Những Mùa Xuân trên đường Trường Sơn
Trước đại lễ mừng 40 năm thống nhất đất nước, tôi lần mở những trang sổ cũ, lòng bỗng bồi hồi nghĩ đến những chặng đường đi tới chiến thắng của dân tộc, nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ đã đi qua….
Trích Nhật ký ngày 1/1/1968:
Ngày đầu năm đi “chiến dịch”.
Buổi chiều, chỉ còn 15 phút nữa là đến giờ ngừng bắn, nhưng chúng thả hai loạt tọa độ liền ở đường 15, quãng giữa phà Long Đại và Lệ Kỳ. Đứng ở Hạt nhìn ra, đụn khói này ùn lên, tiếp đụn khác. Thật may, không có quả nào trúng đường. Một chiếc xe con tranh thủ đi sớm qua đoạn đường đó cũng chỉ bị bùn đất bắn lấm chút thôi.
Đến giờ ngừng bắn, ra ngã ba đường 15, thật đúng là cảnh chiến dịch. Xe dồn tới, rồi phân ra hai ngả - một hướng đi tiếp đường 15 qua phà Long Đại lên đường 10, 16; một hướng rẽ xuống phà Quán Hàu để vào Lệ Thủy, Vĩnh Linh. Người cũng dồn tới, đủ ngành nghề: giao thông, công an, cán bộ một số cơ quan ra chỉ huy K10, cán bộ thương nghiệp, dược phẩm ra đón nhận hàng… Và đông hơn cả, rộn ràng hơn cả là nhân dân quanh vùng gánh củi, bổi ra lấp một con đập để đưa nước vào đồng, chuẩn bị cấy lúa. Củi, bổi đã chặt trước, chất đầy hai bên đường. Người gánh củi đi liền nhau, trông như cả rừng cây di động; khi về, đòn gánh, đòn xóc chong lên như rừng gươm giáo. Một lớp người còn đông hơn nữa, gợi cảm xúc thật khó tả; đó là bà con K10 từ phía trong (hình như là Quảng Trị) đi ra.
Nhiều hơn cả là trẻ con, ông bà già; cũng có một số còn trẻ. Những em nhỏ mang áo ni lông dài gần sát bàn chân, vừa đi vừa chạy; có em đi không kịp, đứng lại khóc, mẹ thì giục, thét gọi. Loại nhỏ hơn nằm trong thúng, bố khiêng. Có những bà mẹ hình như lâu lắm rồi không ra nắng, tay chân trắng ợt. Cảnh người đi vừa gợi lòng thương, vừa làm ta xúc động mạnh trước quyết tâm ghê gớm vì thắng lợi chung của đất nước…
7 giờ 30 tối, phía Long Đại, chớp lửa lòe lên, rồi đạn pháo vút cao từ hai hướng, trông rõ từng viên. Có tiếng máy bay. Cùng lúc đó, phía Quán Hàu, một quả thủy lôi nổ giữa sông, ba mảnh văng đứng, đỏ lừ như 3 viên đạn. Dù vậy, trên đường xuống phà Long Đại, xe vẫn nối nhau, đèn sáng từng dãy, có lúc chiếu ngược lên sáng cả vùng trời…
Trích Nhật ký ngày 30/1/1968: Mồng 2 Tết Mậu Thân.
Lại thêm một cái Tết xa nhà, một cái Tết kháng chiến. Cũng nhiều Tết xa nhà rồi nhưng Tết năm nay ít hương vị Tết hơn cả. Có lẽ vì những quả bom phá nát quanh vùng và cướp mất 2 cô gái trong Văn phòng Ty. Cũng có thể vì khung cảnh anh em trong phòng về Tết, đi chiến dịch, về thăm con trước khi đi K8 nên nhà vắng hẳn. Phần nữa vì trong phòng không có bàn tay phụ nữ giúp chuyện ăn uống. Và cuối cùng vì vật chất quá nghèo nàn: ngày Tết mà chỉ có rau cải với nước mắm!
Đêm cuối năm cũng thức đến giao thừa. Ở trong hầm, anh em đã ngủ cả, chỉ riêng mình thức đợi giao thừa bằng cách viết một bài báo. Gần giao thừa, gọi anh em dậy nghe đài, nghe pháo nổ, nghe Bác Hồ chúc Tết. Bên ngoài, từ các trận địa, đủ các cỡ súng bắn lên chào năm mới .
Tết đến rồi, nhưng chiến dịch còn một ngày nữa mới đến, nên cứ mang một tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Gặp anh Mận, lúc nào cũng thấy anh tính thời gian địch còn hoạt động trước giờ ngừng bắn. Cũng có những tin không vui: Ca nô Quán Hàu bị thủy lôi hư, chết một đồng chí. Thuyền nhân dân xã Đức Trạch tham gia làm cầu-ngầm Lý Hòa cũng bị thủy lôi chết 4 người… Nhưng nói chung là đường thông suốt.
Ở những gia đình có con đi K8 bận rộn suốt ngày và cũng nhiều người khóc suốt ngày. Chị Phùng (nhân viên đánh máy) cho đứa con đầu đi, khóc sưng cả mắt. Chiều ra đi, con đi trước mặc áo len xanh mới đan, một cô tài vụ đi “hộ tống”, mẹ đi sau, tay luôn đưa khăn chùi nước mắt. Cháu Hoa còn nhỏ nhưng rất khôn, thấy mẹ khóc, nó khóc to lên và nói: “Mạ khóc là con không đi nữa. Con về đây!”. Nó nói nhiều lần mẹ lại khóc to hơn; nó quay về thật, chân dẫm, day bừa lên cả luống sắn mới trồng.
Đêm qua, nghe tiếng thơ có bài “Những chuyến ra đi” kể đủ cả, nhưng còn thiếu chuyến ra đi K8 đặc biệt chỉ có ở đây, vào năm 1967-1968 này… Kể cũng thật là đặc biệt, những người mẹ tiễn con đến chỗ an toàn lại khóc nhiều hơn khi tiễn con ra mặt trận!
Gần đến giờ ngừng bắn. Các cháu đi K8 đã lục tục kéo đến. Điện thoại nhiều nơi gọi về Phòng Bảo đảm giao thông. Trời nắng ráo, đường thông, thật đáng phấn khởi. Còn nửa tiếng nữa thì đến giờ G, 2 phản lực đánh vùng Bố Trạch chút ít gọi là, rồi bỏ đi. Chờ chúng nó đánh ác liệt sát giờ G, nhưng không thấy chúng đánh, cũng lạ. Đúng 5 giờ, ta triển khai. Ngoài đường, tiếng còi xe inh ỏi, nhìn sang Cộn người tập trung đông. Phía đường 15, xe cuốn bụi hồng suốt một quãng dài. Gần 6 giờ, 2 chiếc “Con Ma” lượn mấy vòng rồi đánh vùng Xuân Sơn. Những cuộn khói xám xanh cuộn lên rất lâu tan, rồi những loạt rốc két để lại dấu vết trên bầu trời buổi chiều khá đẹp những vệt khói xám ngoằn ngoèo. Một loạt pháo vút lên, rất chụm. Có viên sát hẳn máy bay. Tất cả reo lên nhưng nó không cháy, chỉ thấy nó bay lên cao dần rồi biến mất về phía Lào.
Lúc đó là 6 giờ chiều, nghe đài Hoa Kỳ tuyên bố là không ngừng bắn nữa, liền chạy sang nói với anh Châu, anh Mận (Trưởng Ty) đang ở nhà Bảo đảm giao thông. Anh Mận nghe, mặt thất sắc, kêu lên: “Chết! Nguy rồi!”, và bảo Lệ gọi Ủy ban Tỉnh gấp. Xin bưu điện, bưu điện nói bận, nhưng nghe nói gặp “Thường vụ”, bên bưu điện đành phải cắt mọi cuộc gọi, ưu tiên cho giao thông.
Lúc này thì rõ ràng rồi. Chúng kéo tới đánh ồ ạt. Phía Long Đại, Quán Hàu, từng chùm pháo dày đặc vút lên liền mấy nhịp. Một cái gì như một chiếc máy bay cháy rơi thẳng đứng. Trời chưa tối hẳn, phía ngoài chúng đã rải pháo sáng, rồi phóng rốc két lung tung. Tiếng máy bay rít qua đầu, tiếng đạn bom địch nổ, tiếng pháo cao xạ lục bục trên trời; và dưới mặt đất thì nhốn nháo cả lên. (Ở những chỗ K8 tập trung thì còn nhốn nháo biết chừng nào!). Anh Châu phải đích thân đi gọi các cháu trong cơ quan về. Tưởng được một đêm tự do, thế là lại chui xuống hầm nằm nghe vở dân ca khu 5 “Rừng xà nu” ngủ quên lúc nào không biết.
Chiến dịch nối chiến dịch… Ngừng bắn, rồi lại ném bom để rồi phải vĩnh viễn ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, sau trận “Điện-Biên-Phủ-Trên-Không” Hà Nội, tháng 12/1972. Thật khó mà ghi lại được hết. Nhưng không khí mùa Xuân 1973 cũng khá đặc biệt, hẳn cũng nên “tường thuật” lại. Đây cũng là “chiến dịch” cuối cùng ở dải đất hẹp này trong cuộc chống chiến tranh phá hoại kéo dài suốt hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Xin giữ nguyên những dòng Nhật ký vắn tắt - cũng là cách thể hiện nhịp điệu những ngày chiến dịch đó.
Trích Nhật ký ngày ngày 30/12/1972:
Hàng đàn B.52 Mỹ vẫn ồ ạt đánh Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, vùng công nghiệp miền Bắc… Mỹ muốn tạo “sức ép” buộc chúng ta chấp nhận điều kiện thương thuyết của chúng, chặn con đường đi đến thống nhất Việt Nam. Nhưng những ngày qua, mọi người lại nghĩ về Hà Nội, cũng có nghĩa là nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn và tình cảm cách mạng sôi trào trong mọi người.
Tác giả những ngày ở chiến trường. |
Trích Nhật ký ngày 14/1/1973:
Lại những ngày có tiếng bàn tán to nhỏ về việc ngừng bắn sắp đến. Cả ngày nắng to. Trời trong xanh như mùa hè. Buổi sáng có vài loạt B.52 xa xa. Chiều, những chiếc phản lực trinh sát lượn vật vờ rất cao. Đêm trăng sáng, vắng tiếng phản lực. Chỉ nghe một vài loạt B.52 rất xa.
- Những bức điện từ Trung ương liên tiếp đánh về Tỉnh và rồi chuyền lan xuống. Cán bộ đi họp, chờ Trưởng Ty đi họp ở Tỉnh 1 giờ sáng mới về.
- Ở Mỹ thì Ních-xơn cũng họp với Kít-xinh-gơ lúc 2 giờ sáng. Anh Nguyễn Đình Chí cho biết sẽ lấp cầu Dài. Mấy hôm nay nghe tiếng nổ phía Đồng Hới. Đó là tiếng mìn phá thành cổ lấy gạch lấp sông.
- Hai đêm trước, phản lực rải bom bi rất cao. Tiếng bom-bi-con xoay trong không trung kêu vo vo như tiếng xe chỉ. Làng Đức Ninh vốn an toàn đã có những người ngã xuống. Nếu đúng là ngày 15 chúng nó ngừng, thì đó là những người ngã xuống cuối cùng của một đợt chiến đấu quyết định.
Trích Nhật ký Ngày 16/1/1973:
Ngày đầu tiên kể từ tháng 4/1972, Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Cả ngày 15 chờ đợi với sự “lạc quan thận trọng”, đúng như một số bình luận gia thế giới nhận xét. Ngày 15, sáng sương mù dày đặc; chưa tan đã lại nghe tiếng phản lực lao thấp, rồi tiếng bom B.52 xa xa. Đã có người thoáng thất vọng, e rằng lịch sử sẽ lặp lại. Trời lại nắng và đêm 12 âm lịch trăng rất sáng. Buổi chiều, đường qua Cộn đã đông nghịt. Một số thanh niên thị xã được huy động, vai vác súng, gánh củi tập trung chuẩn bị đi phục vụ chiến dịch.
Một sự chờ đợi căng thẳng ở Bộ chỉ huy. Tối, đài Mỹ và Anh vẫn chưa đưa tin về việc sẽ có ngừng bắn.
Lại chui xuống hầm ngủ.
Hơn 3 giờ sáng, chợt nghe tiếng súng trường, súng máy nổ ran xa gần, mỗi lúc một nhiều. Không hiểu sao lại nghĩ đến khả năng chúng nó bất thần đổ bộ! Nhưng sau đoán là đồng bào được tin ngừng bắn, nổ “pháo” chào mừng.
Ra khỏi hầm, không kịp mặc quần dài, chạy xuống phòng trực điện đài. Từ xa, đã thấy ánh đèn tỏa sáng. Cậu Quang, trực điện đài bảo: 12 giờ đêm, anh Lại Văn Ly (Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Bảo đảm giao thông Quảng Bình) đã điện sang giờ N. từ 0 giờ ngày 16/1. Và từ đó, ngọn đèn không bị chụp phòng không che khuất nữa!
Súng nổ càng nhiều. Và ánh lửa sáng từng vùng trời như những ngọn pha lớn chiếu lên. Người lớn và trẻ con đều lấy thuốc súng đốt. Lâu rồi, ánh lửa bị ém lại, thèm khát được bốc cao, tỏa sáng.
Tiếng người xôn xao. Tiếng loa truyền thanh. Không ai còn có thể nằm yên được nữa! Một cậu nhảy ra khỏi hầm hô “một - hai” tập thể dục và đọc to câu thơ: “Đường ta rộng thênh thang tám thước…”.
Trích Nhật ký ngày 18/1/1973:
Đêm nhìn xe đi từng đoàn, đèn pha sáng trưng di động từ phía Bắc vào, tưởng như một thành phố đang trôi vào.
Trong những đoàn xe đó, có cả đoàn xe của các Bộ, thấy ghi rõ: “Bộ Cơ khí và luyện kim”…
Trích Nhật ký ngày 23/1/1973:
Cảng Gianh. Trước đây, thấy sức người nổi lên. Những chiếc thuyền chuyển tải chèo tay. Những đôi vai khuân vác. Nay tàu xe đậu kín. Những cần trục quay. Ngày nào, thấy chiếc thuyền 5 tấn đã cho là to, nay tàu 50 tấn cũng thấy nhỏ…
Trích Nhật ký ngày 24/1/1973:
Đồng Hới. Thành vẫn tiếp tục bị phá. Gạch lâu ngày vẫn cứng và hồng, mặc dù rêu phủ kín bên ngoài. Mìn nổ, những cột khói màu hồng. Chưa xong cầu Dài (lấp sông bằng gạch như dự tính), xe đi cầu phao. Những chiếc xe “ba-cầu” đi, phao bị nhấn chìm uốn cong thành đường “sin”, hay là hình sóng…
Trích Nhật ký ngày 22/2/1973:
…Ngày 22/2, cầu phao bắc qua sông Gianh với hơn 200 cái phao, dài hơn 500 mét. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh 559 cắt băng. Có đồng chí Nguyễn Tư Thoan dự. 4000 năm lịch sử, sông Gianh mới được nối liền. Lúc thông xe, nghe nói có nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà văn Nguyễn Tuân.
- Trong tỉnh, có một vùng nghe nói vui như… Hà Nội. Đó là vùng quanh xã Hiền Ninh – đối diện với làng quê vợ mình - nơi Đoàn 559 sắp duyệt binh và tổng kết 13 năm xây dựng ...
Còn hơn hai năm nữa, đất nước mới được thống nhất, nhưng những “Mùa Xuân chiến dịch” trên các nẻo đường ra mặt trận kể trên đã chuẩn bị vật chất, đã đặt những viên đá chắc chắn lát trên con đường đi tới Mùa Xuân đại thắng năm 1975 của dân tộc ta…
(*) Lúc ấy, chưa ai nghĩ đến công việc bảo vệ các di tích lịch sử; cũng vì chưa chắc chắn đất nước sẽ được hòa bình lâu dài.