Những bông hoa bất tử bị lãng quên

Thứ Hai, 04/07/2016, 23:00
Trong suốt hơn 25 năm làm việc ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nhiều lần chúng tôi đi tìm những số liệu nữ liệt sĩ ở Việt Nam. Chúng tôi đã từng làm công văn gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin số liệu. Nhưng Bộ cũng không cho chúng tôi được chính xác con số nữ liệt sĩ trong số khoảng 1.140.000 liệt sĩ. 


Người được hỏi lạnh lùng hiến kế: “Cách tìm duy nhất là tách từng địa phương, đếm tên phụ nữ rồi cộng lại từ 63 tỉnh thành sẽ ra con số. Tôi kiên nhẫn thực hiện. Nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa có được con số chính xác cho công trình “Những bông hoa bất tử”- viết về những người con gái đã ngã xuống vì Tổ quốc, bởi có chị hy sinh lại mang tên con trai, không có chữ lót “thị”. 

Có gì đảm bảo những cái tên như Lập Quốc, Kim Cương, Hòa Bình, Đình Chiến, Kiên Quyết... không phải là phụ nữ. Cho đến giờ, chiến tranh trôi đi đã hơn 40 năm, con số nữ liệt sĩ cả nước vẫn còn bị bỏ quên. 

Cũng không có con số thống kê số phụ nữ tham gia vũ trang, thanh niên xung phong… Phải chăng trong cuộc chiến tranh nhân dân, cả dân tộc vào trận nên những con số về giới bị bỏ quên?

Bất bình đẳng nam nữ trong chiến tranh

Dù trong lời kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mục tiêu thứ 10 là “Nam nữ bình quyền” và Luận cương chính trị Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) do đồng chí Trần Phú soạn thảo, trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng phản đế và điền địa, có nhiệm vụ thứ 9 là “nam nữ bình quyền” nhưng một thế kỷ đấu tranh cho sự bình đẳng này không kịp xua tan đám mây định kiến xem thường phụ nữ của bốn ngàn năm vương quyền thống trị. 

Đội nữ du kích Củ Chi.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Nhỏ - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn bị chồng đối xử tệ bạc thật đáng suy ngẫm trong bất bình đẳng nam nữ. Mặc dù ông Nguyễn Văn Phát là một Đảng viên hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của tổ chức giao, dù ông đính hôn với bà Nguyễn Thị Nhỏ trong nhà tù qua mấy dòng thơ cảm kích nhưng ông lại là một người chồng nhiều vợ. 

Trong đời sống gia đình, ông vẫn không ít lần dày vò vợ vì ghen với quá khứ mối tình đầu tuyệt đẹp của bà dành cho một chiến sĩ cộng sản đã hy sinh. Khi sinh người con út được 10 tháng, bà lâm bệnh nặng, do di chứng những ngón đòn bị tra tấn trong tù, do nỗi đau giấu trong tim bộc phát. 

Trước khi trút hơi thở cuối cùng (ngày 21-11-1946), bà còn nằm trên giường, ngóng ra bến sông trông chồng trở về nhưng bóng ông biền biệt.

Ngay trong chiến đấu, dù đứng chung chiến hào đánh giặc, phụ nữ cũng bị xem thường. Dù chị nữ du kích Cao Thị Hương ở Củ Chi đã từng có 30 lần bao vây kêu gọi địch, tham gia chống càn 30 trận, từng bắn được máy bay khu trục bằng phát súng bá đỏ nhưng kể lại thành tích chiến đấu, chị cũng không giấu được ngậm ngùi, tâm tư. Tuy cùng tham gia du kích chiến đấu nhưng ngay cả những đồng đội là nam giới vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Dạo ấy, hưởng ứng phong trào vành đai diệt Mỹ, du kích rất hăng hái lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ. Tổ du kích Tân An Hội gồm 3 người (hai nam một nữ). 

Tổ trưởng Năm Thuần không muốn cho chị đi theo vì nghĩ “con nhỏ đó mà bắn cái gì”. Hai anh bỏ chị Hương một khoảng xa. Máy bay đến thả bom. Hai nam giới chúi xuống giao thông hào ẩn nấp. Nhiều đợt ném bom nữa, chị Hương vẫn chạy tới. Lúc dứt bom, hai anh kinh ngạc thấy chị đến vị trí chiến đấu trước, đang đứng gác cây bá đỏ lên trạc trong chiến hào. Hết đợt ném bom, ba máy bay khu trục xuất hiện. 

Tổ trưởng Năm Thuần phân công: “Hai tụi tao là nam nên bắn trước, còn con Hương là gái cho bắn chiếc sau cùng!”. Được phân công, chị rê mũi súng theo từng chiếc cốt cho quen tay. Hai chiếc đầu, hai anh bắn trật hết. Chiếc thứ ba, chị rê cây bá đỏ, nổ súng. Hai anh reo lên: “Chiếc thứ ba, con Hương bắn trúng rồi!”. Niềm vui máy bay rơi khiến chị quên đi phút đắng lòng vì bị phân biệt đối xử trước đó. 

Bà Nguyễn Thị Nhỏ - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn.

Có sự xác nhận của hai du kích, Huyện đội công nhận, tuyên dương: Cao Thị Hương - nữ du kích Củ Chi đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ ở Củ Chi. Từ thành tích này, đầu năm 1966, Cao Thị Hương được rút lên nhập vào Trung đội nữ du kích Củ Chi. Vậy đó, phụ nữ trong chiến tranh không chỉ phải đối mặt với địch mà còn phải chiến đấu với chính định kiến ngay từ những người thân trong gia đình, đồng đội, đồng chí của mình!

Bất bình đẳng nam nữ trong chính sách đền ơn đáp nghĩa

Ngày 13-6-1960, bà Trần Thị Anh chỉ huy cuộc đấu tranh trực diện đòi dân sinh, dân chủ tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre đã ngã xuống, để lại hai đứa con nhỏ dại: Nguyễn Văn Tiến còn đang bú mẹ và con gái lớn là Nguyễn Thị Đấu mới lên 7. 

Mẹ hy sinh, cha lấy vợ khác, hai chị em phải làm thuê mướn kiếm sống. Chị Đấu kể: “Nhiều năm liền tôi chưa biết dầu gội đầu là gì, cứ lấy bùn non mà gội”. Nhìn thấy cảnh mẹ âu yếm con, hai chị em lại rơi nước mắt. Tôi đến thăm nhà anh Tiến ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Đời sống gia đình anh rất khó khăn. 

Trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo, anh Tiến không ngăn được nước mắt khi nhắc đến mẹ. Anh mong có được căn nhà đàng hoàng để thờ người mẹ - một nữ chiến sĩ tóc dài đã ngã xuống trong phong trào đồng khởi.

Đầu tháng 5-2010, anh Nguyễn Văn Tiến - con trai Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Anh, xã Hương Mỹ, Mỏ Cày đã có nhà mới. Ngôi nhà tình nghĩa này do ông Lê Minh Châu (Ba Châu) - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. HCM vận động Công ty Bia Sài Gòn ủng hộ với kinh phí khoảng 40 triệu đồng. 

Nhưng tôi được biết, người chị của anh Tiến là chị Nguyễn Thị Đấu hiện nay sống rất khó khăn. Vì mẹ mất, nhà nghèo, chị lấy chồng sớm, phải làm thuê mướn kiếm sống. Ngôi nhà chị hiện nay xiêu vẹo, nền loang lổ. Chị rất mong được hỗ trợ xây lại ngôi nhà để ở. Nhưng nhiều năm nay, việc vận động xây nhà tình nghĩa cho chị Đấu gặp khó, do con trai bà Anh đã được hỗ trợ xây nhà. 

Cựu nữ du kích Củ Chi Cao Thị Hương, ảnh chụp năm 2013.

Chị Đấu nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Năm 2010, mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Số tiền ấy khoảng 5-6 triệu nhưng chính quyền chỉ trao cho em trai tôi vì nó là con trai, nhận phần thờ cúng mẹ. Mẹ là mẹ chung. Lúc nhỏ, tôi thay mẹ nuôi em nhưng lớn lên, con gái không được quyền lợi gì. Trong đáy lòng, tôi mong em trai gởi cho chút đỉnh. Tôi sẽ dùng số tiền đó mua đôi bông tai làm vật kỷ niệm của mẹ. Nhưng…”. 

Chị bật khóc vì tủi thân. Trường hợp bất bình đẳng trong thụ hưởng chính sách dành cho thân nhân liệt sĩ như chị Đấu tôi gặp không ít. Chính quyền địa phương có cả Hội phụ nữ cũng mặc nhiên xem “con trai thờ cúng mẹ”, được hưởng tiền chính sách là lẽ đương nhiên. Phải chăng tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” vẫn còn lặn sâu vào tiềm thức người thực thi chính sách và pháp luật?

Luật hôn nhân và gia đình mới còn nhiều bất cập

Bộ Luật Hình sự năm 2015 sắp có hiệu lực sẽ cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi ngoại tình, là nỗ lực nhằm bảo vệ từng tế bào gia đình. Nhưng luật pháp chưa chạm đến được nhiều góc khuất số phận phụ nữ sau những cánh cửa riêng tư. 

Luật pháp dường như bất lực trước sự vô trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ. Hàng triệu đứa trẻ bị người thân bỏ rơi (phần lớn là người cha) nhưng không có chế tài xử lý. Nhiều cặp vợ chồng ly hôn, người vợ lầm lũi nuôi con; người chồng không hề quan tâm đến con cái, cắt đứt cả vật chất, tinh thần, trách nhiệm. 

Thi hành án cũng bất lực nếu người cha không chu cấp nuôi con. Chưa có một biện pháp chế tài, nhằm đảm bảo quyền lợi bà mẹ và trẻ em, như chuyển hẳn tiền trợ cấp nuôi con vào tài khoản người nuôi dưỡng đứa bé. Xã hội lên án mạnh mẽ những người mẹ bỏ rơi con cái, sống cho hạnh phúc riêng tư nhưng xem việc người cha bỏ rơi con cái, tìm hạnh phúc khác là chuyện thường tình. 

Sự bất công dành cho phụ nữ ăn sâu vào tâm thức xã hội mà ánh sáng luật pháp chưa chạm tới những ngóc ngách số phận từng con người. Luật pháp còn nhiều bất cập, tạo nhiều kẽ hở từ bất bình đẳng nam nữ tồn tại trong xã hội từng chịu ảnh hưởng hàng ngàn năm của chế độ phong kiến.

Từ những ẩn khuất, tồn tại bất bình đẳng nam nữ trong thực tế, chúng ta thêm hiểu rằng cuộc đấu tranh nam nữ bình quyền còn lâu dài, gian khổ, đòi hỏi nỗ lực bản thân vươn lên của giới phụ nữ và cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc. Văn học nghệ thuật cũng rất cần những tác phẩm có giá trị góp phần vào cuộc đấu tranh bền bỉ này.

Trầm Hương
.
.