi bốn hướng mà thèm một giấc ngủ xoải chân, xoải tay không lo lắng, không sợ hãi gì hết!

Mơ bảo ban đêm chắc an toàn, hai đứa cứ kéo thẳng đường lộ mà đi, ngán chui rúc rừng rú quá rồi! Tôi gật đầu. Lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày làm thân giun, thân dế, đêm nay hai chiến sỹ giải phóng quân vừa thoát ngục ung dung bước trên mặt lộ như bước trên chính mảnh đất ông cha thoáng đãng của mình.

Thấy một ánh đèn le lói bên đường, chúng tôi rủ nhau ghé vào. Đó là nhà của một ông già người Tàu. Vừa nhìn thấy chúng tôi, ông đã vội đóng ập cổng lại, bỏ đi vào nhà trong, gọi thế nào cũng không ra nữa. Gọi thêm, chỉ có con chó lông đen sủa vang trả lời. Cay đắng! Cay đắng thật tình anh ạ! Lúc đó tôi tan rã cả người trong một suy nghĩ nhức nhối: thân phận thằng lính bỏ thây ngoài trận mạc, tàn tạ trong lao tù để rồi được cái gì? Hay là chỉ đổi lấy cái ập cửa ghẻ lạnh của nhân tình thế thái kiểu này? Buồn quá! Hai thằng cúi đầu lầm lũi bước tiếp.

Gần sáng thấy một mái nhà xiêu vẹo ẩn kín trong lùm cây, hai thằng đạp cửa kêu nữa. Thử đánh canh bạc liều. Nhà này mà cũng ghẻ lạnh thì coi như bỏ luôn, từ nay tốt nhất là chỉ có chui nhủi vô rừng mà tìm. Thật bất ngờ, người mở cửa là một cô gái gầy gầy đêm hôm trước. Thì ra đi đứng ngớ ngẩn thế nào, sau hai đêm lặn lội tưởng đã đi được xa lắm, chúng tôi lại trở lại ngôi nhà này.

Sau khi nghe kể, cô gái chớp mắt một hồi rồi nói với cậu em trai chừng mười bốn, mười lăm tuổi đang ngồi trân mắt nhìn hai ông khách như ở hành tinh khác đến:

- Em dẫn mấy chú xuống hầm, chị nấu cơm. Giờ này để mấy chú đi nữa, đường sá không biết, chắc rơi vô tay mấy ông quốc gia thôi.

Cậu bé gật đầu, dẫn chúng tôi ra vườn... Cơm nước xong, cô gái nói:

- Đêm nay hai anh (chắc cô đã nhận ra tuổi thực của chúng tôi qua khuôn mặt râu ria) cứ ngủ ngon, an toàn không có sao đâu. Sớm mai tôi sẽ dẫn hai anh ra ém ở bìa rừng. Khi nghe tiếng tù và hãy ra. Sẽ có người dẫn hai anh đi.

Cô gái bỏ đi rồi, Mơ lo lắng nhìn tôi.

- Coi chừng ta sa vô bẫy?

- Phải tập tin vào con người đi - tôi nói - mà dù có sa vô bẫy thì đã sao, thằng lính phải chấp nhận mọi hoàn cảnh. Nhưng khỏi lo đi! Nhìn vô mắt cổ, tao thấy tin hoàn toàn. Ngủ đi, mai lấy sức.

Quả thật lòng tin của tôi là có cơ sở. Sớm mai, cô gái gọi chúng tôi dậy sớm, bưng ra một xoong cơm nghi ngút khói với cá kho bắt ăn hết. Tôi bảo nên nắm vài nắm đi đường, cô lắc đầu cười. Ăn xong cô dẫn chúng tôi ra bìa rừng, ngồi khuất mình ở một lùm kín rồi quay trở lại sau khi chúc hai đứa thượng lộ bình an. Nhìn theo cái dáng con gái gầy gầy trẻ trung khuất dần sau vạt lá, tôi chợt thấy một chút bâng khuâng lạ lẫm nhen lên trong con tim tù ngục của mình...

Ngồi được một lát thì vang lên một tiếng tù và ở bìa suối. Hai đứa đi ra. Và thêm một cái bất ngờ: Người thổi tù và kiêm dẫn đường không phải ai khác ngoài cậu bé em đã bỏ trốn khi nhìn thấy chúng tôi đêm hôm trước của cô gái vừa rồi.

Bằng những bước đi thành thạo, chỉ trong vòng hai tiếng, cậu bé đã dẫn chúng tôi đến với cách mạng ngon lành. Người đón chúng tôi đầu tiên là anh Ba Chanh, cán bộ của Huyện đội. Anh nói:

Tối hôm trước, thằng nhỏ này vô báo có hai chú. Tôi kêu nó dẫn ra nhưng tới nơi, hai chú đi mất tiêu rồi. May quá chưa chui đầu vô hàng rào địch. Thôi, xuống suối tắm giặt, lấy quần áo đây mà thay rồi lên ăn cơm. Nghỉ đã, nghỉ ít ngày cho khỏe rồi ta tính. Có muốn ở lại cùng đánh giặc cho vui thì nhận đại một cây súng, hở?

Cả hai chúng tôi trào nước mắt. Thế là trải qua bao ngày cực nhục, hôm nay chúng tôi đã được trở về gia đình cách mạng thân yêu của mình, trở về trong tiếng nói ấm áp yêu thương của những đồng đội như anh Ba Chanh, như chị em cô gái tốt bụng vùng địch hậu.

Chẳng cần suy nghĩ nông sâu, cả hai đứa chúng tôi đều tình nguyện ở lại bổ sung vào lực lượng võ trang của huyện đảo, hoạt động tại đặc khu Hàm Ninh với nhiệm vụ nắm địch và đưa đón anh em mình từ trong ngục tù vượt ra

.
.