Nhóm tác giả M6 và đêm nhạc:"Hà Nội CIAO Jerusalem"- Thông điệp tình bạn của những người bạn

Thứ Tư, 28/01/2009, 11:00

"Hà Nội Ciao Jerusalem" là đêm diễn của M6 và những người bạn, được tổ chức bởi những người bạn ở Hội Sinh viên ĐHQGHN, được tài trợ bởi Công ty Tinh Vân của những người bạn, dành cho những người bạn, và thông điệp của chúng tôi là tình bạn - thủ lĩnh Ngô Tự Lập bắt đầu như thế khi nói về đêm trình diễn của nhóm tác giả M6 và nhạc sĩ Nati Brooks, một người bạn Do Thái, đêm 11/1/ 2009. Anh đã nói đúng. "Hà Nội Ciao Jerusalem” tràn ngập không khí thân thiện.

Trước hết, đó là một đêm nhạc đặc sắc đúng nghĩa. Chính sự ngẫu hứng trong sự trình diễn, trong cách trang trí sân mạnh mẽ và cả cách dẫn chương trình thân thiện của Quỳnh Hoa, khiến các nghệ sĩ và khán giả trở nên không còn khoảng cách.

Một khán giả đã nhận xét: "Tôi sẵn sàng ngồi tiếp nếu M6 còn diễn. 2 giờ đồng hồ là hơi ngắn. Nhưng có thể nói, rất ấn tượng và cảm động". Nhiều khán giả người nước ngoài rất thích thú. Trong số những người chạy lên sân khấu tặng hoa có Đại sứ Panama, Đại sứ Israel và một số nhà ngoại giao khác.

M6 là cái tên mới xuất hiện hơn một năm nay. Với một số người cái tên này vẫn chưa quen (dễ nhầm với tên một loại ô tô) nên cũng cần giải thích. M6 là một nhóm 6 tác giả sáng tác nhạc và ca khúc. Sáu người đàn ông này tình cờ gặp nhau và gắn bó với dự án mỗi năm sẽ đóng góp một album chất lượng. Tên chung thì mới, nhưng thành viên đều là những tên tuổi đã không còn lạ lẫm. Đặc điểm chung của M6 là đa năng.

Đó là Nguyễn Lê Tâm, một họa sĩ từng làm thơ, viết truyện ngắn, nhưng được biết nhiều với tư cách người sáng lập và thủ lĩnh của ban nhạc "Đồng hồ báo thức" khá đình đám cuối thập niên 1990, anh đang phụ trách phần mỹ thuật của Báo Công an nhân dân. Đó là Nguyễn Vĩnh Tiến, tay kiến trúc sư đa tài, có tiếng với thơ ca và truyện ngắn trước khi nổi tiếng cùng ca khúc "Bà tôi". Đó là Trần Đức Minh, tay guitare hào hoa từng phối khí hàng ngàn ca khúc. Anh đã đoạt giải thưởng phối khí hiệu quả của chương trình "Bài hát Việt",  nhưng lại có thú làm thơ và vẽ tranh khi rời giá nhạc. Đó là Nguyễn Tuấn, người Hải Phòng, từng có một tuổi thơ lưu lạc tận Hồng Kông, nơi anh tập viết truyện, thơ và vẽ trước khi học guitare từ một người bạn khiếm thị tên Khánh. Năm 15 tuổi, Tuấn cùng gia đình trở về Việt Nam sống bằng nghề thợ mộc. Tự nhiên người ta lại thấy Tuấn viết bài hát, mà viết nhiều. Đó là Ngô Hồng Quang, giảng viên đàn Nhị của Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Quang không chỉ thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc mà còn sở hữu một giọng hát giàu tình cảm. Người rất khó định nghĩa nhất chính là Ngô Tự Lập, bởi tay thủ lĩnh M6 này từng là thuyền trưởng hải quân, nhưng được biết đến nhiều với tư cách một nhà văn, nhà thơ và dịch giả với hơn 20 cuốn sách đã xuất bản, nhưng cũng là một giảng viên đại học và một nhà nghiên cứu. Cuối 2008, anh vừa ra mắt độc giả 3 cuốn sách mới, chưa kể tập truyện ngắn tái bản lần thứ tư.

Sáu thành viên của nhóm là sáu người bạn. Nguyễn Lê Tâm và Ngô Tự Lập gặp nhau khoảng 20 năm về trước trong một cuộc hội thảo văn chương. Lập rủ Tâm làm tờ "Con thoi thị trường", có lẽ là tờ báo chuyên quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam. Thế là tự nhiên Tâm bị "trói" vào nghề báo cho đến nay. Nguyễn Lê Tâm và  Trần Đức Minh cũng thân nhau từ hai chục năm nay. Minh là em trai người bạn đồng môn của Tâm. "Tôi và anh Tâm từng đánh trong một ban nhạc, đã ra tận các đảo đèn ngoài Vịnh Bắc Bộ biểu diễn. "Thú thật, tôi có giai đoạn chịu nhiều ảnh hưởng nhạc của anh Tâm" - Minh nói.

Ngô Tự Lập và Nguyễn Vĩnh Tiến gặp nhau từ văn chương. 1991, cả hai cùng ẵm giải thưởng truyện ngắn "Tác phẩm tuổi xanh". "Ngô Tự Lập với tôi là người thầy về nhiều mặt" - Tiến nói. Còn Ngô Tự Lập nhớ lại: "Chúng tôi cùng tuổi hổ nhưng Tiến kém tôi một giáp. Có thời, tôi và Tiến như hình với bóng. Ngay cả khi tôi đã có vợ, nhiều đêm cứ đến 3 giờ sáng lại nghe Tiến đập cửa: Anh Lập ơi, em vừa làm xong 8 bài thơ mới, anh góp ý cho em với. Bây giờ con hổ ấy đã gầm vang rồi!". Không chỉ với Lập, Tiến cũng hay chia sẻ với Tâm những "đứa con" của mình. Có lần Tiến tặng Tâm một tập trường ca viết liền 3 ngày đêm. Tiến bảo: Sau khi đánh dấu chấm cuối cùng của tập này, em thấy mình rỗng hết cả người, anh Tâm ạ"

Việc Nguyễn Lê Tâm gặp Nguyễn Tuấn là một sự kiện quan trọng đối với sự ra đời của nhóm. Một người bạn Tâm nhờ Tâm nghe hộ ca khúc của Tuấn : "Anh Tâm nghe thử rồi cho nó một lời khuyên cho nó tỉnh ra. Cứ tự huyễn hoặc chỉ tổ khổ vợ con". Nhưng những gì Tuấn thể hiện lại làm cho Tâm mấy cái "giật mình". Nguyễn Lê Tâm nhớ lại: "Mới nghe được nửa bài, tôi đã nổi da gà. Sau khi hết bài thứ hai, tôi bảo Tuấn: Cứ viết như em nghĩ, đừng có nghe ai "xui dại", em chắc chắn sẽ thành một tác giả có cựa!". Từ đó, trong những lần anh em tụ tập ở quán Tứ Hải, Tuấn bao giờ cũng là nguồn cảm hứng với bạn bè. Anh sáng tác ào ạt, có ngày hai ba bài, với hòa thanh quái đản, ca từ mẫn cảm. Tiếp đó, cứ tầm 2 tháng một lần, Tuấn lại gửi lên cho Tâm một CD với hơn 10 ca khúc mới do anh tự thu, tự hát bè và chơi tất cả các bè guitare trong đó.

Em út Ngô Hồng Quang vào nhóm M6  tự nhiên hơn cả. Quang hát thành công nhiều ca khúc của nhóm trước khi trở thành thành viên. Hát ngọt, đàn hay, phong nhã, lại "phòng không nhà trống" nên Quang được chị em săn sóc nhiệt tình. Lập bông đùa: "Quang góp mặt khiến chúng tôi có lẽ phải đổi tên là M6+ (M6 cộng). Bởi lẽ nhóm còn được cộng thêm những fans và bạn nữ của Quang, trong đó có những nữ ca sĩ và nữ nhà báo". Chính nhờ Quang mà M6 có những thành viên danh dự như ca sĩ Mai Trang, Nguyễn Thị Minh Chuyên, Tân Phương và nhà báo Quỳnh Hương.    

Bạn mới Nati Brooks cũng là tay không vừa. Tốc độ sáng tác của Nati người thần kinh vững cũng phải chóng mặt: hiện anh đã sáng tác được khoảng trên 1.500 ca khúc! Anh bảo: Bây giờ không muốn đếm nữa rồi. Hiện nay, Nati thường chơi nhạc rock trong một ban nhạc tại Hà Nội. Từng phục vụ trong quân đội từ 1992 đến 1996 với quân hàm đại uý, tốt nghiệp Học viện Khoa học và Công nghệ Technion với bằng Cử nhân Khoa học máy tính.

Ngô Tự Lập kể lại: "Tôi gặp Nati một cách tình cờ khi đến dự cuộc trò chuyện của một nhà văn Do Thái. Nati bảo anh từng ở trong quân đội. Tôi nói, tôi từng ở Hải quân. Nati bảo anh từng là đại úy. Tôi nói, tôi từng là thiếu tá. Nati bảo anh sinh năm 1974, tuổi con hổ. Tôi nói, tôi sinh năm 1962, cũng con hổ như Nati. Nati bảo anh từng làm nhiều nghề, nhưng thích nhất là làm nhạc. Tôi nói tôi cũng từng làm nhiều nghề, và cũng thích nhất là làm nhạc. Nati hứng chí hỏi tôi có muốn  nghe nhạc của anh không. Tôi gật đầu. Nati rút ra ngay một đĩa CD tặng. Tôi cũng hào hứng hỏi một câu tương tự. Nati nói: Sẵn sàng. Tôi cũng tặng anh một CD những bài hát của tôi mới thu. Thế là thành bạn bè. Nati chơi guitare "hầm hố" và có giọng hát vút cao kiểu rock. Vậy tại sao M6 và Nati không làm chung một đêm nhạc nhỉ".

M6 không tất nhiên không cùng xu hướng âm nhạc. Vì nếu cùng thì chỉ gọi là M1 mà thôi.  Sáu người sáu kiểu. Thế mới ra chuyện. Các tác phẩm khác hẳn nhau về phong cách, nhưng hợp nhau bởi sự mới mẻ về ngôn ngữ âm nhạc. "Ngủ trong lòng mùa đông" của Trần Đức Minh (Nguyễn Lê Tâm hát) là một bản tình ca với âm hưởng mênh mang vô định. "Hà Nội hiphop" của Ngô Tự Lập (Mai Trang hát) là một bức tranh Hà Nội đương đại thô nhám với âm hưởng jazz xáo động mà quá khứ vẫn ẩn hiện. "Đêm cuối cùng của mùa đông" của Ngô Hồng Quang (do tác giả tự thể hiện), viết cho phim "Ma làng" là một giai điệu da diết nỗi buồn về những miền quê cực nhọc. "Tiếng gáy thời gian" của Nguyễn Tuấn (tác giả tự thể hiện) có vẻ đẹp vạm vỡ và bất ngờ về một đối tượng khác thường, một con gà trống tưởng như không còn gì để nói, nhưng với Tuấn, nó không chỉ gắn liền với vấn đề xã hội H5N1 mà dường như nó gắn với thân phận mỗi con người. "Tiếng Việt" của Nguyễn Lê Tâm (tác giả và Ngô Hồng Quang thể hiện) trong vắt với chất liệu dân ca được xử lý nhuần nhuyễn nâng cánh cho những vần thơ tuyệt vời của nhà thơ Lưu Quang Vũ khiến ta thêm yêu và tự hào về đất nước. "Bà tôi" lần này được không dừng ở chất dân gian đương đại mà Nguyễn Vĩnh Tiến trình bày bằng phong cách rock làm cho người nghe hơi "sốc". Anh còn viết và hát tặng vợ mình một bài hát khi vợ anh vừa sinh cho anh một cậu bé trai kháu khỉnh trước đêm diễn 20 ngày.      

Nhưng một điểm đáng nói khác ở M6 là vẻ đẹp của ca từ. Ca từ M6 là những bài thơ thực thụ. Có thể nói không quá cường điệu rằng tất cả sáu thành viên đều là nhà thơ. Thái độ lao động nghiêm cẩn được bộc lộ qua từng ca từ. Có thể một phần chất lượng đó có được từ những "hội thảo " của nhóm.

Phần tác phẩm Do Thái bao gồm bài hát "Bay về Jerusalem" (Nhạc: Nati Brooks, lời:  Ngô Tự Lập) và năm ca khúc của các tác giả Do Thái khác. "Bay về Jerusalem" là bài hát đầu tiên anh cộng tác với Ngô Tự Lập và nhóm M6. Tất cả đều có chủ đề là tình yêu, tình bạn và hòa bình. Nati thực sự khiến người nghe hứng thú khi anh gảy nguyệt cầm và cùng với các nghệ sĩ Việt Nam chơi bản không lời "Đi săn", của Ngô Hồng Quang.

Chẳng cần phải là chuyên gia để có thể cảm nhận tâm huyết và mồ hôi mà để hoàn thành chương trình này. Trần Đức Minh là người phối khí toàn bộ chương trình và anh còn viết riêng cho đêm diễn một bản nhạc không lời: "Hà Nội ciao Jerusalem". Tất cả được vamh lên nhờ tâm huyết của một ban nhạc bạn bè: Hà Huy, một tay trống có hạng, Phan Kiên, tay guitare bass của những đêm jazz, Một người bạn của M6 là Minh "đàn môi". Anh đã khá quen thuộc với khán giả trong và ngoài nước với cây đàn môi huyền bí. Trọng Nghĩa, Hoàng Linh đàn phím điện tử.

Tiết lộ ngoài lề, Hoàng Linh là chiến hữu của Nguyễn Lê Tâm từ thời "chinh chiến" của ban nhạc "Đồng hồ báo thức". Không chỉ thế, Linh và Tâm còn chung một đội bóng đá "phủi" (gôn tôm đường phố). Tâm đá giữa. Linh tiền đạo. Nói vậy chứ chơi gôn tôm thì mệt lại về hậu vệ thôi. Thế nên thi thoảng cũng đá phản lưới nhà.

Cao trào của đêm biểu diễn là, khi tất cả các nghệ sĩ xuất hiện trong những chiếc áo in cờ đỏ sao vàng hát bài hát cổ vũ bóng đá "Triệu người cùng ta" của Nguyễn Lê Tâm. Nati lĩnh xướng bằng tiếng Việt khá rực lửa và khá sõi: "Màu áo trên vai là hai tiếng Việt Nam. Bàn thắng ta ghi từ tài năng tuyệt vời, nào bạn ơi hãy căng sức lên, triệu người đang cùng ta tiến công  giành vinh quang cho quê nhà Việt Nam… Việt Nam

Tất nhiên, "yểm trợ cho Nati có cả nhóm M6 và tiếng hô "Việt Nam" rầm rộ của khán giả, Bài hát "Shalom" với giai điệu rộn rã được M6 cùng Nati hát bằng tiếng Do Thái với nội dung hy vọng vào một ngày mai thanh bình tạo được ấn tượng đẹp không biên giới cuối đêm diễn

P.V
.
.