Nhát búa đầu tiên giáng vào bức tường Berlin

Thứ Năm, 14/11/2019, 07:57
Tròn 30 năm, bức tường Berlin - biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã sập xuống. Đó là một kết cục tất yếu, sau cả những vận động địa chính trị quốc tế lẫn khát vọng thống nhất bị dồn nén của dân tộc Đức.

Song, cũng có thể, sự kiện đó đã không diễn ra theo cách bất ngờ, dữ dội và đầy thảng thốt đến vậy. Bởi vì, như hé lộ của chính người trong cuộc: Cựu Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHDC Đức - Egon Krenz, trong đêm ngày 9 rạng sáng 10-11-1989 đó, rõ ràng có sự hiện hữu của định mệnh.

Mảnh giấy vô tình

Mọi thứ ập đến như một cơn lốc, điều thể hiện ngay ở những dòng hồi tưởng đầy trăn trở của Egon Krenz, trong cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989 (Herbst 89).

Ba ngày trước đó, Dự thảo Luật đi lại mới (Reisegesetz) đã được đưa ra, nhưng phải nhận lại những làn sóng phản đối gay gắt. Tình thế đòi hỏi những thay đổi bắt buộc, đặc biệt là về quy chế "Xuất ngoại để thăm viếng thân nhân" đã được Bộ Chính trị SED thông qua và chuyển tới Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp vẫn phản biện bằng những ý kiến trái chiều, và những quy định mới này vẫn đang chờ đợi được định đoạt.

Có điều, một phiên bản của dự thảo lại được Egon Krenz trao cho Ủy viên Bộ Chính trị Guenter Schabowski - người vì một vài lý do cá nhân đã vắng mặt trong các cuộc họp quan trọng trước đó. Có nghĩa là, Schabowski không nắm được đầy đủ diễn biến của tình hình. Thế nhưng, ông vẫn được giao nhiệm vụ chủ trì một cuộc họp báo, nhằm công bố kết quả lần họp gần nhất của Ban Chấp hành Trung ương đảng SED.

Và hỗn loạn chính thức bắt đầu từ đó.

Bức tường Berlin trong giông bão mùa thu 1989.

Cuối cuộc họp báo, Schabowski thấy một mảnh giấy kẹp trong phiên bản dự thảo đệ trình Hội đồng Bộ trưởng. Ông nghĩ rằng đó là một thông điệp cần lưu ý, và cứ thế đọc to: "Có thể làm đơn xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần có điều kiện như lý do xuất ngoại hay quan hệ họ hàng. Giấy phép sẽ được cấp trong thời hạn ngắn. Các ban phòng có thẩm quyền về hộ chiếu và khai báo cư trú của các cơ quan Công an nhân dân cấp huyện trong nước CHDC Đức có thể nhanh chóng cấp giấy thông hành ra nước ngoài thường xuyên theo như chỉ thị. Có thể liên tục ra nước ngoài tại tất cả các cửa khẩu biên giới giữa nước CHDC Đức và Cộng hòa Liên bang Đức".

Không để lỡ một giây, Peter Brinkmann, phóng viên thường trú của tờ Die Bild (của Tây Đức) tại Đông Đức, hỏi: "Khi nào, thưa ngài? Ngay lập tức ư?". Lục lọi sơ qua đống giấy tờ, Schabowski trả lời: "Theo tôi biết thì đúng vậy". Thông điệp mang tính gợi ý trong nội bộ chính quyền CHDC Đức đó xem như đã chính thức được xác nhận. Bởi, cuộc họp báo đang được truyền hình trực tiếp. Và ở ngoài kia, như chỉ còn chờ tia sét ấy, giông bão bắt đầu.

Mọi lực lượng biên phòng, hải quan, an ninh… đều chưa nhận được chỉ đạo gì cụ thể, nhưng đối diện với họ bỗng chốc có đến hàng nghìn người kéo tới, đòi tạo điều kiện nhanh nhất để sang Tây Berlin, theo diện "thăm thân nhân". Đến rạng sáng 10-11, dưới thứ sức ép kinh khủng ấy, đã có những cánh cổng không thể đóng được nữa. Không thể, theo mọi cách hiểu. 

Chính Egon Krenz và các lãnh đạo cấp cao của CHDC Đức cũng đã phải xuống hiện trường, và họ cũng nhận ra rằng không thể làm gì khác. Tất cả đều bị đặt vào một "sự đã rồi". Đến ngày 22-12-1989, mọi cánh cổng đều bật mở. Song, có lẽ, điều đó cũng chẳng còn cần thiết nữa. Từ đêm 9-11, rất nhiều đoạn tường đã bị những người quá khích đập sập rồi.

Egon Krenz và cuốn hồi ký cuộc đời.

Trong cơn gió đổi thay

Song, thực ra, câu chuyện về mảnh giấy trong cặp hồ sơ của Schbowski cũng chỉ là một kiểu "giọt nước tràn ly". Đó là biến cố trực tiếp trên hiện tượng bề mặt dẫn đến việc Bức tường Berlin bị phá hủy (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), nhưng sẽ không ai xem đó là nguyên nhân sâu xa và cốt lõi tạo nên cơn đại hồng thủy đó.

Trong cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989, Egon Krenz không hề né tránh trách nhiệm. Ông - người trở thành Tổng bí thư, lãnh đạo cao nhất của CHDC Đức khi mới 52 tuổi, thay thế Eric Hoenecker - đã không giấu giếm sự giằng xé trong tư tưởng của mình: "Tôi biết tình cảnh của CHDC Đức, nhưng đơn giản là tôi không tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi. Đặt câu hỏi rõ ràng là cần thiết, nhưng trả lời được những câu hỏi ấy còn cần thiết hơn". Và trong thực tế, Egon Krenz cũng đã vật lộn để cố gắng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chung của Chủ nghĩa xã hội.

Những suy nghĩ của ông xuất phát từ lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng (và do đó, có lẽ lại không tương thích với thời cuộc cũng như với tâm lý chung của cả một dân tộc bị chia cắt). 

"Thực tế chính trị" - cụm từ mà ông nhấn mạnh nhiều lần trong cuốn sách của mình - là bất di bất dịch: Là việc nước CHDC Đức đã hiện diện từ những vận động bất khả kháng sau Đệ nhị Thế chiến, trên bản đồ thế giới; là "cho dù có mâu thuẫn và xung đột thì tình đoàn kết giữa các nước XHCN trước sau vẫn là cơ sở quan trọng nhất để tồn tại trước phương Tây. Nếu tình đoàn kết ấy mất đi, CHDC Đức sẽ bị đe dọa” là quan hệ nền tảng giữa các nước khối XHCN, khi đối mặt thế giới tư bản chủ nghĩa.

Nhưng ông không phủ nhận rằng, như một bản báo cáo xã hội học thời điểm đó, "Sức thuyết phục của giá trị, lý tưởng và mục tiêu của CNXH đang bị thử lửa. Tâm lý hoang mang và chán nản lan tràn". Ông dẫn lời nhận xét của một quan chức ngoại giao Liên Xô (giấu tên): ""Perestroika (kế hoạch Cải tổ của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev) đã hủy hoại lòng tin xưa cũ vào các giá trị của CNXH mà không gây dựng được lòng tin mới". 

Ông nhận rõ những mâu thuẫn sâu sắc giữa Gorbachev với Hoenecker. Ông đã đến Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn, và đánh giá rằng: "Nếu Trung Quốc có nội chiến, đó sẽ là thảm họa cho thế giới". Nhưng đến lượt mình, vào đêm 9-11-1989, Egon Krenz không hề ra lệnh vãn hồi trật tự bằng mọi giá.

"Nâng các rào chắn lên, hay sử dụng vũ lực?" vào khoảnh khắc ấy là một lựa chọn tuyệt đối khó khăn cho bất cứ ai. Và Krenz đã chọn vế đầu, với niềm tin rằng: "CNXH hôm nay phải tìm được khuôn mặt thật, khuôn mặt dân chủ của mình, nếu không muốn chịu một thất bại lịch sử. 

CNXH không được phép thất bại, vì nhân loại bị đe dọa trong khi tìm phương thức chung sống cần nhiều lựa chọn bên cạnh xã hội tiêu dùng của phương Tây, mà sự phồn vinh của nó do phần còn lại của thế giới gánh chịu" - điều mà đến giờ dường như lại đang được chính các xã hội phương Tây xác nhận, bằng các cuộc biểu tình. Eric Hoenecker gọi ông là "kẻ đầu hàng", trong khi truyền thông phương Tây vẫn bôi vẽ Krenz thành một dạng độc tài sắt máu.

Một lựa chọn bi kịch, một số phận bi kịch, trong những cơn biến động đầy bi kịch chung của cả một hệ thống lâm vào quỹ đạo suy thoái. Ở giao điểm của quá nhiều xung đột, Krenz không thể làm gì hơn được nữa. Đau đớn gấp bội, năm 1990, ông bị khai trừ khỏi SED. 

Song, trong cuốn hồi ký, ông vẫn xác nhận: "Chừng nào còn sống, tôi còn phải chịu đựng câu hỏi: Vì sao rốt cuộc CHDC Đức thất bại, và trong sự kiện đó tôi chịu trách nhiệm nào? Tôi không hỏi mình như vậy vì ngày xưa tôi sống tốt hơn. Tôi hỏi mình câu ấy vì tôi đã phấn đấu vì CNXH. Không ai có thể chờ đợi tôi ly khai với CNXH. 

Tôi đồng ý, phải phê bình các thiếu sót và khiếm khuyết của chúng ta - vâng, đó là lời tự phê bình đau đớn! - Và tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình. Nhưng tôi sẽ không lăng mạ ai hay việc gì. CHDC Đức là Tổ quốc của tôi!".

Chắc chắn, Krenz hay Schbowski đều không phải là người giáng nhát búa đầu tiên vào bức tường Berlin… 

* Cấu trúc của Bức tường Berlin bao gồm: 41,91 km tường có chiều cao 3,6m; 58,95km tường có chiều cao 3,4m; 68,42km hàng rào bằng kim loại, có chiều cao 2,9m đóng vai trò "vật cản"; 113,85km hàng rào có hệ thống báo động; 161km đường đi có hệ thống chiếu sáng; 86 tháp canh; 31 cơ sở chỉ huy.

* Tại Bức tường Berlin, đến thời gian cuối, có 25 điểm xuất nhập cảnh; trong đó có 13 cửa khẩu cho ô tô; 4 cho tàu hỏa và 8 cửa khẩu đường sông. Phục vụ tại tuyến biên giới giáp Tây Berlin này, CHDC Đức bố trí 11.500 quân nhân và 500 nhân viên dân sự, được trang bị cả thiết giáp, súng cối, súng chống tăng, súng phóng hỏa và xe cơ giới.

Phi Hồ
.
.